NGHỊCH LÝ CỦA THÁNH GIÁ
(Thứ 6 Tuần Thánh)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Buổi chiều hôm nay,
Giáo Hội tưởng niệm Đức Giêsu chịu chết để chuộc tội thiên hạ. Buổi chiều hôm nay là “giờ” của Thiên Chúa Cha đã định, và
cũng là “giờ” của Đức Giêsu hoàn tất
chương trình cứu chuộc nhân loại; “giờ”
của người Tôi Trung mà tiên tri Isaia đã loan báo. “Giờ” đó được hoàn tất trên Thánh Giá.
Vì thế, phụng vụ chiều hôm nay đều quy chiếu về Thánh Giá Đức
Kitô như một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối.
1. Nghịch lý của Thánh
Giá
Trong thư gửi tín hữu
Philipphê, thánh Phaolô đã nói: Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8);
và Ngài đã chết theo như lời Thánh Kinh (x. 1Cr 15,3).
Cái chết của Đức Giêsu
trên thập giá đã là nguyên nhân để
nhiều người được cứu độ, nhưng cũng không thiếu những kẻ cứng lòng, cố chấp và
trai lỳ trong ích kỷ, kiêu ngạo. Những người như thế, họ
coi đó như là hình phạt mà Đức Giêsu là người đáng phải chịu do tội mình gây
nên.
Thật vậy, khi thập giá được dựng lên, và khi Đức Giêsu chịu treo trên đó,
đã không biết bao người tin theo và suy tôn. Tuy nhiên, cũng không thiếu những lời chê bai dè bửu và khinh
thường. Họ coi thập giá
như là thứ đồ tể đáng sợ để trừng phạt những tử tội oái oăm, khét tiếng và nguy
hiểm... Suy nghĩ như thế, thì cái chết của Đức Giêsu không có công trạng gì, mà
chỉ như là một hình phạt đích đáng được dành cho một kẻ đã từng bị kết án vì tội “sách động dân chúng; tìm cách lật đổ Đế quốc
và nói lời phạm thượng”. Và, những người theo Đức
Giêsu phải chăng họ là bọn người cuồng tín khi tuyên xưng niềm tin của mình vào
một kẻ bị treo trên cây gỗ như một tử tội?
Thật vậy, thập giá của Đức Giêsu hôm nay được tôn
vinh, đã làm không ít người cảm thấy ngỡ ngàng, bởi vì xét theo người đời, thì
đây chính là sự ô nhục, hận thù, đáng ghét... là biểu tượng của sự chết tróc và
thập giá vẫn chỉ là dụng cụ ghê rợn
được dùng để sử tử tội nhân mà thôi.
Nhưng đối với Thiên
Chúa, thì đây chính là sự khôn ngoan khôn dò thấu của Người. Con Thiên Chúa
chết trên thập giá là một
trong những đường lối khôn ngoan sâu thẳm mà không một ai dò thấu (x. Rm 11,33). Bởi vì Thiên Chúa đã dùng thập giá như một sự nghịch lý để cứu độ con
người.
Thực ra thập giá luôn mang tính nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương
quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ.
Nhưng với những người
tin, hẳn sự cảm nghiệm, suy nghĩ và thái độ hoàn toàn ngược lại. Những
người đó sẽ coi thập giá trở thành Thánh Giá và Thánh Giá lúc này trở thành
phương dược, để qua đó Đức Giêsu chuộc tội thay con người và cứu độ nhân loại.
Nếu xưa kia trong vườn
Địa Đàng, Ađam đã ngã gục trước Cây Trái Cấm, và gieo rắc tội lỗi cho nhân
loại, thì giờ đây, trên cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì mà Ađam
đã đánh mất và để lại hậu quả cho nhân loại.
Như vậy, từ Cây Trái Cấm,
sự chết đã tiêu diệt thế gian, và Trái Cấm là rào cản lớn đến độ con người
không thể vượt qua, thì giờ đây, từ cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những
gì đã mất do Nguyên Tổ gây nên và mặc cho nó thành cây Sự Sống, quả Phúc Trường
Sinh.
Chính Đức Giêsu đã khẳng định rõ điều này khi nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ
kéo mọi người lên với tôi" (Ga
12, 32). Vì thế, không lạ gì khi thánh
Phaolô đã khẳng khái tuyên xưng niềm tin và ơn cứu chuộc của mình nơi Thánh
Giá, ngài nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những
kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì
đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa [...] Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao
giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm
thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại
rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không
thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (nhưng)
cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu
đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (x. 1Cr 1,18-25).
Vì thế, "Nhờ máu
Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời" (Cl 1,20).
2. Đón nhận Thánh Giá như nguồn ơn cứu rỗi
Cuộc đời của người kitô
hữu, tức là cuộc đời của những người tin và theo Đức
Giêsu, hẳn mỗi người luôn nghe thấy lời mời gọi của Ngài: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá
mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều
mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào
có lợi gì? "
(Mc 8,34-36); và: "Ai
không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy" (Mt
10,38).
Lời mời gọi đó đã được
gióng lên ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội cũng như suốt cuộc đời của mỗi
người chúng ta. Như vậy, Thánh Giá trở nên cứu cánh và việc vác
Thánh Giá trở thành điều kiện cần của chúng ta trên hành trình dõi bước theo Đức Giêsu.
Thánh Giá mà mỗi chúng ta
phải vác ở đây chính là bổn phận phải chu toàn; là từ
bỏ những thứ không cần thiết trên hành trình tin Chúa; là từ bỏ ý riêng... và
phục vụ trong yêu thương.
Làm được như thế, ấy là
chúng ta sáp nhập cuộc đời của mình vào cuộc đời của Đức Giêsu. Đặt bước chân của ta vào
dấu chân của Chúa, để sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng.
Như vậy, trong ta có Chúa
và trong Chúa có ta. Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy khi tuyên
xưng: “ Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá [...] (Và) tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức
Kitô sống trong tôi " (Gl 2,19-20).
Mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu,
người kitô hữu chúng ta sẽ từ bỏ con đường tội lỗi, để được hiệp thông cách
trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, và như một định luật đối với những
người tin và theo Đức Giêsu là: qua đau khổ thì mới
được vào vinh quang.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng
chịu treo trên Thánh Giá, xin thương xót và cứu chuộc chúng con. Amen.