CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN A
Xp 2,3.3,12-13; 1 Cr 1,26-31; Mt 5,1-12a
SỐNG SIÊU THOÁT KHIÊM HẠ TRONG TÌNH THƯƠNG
ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 5,1-12a
(1) Thấy đám đông, Đức
Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người
mở miệng dạy họ rằng: (3) “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì
Nước Trời là của họ”. (4) “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được
Đất Hứa làm gia nghiệp”. (5) “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên
Chúa ủi an”. (6) “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ
sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. (7) “Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. (8) “Phúc thay ai có tâm hồn
trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (9) “Phúc thay ai xây
dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (10) “Phúc thay
ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”. (11)
“Phúc cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu
khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần
thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.
2. Ý CHÍNH: TÁM MỐI PHÚC
THẬT.
Mát-thêu đã tóm lược giáo lý của Đức Giê-su làm thành “Bài Giảng
Trên Núi” hay cũng gọi là bản “Hiến Chương Nước Trời”. Đây là Tám Mối
Phúc mà chính Đức Giê-su đã nêu gương và đòi hỏi các tin hữu phải thực hành
trong cuộc sống, như tiêu chuẩn để được gia nhập vào Nước Trời do Người thiết
lập. Chẳng hạn: Phải có tâm hồn nghèo khó nghĩa là sống siêu thoát đối với của
cải vật chất, rồi phải ăn ở hiền hòa, có lòng sám hối, giữ đức công chính, có
lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, ăn ở hòa thuận, sẵn sàng chịu bách
hại vì đức Tin. Chỉ những ai sống theo các tiêu chuẩn nói trên mới đủ điều
kiện để được hưởng hạnh phúc Nước Trời là thiên đàng đời sau.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Đoàn lũ đông đảo: Gồm các Tông
đồ, các môn đệ và dân chúng đến từ Ga-li-lê, miền Thập Tỉnh, miền
Giu-đê và thủ đô Giê-ru-sa-lem. Lại có cả dân ngoại từ các thành Ty-rô
và Si-đon (x. Lc 6,17; Mt 4,25). Như vậy đoàn lũ đông đảo nói lên tính phổ
quát của sứ điệp Đức Giê-su. + Người đi lên núi: Núi ở đây
thực ra chỉ là một quả đồi ở gần thành Ca-phác-na-um. Nhưng Tin Mừng
Mát-thêu dùng tiếng “núi” để gợi lại việc Thiên Chúa ký kết Giao
Ước và ban Lề Luật cho Ít-ra-en trên núi Si-nai. + Người ngồi xuống, các môn
đệ đến gần bên: Ngồi là tư thế của vị tôn sư khi giáo huấn
môn đồ (x. Mt 13,1). + Phúc thay: Đây là kiểu nói thường
được sử dụng trong Cựu Ước (x. Tv 1,1-2; Cn 3,3). Ở đây Đức Giê-su dùng
lối nói này để khai mạc Nước Trời, trong đó những người nghèo đói,
hèn mọn, sầu khổ… sẽ được hạnh phúc thật, miễn là họ tiếp nhận
sứ điệp của Người. Mát-thêu dùng kiểu nói: Phúc thay ai…, đang khi
Lu-ca thì viết: Phúc cho anh em... (6,20-26).+ Tinh thần nghèo khó, vì Nước
trời là của họ: Nghèo khó là tinh thần khiêm tốn với lối sống
đơn giản, không tham lam tiền bạc; giống như trẻ em không tranh giành địa vị
quyền hành. Đây là điều kiện để được gia nhập vào Nước Trời (x. Mt 18,1-11).
Nghèo khó cũng đồng nghĩa với sự siêu thoát, sẵn sàng chia sẻ của cải vật
chất cho người nghèo như điều kiện để đi theo làm môn đệ Đức Giê-su và đáng được
Nước Trời làm phần gia nghiệp (x. Mt 19,16-22).
+So sánh sự khác nhau giữa hai câu: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo
khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3), và câu: “Phúc cho anh em là những
kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20) giống và khác nhau
thế nào ?
Hai câu trên trong Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca đều đề cập đến điều
kiện phải có để được gia nhập vào Nước Trời hay Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên Tin
Mừng Lu-ca nhấn mạnh những người nghèo khó không cơm ăn áo mặc sẽ được Chúa bù
đắp cho ưu tiên gia nhập Nước Thiên Chúa, khác với Tin Mừng Mát-thêu cho biết để
được gia nhập vào Nước Trời đòi người ta phải có tâm hồn nghèo khó, nghĩa là
phải hóa nên như trẻ thơ không ham mê địa vị quyền hành (x. Mt 19,13-14), sẵn
sàng chấp nhận ngồi chỗ thấp trong bàn tiệc (x. Lc 14,10-11). Họ sẽ được Thiên Chúa
nâng lên và cho ưu tiên hưởng hạnh phúc là ơn cứu độ muôn đời (x. Lc 1,53;
16,25).
- C 4-5: + Hiền lành: Trong Kinh Thánh, sự hiền
lành luôn đi đôi với nghèo khó, khiêm nhường, nhỏ bé, yếu đuối, bị
oan ức và thiếu thốn. + Đất Hứa làm gia nghiệp: Đất Hứa
là một kiểu nói ám chỉ Nước Trời (x. Tv 37,11). + sầu khổ: là than
khóc, buồn sầu vì đã phạm tội mất lòng Chúa và phải xa lìa Thiên
Chúa. Buồn sầu thường do tội lỗi gây ra (x. 1 Cr 5,2). Đây cũng là tâm
tình của người đang mong chờ ơn cứu độ của dân Ít-ra-en như ông Si-mê-on đã
ca tụng Thiên Chúa (x. Lc 2,25). + Được Thiên Chúa ủi an: Sự đau
buồn này sẽ được Thiên Chúa bù đắp bằng niềm an ủi và còn được Chúa xét
xử khoan dung trong ngày tận thế.
- C 6-8: + Khát khao nên người công chính: Công chính là cách ăn ở hợp với thánh ý Thiên Chúa (x. Mt
3,15). Khát khao nên người công chính nghĩa là ước mong sống công bình
ngay chính, tuân giữ Luật Chúa truyền dạy như ông Giu-se (x. Mt 1,19) và
tránh thói giả hình của người pha-ri-sêu (x. Mt 5,20). + Nước Trời là của họ:
Hạnh phúc Nước trời sẽ được dành để ban thưởng cho những ai muốn sống
cuộc đời hoàn thiện. + Xót thương người: nghĩa là tỏ
lòng nhân hậu đối với các tội nhân noi gương Thiên Chúa: “Ta muốn lòng
nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6) và như người Sa-ma-ri-a nhân hậu
đã sẵn lòng giúp đỡ người gặp nạn (x. Lc 10,33-37). + Sẽ được Thiên Chúa xót
thương: Có lòng thương xót và biết tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình
thì sẽ được Thiên Chúa xót thương và được tha tội nợ (x. Mt 6,14-15).
Ông chủ trong dụ ngôn “hai con nợ” đã mắng kẻ không biết thương xót:
“Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi vì ngươi đã van xin Ta. Thì đến
lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương
xót ngươi sao ?” (Mt 18,32-33). + Lòng trong sạch: Trong sạch ở
đây không những là đức khiết tịnh, mà còn ám chỉ một lương tâm ngay thẳng, hết
lòng phụng sự Chúa và tha nhân, không màng danh lợi... + Được nhìn thấy Thiên Chúa:
Là được tiếp xúc thân mật với Chúa như ông Mô-sê xưa đã được gặp gỡ đàm đạo
với Đức Chúa “diện đối diện” (x. Xh 33,11).
- C 9-10: + Phúc thay ai xây dựng hòa bình: Sứ mạng của các môn đệ là phải làm cho mọi dân nước trên
thế giới trở thành đại gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là
anh em của nhau. Người tín hữu cần sẵn sàng làm hòa với những ai đang bất bình
với mình, để lễ dâng lên Chúa xứng đáng được chấp nhận (x. Mt 5,23-24). + Được
gọi là con Thiên Chúa: Vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai sống yêu
thương thì mới ở trong Thiên Chúa và trở nên con cái Thiên Chúa. Họ sẽ
được Chúa yêu thương và tâm hồn được bình an (x. 2 Cr 13,11). + Phúc
thay ai bị bách hại vì sống công chính: Có phúc vì nên giống Đức
Giê-su, Đấng đã bị các đầu mục Do thái hãm hại. Người đã phải trải qua cuộc
khổ nạn như vậy rồi mới được vào trong vinh quang phục sinh. Đây là một sự
điên rồ đối với người Do thái và là điều không dễ chấp nhận, ngay cả
các môn đệ Đức Giê-su cũng vậy (x. Mt 16,22). Tuy vô tội, nhưng Đức Giê-su săn
sàng bị người Do thái bắt bớ giết hại trên cây thập giá để đền tội thay cho
nhân loại chúng ta (x. Mt 10,24-25). Thánh Phê-rô cũng nói thêm như sau: “Nếu
anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc !” (1 Pr
3,14).
- C 11-12a: + Vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ
điều xấu xa: Lời Chúa giải thích mối phúc
thứ tám để động viên các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đang bị bách
hại. + Anh em hãy vui mừng hớn hở: Thánh Phê-rô cũng dạy:
“Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui
mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui
mừng hoan hỉ. Nếu bị xỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc,
bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa,
ngự trên anh em” (1 Pr 4,13-14). + Vì phần thưởng dành cho anh em ở trên
trời thật lớn lao: Chính khi chịu đau khổ bách hại và liên
kết với cuộc tử nạn của Chúa Giê-su, các tín hữu sẽ được nên giống Người
và sau này còn được Người đón nhận vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc viên
mãn với Người.
4. CÂU HỎI:
1) Tám Mối Phúc Thật là
bản tóm lược những điều kiện phải có để được vào Nước Trời do Chúa
Giê-su thiết lập. Trong Tám Mối Phúc này, mối phúc nào quan trọng nhất
và là nền tảng của các mối phúc khác ? 2) So sánh ý nghĩa câu: “Phúc
thay ai có tâm hồn nghèo khó” trong Tin Mừng Mát-thêu với câu “Phúc cho
anh em là những kẻ nghèo khó” trong Tin Mừng Lu-ca giống và khác nhau
thế nào ? 3) Tại sao Chúa Giê-su lại chúc phúc và đề cao người
nghèo, đang khi chỉ người giàu có mới có điều kiện giúp xóa đói giảm nghèo ?
4) Ý nghĩa của các mối phúc còn lại như thế nào: Phúc cho ai hiền
lành, sầu khổ, khát khao nên người công chính, biết xót thương người,
có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì danh Chúa ?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Phúc thay ai
có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).
2. CÂU CHUYỆN:
1) NGHỊCH LÝ CỦA KI-TÔ GIÁO: Tonner, một nhân vật nổi tiếng hiện nay của Mỹ, là một tỉ phú giàu
có, một trong các sáng lập viên của hệ thống truyền hình CNN. Gần đây trong một
cuộc phỏng vấn của tạp chí The New York, Tonner cho biết không phải lúc nào
cũng thành công. Ông đã từng bị thất bại và đi đến thất vọng đến nỗi đã nghĩ
tới việc tự tử. Một người là một trong những nhân vật quyền thế nhất nước Mỹ,
nhất là sau khi đã tặng hàng tỉ Mỹ kim cho Liên Hiệp Quốc, giờ đây phải thú
nhận mình đang là nạn nhân của một cuộc chiến về mọi mặt, từ việc kinh doanh
đến cuộc sống gia đình và ngay cả niềm tin tôn giáo. Thất bại trong đời sống hôn
nhân là điều tệ hại nhất đối với Tonner. Ông và nữ tài tử Folda đã ly hôn sau
tám năm chung sống. Lý do chính khiến cho hai người chia tay là vì Folda đã theo
đạo để trở thành một tín hữu Ki-tô. Tonner tỏ ra không mấy thiện cảm với đức
tin tôn giáo. Ông cho rằng Ki-tô giáo là một tôn giáo chỉ dành cho những kẻ thua cuộc thất
bại. Ông đã gọi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một tên ngu ngốc. Với tất cả
những gì đang chiếm hữu, Tonner thật có lý khi coi các tín hữu Kitô là những kẻ
thất bại nghèo đói. Nhưng điều nghịch lý nhất của Ki-tô giáo mà Tonner không sao
hiểu được là người tín hữu Ki-tô chọn đi con đường: “thua để thắng”, “mất để
được” như Đức Giê-su đã chọn và Tông đồ Si-mon Phê-rô đã phản kháng. Đó là con
đuờng “Qua đau khổ của sự chết để vào trong vinh quang phục sinh” (x. Mt 16,21-23),
Nghịch lý này về sau đã được thánh Phan-xi-cô Át-si diễn tả trong lời cầu của kinh
Hòa Bình. (nguồn: radio veritas
2) SỐNG SIÊU THOÁT HIỀN HÒA NHƯ
PHAN-XI-CÔ ÁT-SI
Phan-xi-cô thành Át-si (Phanxicô Assise) là con một nhà quý tộc giàu
có danh giá ở thành Át-si. Một hôm đi nhà thờ dự lễ và tình cờ nghe
một vị linh mục giảng về Tám mối Phúc Thật, Phan-xi-cô rất tâm đắc
với câu nói của Chúa Giê-su: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì
Nước Trời là của họ” (Mt 5,2). Từ hôm ấy, anh luôn suy nghĩ xem mình phải
sống thế nào để trở thành một người nghèo thực sự theo lời dạy của
Chúa? Rồi một ngày nọ, anh đi đến quyết định sống cuộc đời siêu thoát,
từ bỏ mọi sự để hoàn toàn phó thác cuộc đời cho Chúa quan phòng. Anh đã bán
gia sản của cha mình và đem phân phát cho những người nghèo khổ bệnh
tật. Hành động của Phan-xi-cô đã đến tai người cha khiến ông này nổi cơn
thịnh nộ. Ông đã đến tịch thu tất cả những gì còn sót lại của
Phan-xi-cô và tuyên bố từ không nhận Phan-xi-cô làm con nữa. Ngày hôm ấy Phan-xi-cô
đã bỏ lại tất cả quần áo, giầy dép sang trọng đang mặc để ra kihỏi nhà với
hai bàn tay trắng. Anh đã viết nhật ký như sau: “Bây giờ tuy không còn có
cha ở trần gian, nhưng tôi vẫn luôn có Cha Trên Trời hằng thương yêu
tôi”. Từ ngày đó anh được hoàn toàn tự do đi theo lý tưởng đã chọn lựa
là “từ bỏ tất cả mọi sự, trở nên nghèo khó vì Nước Trời”. Ban ngày,
trong bộ quần áo vải thô, chân không giày dép, Phan-xi-cô đã đi bộ ngang qua
các đường phố làng mạc để khất thực. Tối đến, anh thức khuya đọc
Thánh Kinh, cầu nguyện và dùng giây da để hành xác. Anh đã được Chúa in
năm dấu thánh trên hai bàn tay, hai bàn chân và cạnh sườn để nên giống
Chúa Giê-su bị đóng đinh chân tay và
chịu lưỡi đòng đâm thâu trên cây thập giá. Anh đã thực hành đúng theo Lời
Chúa dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của
họ” (Mt 5,3). Lối tu luyện khổ hạnh của Phan-xi-cô đã được Hội Thánh đánh
giá cao và dòng “Anh em hèn mọn” do Phan-xi-cô sáng lập đã trở thành một
dòng tu lớn bậc nhất trong Hội Thánh. Sau khi qua đời, anh đã được Hội
Thánh phong lên bậc hiển thánh là thánh Phan-xi-cô Át-si hay Phan-xi-cô
Năm Dấu, kính nhớ vào ngày 04 tháng 10 hằng năm.
3. SUY NIỆM:
1)Thế nào là hạnh phúc ? Làm sao để có hạnh phúc thực sự ?
Hạnh phúc là một khát vọng tự nhiên của con
người muốn được thỏa mãn các nhu cầu cả về thể xác cũng như tâm hồn, mà sau khi
đã được thỏa mãn người ta sẽ cảm thấy vui vẻ sung sướng không còn bị khát khao
nữa. Có hai thứ hạnh phúc : Một là hạnh phúc tự nhiên khả giác và hai là hạnh
phúc siêu nhiên tinh thần như sau :
-Về hạnh
phúc tự nhiên: Người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được thỏa mãn điều mình khát
vọng như: Được có nhiều tiền của vật chất, được sống chung với người mình yêu,
được khen ngợi thành tích đã đạt được, được thi đậu vào trường học hay được cấp
visa nhập cảnh ra nước ngoài, được thăng quan tiến chức theo ý muốn… Tuy nhiên,
thứ hạnh phúc này thường không bền lâu và nhiều khi hạnh phúc hôm nay lại trở thành
nguyên nhân gây ra bất hạnh sau đó.
-Về hạnh phúc siêu nhiên: Tin Mừng hôm nay đề
cầp đến thứ hạnh phúc tinh thần của các tín hữu Ki-tô là « Tám Mối
Phúc ». Đây là bản Hiến Chương Nước Trời do Đức Giê-su- Mô-sê Mới của thời
Tân Ước đã công bố cho dân Ít-ra-en Mới là Hội Thánh, để kiện toàn Thập Giới do
Mô-sê của thời Cựu Ước đã công bố cho dân Ít-ra-en trên hai bia đá trong cuộc
Xuất Hành.
