ĐÊM VỌNG PHỤC SINH A

St 1,1.26-31a ; Xh 14,15-15,1a ; Ed 36,16-17a.18-28 ; Rm 6,3-11 ; Mt 28,1-10

TIN YÊU CHÚA ĐỂ CHU TOÀN SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 28,1-10

 (1) Sau ngày sa-bát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló dạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. (2) Và kìa, đất rung chuyển dữ dội, Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên. (3) Diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. (4) Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. (5) Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Phần các bà, các bà đừng sợ ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. (6) Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, (7) rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: “Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay”. (8) Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi, nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. (9) Và kìa Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. (10) Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.

2. Ý CHÍNH:

Vào lúc bình minh ngày thứ nhất trong tuần, do lòng mến thôi thúc, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà Ma-ri-a khác đã cùng đi thăm mồ Đức Giê-su. Nơi đây, các bà đã chứng kiến một trận động đất và cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy thiên thần hiện ra. Thiên thần đã trấn an các bà và báo tin Chúa Giê-su đã phục sinh. Thiên thần còn trao cho các bà sứ vụ phải loan tin mừng ấy cho các tông đồ. Các bà vội vã thi hành và sau đó các bà cũng được chính Chúa Phục Sinh hiện ra để củng cố đức tin và trao sứ vụ báo tin cho các tông đồ như sau: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (10).

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Sau ngày Sa-bát: Về thời gian các bà ra thăm mộ Chúa thì có người cho rằng vào lúc chập tối thứ bảy, tức là bắt đầu ngày thứ nhất trong tuần. Nhưng hầu hết các ý kiến đều dựa theo Tin Mừng Lu-ca và Mác-cô để quả quyết rằng: các bà đến thăm mộ vào lúc tảng sáng ngày đầu tuần, tức là lúc mặt trời sắp mọc (x Lc 24,1). + Bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a: Đây là những phụ nữ đã chứng kiến việc an táng Đức Giê-su (x Mt 27,61). Khi ghi lại việc đến mộ này, Mát-thêu nhằm nhấn mạnh các bà như là nhân chứng của mầu nhiệm Phục Sinh, đang khi Mác-cô và Lu-ca lại trình này khía cạnh nhân bản: ra thăm mộ và mang theo dầu thơm để tiếp tục công việc ướp xác Đức Giê-su (x Mc 16,1; Lc 24,1). + Đất rung chuyển dữ dội: Chỉ Tin Mừng Mát-thêu ghi lại chi tiết “đất chuyển mạnh" như câu này và ”màn Đền Thờ bị xé, đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung” xảy ra sau khi Đức Giê-su trút linh hồn trên cây thập giá (x. Mt 27,51-52). Những sự kiện này đều tiên báo cho “Ngày của Đức Chúa” do các Ngôn sứ đã tuyên sấm (x Is 26,19; Ed 37,12; Đn 12,2). + Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên: Tảng đá được lăn ra có thể là do đất động, nhưng được gán cho thiên thần. Việc thiên thần xuất hiện lăn tảng đá và ngồi lên trên, cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa đã chiến thắng mọi dự tính của con người muốn chôn Đức Giê-su và công trình cứu độ của Người trong mồ đá (x Mt 27,66). + Diện mạo Người như ánh chớp và y phục trắng như tuyết: Vẻ sáng láng của diện mạo và y phục trắng như tuyết là đặc điểm của cuộc thần hiện trong Thánh Kinh. Chẳng hạn: Trong sách Đa-ni-en, dung mạo Con Người giống như ánh chớp (x Đn 10,6), áo của Đấng Lão Thành trắng tinh như tuyết (x Đn 7,9), và khi biến hình, dung mạo Đức Giê-su cũng chói lọi như mặt trời, y phục Người trắng tinh như ánh sáng (x Mt 17,2).

- C 4-7: + Thấy người, lính canh khiếp sợ: Sự xuất hiện của thiên thần làm cho lính canh hoảng sợ, vì được tiếp xúc với thế giới thần thiêng, giống như các Tông đồ đã từng khiếp sợ khi thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển đến với các ông giữa đêm khuya (x. Mt 14,26). + Các bà đừng sợ: Thiên thần trấn an các bà. Lính canh phải sợ hãi chứ các bà việc chi phải sợ ! + Các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh: Có sự song đối giữa “Đấng bị đóng đinh” với Tin Mừng “Người đã trỗi dậy”, hầu ứng nghiệm lời Người đã tiên báo là Người sẽ “Qua đau khổ để vào vinh quang” (x. Mt 16,21). + Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm: Các phụ nữ này được mời đến kiểm chứng nơi Đức Giê-su đã nằm để thấy lời thiên thần nói là xác thực. + Rồi mau về nói với môn đệ Người: Các bà được vinh dự nhận trách nhiệm mang sứ điệp Chúa Phục Sinh cho các môn đệ (x Mc 16,7). Ở đây Mát-thêu nhấn mạnh vì là sứ điệp quan trọng, nên các bà phải lập tức thi hành. + Và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông: Thiên thần nhắc lại lời tiên báo của Đức Giê-su về việc Người sẽ từ cõi chết sống lại và cho biết Người hẹn sẽ gặp lại các ông tại xứ Ga-li-lê (x Mt 26,32).

- C 8-10: + Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi, nhưng cũng rất đỗi vui mừng: Các phụ nữ tuy sợ nhưng lại rất phấn khởi, và lập tức thi hành sứ vụ được trao phó. + Chào chị em: Lời chào nói lên niềm vui ơn cứu độ do Chúa Phục Sinh mang lại, giống như lời sứ thần Gáp-ri-en chào khi truyền tin cho Đức Ma-ri-a (x Lc 1,28). + Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân và bái lạy Người: Cử chỉ bái lạy để biểu lộ đức tin trước đó đã được nhiều người thể hiện với Đức Giê-su (x Mt 8,2; 9,18; 14,33). Nhưng ở đây được các bà làm cách trang trọng, kèm theo cử chỉ hôn chân biểu lộ lòng yêu mến kính phục của môn đệ được gặp lại Thầy sau những ngày buồn sầu thất vọng. + Chị em đừng sợ: Đây là lời trấn an của Chúa dành cho các môn đệ đang khiếp sợ khi đối diện với thế giới thần thiêng.

4. HỎI ĐÁP: Chúa PS đã hiện ra bao nhiêu lần với các môn đệ trước khi lên trời ?

ĐÁP:

Về các cuộc hiện ra của Chúa Giê-su Phục Sinh thì các Tin Mừng không thống nhất với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là các tác giả Tin Mừng đều không muốn kể lại toàn bộ các lần Chúa đã hiện ra sau khi từ cõi chết sống lại. Ta chỉ có thể so sánh giữa nhiều đoạn văn của Tân Ước với nhau, để phỏng đoán: trong thời gian bốn mươi ngày trước khi lên trời, Chúa Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần chứ không phải chỉ vài ba lần như đã được kể lại (x Cv 1,8; 13,31; 1 Cr 15,3-8). Riêng Mát-thêu, vì viết theo lối giản lược, nên đã bỏ qua nhiều hoàn cảnh và nhiều chi tiết cụ thể các lần Chúa hiện ra trước đó, mà chỉ muốn nhấn mạnh việc Chúa Phục sinh hiện ra tại Ga-li-lê để chính thức sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng mà thôi (x. Mt 28,16-20).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người” (6b-7).

2. CÂU CHUYỆN: TA LÀ GIÊ-SU ĐÂY !

Ngày kia một người mới chết đã từ trần gian theo con đường hẹp và leo dốc để lên tới Thiên đàng. Khi đến nơi vào buổi trưa thì thấy cửa đang đóng kín, ông ta liền rụt rè gõ cửa ba tiếng: “cok cok cok !”. Từ bên trong có tiếng hỏi vọng ra: “Ai đang gõ cửa đó ?”. Ông liền thưa: “Lạy Chúa. Con đây ạ!”. Tiếng Chúa hỏi tiếp: “Con là ai ? Con hãy về trần gian học cho biết điều kiện để được lên thiên đàng, rồi mới quay lại nơi đây nhé”.

Trở về trần gian, ông ta cố gắng học sống Lời Chúa, ăn chay hãm mình và làm nhiều việc bác ái noi gương Chúa Giê-su. Nhờ đó ông hiểu được điều kiện để được vào thiên đàng là phài thấy Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi để phục vụ như phục vụ chính Chúa, và còn phải mỗi ngày biến hình nên giống Chúa Giê-su trước mặt mọi người.

Sau một thời gian, ông ta trở lại thiên đàng. Lần này khi nghe tiếng hỏi: “ai đó ?”, ông ta liền trả lời răng: “Ta đây, Giê-su đây !”. Ông liền nghe được lời Chúa Giê-su nói với ông: “Nào kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói các người đã cho ăn. Ta khát các ngươi đã cho uống. Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc. Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom. Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25,34-36)… “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40)… Và cửa thiên đàng liền rộng mở đón ông vào hưởng hạnh phúc đời đời.

3. SUY NIỆM:

1) Nghi thức phụng vụ lễ Vọng Phục Sinh:

- Chúa Phục Sinh là Ánh Sáng chiếu soi trong trần gian u tối: Phụng vụ lễ Vọng Phục Sinh hôm nay khởi đầu bằng việc tất cả đèn nến trong nhà thờ đều tắt để tượng trưng loài người sống trong bóng tối tội lỗi và sự chết. Chủ sự đã làm phép lửa mới, thắp sáng cây nến Phục Sinh và sau đó công bố ba lần cho cộng đoàn như sau: Ánh Sáng Chúa Ki-tô”. Cây nến Phục Sinh được chủ sự cầm rước từ cuối nhà thờ lên tới cung thánh cắm vào giá nến. Việc rước nên Phục Sinh ghi nhận sự kiện: Khi ánh sáng phục sinh của Chúa Ki-tô tiến đến đâu, lập tức bóng tối tội lỗi và sự chết liền bị xua tan đến đó. Ánh sáng từ nến phục sinh phải được truyền từ người này sang người bên cạnh. Từ nay Đức Ki-tô Phục Sinh sẽ trở thành Chúa của người sống và kẻ chết. Người sẽ ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Danh Người và đi theo con đường Người đã chọn để theo thánh ý Thiên Chúa là: “Qua đau khổ vào trong vinh quang”.

- Sống trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa: Đêm nay, ngọn lửa Phục Sinh được thắp sáng nhắc các tín hữu chúng ta nhớ rằng: Đức Giê-su được Thiên Chúa sai đến để xua tan bóng tối tội lỗi, sự gian ác và hận thù của ma quỷ... để nhân loại được sông trong ánh sáng tin yêu, vui tươi và hy vọng một “Trời Mới Đất Mới” trong Thiên Chúa (x Kh 21,1-4). Khi được chịu phép rửa tội, là chúng ta được mặc lấy Chúa Ki-tô để thuộc về Người. Cây đèn người tân tòng cầm trên tay tượng trưng cho đức tin phải luôn cháy sáng đức cậy và đức mến trước mặt người đời, để họ nhìn thấy những việc tốt chúng ta làm mà tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta trên trời (x Mt 5,16).

- Đồng hành với Chúa Ki-tô về Đất Hứa Nước Trời: Nếu xưa kia, Đức Chúa đã sai Mô-sê lãnh đạo cuộc Xuất Hành, giải phóng con cháu Gia-cóp khỏi ách nô lệ cho người Ai cập, trở thành dân tộc tự do, thì đêm nay, Đức Kitô là Mô-sê Mới cũng lãnh đạo một cuộc Xuất Hành Mới, giải phóng dân Ít-ra-en Mới là Hội Thánh khỏi ách nô lệ cho ma quỷ, tội lỗi và sự chết, để được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Anh chị em tân tòng sau khi được thanh tẩy trong nước rửa tội, sẽ được mặc chiếc áo trắng tinh và tay cầm cây đèn đức tin cháy sáng đức cậy và đức mến và được xức dầu để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức, hầu trở nên chứng nhân Chúa Ki-tô. Họ sẽ được gia nhập vào cộng đoàn để cùng tham dự bữa tiệc Thánh Thể. Mọi người sẽ cầu nguyện cho các tân tòng được tái sinh làm con Thiên Chúa hôm nay, để họ giữ mãi tấm áo thanh sạch và luôn cháy lửa mến Chúa, hầu chu toàn sứ vụ làm chứng về Chúa Giê-su cho mọi người, nhất là người thân trong gia đình, bạn bè … để mời họ gia nhập vào cộng đoàn Hội Thánh, để cùng đồng hành với Chúa tiến về Đất Hứa Thiên Đàng đời sau.

2) Sống mầu nhiệm Phục Sinh trong cuộc sống hôm nay:

- Đức Giê-su phải phục sinh trong lòng chúng ta: Chúng ta đa mừng nhiều lễ Phục Sinh. Nhưng xem ra cuộc sống đức tin của chúng ta vẫn không mấy thay đổi: Chúng ta vẫn còn nhiều tội lỗi và thói hư ! Tại sao như vậy ? Một trong những nguyên nhân quan trọng là do chúng ta đã mừng lề Phục Sinh chỉ như một biến cố ở ngoài chúng ta. Một nhà tu đức đã nói: “Nếu Chúa Giê-su chỉ sinh ra tại Bê-lem, chỉ sống tại đất nước Do Thái, chỉ chịu chết trên đồi Can-vê, và chỉ phục sinh trong lịch sử cách đây 2000 năm, mà không sinh ra, không sống, không chịu chết và phục sinh ngay trong tâm hồn chúng ta “tại đây và và vào lúc này” (hic et nunc), thì tất cả những biến cố ấy của Người đều hoàn toàn vô ích đối với ta”. Vì thế, điều quan trọng để lễ Phục sinh mang lại ích lợi cho chúng ta, là Người phải phục sinh ngay trong lòng chúng ta. Chúng ta vẫn thường tuyên xưng đức tin về Đức Giê-su đang sống và hiển trị, nhưng trong tâm thức của chúng ta, Người đã chết và được an táng từ lâu rồi. Thỉnh thoảng ta chỉ tưởng nhớ đến Người giống như chúng ta tưởng nhớ ông bà tổ tiên, hay một nhân vật nào đó trong lịch sử.

- Cần đánh thức Ðức Giê-su đang ngủ yên: Cuộc sống đức tin của người tín hữu hôm nay sở dĩ vẫn không tốt hơn mà nhiều khi còn tệ hơn lương dân là do chúng ta đã để Ðức Giê-su ngủ yên quá lâu trong con thuyền linh hồn mình (x. Mt 8,23-27) hay Người vẫn đang nằm yên trong ngôi mộ là tâm trí chúng ta. Thực ra, cũng như xưa Đức Giê-su ngủ trên thuyền các môn đệ trong cơn bão táp là để thử thách đức tin của các ông, thì ngày nay Người cũng đang thử thách đức tin của các tín hữu chúng ta. Chỉ cần chúng ta tin cậy cầu cứu Người, là lập tức Người sẽ trỗi dậy dẹp yên sóng gió và đổ Thần Khí biến đổi chúng ta nên con người mới.

- Phải dành chỗ nhất trong lòng chúng ta cho Chúa Giê-su: Bình thường, chúng ta thường để “cái tôi” ích kỷ, hoặc tiền tài, danh vọng, đam mê lạc thú… chiếm trọn tâm trí của mình, khi lúc nào cũng nghĩ về mình, lo tìm kiếm các điều nói trên... Nếu muốn Ðức Giê-su hiện diện sống động trong chúng ta, thì chúng ta phải dành chỗ nhất trong tâm trí chúng ta cho Người bằng việc năng tham dự các buổi học sống Lời Chúa hằng tuần, đọc Lời Chúa mỗi ngày trong giờ kinh tối gia đình, năng dự lễ và rước lễ sốt sắng... Cần đặt trọn niềm tin yêu vào Chúa Giê-su noi gương thánh Phao-lô: ”Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Ðức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nhờ đó, chúng ta sẽ nhờ Lời Chúa soi dẫn trí khôn và hành động của chúng ta và nhờ Thần Khí của Người biến đổi chúng ta nên con người mới luôn sống bình an, vui tươi hạnh phúc với tha nhân và tích cực loan báo Tin Mừng đến cho mọi người.

4. THẢO LUẬN:

Mỗi tín hữu chúng ta sẽ làm gì để cảm nghiệm mầu nhiệm Chúa Phục Sinh trong cuộc sống đời thường hằng ngày và chu toàn sứ vụ loan báo tin mừng cho tha nhân ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Con chẳng có thể chứng minh được Chúa đã sống lại bằng khoa học thực nghiệm hay bằng khoa khảo cổ học… Nhưng con chỉ chứng minh được mầu nhiệm Chúa Phục Sinh nhờ Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh, nhờ lời của các nhân chứng đã theo dõi cuộc khổ nạn của Chúa, và đã gặp được Chúa nhiều lần sau khi Chúa từ cõi chết sống lại.

- LẠY CHÚA. Xin gia tăng lòng mến trong chúng con. Chính nhờ lòng mến Chúa thôi thúc, chúng con sẽ mau mắn đi tìm Chúa nơi Sách Thánh, trong Thánh lễ và sẽ nhận biết Chúa đang hiện diện trong những người bệnh tật đau khổ, qua các biến cố may rủi xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của con. Nhờ đó, chúng con sẽ được vui tươi phấn khởi và sẽ nhiệt thành loan báo tin mừng Phục Sinh đến cho những người chung quanh chúng con, noi gương bà Ma-ri-a Mác-đa-la và các tông đô xưa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM

 

 

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A