CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG
NIÊN
Làm môn đệ Chúa
Giê-su
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
4:12-17)
Được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta thường chỉ nghĩ đến
căn tính làm con cái Thiên Chúa, nhưng ít khi để ý tới một chức phận khác rất
quan trọng, đó là làm môn đệ Chúa Ki-tô.
Khi khai mạc sứ vụ, công việc ưu tiên của Chúa Giê-su là tuyển chọn một
số môn đệ, để họ được đào tạo thành những người tiếp tay với Người trong sứ mệnh
rao giảng Tin Mừng ơn cứu độ. Việc tuyển
chọn ấy không chỉ dừng lại ở một số người, nhưng là một ơn gọi phổ quát dành
cho mọi người đã được rửa tội. Vì thế,
biến cố Chúa gọi các môn đệ đầu tiên cũng là dịp để chúng ta nhìn lại ơn gọi
làm môn đệ Chúa của chúng ta và tự hỏi mình đã sống ân huệ ấy như thế nào.
Ca-phác-na-um là thành phố lớn tại ven biển hồ Ga-li-lê thời
ấy và thuộc miền đất của dân ngoại.
Nhưng nó lại được Chúa Giê-su chọn làm địa bàn khởi đầu hoạt động truyền
giáo. Có lẽ chúng ta thắc mắc tại sao
Chúa không chọn thánh đô Giê-ru-sa-lem.
Có thể theo lẽ khôn ngoan, Chúa Giê-su đã chọn một nơi thích hợp với khả
năng hạn hẹp ban đầu. Nhưng lý do hiển
nhiên nhất, đó là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a: Tại đây, “đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối
tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng,
những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Đúng vậy, ánh sáng huy hoàng và ánh sáng bừng
lên ấy chính là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng được sai đến để tiêu diệt tử thần và tội
lỗi. Từ sau khi nguyên tổ loài người sa
ngã, tội lỗi đã trải bóng tối của nó trên nhân loại và gây nên cái chết cho mọi
người. Tội lỗi đã làm đổ vỡ công cuộc tạo
dựng của Thiên Chúa, nhưng Người đã quyết định tái tạo công cuộc ấy trong Đức
Ki-tô (Ê-phê-xô 1:10). Như thế,
Ca-phác-na-um quả thực là biểu tượng cho một thế giới cần được ánh sáng ơn cứu
độ của Chúa Ki-tô chiếu soi. Sứ mệnh của
Chúa Ki-tô phải khởi đầu từ nơi ấy và các môn đệ Người cũng được kêu gọi để
cùng với Người thi hành kế hoạch của Chúa Cha.
Qua Bí tích Rửa tội, sứ mệnh ấy đã được ký thác cho chúng ta khi vị chủ
sự trao cho chúng ta một cây nến thắp sáng và nhắn nhủ chúng ta hãy đem ánh
sáng Chúa Ki-tô đến với mọi người. Như
Chúa Ki-tô đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng (Mác-cô 16:15), Người cũng
sai chúng ta, những môn đệ hôm nay đi vào thế giới.
Dĩ nhiên làm môn đệ Chúa là một vinh dự, nhưng cũng là một
trách nhiệm và bổn phận phải trả bằng một giá đắt. Chúa Giê-su đã thẳng thắn cho biết cái giá
này, là phải vác thập giá và hy sinh ngay đến mạng sống mình (Mác-cô
8:34,35). Làm môn đệ đòi hỏi chúng ta phải
từ bỏ những gì thuộc bóng tối để mặc lấy ánh sáng Chúa Ki-tô. Đó là cuộc “lột xác” rũ bỏ con người cũ để mặc
lấy sự sống mới của Chúa Ki-tô. Một khi
chúng ta thực sự được biến đổi, trở thành ánh sáng trần gian, thì việc thi hành
sứ mệnh rao giảng Tin Mừng chỉ là việc tự nhiên khởi động.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Thánh sử Mát-thêu ghi lại khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê-su như
sau: “Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu
rao giảng và nói rằng: ‘Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần’” (Mát-thêu
4:17).
Ghi chú này đòi chúng ta phải suy nghĩ lại bổn phận làm môn
đệ Chúa. Như Chúa Giê-su đã có một khởi
điểm cho sứ vụ của Người , chúng ta
cũng vậy. Người đã tiếp nối rao giảng sứ
điệp mà ông Gio-an đã rao giảng sau khi ông đã bị bắt. Người rao giảng bằng lời nói và hành động tha
thứ tội lỗi. Còn chúng ta, chúng ta tự hỏi
thời điểm “từ lúc đó” của chúng ta bắt đầu khi nào. Có phải là ngay khi trở nên môn đệ Chúa hay
chúng ta còn chần chừ chờ đợi? “Từ lúc đó” ám chỉ một tình trạng khẩn thiết,
làm như chúng ta phải mau mắn như tráng sĩ lên đường.
Nhưng chúng ta phải bắt đầu làm môn đệ Chúa như thế
nào? Chắc chắn đầu tiên chúng ta phải trở
nên giống như Chúa, trang bị mình bằng cách thay thế não trạng thế gian bằng
não trạng của Chúa Giê-su, mặc lấy những tâm tình của Người, nghĩ như Người
nghĩ, nói như Người nói, và nhất là yêu thương như Người đã yêu thương. Muốn rao giảng sự sám hối, chúng ta phải sám
hối trước. Làm môn đệ Chúa không phải là
đòi cho mình một danh hiệu, một cái nhãn “người Công giáo”, nhưng là bắt đầu đi
vào tiến trình Ki-tô hóa.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi