CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA A

Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17

 

KHIÊM TÔN VÂNG PHỤC NHƯ CON THẢO CỦA THIÊN CHÚA

 

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 3,13-17.

(13) Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. (14) Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”. (15) Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người. (16) Khi Đức Giê-su chịu phép Rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. (17) Và kìa có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

2. Ý CHÍNH:

Hôm nay là ngày cuối cùng của Mùa Giáng Sinh, và cũng là ngày khởi đầu Mùa Quanh Năm. Tin Mừng Mát-thêu cho thấy: Đức Giê-su khởi đầu cuộc sống công khai bằng việc từ Ga-li-lê xuống miền Giu-đê và đến sông Gio-đan để xin ông Gio-an làm phép rửa cho. Ngay từ ban đầu Gio-an đã biết Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nên không dám rửa cho Người. Nhưng sau khi biết là thánh ý Chúa Cha, thì Gio-an đã vâng lời làm phép rửa cho Người. Khi Đức Giê-su vừa từ dưới mặt nước trồi lên, thì một cuộc Thần hiện đã xảy ra: Thánh Thần lấy hình chim câu ngự xuống trên Người, và có tiếng Chúa Cha xác nhận Người chính là Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Chúa Cha.

3. CHÚ THÍCH:

- C 13-14: + Từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan: Từ miền Ga-li-lê cụ thể là Na-da-rét (x. Mt 2,23), Đức Giê-su đến sông Gio-đan ở vùng Bê-ta-ni-a cách thành Giê-ri-cô không bao xa, để xin Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa cho. Người tự nguyện đến chứ không phải do lương tâm thúc bách chịu để xin ơn tha tội như người Do thái, vì Người là Đấng thánh thiện và vô tội. + Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !: Nói câu này, có lẽ Gio-an đã biết Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà ông rao giảng sắp đến (x Mt 3,11).

- C 15: + Bây giờ cứ thế đã: Bây giờ Gio-an hãy cứ làm phép rửa cho Người. + Vì chúng ta nên làm như vậy: Đức Giê-su muốn chịu phép rửa của Gio-an để được Thiên Chúa xác nhận sứ mệnh Thiên Sai (x. Lc 7,29-30). + Để giữ trọn đức công chính: Giữ trọn hay chu toàn bổn phận. Có thi hành ý muốn của Chúa Cha là chịu phép rửa, thì Đức Giê-su mới thiết lập được nền công chính mới (x. Mt 5,20) và kiện toàn Luật Mô-sê (x. Mt 5,17).

HỎI: Phép rửa của Gio-an là một nghi thức biểu lộ lòng sám hối của các hối nhân. Vậy Đức Giê-su là Đấng thánh thiện trong sạch vô cùng, thì sao phải chịu phép rửa ấy ?

ĐÁP:

Qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta chỉ được trả lời một cách lờ mờ qua câu nói của Đức Giê-su với Gio-an: Đó là để “giữ trọn đức công chính”, nghĩa là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Sau đây là một số lý do khiến Đức Giê-su đến xin Gio-an làm phép rửa cho:

- Một là để đền tội thay cho dân: Tuy hoàn toàn vô tội, nhưng Đức Giê-su chịu phép rửa của Gio-an là để tỏ lòng sám hối thay cho dân, giống như ông Mô-sê thời kỳ Xuất Hành đã tỏ lòng sám hối để xin Đức Chúa tha tội cho dân đã phạm tội tôn thờ bò vàng (x. Xh 32,31-32). Sau này Đức Giê-su sẽ còn chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho dân đúng như thượng tế Cai-pha đã nói tiên tri trong thượng hội đồng Do thái như sau: "Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt" (Ga 11,50). 

- Hai là để hòa đồng với các tội nhân: Với tư cách là Đấng cứu thế, Đức Giê-su đã khiêm tốn hòa mình với các tội nhân đang chờ được chịu phép rửa của Gio-an, trái với thói kiêu căng của người Pha-ri-sêu luôn tách biệt ra khỏi đám đông dân chúng mà họ cho là tội lỗi, như trong dụ ngôn hai người lên Đền Thờ cầu nguyện: “Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình cầu nguyện” (Lc 18,11).

- Ba là để tiên báo về bí tích rửa tội Đức Giê-su sắp thiết lập, là hình bóng mầu nhiệm tử nạn và phục sinh: Phép rửa của Gio-an tiên báo về bí tích rửa tội do Đức Giê-su ra lệnh cho các môn đệ trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Việc chịu phép rửa tội chính là điều kiện để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa (x. Ga 3,5), và là hình ảnh của mầu nhiệm chết và sống lại : “Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,50).

- C 16-17: + Các tầng trời mở ra: Hiện tượng trời mở ra nhắc đến lời tuyên sấm của ngôn sứ I-sai-a: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước thánh nhan” (Is 63,19). Sấm ngôn này hôm nay đã ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: đất trời được giao hòa với nhau (x. Cv 7,56) và Thiên Chúa tiếp tục mặc khải cho dân Người (x. Ed 1,1). + Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người: Câu này nhắc lại cuộc tạo thành ban đầu (x. St 1,2). Ở đây báo hiệu một cuộc tạo dựng mới đang được thực hiện. Tác giả sách Sáng Thế đã diễn tả Thần Khí Đức Chúa bay là là trên mặt nước để ban sự sống cho nước, giống như chim bồ câu mẹ bay chập chờn trên bầy chim con (x. St 1,2). Thần Khí ngự trên Đức Giê-su để xức dầu thiêng liêng cho Người (x. Cv 10,38) hầu tấn phong Người làm Đấng Mê-si-a (x. Is 11,2). + “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”: Sau khi Đức Giê-su đã vâng phục Chúa Cha để đến xin chịu phép rửa của ông Gio-an, thì Chúa Cha đã giới thiệu Người là Con yêu dấu trước mặt những người hiện diện. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nhiều lần đã gọi Đấng Thiên Sai và dân Ít-ra-en là Con yêu của Ngài: “Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con” (Tv 2,7). “Này là Tôi Tớ của Ta mà Ta nâng đỡ, tuyển nhân mà Ta sủng mộ, Ta ban Thần Khí Ta trên Người” (Is 42,1). “Từ Ai-cập, Ta đã gọi Con Ta về” (Hs 11,1). Qua câu này, Tin Mừng Mát-thêu cho thấy Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai và là Con yêu luôn làm hài lòng Thiên Chúa, vì Người luôn khiêm tốn và vâng theo thánh ý Thiên Chúa.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao Đức Giê-su là Đấng thánh thiện mà đến chịu phép rửa sám hối của Gio-an làm chi ? 2) Câu “Thần Khí Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” có nghĩa thế nào ? 3) Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường gọi những ai là “con yêu” của Ngài ?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !” (Mt 3,14).

2. CÂU CHUYỆN: “TRÈO CAO TÉ ĐAU”

Trong kho tàng truyện thần thoại Hy-lạp, có một câu chuyện về hai cha con nhà kia. Người cha tên là I-đam và con là I-ka. I-đam là một kiến trúc sư kiêm nghề điêu khắc. Chính ông đã được nhà vua trao nhiệm vụ xây một bát quái đồ để giam giữ một con quái vật đầu người mình thú rất hung dữ, hầu bảo vệ dân lành khỏi bị nó giết hại. Nhưng về sau, do hiểu lầm hai cha con I-đam và I-ka có âm mưu làm loạn, nên vua Mi-nos đã hạ lệnh tống giam cả hai vào bát quái đồ đó. Nhưng rồi “cái khó ló cái khôn”: Trong lúc bị giam cầm, hai cha con này đã tìm ra cách trốn thoát bằng cánh chim bay lên cao. Họ đã dùng sáp ong nối nhiều lông chim lại thành hai bộ cánh chim và đã thoát ra khỏi nhà tù qua một lổ nhỏ trên mái. Quá phấn khởi trước thành công bất ngờ, anh con trai càng lúc càng bay lên cao, bỏ ngoài tai những lời khuyến cáo khẩn thiết của cha mình. Khi bay cao gần đến mặt trời, thì sáp dính các lông chim trên đôi cánh bay bị nóng quá tan chảy ra và anh con trai đã rơi từ độ cao xuống đất chết tan xác.

Chính thói kiêu hãnh về sự thành công đã làm cho người con trai không vâng lời cha, nên cuối cùng đã bị rơi xuống đất chết thảm. Ngày nay, sự kiêu ngạo cũng làm cho người ta coi thường và bỏ ngoài tai những lời khuyên can khôn ngoan đầy kinh nghiệm của các bậc cha bác, thầy cô giáo và những bậc cao niên. Nếu mỗi người chúng ta chỉ lo chiều theo các đam mê ích kỷ của mình, thì chắc chắn sẽ phải chuốc lấy thất bại đau thương.

3. SUY NIỆM:

1) Gương khiêm tốn của Gio-an Tẩy Giả: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”:

Vào năm 30 trước Công Nguyên, Gioan Tẩy giả đã xuất hiện tại sông Gio-đan, ăn mặc như ngôn sứ Ê-li-a (x. Mt 3,4), rao giảng cùng một sứ điệp về sự phán xét công thẳng của Thiên Chúa như Ê-li-a, đồng thời Gio-an đã kêu gọi mọi người: «Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần» (Mt 3,2). Ông còn làm phép rửa cho những ai thành tâm sám hối để chuẩn bị tâm hồn họ đón nhận Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Cv 19,4). Gio-an cũng khiêm tốn khi nói về vai trò và sứ mạng của Đấng Thiên Sai như sau: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa» (3,11). Còn chúng ta hôm nay: Chúng ta có biết nhận trách nhiêm những thất bại xảy ra để noi gương khiêm tốn của thánh Gio-an không ?

2) “Giữ trọn đức công chính” là vâng phục thánh ý Thiên Chúa:

Khi Đức Giê-su đến xếp hàng xin chịu phép rửa tại sông Gio-đan, ông Gio-an đã thưa với Người rằng: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”. Rồi khi nghe Đức Giê-su nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15), thì Gio-an đã làm phép rửa cho Người. Như vậy “Giữ trọn đức công chính” là vâng lời để làm theo ý muốn của Thiên Chúa.

Về sau, thánh Phao-lô cũng dạy về sự khiêm nhường vâng phục của Chúa Giê-su như sau: “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Sự vâng lời ấy thể hiện qua việc Người xin chịu phép rửa dìm mình trong dòng sông Gio-đan, biểu tượng cuộc tử nạn và phục sinh của Người lúc cuối đời. Phao-lô viết tiếp: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9-11). Qua đó, Phao-lô dạy các tín hữu phải noi gương Đức Giê-su “giữ trọn đức công chính” bằng việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Còn chúng ta hôm nay hãy năng cầu nguyện với Chúa Giê-su như tông đồ Phao-lô sau khi bị té ngựa ở cửa thành Đa-mát : “Lạy Chúa, con phải làm gì ?” (Cv 22,10).

3) Phải ứng xử thế nào để nên con thảo của Thiên Chúa? : Khi Đức Giê-su chịu phép Rửa xong và từ dưới nước trồi lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Ngày nay muốn được Thiên Chúa thừa nhận là con yêu dấu như đã xác nhận Đức Giê-su, chúng ta cần có lối ứng xử khiêm tốn cụ thể như sau:

- Khiêm tốn nhận lỗi mỗi khi được người khác góp ý: Ai trong chúng ta ít nhiều cũng đều sai lỗi, nhưng chúng ta thường giả hình che đậy để được người khác đánh giá tốt về mình. Khi bị người khác phê bình chỉ trích, chúng ta thường bực tức và thù ghét kẻ dám phê phán nói xấu ta. Khi bị thất bại hay có sự cố bất lợi, ít khi chúng ta nhận sai sót, mà thường hay đổ lỗi cho người dưới hay hoàn cảnh. Mỗi người nên ý thức rằng: thái độ khiêm tốn nhận lỗi và thành tâm sửa sai sẽ giúp chúng ta nên hoàn thiện hơn và gây được thiện cảm với người khác là điều kiện để mọi việc làm được thành công.

- Khiêm tốn bỏ qua những điều nhỏ mọn: Khi thấy người dưới sai lỗi không nghiêm trọng, chỉ nên nhẹ nhàng nhắc bảo với lòng bao dung nhân hậu. Tránh hay rầy la to tiếng làm mất sự bình an và tình đoàn kết nội bộ .

- Cần khiêm tốn sửa lỗi cho tha nhân theo lời Chúa dạy: Việc sửa lỗi phài do tình thương chứ không do ác cảm thù ghét. Muốn sửa lỗi cho tha nhân cách hiệu quả cần tiến hành cách khôn khéo từng bước theo lời Chúa dạy như sau: Một là phải âm thầm gặp riêng người có lỗi để tránh cho họ bị mất tiếng tốt. Hai là phải tế nhị rào trước đón sau để chuẩn bị tinh thần giúp kẻ có lỗi sẵn sàng lắng nghe. Ba là phài nhẫn nại chờ đợi và tránh thái độ nóng vội. Chỉ nên đưa ra cộng đoàn xử lý nghiêm nếu kẻ kia cố chấp không chịu sám hối và trong những trường hợp lỗi lầm của họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đoàn nếu không kịp thời chấn chỉnh (x. Mt 18,15-17).

4. THẢO LUẬN:

1) Thế nào là nhân đức khiêm nhường ? Đối lập với đức khiêm nhường là thói xấu nào ? 2) Cuộc đời của Đức Giê-su là một chuỗi những hành động khiêm nhường thể hiện qua hành đông vâng phục ý Chúa Cha và phục vụ tha nhân. Vậy bạn sẽ làm gì để thực tập khiêm nhường trong quan hệ với tha nhân noi gương Đức Giê-su ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con luôn biết điều chỉnh cách suy nghĩ nói năng và hành động, cho phù hợp với gương khiêm tốn và vâng phục ý Thiên Chúa noi gương Chúa xưa. Xin cho chúng con biết khôn ngoan để tránh ảo tưởng về mình, biết thành thật để khỏi tự dối lòng mình. Ước gì chúng con biết luôn sám hối và hoán cải, sám hối bằng hành động hơn bằng môi miệng. Xin cho chúng con biết chấp nhận để Lời Chúa tỉa sạch những thói hư, nhất là tránh tự đề cao mình và khinh thường tha nhân. Xin cho chúng con biết ứng xử khiêm tốn .

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM

                                                

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A