CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
Nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa ở lại với chúng ta
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 14:15-21)
Phụng vụ chuẩn bị cho chúng ta bước sang một giai đoạn mới của
chương trình cứu độ: thời đại của Thánh
Thần. Các bài đọc hôm
nay bắt đầu nói về Chúa Thánh Thần.
Đặc biệt nhất, đó là lời Chúa Giê-su hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh
em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. Để thực thi ý muốn “ở lại”
với chúng ta, Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm để làm Đấng Em-ma-nu-en
(Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi). Tiếp
đến, chính Con Một Thiên Chúa cũng quả quyết:
“Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mát-thêu
28:20). Trong bài Tin
Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho chúng ta biết Người và Chúa Cha sẽ ở lại với
chúng ta qua Chúa Thánh Thần như thế nào.
Dựng nên chúng ta, Thiên Chúa chỉ muốn điều
tốt cho chúng ta và ước vọng trên hết của Người là chúng ta được sống vĩnh viễn
với Người. Sau khi “ở lại” với
nhân loại qua lời Người được truyền đạt nhờ các ngôn sứ (Do-thái 1:1), Thiên
Chúa tiến một bước xa hơn nữa, là ở lại với chúng ta nhờ Ngôi Lời nhập thể. Qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa “nói” những lời
rao giảng Tin Mừng và ơn sám hối (mầu nhiệm Sự Sáng thứ ba kinh Mân Côi) và Thiên
Chúa “hành động” qua những phép lạ Chúa Giê-su làm để biểu lộ lòng thương xót của
Cha Người. Tuy nhiên hành động cuối cùng
và cao cả nhất, đó là cái chết của Con Một Thiên Chúa trên thập giá để thay đổi
căn tính của con người và mở ra một hành trình mới cho họ đi về nhà Cha. Thiên Chúa đã ở giữa chúng ta một cách quá cụ
thể đến nỗi dân thành Na-da-rét phải đặt câu hỏi: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà
Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xê, Giu-đa và Si-mon sao?” (xem Mác-cô 6:1-6). Rồi
thậm chí các tông đồ cũng không thể tin là mình “thấy” Chúa Cha, khi ông
Phi-líp-phê xin Chúa Giê-su tỏ cho các ông thấy Chúa Cha. Chúa Giê-su đã trả lời: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Gio-an 14:9). Nói tóm lại,
Thiên Chúa đã “ở lại” với chúng ta nhờ Chúa Giê-su, để nói cho chúng ta biết rằng
Người rất yêu thương chúng ta (Gio-an 3:16).
Trước khi Chúa Giê-su hoàn tất công cuộc cứu
độ ở trần gian và về trời, Người không để chúng ta “mồ côi”, nhưng Người và
Chúa Cha sẽ “ở lại” với chúng ta bằng một cách mới, đó là qua sự hiện diện và hoạt
động của Chúa Thánh Thần, “Đấng Bảo Trợ” cho chúng ta. Chúa Thánh Thần tiếp nối sứ
mệnh của Chúa Giê-su, là “ở lại” với chúng ta. Chúa Giê-su đã chết trên thập giá để làm chứng
cho sự thật là “Thiên Chúa yêu thương thế gian”, thì giờ đây Thánh Thần sẽ tiếp
tục là “Thần Khí sự thật” cho những ai mở lòng đón nhận tình yêu Thiên
Chúa. Nguyện vọng của Chúa Giê-su là “Nếu
anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Nên giờ đây Chúa Thánh Thần “ở trong” chúng
ta sẽ soi sáng và thúc giục chúng ta đáp lại nguyện vọng của Chúa Giê-su. Hơn thế nữa, Người còn “dạy”
chúng ta và giúp chúng ta “nhớ lại mọi điều” Chúa Giê-su đã nói với chúng ta
qua Tin Mừng được rao giảng. Hoạt
động của Chúa Thánh Thần quả thực là làm cho giấc mơ tình yêu của Thiên Chúa được
thực hiện, tức là dẫn dắt chúng ta trên đường “quy về một mối” trong Ba Ngôi
Thiên Chúa (Gio-an 17:22-23).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Qua những lời tâm sự với các tông đồ, đâu
là điều Chúa Giê-su thao thức nhất?
Nói đi nói lại thì cũng vẫn là “giữ các điều răn của Thầy”! Đó là lý tưởng của Ki-tô hữu,
lý tưởng mà Chúa Giê-su đã phải trả bằng cái giá mạng sống của chính Người. Chúng ta thử nghĩ Người sẽ
thất vọng như thế nào nếu chúng ta phản bội và coi thường sự hy sinh vô giá Người
đã dành cho chúng ta? Cho nên để
giúp chúng ta mạnh mẽ và kiên trì thực hiện lý tưởng ấy, Chúa Giê-su đã xin
Chúa Cha ban cho chúng ta Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần.
Nhận biết Chúa Thánh Thần “ở trong” chúng ta không dễ! Chúa Giê-su đã bảo ông Ni-cô-đê-mô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết
gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần
Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Gio-an 3:8). Còn chúng ta, chúng ta biết
Thánh Thần từ đâu đến và mang sứ mệnh gì. Vậy chúng ta hãy để cho “Thánh Thần ở trong
chúng ta” giúp chúng ta giữ các điều răn của Chúa!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi