CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
Đức tin giữa lòng Giáo Hội
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
20:19-31)
Nếu không xét đến toàn diện bối cảnh, có lẽ chúng ta cũng sẽ
“lên án” Tông đồ Tô-ma là người cứng lòng tin, như Chúa đã trách ông. Lần thứ nhất Chúa hiện ra, ông Tô-ma vắng mặt,
nên khi trở về và nghe kể lại thì ông không tin. Nhưng tám ngày sau, Chúa lại hiện ra và ông
Tô-ma cũng có mặt nên ông đã tin. Sự
khác biệt này đưa chúng ta tới một nhận xét:
chính trong bối cảnh nơi các môn đệ ở, đức tin đã được củng cố, nói khác
đi, giữa lòng Giáo Hội là nơi đức tin của mỗi Ki-tô hữu được thêm vững mạnh.
Sau khi Chúa Giê-su chết trên thập giá, các môn đệ Người rút
lui về một ngôi nhà với “các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người
Do-thái”. Người Do-thái là từ ngữ ám chỉ
các kẻ thù của Chúa Giê-su. Tuy nhiên
cũng chính trong căn nhà này mà đức tin yếu ớt của các môn đệ Chúa đã được hồi
sinh và lớn mạnh. Đó là nhờ Chúa đã hiện
ra, chúc bình an, rồi lại cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Quan trọng hơn nữa là Người đã “thổi hơi” vào
các ông để ban cho các ông được Thánh Thần.
Nói tóm lại, trong căn nhà ấy, có sự hiện của Chúa Phục Sinh, sức mạnh
Chúa Thánh Thần, bình an của Chúa Giê-su và các dấu tích chiến thắng thần chết,
niềm vui của các môn đệ vì được thấy Chúa .
Tất cả những yếu tố này đã tạo nên một môi trường thuận lợi để đức tin Ki-tô
được khôi phục và phát triển.
Vậy mà thật đáng tiếc, ông Tô-ma lại vắng mặt trong bối cảnh
ấy, nên ông có trở nên “cứng lòng tin” thì cũng không lạ gì! Trong khi mọi người được gặp gỡ Chúa Phục
Sinh mà không cần phải đặt tay vào cạnh sườn Chúa hoặc xỏ ngón tay vào lỗ đinh,
nên họ đã tin, thì ông Tô-ma không có diễm phúc ấy. Chúa Phục Sinh trở lại cùng căn nhà ấy tám
ngày sau, và lần này có mặt ông Tô-ma.
Chúa muốn thỏa mãn mọi đòi hỏi của Tô-ma, miễn là ông có lòng tin. Chúa không tự ý đưa tay và cạnh sườn cho ông
xem như lần trước Người đã làm cho các môn đệ.
Nhưng Người mời gọi Tô-ma, dĩ nhiên không phải chỉ “chứng nghiệm” sự sống
lại của Người, mà còn là tin vào Người nữa.
Đáp lại, ông Tô-ma nhận biết Chúa sống lại, hơn thế nữa, ông còn hăng
hái tuyên xưng Người là Chúa và là Thiên Chúa của ông, một đức tin mang chiều
kích hết sức cá nhân. Quả thực, trong
căn nhà các môn đệ ở đầy ắp đức tin ấy, ông Tô-ma không còn “cứng lòng tin” nữa,
nhưng đã trở nên một mẫu gương tuyên xưng đức tin không kém gì lời tuyên xưng của
ông Phê-rô năm xưa (Mát-thêu 16:16)!
Căn nhà giúp nảy sinh, phục hồi và củng cố đức tin vào Chúa
Ki-tô Phục Sinh của những tín hữu tiên khởi khác nào tòa nhà Giáo Hội hôm
nay. Đúng vậy, nếu giữa lòng Giáo Hội
chúng ta đã được tái sinh và hạt giống đức tin nảy mầm thành cây lớn mạnh, thì
cũng chính trong Giáo Hội, đức tin của chúng ta sẽ được phục hồi khi chúng ta vấp
ngã, được củng cố khi chúng ta yếu đuối, được nâng đỡ khi chúng ta gặp khủng hoảng. Giáo Hội là môi trường phát triển đức tin!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Sau khi kể lại câu chuyện bên trong căn nhà đóng kín cửa,
thánh Gio-an đã nhấn mạnh rằng mục đích câu chuyện là “để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên
Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người”. Đoạn Công Vụ Tông Đồ 2:42-47 cho chúng ta một
hình ảnh đẹp của Giáo Hội sơ khai, nơi “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những
người được cứu độ”. Còn thư 1 Phê-rô thì
nói Giáo Hội là nơi Thiên Chúa cho chúng ta được tái sinh và chuẩn bị cho chúng
ta được hưởng gia tài vĩnh cửu trên trời. Trong Giáo Hội ấy, Chúa Phục Sinh không hiện
ra với chúng ta như đã hiện ra với các môn đệ.
Nhưng như lời thánh Phê-rô, “tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến,
tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin”.
Giáo Hội không chỉ là những tòa nhà, những tổ chức, những cơ cấu, nhưng
Giáo Hội còn là môi trường để mỗi người Ki-tô hữu sống và tuyên xưng đức tin,
chung sức với đức tin của Phê-rô, tảng đá trên đó Chúa xây Giáo Hội Người, để
giúp cho đức tin của mọi người vào Chúa Ki-tô Phục Sinh được mỗi ngày một lớn mạnh. Ước gì ngày nào đó, mọi người sẽ cùng với ông
Tô-ma tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con!”
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi