SÁM HỐI ĐỂ BIẾT MÌNH VÀ BIẾT CHÚA

(Chúa Nhật III, Thường Niên, A)

Jos.Vinc. Ngọc Biển

Trong tiến trình phát triển của con người, bình thường khi đã đến tuổi trưởng thành, chúng ta sẽ lựa chọn cho mình một định hướng làm động lực để chúng ta phấn đấu. Ước mơ đó có thể là bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo... và chúng ta đều hy vọng cho ước mơ đó được thành hiện thực, để cuộc đời tương lai có ý nghĩa hơn. 

Hôm nay, thánh Mátthêu thuật lại cho chúng ta biết Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai, Ngài đã kêu gọi dân chúng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt 4, 17); đồng thời Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ đầu tiên để huấn luyện và sai các ông ra đi loan báo về Triều Đại đó của Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa hay Triều Đại của Ngài chính là mơ ước hay mục đích của mỗi chúng ta.

1.   "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần"

Khi nói đến Nước Trời hay Triều Đại của Thiên Chúa, nhiều người cứ nghĩ đó là một nơi chốn được định vị rõ ràng, nhưng không phải vậy, đây là một tình trạng. Tình trạng đó là con người được hạnh phúc, bình an và tràn ngập yêu thương. Như vậy, cũng có thể chúng ta đã đạt được hay đang trên đường đi tìm kiếm. Dấu chỉ của những người đã đạt được chính là hạnh phúc vì có Chúa ở cùng. Khi có Chúa là nguồn hạnh phúc thì lúc ấy,  chúng ta mới có “sổ đỏ”, và “hộ khẩu thường trú” để trở thành “công dân của Nước Trời” đúng nghĩa.

Tuy nhiên, để được nhận tấm thẻ căn cước, giấy thông hành để được Nước Trời thì điều kiện cần phải có, đó“sám hối”.

Khi Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng và nói: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt 4, 17), lời mời gọi này như một động lực thôi thúc mạnh mẽ hơn sứ điệp mà Gioan đã mời gọi trước đó. Điều này cũng có nghĩa là Thiên Chúa chấm dứt họat động của Gioan Tẩy Giả (ông bị bắt cầm tù). Sứ vụ của Đức Giêsu được gạnh nối từ Gioan. Nếu Gioan loan báo về Đấng Mêsia, Ngài là Cứu Chúa, thì khi Đức Giêsu đến, Ngài đã chứng minh cho mọi người thấy, Ngài chính là Đấng mà Gioan đã loan báo. Gioan chỉ đóng vai trò giới thiệu, còn Đức Giêsu thì chính là nội dung của lời giới thiệu đó. Vì thế khi Gioan bị bắt và bị cầm tù, nhiệm vụ của ông đã xong, vai phụ phải lui vào hậu trường để nhân vật chính xuất hiện. 

Tại sao, hai con người, nhưng cùng chung một sứ vụ và đều mời gọi dân chúng sám hối vì Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần?

Thưa, vì thái độ sám hối là điều kiện cần để được cứu độ, nên tự nó cho thấy tầm quan trọng của hành vi sám hối. Quan trọng là vì: sám hối để biết Chúa là chân lý, là ánh sáng, là lẽ sống, là sự thật. Sám hối cũng chính là ý thức mình cần đến Chúa, đi theo Chúa và chọn Chúa là lý tưởng, là mục đích tối hậu của cuộc đời. Qua hành vi sám hối, con người dễ nhận biết mình yếu đuối, bất toàn, mong manh và mỏng dòn. Ý thức được điều đó, nên một triết gia lỗi lạc là Socrate đã mở đầu triết thuyết của ông bằng câu châm ngôn nổi tiếng: “Anh hãy tự biết mình” (Connais-toi, toi même).

Sám hối còn là để xác định đúng hướng và đi đúng đường, nhằm trách đi lạc và không đạt được mục tiêu. Triết gia Platon, đã nói: “Người chạy thì bao giờ cũng phải tới đích. Nếu không tới đích  thì chạy mau lẹ đến đâu cũng bằng vứt đi”. Thánh Augustinô khen những người như vậy là những người “bene currit, sed extra viam - chạy nhanh đấy nhưng lạc đường”.

Thật vậy, người xưa thường nói: “Khôn chết, dại chết, biết là sống”. Sám hối chính là để biết mà được sống.

Sám hối cũng là điều kiện cần để ta lên đường đi tìm một cái gì đó tốt hơn, ý nghĩa và đảm bảo hơn. Nếu bốn môn đệ đầu tiên trong bài Tin Mừng hôm nay, các ông không có hy vọng, không khiêm tốn thì không thể nào ngay lập tức, bỏ cha, bỏ lưới để đi theo Đức Giêsu được.

Nếu có sám hối và tin vào Đức Giêsu thì mới dứt khoát và sẵn sàng ra đi để trở thành những kẻ lưới người như lưới cá. Có sám hối thì mới không bị vướng bận vào những chuyện phụ thuộc để toàn tâm toàn ý lo những việc chính yếu của sứ mạng.

Thật vậy, nếu không sám hối thì chúa tể của con người chính là cái bụng! Chỉ lo tìm kiếm những sự trần tục nhằm thỏa mãn xác thịt, cuốn theo những khuynh hướng thấp hèn, sa đọa, nhục dục mà quên đi Hạnh Phúc Vĩnh Hằng, còn sám hối và ý thức được thân phận giới hạn của con người thì mới biết:“ái mộ những sự Trên Trời”. 

2.   Sống sứ điệp Lời Chúa                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Linh mục nhạc sĩ Ân Đức đã sáng tác bài hát “Biết Chúa, biết con”, trong đó có đoạn viết như sau:

“Biết Chúa là Thiên Chúa độc nhất là Cha là Chúa trời đất. 
Biết Chúa Vua muôn loài, biết Chúa thương con người. 
Biết Chúa là tạo hóa là Đấng sinh thành nên con. 
Biết con là tạo vật, một đời sống kiếp con người. 
Biết con không là gì, chỉ là bụi cát mà thôi. 
Biết con thân phàm hèn, mỏng giòn, muôn vàn yếu đuối. 
Biết con bao tội tình để lòng xao xuyến khôn nguôi”. 
     

Khi biết Chúa là Đấng yêu thương như vậy, thì còn đâu chuyện chia rẽ, ghen ghét, còn đâu chuyện tôi nhóm nọ, anh nhóm kia... bởi vì trong những yếu đuối, lỗi lầm của anh em, thì chính mình cũng đều mắc phải hết. Vì thế, chính mình cần phải sám hối trước và xây dựng tình hiệp nhất huynh đệ trong yêu thương. Thấy được bản chất của con người là hiếu thắng, nên trong cộng đoàn của ngài có những chuyện gây chia rẽ, nên thánh Phaolô đã nói: “Thưa anh em, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận một lòng một ý với nhau(1Cr 1,10). Khi cùng chung nhau một lý tưởng, một mục đích thì đâu còn có chuyện: “Tôi thuộc về Phaolô, tôi về phe Apôlô, còn tôi về phe Phêrô, và tôi thuộc về phe Chúa Kitô. Vậy Chúa Kitô bị phân chia rồi sao?” (1Cr 1,12-13a). Và, thánh Phaolô khuyên họ hãy hướng về Đức Giêsu để tìm ra con đường của mình mà đi tới chứ không phải nơi người này hay người kia.

Vậy, điều trước tiên, sám hối là quay trở về với Chúa, lấy Chúa làm mục đích cho cuộc đời mình mà vươn tới. Sám hối cũng là để xin ơn tha thứ và từ bỏ con đường tội lỗi, là một động tác gột rửa tâm hồn, để sống cho hợp với ý Chúa, đem lại bình an nội tâm và liên đới với mọi người.

Thứ đến, sám hối là làm mới lại tinh thần, canh tân đời sống và thay đổi não trạng cũ để đổi lấy tâm tình mới. Sám hối còn là trở nên trong sạch từ ý nghĩ đến hành động. Sám hối để xây dựng tình hiệp nhất, bác ái và yêu thương.

Cuối cùng, sám hối còn là để gắn bó với Chúa, hầu sẵn sàng ra đi loan báo Triều Đại của Thiên Chúa, trở thành những người chinh phục lưới người như lưới cá.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đáp lại lời mời gọi của Chúa để sống tinh thần sám hối thật lòng, hầu có thể đón nhận Triều Đại của Thiên Chúa đến với chúng con cách trọn vẹn và sẵn sàng ra đi loan báo sứ mạng ấy cho mọi người. Amen.

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A