ĐỨC GIÊSU ĐÃ SỐNG LẠI THẬT VÀ CÁC CUỘC
ĐỔI ĐỜI
(Chúa Nhật Phục Sinh)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Câu nói nổi tiếng của thánh Phaolô đã thể
hiện niềm tin tuyệt đối, niềm hy vọng chắc chắn của ngài vào Đức Kitô Phục
Sinh, ngài nói: “... nếu Ðức Kitô đã
không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của
anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14); “Mà
nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh
em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an
nghỉ trong Ðức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức
Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi
người” (1Cr 15,17-19). Đúng thế, nếu cả cuộc đời của
mỗi chúng ta, sự hy sinh dài lâu cho một con người mà chính người đó lại kết
thúc cuộc đời của họ qua cái chết thì quả là một điều vô lý, hão huyền, thua
thiệt và dại dột. Tuy nhiên, Đức Giêsu, Đấng mà các môn đệ tin; nhiều người
Dothái tin; Giáo Hội tin; và chúng ta tin, Ngài đã chết thật, nhưng Ngài cũng
đã sống lại thật.
Như vậy, niềm tin của chúng ta vào Đức
Giêsu quả là khôn ngoan và có cơ sở vững vàng. Vậy tại sao biết
được Đức Giêsu chết thật, và luận cứ gì làm bảo chứng cho niềm tin Ngài đã sống
lại? Việc Ngài chết và đã phục sinh có để lại dấu ấn gì
nơi những người tin hay không?
1.
Đức Giêsu đã chết?
Đức Giêsu đã chết thật. Đây là lời khẳng định rõ ràng qua các
chứng cứ sau:
Cái chết của Ngài là hệ quả của những
phiên tòa do những tác động gây sức ép từ phía dân chúng, khiến những nhà lãnh
đạo tôn giáo Dothái thời bấy giờ kết án tử Đức Giêsu.
Và Đức Giêsu đã bị xử tử theo trình tự như: bị đánh
đòn; vác thập giá; bị đóng đinh với hai tên gian phi trên đỉnh đồi Canvê.
Khi họ đóng đinh xong, Đức Giêsu đã chết
thật, nên quân lính không đánh dập ống chân Ngài nữa, tuy nhiên để cho chắc ăn,
một người lính đã lấy lưỡi đòng đâm cạnh nương long Đức Giêsu, tức thì máu và nước
đã vọt ra cho thấy nhát đâm của người lính này đã đâm trúng tim của Đức Giêsu.
Sau đó, có các môn đệ
thầm lặng của Ngài như Giuse Arimathia đến xin lĩnh xác Đức Giêsu để táng xác. Philatô đã đồng ý, nhưng ông vẫn phải hỏi
lại viên sĩ quan phụ trách thi hành án xem Đức Giêsu
đã chết thật chưa? Khi được trả lời là đã chết thật, Philatô mới cho phép tháo
xác Đức Giêsu xuống để an táng. Và, họ đã an táng Đức Giêsu trong một ngôi mộ mới.
Như vậy, Đức Giêsu đã
chết thật. Không thể không tin vào chuyện này được. Tuy
nhiên, nếu cái chết là điểm đến, là kết cục, thì nó là chuyện vô lý, không có
gì để chúng ta bàn nữa. Nhưng cái chết đã không còn quyền
chi đối với Đức Giêsu khi Ngài đã phục sinh.
2.
Ngôi mộ bị bỏ trống
Trong kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng
Đức Giêsu: “... ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa
Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Ngài đã sống lại và đã ra
khỏi mồ. Vì thế, sự kiện ngôi mồ trống là điều mà mỗi
người chúng ta cần quan tâm.
Tin Mừng cho thấy vừa tảng sáng ngày thứ
nhất trong tuần, các phụ nữ đi ra mồ, khi tới nơi, họ không còn thấy xác Đức
Giêsu trong đó nữa. Các bà thì ngỡ ngàng và không hiểu tại
sao lại như vậy? Phải chăng Ngài đã phục sinh như lời
Ngài đã phán trước? Và thật thế, Thiên Thần đã trấn an
các bà, để các bà khỏi hoảng hốt, khiếp đảm và bỡ ngỡ, Thiên Thần nói: "Phần
các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị
đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi
dậy như Người đã nói. (Mt 28,5-6).
Còn đối với những kẻ chủ mưu giết Đức
Giêsu thì có sẵn những âm mưu từ trước nên đã gán cho sự việc này giả thiết như
sau: có thể các môn đệ của ông ấy đến ăn cắp xác Đức
Giêsu và phao tin Ngài đã sống lại? Và những Thượng Tế, Kỳ Lão
đã cho tiền quân lính để chúng đồng thuận với họ về ý tưởng này.
Tuy nhiên, giả thiết này đưa ra thật
không có bằng chứng và đáng ngờ vì những lý do:
- Thứ nhất, khi những nhà lãnh đạo tôn
giáo thời bấy giờ họ đã nghe biết Đức Giêsu nói là sẽ sống lại, nên họ đã đề
phòng cẩn thận, bởi vì nếu không lường trước sự việc, thì không khéo điều đó diễn
ra thật thì chẳng khác gì như một cú tát, bát nước lạnh tạt vào mặt những kẻ kết
án Đức Giêsu, còn với chính họ, chẳng khác gì tự mình ngửa mặt lên và nhổ nước
miếng...?Vì thế, họ đã đặt một đội lính
canh tinh nhuệ để trông chừng, phòng chống những rủi ro sẽ sảy ra.
- Thứ hai, nếu gán rằng có kẻ thù ăn cắp xác
Đức Giêsu thì lại càng không ổn, vì nếu làm nhưu vậy thì vô hình chung lại là điều kiện tốt cho việc phao tin Đức Giêsu sống
lại. Và tỷ lệ thuận là điều có thể xảy ra đối với những người đã từng cảm phục
Đức Giêsu lúc Ngài còn sống.
- Thứ ba, điều này rất khó xảy ra vì các Tông
đồ phần đông là dân chài lưới, ít học, lại kém tin nữa. Bằng chứng là khi cuộc
thương khó của Đức Giêsu đến, các ông đã bỏ trốn, có kẻ còn trút lại cả quần áo
để miễn sao thoát thân, rồi Phêrô là Tông đồ trưởng nhưng đã vì lo sợ mà trối cả
Thầy mình, rồi sau khi Đức Giêsu chết, họ tụ họp với nhau nhưng cửa đóng then
cài vì sợ người Dothái..., tiếp theo là sự thất vọng được lộ rõ trên khuôn mặt
của hai môn đệ trên đường Emmau. Như vậy, không có lý do gì mà các môn đệ của Đức
Giêsu làm được chuyện này trước một đội lính tinh nhuệ và có bề dày kinh nghiệm...
Như vậy, Đức Giêsu đã
sống lại thật và sự kiện ngôi mồ trống là bằng chứng. Đây là dấu chỉ thứ nhất. Dấu chỉ thứ 2 là những lần hiện ra
với nhiều người, nhiều nơi và cùng lúc, cũng như những người đó lần lượt nhận
ra Ngài với những kỷ niệm và những dấu hiệu mà họ đã biết trước đó.
3.
Những cuộc hiện ra
Điều đáng nói và cũng
là quan trọng nhất, đó là tất cả những diễn biến qua cuộc khổ nạn, chết và sống
lại của Đức Giêsu đều được Kinh Thánh báo trước. Khi thì qua hình ảnh, dấu chỉ, tiên
báo, hay do chính Ngài loan báo với các môn đệ: Thầy “phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng
tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21). Và hôm nay, Ngài đã sống lại, đã hiện ra
cho Maria Mácđala (x. Ga 20, 11- 18); với các phụ nữ đi ra viếng mồ
Ngài (x. Mt 28,9-10; Mc 16,9; Ga 20,11-18); hiện ra với 2 môn đệ trên đường về
Emmau (x. Mc 16,12-13; Lc 24,13-35); hiện ra với các môn đệ khi các ông
đang họp kín, trong đó có Tôma (x. Ga 20,19-29); bên bờ hồ Giênêdarét (Ga 21);
phép lạ đánh cá (x. Ga 21, 1- 14).v.v; và hiện ra tại Galilê, sai các môn đệ đi
rao giảng Tin Mừng (x. Mt 28,16-20; Mc 16: 14 -18; Lc 24: 36 -49; Ga 20: 19
-23; Cv 1:6-8).
Những lần hiện ra, có những nhận thức khác nhau, và việc nhận thức
này được thực hiện theo nhiều mức độ khác nhau:
Nhận ra khuôn mặt Đức Giêsu (x. Ga 20, 20.27); nghe thấy những gì
Ngài nói (x. Ga 20,16); những hành động Ngài làm (x.
Lc 24, 35); hiểu Kinh Thánh (x. Lc 24,27.45)...
Mặt khác, đây chính là sáng kiến từ phía Đức Giêsu: Ngài đến gặp họ
(x. Mt 28,9); Ngài tiến lại gần các môn đệ, đến ở giữa
họ, hiện ra với họ (x. Lc 24,15), đón gặp họ, cùng đi với họ, và, ở lại với họ
(x. Lc 20,14;21,4).
Các bằng chứng đã rõ. Chúng ta không thể không tin được. Chỉ có cố
chấp và trai lì trong ích kỷ, tội lỗi...thì mới không tin mà thôi.
4.
Những cuộc đổi đời
Cuối cùng, như trong phần mở đầu đã đề cập
đến lời tuyên xưng của thánh Phaolô khi nói: “... nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng
tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Cũng vậy, nếu Đức Giêsu đã không sống
lại thì làm sao có những cuộc đổi đời ngay tức khắc như vậy?
Các Tông đồ, là những
người nhát đảm sợ sệt, ấy vậy mà sau biến cố phục sinh của Đức Giêsu, các ông
đã trở nên mạnh dạn khác thường.
Nếu trước kia họ
chỉ là người đi theo Thầy của mình, thì từ ngày Thầy mình phục sinh, các ông đã
trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng bị đóng đinh và đã sống lại để rao giảng
chân lý Tin Mừng.
Nếu trước kia, các ông là những người ít
học, khô khan, kém hiểu biết, thì sau khi Đức Giêsu phục sinh, các ông đã hiên
ngang, hùng hồn, uyên thâm khi rao giảng về Đấng đã bị chính dân mình giết chết.
Nếu việc Đức Giêsu sống lại chỉ là chuyện
bịa đặt thì làm gì các ông lại dại dột mà đi phỉnh lừa người khác, trong khi
mình còn biết bao chuyện phải lo... và các ông cũng đều biết rằng việc các ông
rao giảng về Đức Giêsu, thì đồng nghĩa với việc lãnh nhận sự liên klụy và sẽ có
nguy bị giết chết.
Nhưng không! Các ông
đã không sợ, bởi vì giờ đây, các ông mới hiểu rõ rằng Đức Giêsu là Chúa; là đường,
là sự thật và là sự sống. Nên không có gì tách các ông ra khỏi tình yêu của
Đức Kitô, cho dù là gian truân, thử thách, gươm đao và ngay cả cái chết, bởi vì
mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, nên vì Ngài, các ông đành mất hết để
được tất cả, và đỉnh cao của cái được đó là đồng hiển trị với Ngài trong Vương
Quốc của Ngài.
Rồi trải qua biết bao thế hệ, trên khắp
thế giới, có biết bao nhiêu con người đã bất chấp hiểm nguy, rừng thiêng núi độc,
hiểm trở trăm bề, nhưng vẫn quyết chí lên đường để đi và đến nhằm loan báo Tin
Mừng về một Đức Giêsu đã chết, đã phục sinh hầu cứu chuộc nhân loại..., và nếu
cần thiết, các ngài sẵn sàng lấy mạng mình để minh chứng điều mình tin là thật.
Các thánh tử đạo Việt
Như vậy, không ai và cũng không thể nào
kéo dài cả hơn 2000 năn nay với một câu chuyện, một niềm
tin vô lý được! Và nếu tồn tại đi chăng nữa thì chúng ta là những kẻ ngu dốt nhất trong thiên hạ vì đã tin vào cái xác chết.
Nhưng không! Chúng ta tin vào Đấng đã chết và đã phục sinh, và Đấng ấy có đủ
quyền năng để dẫn đưa những ai cùng chết với Ngài thì cũng sẽ được cùng Ngài sống
lại hiển vinh, vì Ngài đi trước dọn chỗ cho chúng ta.
Lạy Đức Kitô Giêsu Phục Sinh, xin cho
chúng con thêm đức tin và vững lòng trông cậy theo
Chúa đến cùng để được Ngài cho phục sinh vinh hiển. Amen.