TUÂN GIỮ CÁC ĐIỀU RĂN CỦA THẦY
(Gioan 14,15-21
– CN VI PS - A)
1.- Ngữ cảnh
Bản văn chúng ta đọc hôm nay cũng thuộc về
Phần II của TM IV (“Sách về Giờ của Đức Giêsu”) và ở trong
“Diễn từ cáo biệt thứ nhất” (Ga 13,31–14,31), tại điểm c triển khai
thứ năm (Ga 14,15-24; xem bốn điểm trước: 13,31-36a; 13,36b-38;
14,2-6; 14,7-14).
Trong bản văn hôm nay, Đức Giêsu hứa tỏ mình
ra cho những ai yêu mến Người.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Thần Khí sự thật đến (14,15-17);
2) Đức Giêsu đến (trở lại) (14,18-21).
Mở đầu và kết luận là hai câu nói về tình yêu đối với Đức Giêsu và sự cần thiết
phải đi theo các giới răn của Người (c. 15 và c. 21).
3.- Vài điểm chú
giải
- giữ các điều răn (15): “Giữ” (têreô) có nghĩa là
“chu toàn”, “thực hành”. Ở đây và ở c. 21, Đức Giêsu nói đến “các điều răn” (số
phức), ngược lại với “điều răn mới” (số đơn) ở 13,34 (x. 15,10.12). Các điều
răn của Người không phải chỉ là những giáo huấn về luân lý, mà là cả một lối
sống trong tình hiệp thông yêu thương với Người. Ở đây chúng ta ghi nhận có một
tiếng vọng của “điều răn lớn” của Dnl 6,4tt ở đây: các từ ngữ
của đoạn văn này dựa vững chắc trên sách Đnl. Chúng ta đã thấy điểm
giáo lý này trong Ga 5,41-44 và 8,41t: những ai yêu mến vì
Thiên Chúa duy nhất chân thật, thì cũng yêu mến Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa
sai đến; còn nếu họ từ chối cả hai tình yêu ấy, thì họ vẫn là những kẻ không
tin (“con hoang”). Ở Ga 14,15tt, cũng vẫn một chiều hướng giáo
lý như thế.
- Người sẽ ban cho (16): Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa
Con, điều này được diễn tả bằng hai kiểu nói: “Chúa Cha sẽ sai đến” (14,26) và
“Thầy sẽ sai đến” (15,26; 16,7). Động từ “(ban) cho” (didômi) thường
được Tân Ước nối kết với Chúa Thánh Thần (x.Rm 5,5),
do đó “ân huệ” (dôrea, gift) đã trở thành một tên gọi của Thánh Thần
(“ân ban Thánh Thần” = Thánh Thần là một ơn: x. Cv 2,38;
8,20; 10,45; 11,17).
- một Đấng Bảo Trợ khác (16): “Vị bảo trợ” (paraklêtos)
là từ ngữ được dùng tại tòa án, có nghĩa là người đứng bên cạnh bị cáo, bên
cạnh người đang gặp khó khăn. TM IV trình bày vụ kiện giữa ánh
sáng và bóng tối, giữa Đức Giêsu và những kẻ chống đối Người, giữa thế gian và
các môn đệ, nhưng Đấng Bảo Trợ soi sáng hướng dẫn các môn đệ khi các ông ra
trước tòa thế gian, chứ Người không đối đầu trực tiếp với thế gian. Những công
việc của Người là “ở lại”, “ở với” và “ở trong” các môn đệ (14,16-17). Người
dạy các ông mọi điều và giúp các ông nhớ lại mọi điều Đức Giêsu đã nói (14,26).
Người làm chứng cho Đức Giêsu trước các môn đệ (15,26). Người làm cho các môn
đệ biết rằng thế gian sai lầm (16,9-11). Người dẫn các môn đệ đi trong chân lý
toàn vẹn (16,13). Người tôn vinh Đức Giêsu và loan báo cho các ông những gì là
của Đức Giêsu (16,14).
Tuy bản văn Hy-lạp allon paraklêton có thể dịch là “một Đấng
khác, một Đấng Bảo Trợ”[1],
nhưng truyền thống chấp nhận kiểu dịch “một Đấng Bảo Trợ khác”. Vậy, Đức Giêsu
là Đấng Bảo Trợ đầu tiên. Thư 1 Ga (2,1) giới thiệu Đức Giêsu
như là Đấng Bảo Trợ có vai trò chuyển cầu trước nhan Chúa Cha sau khi sống lại,
nhưng Ga cũng hàm ý Đức Giêsu đã là một Đấng Bảo Trợ khi Người
thi hành sứ vụ trên mặt đất. Thần Khí sự thật là một Đấng Bảo Trợ chính là vì
Người hoàn tất công trình của Đức Giêsu.
- Thần Khí sự thật (17): Trong cụm từ to pneuma tês
alêtheias, alêtheias là thuộc-cách chỉ đối tượng
(objective genitive): Thần Khí thông ban sự thật (x. 16,13). Nhưng cũng có thể
hiểu theo nghĩa thuộc-cách đồng-chức-ngữ (appositive genitive): Thần Khí là sự
thật (1 Ga5,6[7]). Đây không phải là một mô tả về yếu tính
của Thần Khí.
- Người luôn ở giữa anh em (17): Có Thánh Thần ở với và nhận
biết Người, hai điều này là một ân huệ duy nhất.
- mồ côi (18): Kiểu nói này không xa lạ với người đương thời:
người ta quen nói là môn đệ của các kinh sư bị mồ côi khi các vị này qua đời.
Kiểu nói này phù hợp với ngôn ngữ của Đức Giêsu trong Diễn từ cáo biệt, vì
Người gọi các môn đệ là “những người con bé nhỏ của Thầy” (13,33).
- chẳng bao lâu nữa (19): Công thức này không cho biết gì về
quãng thời gian dài ngắn cả, vì nó được dùng cả ở 7,33 để nói rằng Đức Giêsu
còn sống sáu tháng, lẫn ở đây khi mà Đức Giêsu chỉ còn sống có vài giờ. Đây là
một công thức của Cựu Ước được các ngôn sứ dùng để diễn tả
niềm lạc quan khi thấy rằng chẳng còn bao lâu nữa rồi ơn cứu độ của Thiên Chúa
sẽ đến (x. Is 10,25; Gr 51,33).
- Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống (19): Được thấy Đức
Giêsu Phục Sinh và được sống, hai điều này là một ân huệ duy nhất.
- Ngày đó (20): Công thức này xuất hiện 3 lần trong TM
Ga (ở đây, và 16,23.26). Mặc dù trong Cựu Ước, “ngày đó”
là một công thức truyền thống để mô tả lúc Thiên Chúa can thiệp lần cuối cùng
(x. Mc 13,32), trong TM Ga, thành ngữ này dường
như được áp dụng cho cuộc sống của người Kitô hữu đã đạt được nhờ “giờ” (= cuộc
Khổ Nạn và Phục Sinh) của Đức Giêsu.
- Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến (21): Trong cách
trình bày nhị nguyên của Ga, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa đối với
loài người được diễn tả bằng việc ban tặng Con của Ngài, nếu người ta quay lưng
lại với Người Con, người ta không có tình yêu của Thiên Chúa.
4.- Ýnghĩa của bản
văn
Các môn đệ cảm thấy đau lòng bởi cuộc chia ly. Các ông tự hỏi là làm thế nào
các ông có thể tiếp tục sống với Đức Giêsu nếu Người ra đi. Đức Giêsu hứa là
Người sẽ không bỏ các môn đệ một mình, không người che chở, không ai hướng dẫn.
Người loan báo có một sự trợ giúp khác sẽ đến, đó là Thần Khí sự
thạt (14,15-17) và chính Người cũng sẽ đến (14,18-21). Người tuyên bố rằng tất
cả những giáo huấn Người đã ban cho các ông từ trước đến nay sẽ không bị lỗi
thời, nhưng vẫn có giá trị mãi mãi. Chỉ người nào gắn bó với các giới răn của
Người mới có thể nhận được Thần Khí và mở ra với tình yêu của Đức
Giêsu và của Chúa Cha.
* Thần Khí sự thật
đến (15-17)
Ở chỗ khởi đầu (c. 15) và ở cuối bản văn này (c. 21), Đức Giêsu nói đến tình
yêu đối với Người và sự cần thiết phải tuân giữ các điều răn của Người.
Trong nỗi đau đớn các môn đệ cảm thấy khi phải xa cách Thầy, các ông đã tỏ lộ
tình yêu thương đối với Đức Giêsu. Nay các ông được biết là các ông phải chứng
tỏ là các ông chân thành ước muốn có Đức Giêsu hiện diện và được hiệp thông với
Người, bằng cách tuân giữ các điều răn của Người. Chỉ có lời khuyên yêu thương
nhau được minh nhiên gọi là điều răn (x. 13,34). Nhưng cả những gì Đức Giêsu
làm, trong lời nói và hành động, là lời nhắc và lời khuyên cho loài người chúng
ta. “Tuân giữ các điều răn” có nghĩa là lấy đức tin mà đón nhận toàn bộ Lời
Người (x. 14,23-24), bằng cách ký thác bản thân cho Người dẫn dắt. Đức Giêsu
luôn hiện diện trong Lời Người và trong lời nhắc về Người. Ai gắn bó với Đức
Giêsu như thế, Thiên Chúa sẽ theo lời Đức Giêsu thỉnh cầu mà ban Chúa Thánh
Thần cho họ như là một Đấng trợ lực mới.
Các câu 16-17 là đoạn đầu trong năm đoạn nói về Đấng Bảo Trợ trong Diễn từ cáo
biệt. Cho tới nay, Đức Giêsu đã là Đấng trợ giúp các môn đệ, săn sóc họ, hướng
dẫn, khuyến khích họ, ban sức mạnh cho họ. Nay cho dù Đức Giêsu ra đi, các ông
vẫn không bị bỏ mặc một mình, bởi vì Chúa Cha sẽ ban Thánh Thần cho
các ông, để Người ở luôn mãi với các ông, ở bên cạnh và ở trong các ông. Thánh
Thần/Đấng Bảo Trợ khác Đức Giêsu Đấng Bảo Trợ ở chỗ người ta không thể thấy
Thánh Thần theo cách thể lý và Người chỉ hiện diện bằng cách cư ngụ trong các
môn đệ mà thôi. Đề tài “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (immanuel của Is 7,14)
nay được thể hiện nơi Đấng Bảo Trợ/Thánh Thần, Đấng ở lại mãi mãi với các môn
đệ, để che chở các ông trong những lúc gặp khó khăn.
Thánh Thần này được xác định như là “Thần Khí sự thật”. “Sự thật” đối với tác
giả Ga luôn luôn có nghĩa là chính Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra
qua Đức Giêsu. Thánh Thần sẽ đưa vào trong “sự thật”, nghĩa là hoạt động trong
tim chúng ta để chúng ta có thể chấp nhận mạc khải của Thiên Chúa được tỏ hiện
nơi Đức Giêsu. Ngài sẽ giữ các môn đệ ở lại trong sự thật đã được Đức Giêsu
truyền đạt và sẽ che chở các ông khỏi các ông thầy gian tà và khỏi những chọn
lựa sai lầm. Thế gian, vì khép kín lại với Đức Giêsu, thì không thể đón nhận Người.
Chỉ khi tin vào Đức Giêsu và giữ kỹ các điều răn của Người, chúng ta mới mở ra
với Chúa Thánh Thần và có thể nhận ra Người và có kinh nghiệm về hoạt động của
Người. “Thế gian” đây là tất cả những ai đang còn nuôi thù hận, mưu toan trả
thù; nhưng “thế gian” cũng chính là phần của trái tim chúng ta đang còn có
những tâm tình gian ác đó. Thế gian có tinh thần của nó (x. 1 Cr 2,12),
tinh thần này thúc bách chúng ta làm điều dữ, sống ích kỷ. Còn Thánh Thần Thiên
Chúa thì thúc bách chúng ta yêu thương, quảng đại, phục vụ kẻ khác. Thế gian
không thể đón nhận Thánh Thần này.
* Đức Giêsu đến
(trở lại) (18-21)
Bây giờ, Đức Giêsu đảm bảo với các môn đệ là các ông sẽ không phải mồ côi, như
khi cha mẹ chết thì họ vĩnh viễn mất cha mẹ. Đức Giêsu bỏ họ lại mà đi đến cái
chết, nhưng rồi sẽ trở lại với họ. Người báo trước rằng họ sẽ gặp lại nhau, khi
họ được gặp Người như là Đức Chúa Phục Sinh. Đức Giêsu chết, nhưng không biến
mất trong cái chết. Người sẽ trở lại với các môn đệ, như Đấng vẫn sống, như là
Đấng Phục Sinh, và họ sẽ được thông phần vào sự sống của Người. Điều kiện là
các ông phải “có và tuân giữ các điều răn” của Đức Giêsu.
Có một sự song đối giữa phần này với phần trên:
(1) Những điều kiện cần thiết: yêu mến Đức Giêsu; giữ các điều răn
Người: 15//21
(2) Ban Đấng Bảo Trợ; Đức Giêsu trở
lại: 16//18
(3) Thế gian không thấy Đấng Bảo Trợ hoặc Đức
Giêsu: 17//19
(4) Các môn đệ sẽ nhận biết Đấng Bảo Trợ và
thấy Đức Giêsu: 17//19
(5) Đấng Bảo Trợ và Đức Giêsu sẽ ở trong các
môn
đệ: 17//20.
Đấy là cách tác giả Ga dùng
để nói rằng sự hiện diện của Đức Giêsu sau khi Người trở về với Chúa Cha được
thực hiện trong và qua Đấng Bảo Trợ. Đây không phải là hai sự hiện diện nhưng
chỉ là một sự hiện diện duy nhất.
+ Kết luận
Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ rằng chỉ sau khi Người sống lại, các môn đệ
mới thật sự hiểu sự hiệp thông của Người với Chúa Cha và với các ông. Qua
sự Phục Sinh, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa ở bên cạnh Đức Giêsu với tất
cả tình yêu và quyền lực của Thiên Chúa, và xác nhận giá trị các lời
Người đã nói và các việc Người đã làm. Nhưng sự Phục Sinh cũng cho
thấy rõ ràng dây liên kết đặc biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ: khi đó Người
chỉ tỏ mình ra với các ông và được các ông nhận biết như là Đấng đang sống. Để
đạt tới sự hiệp thông với Người, Đức Giêsu nhắc các môn đệ, cũng như nhắc toàn
thể nhân loại mọi thời: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ
yêu mến Thầy” (c. 21). Luôn luôn có giá trị việc đi tìm liên kết với Đức Giêsu
mà dựa trên sự nhận biết các điều răn của Người và để cho các điều răn ấy tác
động trên cuộc sống chúng ta. Nếu chúng ta sống như thế, chúng ta sẽ gặp
được tình yêu của Chúa Cha và Chúa Cha sẽ đón tiếp chúng ta. Chúng ta
cũng sẽ gặp được tình yêu của Đức Giêsu, vì Người sẽ tỏ mình ra cho
chúng ta để chúng ta nhận biết Người một rõ ràng hơn và sâu sắc
hơn, để rồi chúng ta được liên kết với Người ngày càng bền chặt và sống động.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Các môn đệ phải chứng tỏ rằng họ chân thành ao ước có Đức Giêsu hiện diện và
được hiệp thông với Người qua việc giữ các điều răn của Người. “Tuân giữ các
điều răn” có nghĩa là tin tưởng đón nhận toàn bộ các lời nói của Đức Giêsu (x.
14,23-24), bằng cách để cho Người hướng dẫn. Tình yêu không hệ tại các lời nói,
các tình cảm hoặc các kỷ niệm, nhưng được chứng minh bằng việc lắng nghe, tin
tưởng và bước theo.
2. Thánh Thần là “Thần Khí sự thật”, tức là Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí
thông ban sự thật và cũng là chính sự thật, sẽ giúp các môn đệ ở lại trong sự
thật mà Đức Giêsu đã truyền đạt và bảo vệ họ khỏi những thầy xấu và những chọn
lựa sai lạc. Nhưng để nhận được Thần Khí này, chúng ta phải mở ra với Đức
Giêsu, tin vào Người và tuân giữ các điều răn của Người.
3. Bằng cớ cho thấy Thánh Thần chân lý đang hiện diện trong Hội Thánh, đó là
dọc theo các thời đại, đã có những linh mục, giám mục và thậm chí Đức giáo
hoàng cư xử không đúng đắn, nhưng không một vị nào có thể làm cho Tin Mừng trở
nên không đáng tin nữa. Thánh Thần không chỉ ngăn ngừa sai lầm trong việc
truyền đạt sứ điệp của Đức Giêsu, Người còn đưa các môn đệ vào trong chân lý
toàn vẹn.
4. Với cái chết của Người, Đức Giêsu đã mãi mãi biến mất đối với thế gian: thế
gian chỉ biết rằng Người đã chết trên thập giá. Thế gian chỉ biết cái chết chứ
không biết sự sống. Đức Giêsu sẽ chỉ trở lại với các môn đệ và cho các ông thấy
Người là Đấng (đang) Sống. Khi đó, các môn đệ sẽ hiểu rõ những lời Đức Giêsu đã
nói và những hành vi Người đã làm trước đây.
5. Chỉ Đức Giêsu
mới là con đường dẫn đến với Chúa Cha. Mạc khải và các lời kêu gọi mà Người đã
bày tỏ khi Người còn sống ở trần gian sẽ mãi mãi là con đường đưa tới Chúa Cha.
Chỉ khi chúng ta gắn bó với những điều ấy và để cho những điều ấy hướng dẫn,
chúng ta mới được nối kết với Đức Giêsu và mới sẵn sàng đón nhận ân huệ Thánh
Thần và được hiêp thông trọn vẹn trong tình yêu với Chúa Con và Chúa Cha.
-------------------------------------------
[1] LÊ MINH THÔNG đề nghị chuyển ngữ là “Đấng Pa-rác-lê”,
vì dịch sang tiếng Việt không diễn tả hết ý nghĩa (Tin Mừng thứ tư song ngữ
Hy-lạp – Việt [2008] 15).
Lm PX Vũ Phan
Long, ofm