2)Về tám mối phúc của Đức Giê-su:
Đây là những tiêu chuẩn mà những ai muốn
được ơn cứu độ của Đức Giê-su phải thực hành trong cuộc sống như sau:
+ Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó: Người có tâm hồn nghèo khó là người không tham
lam tiền của, không tranh giành địa vị chức quyền, nhưng luôn sống đơn giản siêu
thoát và khiêm nhường phục vụ noi gương Đức Giê-su, nên họ sẽ được ban thưởng Nước
Trời đời sau.
+ Phúc thay ai hiền lành: Người hiền
lành là người có lòng từ bi nhân ái, không cố tình làm hại ai, nhưng luôn biết nhẫn nhịn chịu
đựng những xúc phạm của tha nhân vì lòng mến Chúa, nên họ sẽ được Chúa bù đắp các
thiệt thòi bằng hạnh phúc là đất hứa Thiên Đàng.
+ Phúc thay ai sầu khổ: Người sầu
khổ là người ý thức giá trị thanh luyện của đau khổ nên sẵn sàng chịu
đựng mọi gian khổ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, nên họ sẽ được Chúa đoái
thương “lau khô giọt lệ” và được Người động viên an ủi bằng hạnh phúc Thiên Đàng
sau này.
+ Phúc thay ai khao khát nên người công chính: Người công chính là người luôn hướng thượng, muốn nên hoàn
thiện noi gương Chúa Cha trên Trời, nên họ sẽ được thỏa lòng mong ước nhờ tin
vào Chúa Giê-su và ăn ở công minh chính trực giống như Người.
+ Phúc thay ai xót thương người: Người biết xót thương là người luôn cảm thông chia sẻ niềm vui nỗi
buồn với tha nhân như thánh Phao-lô dạy: “Vui với người vui, khóc với
người khóc” (Rm 12,15), nên họ sẽ được Chúa xót thương và ban ơn tha thứ trước
tòa phán xét sau này.
+ Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Người có tâm hồn trong sạch là người có nếp sống lành thánh trong
tư tưởng lời nói và hành động, nên cặp mắt tâm hồn của họ sẽ nên trong sáng để
có thể nhìn thấy Chúa nơi đang hiện thân nơi những người đói khổ bất hạnh (x.
Mt 25,40), và sau này họ còn được “mặt giáp mặt” Chúa trên nước thiên đàng (1
Cr 13,12).
+ Phúc thay ai xây dựng hòa bình: Người xây dựng hòa bình là người luôn nhẫn nhịn chịu đựng, biết ứng
xử theo nguyên tắc “dĩ hòa vi quý” để sống hòa thuận với tha nhân, nên họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa (x. Mt 5,45) và trở
nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su (x. Ga 13,35).
+ Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Người bị bách hại vì sống công chính là người do tin theo Chúa
Giê-su nên đã bị bọn người gian ác thù ghét bách hại, nên họ sẽ được hưởng ơn
cứu độ là hạnh phúc nước thiên đàng đời đời do Thiên Chúa thưởng ban.
Đối với những người không có đức tin thì bản Hiến Chương Nước Trời của
Đức Giê-su là những điều nghịch lý khó lòng chấp nhận. Vì làm sao một người có
thể được hạnh phúc khi đang trong tình trạng đói nghèo, buồn sầu, bách hại…? Nhưng
đối với các tín hữu thì những điều nghịch lý nói trên lại trở thành hữu lý nhờ
tin vào Chúa Giê-su và đi theo con đường “Qua đau khổ vào vinh quang” như Người đã ba lần tiên báo với các môn đệ: “Con
Người sắp bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba người
sẽ trỗi dậy” (Mt 16,21; 17,22-23; 20,17-19).
3) Mối
phúc căn bản: Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó:
Người có tâm hồn nghèo khó được Chúa chúc phúc phải sống
nghèo khó vì người khác và cho người khác. Nếu một người sống nghèo
khó vì mình, hà tiện không dám tiêu xài để mình ngày càng giàu thêm thì đó là thói
hư hà tiện chứ không phải nhân đức khó nghèo của Tin
Mừng. Rất nhiều người đã tưởng lầm mình có đức khó nghèo khi họ hà tiện không
dám ăn uống, may mặc, hay chữa bệnh… vì sợ bị tốn tiền. Số tiền dư ra thay vì để
chia sẻ giúp đỡ cho người nghèo thì họ lại gửi vào nhà băng hay mua vàng cất
giữ. Khó nghèo như thế không mang lại ích lợi cho tha nhân và cũng sẽ không
được hưởng lời Chúa chúc phúc.
Tâm hồn nghèo khó không những là sự quảng đại chia sẻ cơm áo
tiền bạc vật chất, mà còn gồm cả sự quảng đại chia sẻ cho tha nhân về tinh
thần. Chẳng hạn: Dành thời gian nghỉ ngơi để dấn thân làm công tác xã hội như:
giúp chống dột, vệ sinh khu vực nhà thờ hay khu phố nên sạch đẹp… Một người dù
có nhiều tiền bạc và phương tiện sống vẫn có thể được Chúa chúc phúc nếu biết
chia sẻ vật chất tinh thần cho tha nhân, đang khi những kẻ nghèo khó do lười
biếng ỷ nại vào người khác giúp đỡ, hoặc tham lam tiền bạc của cải cách bất
công… thì cũng không thực sự có đức khó nghèo đáng được Chúa chúc phúc.
4)Các mối phúc đều là kết quả của việc
thực hành giới răn “Mến Chúa Yêu Người”:
Mối phúc căn bản của tám mối phúc nói trên chính là lòng vị
tha bác ái. Chính tình mến Chúa yêu người sẽ trở thành động lực khiến các tín
hữu chúng ta sẵn sàng chịu đựng các sự thiệt thòi và đau khổ do kẻ gian ác gây
ra cho mình. Điều quan trọng là chúng ta cần quyết tâm thực hành giới răn mến
Chúa yêu người. Nhờ lòng mến mà mọi việc chúng ta làm sẽ được Chúa chúc phúc.
Mỗi mối phúc đều có hai vế: từ nguyên nhân đến hậu quả, từ việc
gieo hạt giống đến mùa lúa bội thu; Từ “mình vì mọi người” đến chỗ “mọi người
vì mình”; Từ “đi gieo trong nước mắt” đến “sẽ gặt trong vui mừng”… Sự nghèo khó,
hiền lành, sầu khổ sẽ trở nên nguồn hạnh phúc nếu chúng ta biết chịu đựng vì lòng
mến Chúa yêu người. Nếu không có tình thương làm nền tảng thì các sự nghèo khó,
hiền lành, sầu khổ nói trên sẽ là tai họa và hình phạt mà thôi.
4. THẢO LUẬN:
1) Hiện nay điều gì đang
làm bạn vui vẻ hạnh phúc hay bị đau khổ bất hạnh ? 2) Khi gặp một
sự rủi ro trái ý, một thất bại ê chề, một điều không vui do người
khác gây ra, bạn thường phản ứng thế nào ? 3) Để có được hạnh phúc
thật của Chúa, bạn nên làm gì để biến sự rủi ro trở thành may lành,
biến đau khổ thành niềm vui trong Chúa ?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong tám mối phúc thật Chúa dạy hôm
nay, con thấy mối phúc quan trọng nhất và bao gồm mọi mối phúc khác
là “Phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó”. Người có tâm hồn nghèo
khó là người luôn tin cậy phó thác cuộc đời cho Chúa, nên sẽ cầu
nguyện không ngừng; Là người ý thức về sự bất lực của mình, nên
không bao giờ khinh dể tha nhân nhưng luôn phó thác cậy trông vào tình
thương quan phòng của Chúa; Là người luôn ăn ở hiền lành và khiêm
nhường noi gương Chúa khi xưa.
- LẠY CHÚA. Người Mã Lai đã có câu châm ngôn so sánh các
bậc vĩ nhân với những kẻ tiểu nhân như sau: “Cây lúa nào càng nặng
trĩu hạt thì càng rạp sâu xuống sát mặt đất. Ngược lại: cây lúa
nào càng nghểnh đầu lên cao thì lại càng có ít hạt”. Xin Chúa giúp
chúng con luôn sống khiêm hạ và nghèo khó. Cho chúng con biết “Nói ít
làm nhiều”, luôn từ tốn, khiêm nhu và hòa nhã với mọi người. Nhờ
đó, chúng con sẽ nên giống Chúa hơn, sẽ có Nước Trời làm phần gia
nghiệp đời này và đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM