ĐỨc Giêsu là cỬa ràn chiên
(10,1-10 – CN IV PS - A)
1.- Ngữ cảnh
Những biến cố vây quanh Đức Giêsu tại Giêrusalem vào dịp Lễ Lều, bắt đầu từ
ch. 7, lại tiếp tục ở đây. Người đã dạy dỗ và bằng dấu lạ đưa lại ánh sáng cho
anh mù bẩm sinh, nêu rõ rằng Người đã làm trọn ý nghĩa của Lễ Lều, vì Người ban
nước trường sinh và ánh sáng thế gian. Bản văn “Đức Giêsu là cửa và vị Mục tử
nhân lành”, là bài diễn từ cuối cùng của Đức Giêsu trong thời gian hoạt động
công khai; bài này triển khai một đề tài đã được nêu lên ở ch. 9: Đức Giêsu,
chứ không phải là các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, mới là vị Mục tử đích thật, vị
lãnh đạo của Dân Thiên Chúa.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành ba phần:
1)
Ẩn dụ Cửa ràn chiên (10,1-5);
2) Phản ứng của người Do Thái (10,6);
3)
Đức Giêsu giải thích ẩn dụ Cửa ràn chiên (10,7-10).
3.- Vài điểm chú
giải
- ràn chiên (1): Có nhiều loại ràn chiên. Có khi
đó là một mảnh đất vuông bên sườn đồi, có tường đá vây quanh. Ở đây có
lẽ là một mảnh sân phía trước một ngôi nhà, chung quanh có tường
đá.
- gọi tên từng con (2): Các mục tử Paléttina
thường đặt tên cho những con chiên họ yêu quý.
- Chúng sẽ không theo người lạ (5): Điều này
khiến chúng ta có thể nghĩ rằng có nhiều đàn chiên trong một ràn, nên
mỗi mục tử gọi tên các chiên là để tách chúng khỏi các đàn khác.
- ẩn dụ (6): Từ Hy Lạp TM IV dùng là paroimia, được BJ dịch là “discours mystérieux”. TOB dịch là “parabole” và ghi chú: “Là lời huyền bí hoặc
biểu tượng tối tăm, la parabole dưới mắt tác giả Ga là cách mạc khải thuộc về sứ mạng của Đức Giêsu trong thời gian;
ta chỉ có thể thật sự hiểu được mạc khải này trong đức tin, đưới ánh sáng của mạc
khải cuối cùng, khi Đức Giêsu được giương cao và khi Thần Khí được ban tặng”. NAB dịch là “figure of speech”, và chú thích là từ ngữ này tương tự
với “dụ ngôn” của các TMNL. R.E.
Brown dịch là “picture”, còn
Zerwick&Grosvenor dịch là “simile,
hidden saying” và cho rằng
từ này cùng nghĩa với parabolê của TMNL
(x. Hc 47,17). Vậy đây là một sự
so sánh hoặc một dụ ngôn, nhưng nhấn mạnh trên ý nghĩa ẩn giấu. N.
Guillemette dịch là “allégorie”
(ẩn dụ). Trong bài ẩn dụ, phải chuyển các yếu tố khác nhau sang một trật
tự khác các ý tưởng; sự chuyển dịch này được chính ẩn dụ gợi ra. Người ta không
bắt đầu một bài tường thuật hay một bài miêu tả bằng câu “Thật,
tôi bảo thật các ông…”. Ta có ngay ẩn dụ: ràn chiên gợi đến đoàn chiên của Yhwh, đến dân Thiên Chúa; có những mục
tử thật và giả, như Đức Giêsu và các nhà lãnh đạo dân Chúa; và có các con
chiên, đó là các tín hữu đang nghe lời của vị mục tử. Vậy mục tiêu của bài ẩn
dụ là cho thấy sự tách biệt giữa đoàn chiên chân thật và đoàn chiên giả trá.
Xem thêm Ga 15,1-8.
4.- Ý nghĩa của bản
văn
Vào thời ấy, những người chăn chiên không phải là những con người tốt lành,
dịu dàng như chúng ta tưởng tượng ra hôm nay. Trái lại, họ là những người khỏe
mạnh, thô bạo. Họ bị khinh bỉ do cung cách hoang dại. Họ bị coi là ô uế, bất
lương, nên không được làm chứng tại tòa án. Những người chăn chiên Paléttina
quen quy tụ các đàn vật của họ vào chung một ràn vào lúc tối. Một người chăn
bảo vệ, những người khác đi nghỉ. Buổi sáng, khi một mục tử lên tiếng với người
giữ cửa, các chiên của người ấy nhận ra tiếng anh và quy tụ lại bên anh. Đây là
hình ảnh Đức Giêsu dùng trong dụ ngôn của Người.
* Ẩn dụ Cửa ràn chiên (1-5)
Tác giả Ga vẫn tiếp tục mạch tư
tưởng của truyện Anh mù, và tiếp tục triển khai ý chính của bản văn ấy bằng
cách chuyển sang ẩn dụ Cửa ràn chiên.
Cách duy nhất để đến với con chiên, đó là qua cái cửa được người giữ cửa mở
ra. Đây là điểm nhấn mạnh của dụ ngôn. Chính cái cửa xác định ai là kẻ trộm, kẻ
cướp, và ai là mục tử. Ai không qua cửa mà vào, nhưng lại trèo qua lối khác mà
vào, tức là không đến với đàn chiên một cách chính thức, thì kẻ ấy là kẻ
trộm và kẻ cướp. “Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (c. 2).
Đến đây, tương quan mật thiết giữa các con chiên và mục tử được nêu bật.
Dân Ả-rập du cư trong sa mạc cho chúng ta hôm nay một khái niệm về đời
sống của các chi tộc Israel ngày trước: trong xã hội ấy, quan hệ giữa mục tử và
đàn chiên không phải chỉ theo kiểu kinh tế, dựa trên lợi nhuận mà mục tử có thể
rút ra từ các con chiên để nuôi mình và gia đình: xén len, uống sữa, ăn thịt
(nướng), bán bớt chiên khi cần tiền, tức là một tương quan “sở hữu”.
Đúng ra đây là một tương quan hầu như riêng tư giữa mục tử và đàn chiên.
Chiên và người sống ngày qua ngày với nhau tại những nơi hoang vắng, trong thế
“diện đối diện”, không có ai khác ở quanh đó. Cuối cùng, mục tử biết rõ từng
con chiên, và mỗi con chiên phân biệt và nhận ra được tiếng của mục tử mình, vì
anh nói với chúng thường xuyên. Chúng sẽ đi theo anh đến các đồng cỏ.
Thật ra, Đức Giêsu đang mô tả chính cách thức xử sự của Người, để cho thấy
là Người thực hiện tất cả các điều kiện cần thiết về Người Mục tử chân chính
của Israel. Để đến với Đàn Chiên của Thiên Chúa, Người đã dùng con đường thông
thường, bởi vì Người có đến là vì nhận được tiếng gọi và bài sai của Thiên
Chúa, trong biến cố Phép rửa (Ga
1,31-34). Gioan Tẩy Giả đã đóng vai người giữ cửa do bài sai của Thiên Chúa, đã
mở cửa cho Đức Giêsu và đã giới thiệu Người cho toàn dân, đặc biệt cho các môn
đệ ông (1,23-31). Tương quan giữa mục tử và chiên là một trong những
tương quan chặt chẽ nhất mà người ta có thể nhận thấy trong cuộc sống hằng ngày
của một người Israel: chính vì thế, Thiên Chúa đã dùng biểu tượng này để
diễn tả quan hệ của Ngài với Dân tuyển chọn và với toàn thể nhân loại. Một
trong những Thánh vịnh đẹp nhất mô tả sự an toàn mà dân Chúa cảm nhận khi có
Chúa là Mục tử, là Tv 23. Nhưng điều
này cũng có giá trị cho các quan hệ giữa con người với nhau. Do đó, trong Kinh Thánh, danh hiệu mục tử cũng được
ban cho tất cả những ai bắt chước sự ân cần, tận tâm của Thiên Chúa để lo cho
tình trạng an vui của dân mình. Vì vậy, các vua, các tư tế, và nói chung, mọi
vị hữu trách trong dân, cũng được gọi là mục tử.
Trong chiều hướng này, khi một ngôn sứ như Êdêkien nhắc đến các thủ lãnh của dân, ngài đã gọi họ là mục tử.
Tuy nhiên, ngài gọi như thế không phải là để nhắc đến hình ảnh người che chở mà
lẽ ra họ phải nêu ra, nhưng là để nhắc đến tình trạng thực của họ: những thủ
lãnh vô trách nhiệm, thậm chí bất lương, vì đã lợi dụng địa vị của họ để bóc
lột và áp bức. Họ đã tự đặt mình làm thủ lãnh và người hướng dẫn thiêng liêng
của đàn chiên, mà chẳng thông qua Người giữ cửa tối cao, không hề nhận bài sai
từ Thiên Chúa cho sứ mạng đó. Như những tên trộm cướp, họ đã chiếm lấy Dân Chúa
vì ham vinh quang và quyền lực hơn là vì quan tâm đến đời sống thiêng liêng của
Dân (cc. 8.10).
*
Phản ứng của người Do Thái (6)
Phản ứng của các chiên tương tự phản ứng của người mù sơ sinh. Khi nghe Đức
Giêsu, mặc dù bị người Pharisêu ngăn chặn, con người phát xuất từ Dân Chúa đó
đã phân biệt được người mục tử với quân trộm cướp. Các kinh sư và người
Pharisêu bị trách không phải là đã không biết giữ cửa, nhưng đã xử với đàn
chiên như những kẻ trọm, kẻ cướp. Nhưng họ đã không hiểu các lời Đức Giêsu nói.
Do đó, Đức Giêsu đã giải thích các dụ ngôn Cửa ràn chiên và Người mục tử. Họ
không hiểu: đây không phải là một vấn đề trí thức, nhưng là một thái
độ không muốn đáp trả thách đố của các dụ ngôn. Trong các TMNL, thách đố này xoáy vào đề tài Nước Trời; trong TM IV, thách đố này lại tập trung nơi
Đức Giêsu.
* Đức Giêsu giải thích ẩn dụ Cửa ràn chiên (7-10)
Đức Giêsu tuyên bố: “Thật, tôi bảo thật các ông: Chính tôi là cửa cho chiên
ra vào” (c. 7). Người không xác định cửa này phải chăng chỉ dành cho chiên ra
vào, hay là cũng dành cho mục tử ra vào. Nhưng dựa vào câu nói tiếp theo: “Mọi
kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp” (c. 8) và đối chiếu với dụ ngôn trên đây
(10,1-5), ta hiểu là cửa này cũng để cho mục tử ra vào nữa. Như vậy, đã có
những kẻ không qua cửa mà đến với đàn chiên, nhưng đã trèo qua lối khác. Những
người này là ai? Phải chăng là những mêsia giả hiệu thời Đức Giêsu? hay là
chính vị Thầy dạy Đường công chính của Qumran? Tuy nhiên, gần với bản văn nhất,
là chính các người Pharisêu và Xađốc; giọng điệu của Đức Giêsu ở đây cũng rất
gần với Mt 23.
Đến đây, Đức Giêsu lại nhắc lại: “Chính tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì
sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (c. 9). Ở đây Người là cửa
dẫn đến ơn cứu độ, không phải là cửa cho mục tử mà là cửa cho con chiên. Tư
tưởng này rất giống với Ga 14,6 và Tv 119,20.
Trong Ga 4 và 6, chúng ta đã nghe
Đức Giêsu tuyên bố rằng Người là Đấng cung cấp nước hằng sống và bánh ban sự
sống; bây giờ Người ban đồng cỏ đưa lại sự sống, có thể hiểu là sự sống viên
mãn. Món quà đưa lại sự sống này đối lập lại với việc “giết hại và phá hủy (thys¢
kai apoles¢ do động từ apollymi])” của kẻ trộm. Trong bài diễn từ
dịp Lễ Lều (8,44), Đức Giêsu cho biết ma quỷ là kẻ sát nhân; như thế, sự đối
lập giữa kẻ trộm và người mục tử là phản ánh sự đối lập giữa Satan và Đức
Giêsu. Kẻ trộm đến là để “phá hủy” (apollymi); ở 3,16, Đức Giêsu nói
rằng Thiên Chúa ban Con một để bất cứ ai tin vào Người thì “khỏi phải diệt vong
[= khỏi bị phá hủy [apol¢tai, do động từ apollymi]) nhưng được sự
sống đời đời (x. 6,39). Chỉ mình Đức Giêsu có thể đưa các tín hữu đi vào trong
không gian ban sự sống mà Thiên Chúa đã thiết lập, bằng cách giúp họ sinh vào
sự sống nhờ nước và Thánh Thần (3,3-6), và đó chính là ơn cứu độ đích thực
(3,16-17). Các tín hữu đã được cứu có thể “ra vào”: đã được giải thoát khỏi ách
nô lệ tội lỗi và ma quỷ, nhờ Đức Giêsu, họ được hưởng tự do đích thực của các
con cái trong nhà Cha (8,34-44). Nơi Người, họ sẽ tìm được đồng cỏ rất bồi
dưỡng, đó là bánh và nước hằng sống, có khả năng thỏa mãn vĩnh viễn cơn đói
khát thiêng liêng của con người (6,35; 4,14).
Vì dường như cc. 8 và 9-10 là hai cách giải thích Đức Giêsu là cửa (mà c. 8
thì gần với dụ ngôn trên hơn), ta không cần phải nghĩ rằng kẻ trộm và kẻ cướp ở
c. 8 (và c. 1) cũng là các nhân vật của c. 10. Kẻ trộm của c. 10 đến chỉ là để
ăn trộm, giết hại và phá huỷ, thì giống với “kẻ nhân danh mình mà đến” ở 5,43,
tức là một một đại diện tổng quát của bóng tối đối nghịch với
Người Con.
+ Kết luận
Trong lòng Israel cũng như giữa lòng
Họi Thánh, có hai hạng người: những người thực sự thuộc về người mục tử và chỉ
đáp lại tiếng người ấy gọi mà thôi, và những người không đáp lại tiếng mục tử
gọi vì chưa bao giờ thuộc về người ấy.
Đức Giêsu chỉ có một mối bận tâm
duy nhất, đó là làm cho các con chiên sống bằng sự sống của Thiên Chúa, ngày
càng dồi dào phong phú hơn. Người chính là người Mục tử chân thật đã được Thiên
Chúa giao phó đàn chiên cho. Cũng có những mục tử giả hiệu, chỉ tìm giết con
chiên, theo sự thôi thúc của Satan, tên sát nhân. May mắn là các con chiên chân
thật không nghe và đi theo các mục tử giả này, vì chúng không nhận ra lời họ
nói chính là Lời Nói của vị Mục Tử tối cao.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Người Pharisêu cho rằng họ hướng dẫn những người khác nhân danh Thiên Chúa; họ
rất ghen tị về sự tín nhiệm dân chúng dành cho Đức Giêsu, khiến họ bị mất uy
tín thiêng liêng. Vậy giữa họ và Đức Giêsu, có một xung đột về ảnh
hưởng. Qua các lời được bài Tin Mừng hôm nay ghi lại, Đức Giêsu xác định cho họ
biết đâu là ảnh hưởng mà người Pharisêu đang tạo ra trên đàn chiên Israel và
đâu là ảnh hưởng mà chính Người đang tạo ra.
2.
Đức Giêsu là cửa. Người không loại trừ ai khỏi ơn cứu độ, “Người đã đến là để
cho mọi người được sống dồi dào”, kể cả những người Pharisêu đang tìm cách loại
trừ Người. Khi khẳng định như vậy, Người muốn cho biết rằng chỉ mình Người mới
có thể thông ban ơn cứu độ. Người ta không thể đi vào cạnh tranh với Người.
Người là cửa duy nhất đưa đến ơn cứu độ mà tất cả phải chấp nhận đi qua, không
ai được miễn chuẩn, dù là những người có một uy quyền hay một thẩm
quyền thiêng liêng trong cộng đoàn tín hữu.
3.
Xét lại lối sống của chúng ta hôm nay, chúng ta có yên tâm rằng chúng ta đang
đi theo Đức Giêsu, vị Mục Tử duy nhất? Và những tiêu chuẩn để xét lại đời sống
là: nhận biết tiếng Người và đi theo Người, không nhận biết tiếng mục tử lạ và
tránh xa mục tử ấy, đi qua cửa ràn chiên, đang nhận sự sống do chính Mục Tử
chân chính cung cấp. Là con chiên, các Kitô hữu cũng là mục tử trong quan hệ
với người khác: phải giúp người khác tìm được hạnh phúc trong đời họ, phải dấn
thân bảo vệ các quyền căn bản của con người.
4.
Hôm nay chúng ta cũng cầu nguyện để Thiên Chúa ban thêm cho có những mục tử
xứng đáng thay mặt Đức Giêsu, Vị Mục Tử chân thật. Các ngài rao giảng về Chúa
Kitô và ơn cứu độ, các ngài nói về và bảo vệ nhân quyền. Để có thể là một mục
tử xứng đáng, một vị lãnh đạo trong Họi Thánh cũng phải sống tư cách con
chiên của Đức Giêsu, cũng ra vào qua cửa ấy và nhận được lương thực nuôi dưỡng
đời sống thiêng liêng của mình.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm