CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP
RỬA
Linh mục Giuse
Nguyễn Hưng Lợi DCCT
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU
PHÉP RỬA, năm A
Mt 3, 13-17
Thực tế, thời thơ ấu của Chúa Giêsu đã chấm
dứt.Lễ Giáng Sinh và Mùa Giáng Sinh cũng đã lui vào dĩ vãng. Bây giờ là thời
rao giảng công khai của Chúa Giêsu. Bởi vì, khi được 30 tuổi, Chúa Giêsu đã rời
khỏi Quê hương của mình là Nadaret để đi khắp nơi công bố Nước Trời và kết nạp
các môn đệ, các tông đồ.Hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu xuất hiện trước công
chúng trong tư thế sẵn sàng khởi đầu sứ vụ Thiên Chúa Cha đã trao cho Ngài…
Các bài đọc ngày lễ hôm nay đều giới thiệu với
chúng ta rằng Chúa Giêsu là Người được Thiên Chúa Cha yêu dấu.Bài đọc thứ nhất,
ngôn sứ Isaia cho biết Chúa Giêsu là Người được tuyển chọn, nâng đỡ, an ủi, quý
mến. Bài đọc hai, thánh Phêro làm chứng Thiên Chúa Cha luôn ở với Ngài. Hai bài
đọc này, nhằm cho chúng ta hiểu sâu xa hơn về Đức Kito, Đấng được Thiên Chúa
Cha từ trời gọi là “ Này là Con Ta yêu dấu, Cha hài lòng về Con “.
Đọc các bài đọc này, chúng ta càng lấy làm bỡ
ngỡ, ngạc nhiên về việc Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha ca tụng khen
ngợi, thế mà khi khai mạc sứ vụ công khai, Ngài đã xếp hàng cùng với tội nhân
để xin ông Gioan Baotixita làm phép rửa cho ở sông Giorđăng. Như thế phải chăng
Chúa Giêsu cũng là tội nhân sao ? Thưa không phải bởi vì đã có lần Chúa Giêsu tuyên bố rằng “ Ai trong
các ông có thể bắt lỗi tôi vì tội gì ?”. Chúa Giêsu là Đấng xóa tội trần gian,
Ngài là Đấng đã gánh lấy tội lỗi của thế gian như có lần Gioan Tẩy Giả đã chỉ
vào Chúa Giêsu và nói :” Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian “.
Chúa Giêsu xóa tội trần gian bằng cách gánh lấy tội con người, gánh lấy tội
trần gian. Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ. Ngài khai mạc sứ
vụ công khai bằng cử chỉ loan báo :” Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã
đến gần, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng
“. Chính các môn đệ lúc đó cũng chưa hiểu được ý Chúa. Họ nghĩ rằng theo Thầy
Giêsu khi Thầy lên làm Vua thì các môn đệ sẽ được chia chác nhau ngôi vị, chỗ
đứng trong nội các của Chúa Giêsu. Do đó, mới có việc hai con của ông Giêbêđê
cùng đi với mẹ tỏ ước vọng muốn một người ngồi bên tả, một người ngồi bên hữu
trong Vương Quốc của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã cho các Ông hiểu rõ quan điểm và
ý hướng của Chúa. Các con có uống được chén của Cha sắp uống không, còn việc
ngồi bên hữu hay bên tả là thuộc quyền của Cha….Chén ở đây là chén thống khổ,
sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Chén hay cuộc thông khổ không chỉ là nước
thanh tẩy trong sông Giorđăng và do bàn tay của Gioan Tẩy Giả mà bằng chính máu
của Chúa Giêsu đổ ra trên Thập Giá. Chúa Giêsu làm gương cho nhân loại bằng
việc chịu phép rửa thống hối ở sông Giorđăng. Đây là hình bóng của nhân loại
được thanh tẩy trong máu của chúa Giêsu đổ ra trên Thập Giá, và sự phục sinh
của Ngài và để con người đã được tái sinh sẽ trở thành con của Thiên Chúa. Câu
chuyện của Nicôđêmô trong đêm tối tới gặp Chúa Giêsu nói lên điều đó. Con người
phải được tái sinh nghĩa là trở nên con người mới, được dìm trong máu của Chúa
Giêsu đã đổ ra để cứu chuộc con người và được phục sinh với Ngài…
Đọc lại Tin Mừng chúng ta nhận ra điều này Chúa
Giêsu chính là sự sống, do đó, phép rửa hay thanh tẩy không chỉ còn là nghi lễ
mà đã trở thành cuộc sống mới cho nhân loại, cho con người, cho mọi người. Chúa
Giêsu đã chiến thắng sự chết, tội lỗi và ma quỷ. Phép rửa không chỉ còn là một
nghi thức để gia nhập Giáo Hội, làm con Thiên Chúa một cách máy móc, nhưng phép
rửa đã là một cuộc tái sinh, một cuộc sống mới, một sự đẩy lùi tội lỗi trường
kỳ ra khỏi thế gian để rồi cuộc sống của người Kito hữu luôn là cuộc sống mới
trong sự tái sinh bằng máu, sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu.
Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa chúng ta nhớ
tới bí tích rửa tội chúng ta đã lãnh nhận ngày chúng ta được rửa tội. Qua phép
rửa chúng ta được trở nên Con của Thiên Chúa và Con của Giáo Hội.
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Kito
chịu phép rửa tại sông Gio-đăn và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long
trọng tuyên bố Ngươi là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái
sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa.( Lời nguyện Nhập lễ
lễ Chúa Giêsuchịu phép rửa ).
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Phép rửa của Gioan Tẩy Giả là phép rửa gì ?
2.Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa gì ?
3.Sự khác biệt giữa phép rửa của Gioan Tẩy Giả
và của Chúa Giêsu ?
4.Tái sinh theo nghĩa Kinh Thánh ?