CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG
NIÊN
Các Mối phúc là lối
sống của Ki-tô hữu
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 5:1-12a)
Có lẽ thánh Phao-lô là người thấu hiểu nhất bài giảng trên
núi của Chúa Giê-su. Viết cho tín hữu
Cô-rin-tô, Phao-lô quả quyết: “Những gì
thế gian cho là… điên dại, yếu kém, hèn mạt, thì Thiên Chúa đã chọn” (1
Cô-rin-tô 1:27,28). Nghe bài giảng của
Chúa Giê-su, não trạng thế gian của chúng ta khó mà chấp nhận được những nghịch
lý của Tám Mối phúc. Nhưng đó lại là những
điều “Thiên Chúa đã chọn” để chúng ta bước đi trên đường làm môn đệ Chúa
Giê-su. Hy vọng những gợi ý của thánh
Phao-lô trong bài đọc Tân Ước hôm nay sẽ giúp chúng ta nắm được ý nghĩa đích thực
lời giảng của Chúa.
Trước hết thánh Phao-lô cho chúng ta một hình ảnh về giáo hội
Cô-rin-tô: các tín hữu được Chúa kêu gọi
thì không khôn ngoan, quyền thế và quý phái theo như lối sống của người đời,
nhưng họ “được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su”, nghĩa là không những họ được sống
như con cái Thiên Chúa ở đời này, mà còn được hiện hữu vĩnh cửu trong Chúa
Ki-tô ở đời sau.
Đúng thế, Chúa Giê-su
không đặt mục đích của các Mối Phúc ở
cuộc đời tạm này, nhưng cho đời sống mai sau.
Tại sao không chọn lựa những gì thế gian chọn mà lại phải chọn các Mối
Phúc thiệt thòi cho chúng ta? Chúa
Giê-su đã trả lời rằng mục đích của các Mối phúc đều hướng về Thiên Chúa và đem
lại lợi ích đích thực cho chúng ta. Đó
là chúng ta “được Nước Trời và Đất Hứa làm gia nghiệp, được Thiên Chúa ủi an và
cho thỏa lòng, được Thiên Chúa xót thương, được nhìn thấy Thiên Chúa, được gọi
là con Thiên Chúa”. Tất cả những cái “được”
ấy, thế gian không bao giờ có thể đem lại cho chúng ta, có chăng chỉ là tạm bợ
chóng qua chứ không thể bền vững. Chỉ có
những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Chúa Ki-tô mới tồn tại muôn đời, hoặc
nói theo thánh Phao-lô, là mới “được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su”.
Khi rao giảng các Mối
phúc, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy đó là những
chọn lựa của Thiên Chúa để thắng thế gian.
Người đã lấy sự điên rồ và nhục nhã của thập giá Chúa Ki-tô để chiến thắng
nọc độc của tội lỗi là sự chết. Người đã
lấy việc Chúa Giê-su trút bỏ vinh quang để đánh bại sự kiêu căng của A-đam xưa. Các Mối Phúc là con đường Chúa Ki-tô đã đi để
chiến thắng thế gian. Giờ đây Thiên Chúa
cũng muốn chúng ta cùng đi với Chúa Ki-tô trên con đường ấy, cho nên Người đã để
cho Con Một Người dạy chúng ta bài học về các Mối Phúc.
Một điều nữa giải thích
cho nghịch lý của các Mối Phúc là để “không phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt
Thiên Chúa”. Tất cả các Mối Phúc đều diễn
tả một tư thế “nghèo khó” đích thực của
một con người đứng trước Đấng tạo dựng nên mình. Chúng diễn tả thật sống động mối tương quan
giữa chúng ta với Cha trên trời, Đấng sẽ ban phần thưởng cho những ai yêu mến
Người hết lòng, hết sức, hết tâm hồn và hết trí khôn. Chúng cũng mời gọi chúng ta kết hiệp với Chúa
Giê-su, Đấng đã sống toàn hảo những Mối Phúc để đưa chúng ta về với Chúa Cha.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Đáp lại lời Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta làm môn đệ thực là
khó, thì một lần nữa chúng ta cũng cảm thấy khó đáp lời mời gọi sống những nghịch
lý của các Mối Phúc. Não trạng thế gian
đã quá vững vàng và ngăn cản không cho chúng ta nhìn xa về tương lai đời
sau. Nó cám dỗ chúng ta bám chặt lấy những
gì mắt thấy, như giàu sang, danh vọng, sức mạnh, thắng được người khác, không
thương xót. Trái lại, não trạng của
Thiên Chúa muốn “làm cho chúng ta trở nên công chính, thánh hóa và cứu chuộc
chúng ta” để chúng ta được sống đời đời.
Chọn lựa đích thực phải nhắm tới điều gì là phải là tốt. Có ai lại chọn đồ giả thay vì đồ thật, chóng
hư thay vì lâu bền? Khi rao giảng các Mối
Phúc, Chúa Giê-su muốn trình bày những đường lối chân chính của Cha Người để
giúp chúng ta tiến về quê hương vĩnh cửu.
Dù trong cuộc đời này, chúng ta thường thấy những người xấu và những sự
dữ có vẻ thắng thế, nhưng chắc chắn họ đã không thắng được trận chiến cuối
cùng, tức cái chết sẽ đến với mọi người.
Chỉ những ai bước theo Đấng đã chiến thắng thần chết mới là những người
chiến thắng cuối cùng. Xin Chúa giúp
chúng ta trở nên bé nhỏ để chấp nhận lối sống Người chỉ dạy chúng ta.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi