THỨ
BẬC CÁC GIÁ TRỊ THEO ĐỨC GIÊSU
(Mátthêu 5,17-37 – CN VI TN - A)
1.- Ngữ cảnh
Chúng ta đang ở trong Bài Giảng trên
núi (Bài diễn từ thứ nhất của Tin Mừng
Mt). Hôm nay, chúng ta đi vào Phân đoạn chính, có thể gọi bằng nhan đề “Sự
công chính của Nước Trời hay là Sống như con cái của Chúa Cha” (5,17–7,12).
Riêng bản văn được đọc hôm nay (5,17-37) thuộc về phần đầu của phân đoạn này, một
phân đoạn được các nhà chú giải mệnh danh là “Đức công chính dồi dào”
(5,20-48). Bản văn nói đến bốn cặp đối nghĩa ( trong số sáu cặp đối nghĩa:
5,20-48).
Phần này như đang ngầm trả lời một số
câu hỏi: Những việc tốt nào phải rạng sáng lên nơi các môn đệ Đức Giêsu? Qua
những việc tốt lành này, cách thức hiện hữu nào của Cha trên trời được người ta biết đến?
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Đức Giêsu mạc khải ý muốn của Thiên Chúa (5,17-20);
2) Đức Giêsu dạy về cách cư xử với người thân cận (5,21-48)
a) Các hành động trực tiếp làm cho người thân cận (5,21-37):
- các xung đột với người thân cận (5,21-26),
- cách cư xử đối với phụ nữ (5,27-32),
- tương quan với sự thật (5,33-37),
b) Các phản ứng trước cách cư xử của người khác (5,38-48).
Bản văn dùng trong Phụng vụ hôm nay không đọc đoạn 2.b).
3.- Vài điểm chú
giải
- Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ (17): Đây là cách
người Do Thái gọi bộ Kinh Thánh của họ (tức Cựu Ước theo quan điểm Kitô giáo). Xem
7,12; 11,13; 22,40.
- kiện toàn (17): Khi nói về một lời nói
hay một lời loan báo, plêroô có nghĩa là “hiện tại hóa”; khi nói
về một lệnh truyền, plêroô có nghĩa là “thi hành”. Mt dùng
động từ này (plêroô / plêrôsai) 16 lần, mà có 12 lần là để đưa
vào các câu trích Kinh Thánh. Các đoạn
văn Kinh Thánh ấy được coi như được hiện tại hóa trong biến cố Giêsu, vì biến
cố này vén mở cho thấy một ý nghĩa mới của bản văn. Đức Giêsu khẳng định
rằng Người hoàn tất Kinh Thánh, có nghĩa là Người đưa Kinh Thánh dến chỗ hoàn
chỉnh, đạt ý nghĩa trọn vẹn. Người thực hiện Kinh Thánh không phải bằng cách
“thi hành” những khoản luật sát mặt chữ, nhưng bằng cách vượt quá Kinh Thánh, đưa
lại cho Kinh Thánh một ý nghĩa mới (x. cc. 20-48). Như thế, câu 17 khẳng
định có sự tiếp nối sâu xa từ Cựu Ước sang Tân Ước, đồng thời cho thấy Tân Ước
vượt quá những giới hạn và những bất toàn của Cựu Ước.
- một chấm một phết (18): dịch sát là “không một
chữ i hoặc một cái sừng”, tức là con chữ yod trong bảng chữ
cái Híp-ri. Đây là con chữ nhỏ nhất.
- ai
bỏ … ai dạy … ai tuân hành (19): Câu này khiến ta có thể giả thiết là trong
Hội Thánh sơ khai có nhiều khuynh hướng hoặc phong trào thiêng liêng liên hệ
đến việc tuân giữ Luật mới.
-
không ăn ở công chính hơn các kinh sư (20): dịch sát là “sự công chính của
anh em không dồi dào/vượt (perisseuein) hơn (pleion, “more”) các
kinh sư.
-
ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp (32): “ngoại trừ trường hợp porneia” (x. 19,9).
Có hai cách giải thích từ porneia này: (1) Đây là những nố hôn nhân bất
hợp pháp, chẳng hạn do họ máu, mà Luật Môsê cấm (Lv 18,6-18). Các kinh sư gọi các hôn nhân này là zơnouth,
Bản LXX dịch là porneia. Bởi vì các hôn nhân loại này không thành pháp,
nên hai người phối ngẫu phải rời xa nhau. Đây là cách giải thích của giới Công
giáo. Nhưng có những tác giả cho rằng có thể áp dụng nghĩa ấy cho Cv 15,20, chứ ở trong Mt thì
không có gì chắc chắn cả. (2) Hiểu porneia theo nghĩa thông thường là sự
hư đốn về tính dục, tức ngoại tình (moikeia). Đây là cách giải thích của
Tin Lành và Chính Thống, và một số tác giả Công giáo.
4.- Ý nghĩa của bản
văn
* Đức Giêsu mạc khải ý muốn của Thiên Chúa (17-20)
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa cho biết ý muốn của Ngài qua Luật và các ngôn sứ:
những gì chính Ngài muốn thực hiện (sấm ngôn và lời hứa: x. 11,13) và những gì
loài người phải làm (Luật). Đức Giêsu tuyên bố rằng ý nghĩa của việc Người ngự
đến, của tư cách của Người là Đấng được Thiên Chúa cử đến, là đưa Luật và các
ngôn sứ, mạc khải về ý muốn của Thiên Chúa, đến chỗ hoàn tất. Không có gì trong
Luật và các ngôn sứ lại bị triệt tiêu và loại bỏ, mà cũng chẳng phải chỉ được
xác nhận trong hình thức cũ. Đức Giêsu đưa đến sự hoàn tất; nơi Người, Thiên
Chúa thực hiện lời Ngài đã hứa (x. 1 ,22t; 2,15…). Như thế, Đức Giêsu chính là Nhà
Lâp pháp đích thật mà Thiên Chúa đã cử đến cho loài người mọi thời; so với Người,
Môsê chỉ là người tiền hô thôi. Qua Người, Thiên Chúa cho thấy cách vĩnh viễn
họ phải sống như thế nào. Lề Luật chưa được kiện toàn không phải vì nó không
diễn tả ý muốn của Thiên Chúa, nhưng vì diễn tả cách bất toàn hoặc cách không
thích đáng.
Điều Ngài đã yêu cầu qua Luật và các ngôn sứ được gom lại thành điều này: “Tất
cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm
cho người ta” (7,12), và có thể được tóm lại trong điều răn yêu mên Thiên Chúa
và yêu thương người thân cận (22,37-40). Đức Giêsu nêu bật rằng, trước mọi sự,
Thiên Chúa muốn lòng từ bi thương xót (9,13; 12,7). Với các “cặp đối nghĩa”
(5,21-48), câu “Còn Thầy, Thầy bảo anh
em” được nhắc lại 6 lần (5,22.28.32.34.39.41), qua đó Đức Giêsu nói với uy
quyền của Thiên Chúa, để giải thích đâu là lối cư xử phù hợp với ý muốn của
Thiên Chúa. Ngài muốn họ phải sống một sự công chính “dồi dào” hơn các
kinh sư và người Pharisêu (5,20).
Vì Đức Giêsu là Đấng truyền đạt vĩnh viễn ý muốn của Chúa Cha, ta không thể
không cần đến Người. Cuộc sống cá nhân phải hình thành từ các giáo huấn của Người.
Ta thuộc về Nước Trời hay không là tùy ta tuân giữ sự công chính Người đã dạy
hay không.
* Đức Giêsu dạy về cách cư xử với người thân cận (21-37)
Trong các giáo huấn, Đức Giêsu quan tâm đặc biệt tới ba đề tài: các xung
đột với người thân cận, cách cư xử đối với phụ nữ, tương quan với sự thật. Cứ
mỗi lần, Người lại đặt giáo huấn của Người đối lập với giáo huấn của Cựu Ước. Các
luận điểm Người đưa ra phải được hiểu như làm mẫu, chứ không phải là những
trình bày rốt ráo về các đề tài.
Đoạn 5,21-26 liên hệ đến việc thắng vượt các xung đột. Chỉ đến c. 26, ta
mới biết đây là thứ xung đột gì: một chủ nợ không kiên nhẫn được nữa, đã
muốn đưa con nợ ra tòa để ép người ấy trả nợ. Loại xung đột này là điển hình
cho mọi thứ căng thẳng và cho các lối xử sự phát xuất từ đó. Theo cách triệt để
nhất, người ta giải quyết một xung đột bằng cách loại trừ người kia. Cựu
Ước đã kết án cách xử sự này bằng lệnh cấm: “Không được giết người”. Cách giải
quyết xung đột kiểu này là sai; để chứng tỏ như thế, luật pháp đã quy định hình
phạt xử tử. Nhưng có những hình thức xử sự khác khi có xung đột: nổi giận, thù
hằn sâu sắc và sỉ nhục, tấn công hay đả thương bằng lời nói. Đức Giêsu kết án
cả các kiểu cư xử này. Phải tránh không những hành vi xấu xa, mà cả sự xấu xa
trong tim và những lời nói xấu xa. Đừng để xung đột đẩy tình yêu ra khỏi con
tim, đầu độc con tim, hoặc đưa đến chỗ đầu độc cộng đoàn bằng những lời độc
địa. Đức Giêsu nhắc đến các tòa án để cảnh giác; Người nhắc theo thứ tự tăng
dần: từ tòa án địa phương, đến tòa án cao nhất ở trần gian (Thượng Hội Đồng),
và cuối cùng là tòa án của Thiên Chúa. Ở đây Đức Giêsu không hề muốn công bố
một quy định pháp lý phải theo sát mặt chữ: trong trường hợp nổi giận thì phải theo
cách này mà tính; trong trường hợp
chửi bới thì phải theo cách kia… Người muốn nói rằng sự thiếu sót đối với người
thân cận và giải pháp sai lầm người ta lấy trong các xung đột không chỉ bắt đầu
với việc giết người, nhưng bắt đầu trước đó. Người muốn nói người ta phải ra
sức tránh không những hành vi xấu xa, mà cả trái tim xấu xa và lời nói xấu xa. Người
cũng muốn nói rằng các xung đột và căng thẳng không làm suy yếu tình yêu đối
với người thân cận ở bất cứ mức độ nào và bất cứ cách nào.
Phải chứng tỏ tình yêu này không những trong việc ngăn cản sự dữ, mà còn
trong việc tích cực tìm hòa giải. Người vừa nói đến việc tránh để cho các xung
đột kịch phát. Bây giờ bằng các ví dụ (5,23-25), Đức Giêsu trình bày hình thức
tích cực nên theo để vượt qua các xung độ, đó là sự hòa giải, và Người nêu bật
ý nghĩa của việc hòa giải. Để hòa giải, Người nói thậm chí phải ngưng dâng lễ
vật, điều này cho thấy tầm quan trọng, tính ưu tiên của việc hòa giải. Nếu
người ta phải nhắm hòa giải cho được trong khi đi đường tiến về tòa án, điều
này cho thấy hòa giải là chuyện cấp bách và cần thiết, và bõ công để người ta ra
sức đạt cho được. Tiến trình mà Đức Giêsu đề nghị để thắng vượt các xung đột là
tiến trình của tình yêu và hòa giải. Dĩ
nhiên, để hòa giải được, cần phải có hai hoặc nhiều người, và không phải
chỉ cần một bên đồng ý là được: nó giả thiết có sự sẵn sàng của cả bên
kia. Mỗi bên phải ra sức làm tối đa để đạt được sự hòa giải. Phần nói về đức
công chính mới chính là một tiếng gọi duy nhất thúc bách người ta đi tới
hòa giải và tình bằng hữu với người thân cận.
Đoạn văn tiếp theo nói đến cách cư xử đối với phụ nữ, đối với vợ người khác
(cc. 27-30) và với vợ của mình (cc. 31-32). Quyền lực chung quyết trong lãnh
vực này không thể nào lại là những sức mạnh tự nhiên và bộc phát của ham muốn
và khoái lạc tính dục. Cựu Ước đã đặt ra một giới hạn rõ ràng cho các sức
mạnh này, khi cấm ngoại tình. Theo Lv
20,10, tội ngoại tình sẽ bị xử tử. Cùng với sự sống của người thân cận, người
ta cũng phải tôn trọng vô điều kiện sự hiệp thông sự sống người đó có với vợ
họ. Và cũng như đối với sự sống của người thân cận, ở đây Đức Giêsu cũng đặt
một giới hạn thật ra đã có từ trước và yêu cầu một sự tôn trọng
sâu xa hơn nữa. Sự tôn trọng này phải có không những trong hành động mà cả
trong ước muốn. Đức Giêsu cũng đang xác định một thứ bậc rõ ràng các giá
trị. Nếu trước đây, Người đã nói rõ là sự giận dữ, chua cay, lời nói thâm độc…
phải luôn luôn nhường bước cho sự hòa giải và hiệp thông huynh đệ với người
thân cận, thì bây giờ Người tuyên bố rằng không những thú vui tính dục, mà cả
các ước muốn tính dục cũng cần được chế ngự, nghĩa là vùng hiệp thông sự sống
của người khác không được vi phạm bất cứ cách nào.
Lời khuyến khích thà móc mắt phải và chặt tay phải cho thấy giá trị này
quan trọng đến đâu. Dĩ nhiên, không được hiểu các lời này sát mặt chữ: bởi vì
không phải là con mắt phạm tội, nhưng là con người với ý ngông và ý chí của
mình! Đức Giêsu muốn nói rằng chúng ta không được bỏ mặc các giác quan của
chúng ta cho chúng, nhưng phải hướng dẫn cách sử dụng chúng cho có trách nhiệm.
Người cho thấy rằng bảo vệ được các giá trị ấy không phải là chuyện dễ, có khi
phải chấp nhận những can thiệp sâu xa và từ bỏ đau đớn. Nhưng điều này rất quan
trọng: chỉ khi ta tôn trọng sự hiệp thông sự sống của người khác, Thiên Chúa
mới nhìn nhận chúng ta trong ngày phán xét.
Liên hệ đến cách cư xử với vợ người khác và tôn trọng sự hiệp thông sự sống
của người khác, có việc cư xử đối với vợ của chính mình và đối với sự hiệp
thông sự sống với vợ mình. Trong Cựu Ước, có quy định là người ta có thể ly dị
vợ, nhưng phải có chứng thư ly dị, để chứng tỏ rằng người phụ nữ đã có một tư
cách dân sự mới, không còn là người kết hôn nữa. Ở đây Đức Giêsu cũng xác định
một thứ bậc mới cho các giá trị. Sự hiệp thông sự sống với vợ mình là một điều
thiện hảo không thể chuyển nhượng; người chồng phải bảo vệ, duy trì và vun đắp
sự hiệp thông ấy. Người chồng không được rẫy vợ mình: tương ứng với sự tôn
trọng tuyệt đối sự hiệp thông sự sống của người khác là sự bảo vể tuyệt đối sự
hiệp thông sự sống với vợ mình. Dưới ánh sáng của lệnh cấm rõ ràng không được
ly dị do Đức Giêsu công bố theo Mc
10,11t; Lc 16,18; 1 Cr 7,10t, câu thêm “ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp”
không thể hiểu là một ngoại lệ. Đức Giêsu không muốn nói: anh em không
được rẫy vợ anh em trong bất cứ trường
hợp nào, ngoại trừ trong trường
hợp ngoại tình. Chữ “hôn nhân bất hợp pháp” ở đây rất có thể có nghĩa là
những dây hôn bất hợp pháp do một quan hệ họ hàng rất gần (Lv 18,6-18; x. Cv 15,29; 1 Cr 5,1). Giải
gỡ những dây liên kết này không phải là vi phạm lệnh cấm ly dị.
Đề tài thứ ba liên hệ đến sự thật (5,33-37). Trong lãnh vực này, vấn đề
phát sinh do sự kiện là mỗi người lệ thuộc những khẳng định của người thân cận,
và đồng thời, chúng ta là những con người, chúng ta không trong suốt với nhau. Cá
nhân không thể tự mình biết tất cả những gì là quan trọng đối với mình hoặc
biết bằng sức riêng của mình; người ấy lệ thuộc những khẳng định và lời hứa của
người thân cận. Tuy nhiên những khẳng định này có thể không tương hợp với các
sự kiện và khác nhau trong vô vàn sắc thái. Lời nói và mọi hình thái truyền thông
có thể được sử dụng không những để truyền tải sự thật, mà còn để lừa dối. Sự
thiệt hại cho người thân cận do những lời dối trá, lừa đảo và không giữ lời hứa
là không thể tiên liệu và trầm trọng. Để ngăn chặn được thiệt hại này, người ta
thề. Nhưng bởi vì ở đây cũng lại có thể phát sinh vấn đề dối trá, mới có lệnh
cấm nghiêm khắc không được thề gian. Qua việc thề, người ta muốn diễn tả là
chính Thiên Chúa, là Đấng tuyệt đối chân thật và chắc chắn không lừa dối,c ó
thể làm chứng cho sự thật của lời khẳng định của chúng ta hoặc sự khả tín của
lời chúng ta hứa; do đó người ta có thể tín nhiệm. Đồng thời ai nại dến Thiên
Chúa để làm chứng cách dối trá, thì bị phạt. Việc nại đến Thiên Chúa phải khiến
người ta nói sự thật và điều này khiến ta có thể tin tưởng những ai lệ thuộc
những khẳng định này.
Ngược lại, Đức Giêsu bảo “hễ "có" thì phải nói "có",
"không" thì phải nói "không"” (x. Gc 5,12) ; Người yêu cầu một dây liên kết vững bền và trực
tiếp với sự thật, không cần nại đến bất
cứ hình thái lời thề nào. Thiên Chúa không có việc gì mà phải đóng vai làm
chứng và càng không đóng vai người hù dọa kẻ khác bằng hình phạt. Thiên Chúa,
Đấng tuyệt đối chân thật và tuyệt đối xứng đáng với niềm tin của ta, tỏ mình ra
như là điển hình cho chúng ta (x. 5,48). Nơi chúng ta, không được có sự khác
biệt giữa những gì đang có trong thâm tâm ta dưới dạng kiến thức, ý kiến, ý
hướng… và những gì chúng ta tỏ ra bên ngoài. Như thế ta công nhận sự thật, và
người thân cận tránh khỏi thiệt hại.
+ Kết luận
Bằng uy quyền đầy đủ của Người, Đức
Giêsu không áp đặt những luật võ đoán, nhưng cho thấy một thứ bậc mới
các giá trị. Mỗi khuynh hướng ích kỷ duới dạng hiềm khích hoặc không chấp nhận
giao hòa, dạng các ước muốn tính dục, tìm kiếm lợi lộc cá nhân qua việc lừa
dối, đều phải biến mất. Mỗi cung cách xử sự phải phục vụ tình huynh đệ với
người thân cận, phục vự sự hiệp thông sự sống, quan tâm bảo vệ sự thật. Một
cung cách xử sự như thế coi người thân cận là anh em và chị em và thật sự đưa họ
về với Cha chung.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Đọc bản văn này, chúng ta nhận ra Đức Giêsu khẳng định tư cách tối cao của Người,
Người là Thiên Chúa. Người có quyền trên “Luật dạy người xưa”, tức chính Cựu
Ước, bởi vì Luật đó là bản văn Thiên Chúa dùng trung gian con người mà viết ra,
còn Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ngôi
Lời, trực tiếp đến dạy dỗ loài người. Chúng ta có thực sự sẵn sàng đón tiếp Người
chăng?
2.
Những gì Đức Giêsu đã nói không được hiểu như là một danh mục đầy đủ các
quy định, càng không phải là một luật phải theo sát mặt chữ. Chẳng hạn, Người chỉ
nói đến cách cư xử của phái nam đối với phái nữ, chứ không nói đến cách cư xử
của phái nữ đối với phái nam; điều này không có nghĩa là phái nữ không có thiếu
sót gì trong lãnh vực này. Người không muốn nói rằng ta chỉ phải tránh những
kiểu cư xử đã được nhắc đến minh nhiên. Người đã nêu đặc tính của một thái
độ tổng quát, và ta phải dựa theo đó mà cư xử trong lãnh vực liên hệ.
3.
Đức Giêsu đặc biệt giáo huấn về ba lãnh vực: các xung đột giữa anh em, cách cư
xử với phụ nữ và tôn trọng sự thật. Chúng ta được mời gọi xét lại cách chúng ta
sống dưới ánh sáng của ba giáo huấn này. Thiếu tôn trọng các nguyên tắc của ba
lãnh vực này, con người vừa thiếu kính trọng đối với Thiên Chúa vừa thiếu kính
trọng đối với anh chị em mình. Nếu chúng ta sống giáo huấn của Đức Giêsu, chúng
ta giữ được “Luật và các ngôn sứ”, tức là giữ được nòng cốt giáo huấn của Kinh
Thánh.
4.
Đây là một đòi hỏi của Đức Giêsu với các môn đệ: Họ phải có một lối
sống “dồi dào hơn” sự công chính của giới kinh sư và Pharisêu. Đây là một sự
trổi vượt về “lượng”: các môn đệ phải “làm hơn”. Nhưng “hơn” đây là đi xa hơn
trong việc tuân giữ cốt lõi của Luật (x. cc. 38-48: điều răn yêu thương). Đây
cũng là một sự trổi vượt về “phẩm”: các môn đệ không hoàn tất Luật theo cách vị
luật, nhưng bằng con tim (Mt
23,25-28; x. 5,27-28), như những người con của Cha trên trời (5,45-48).
Lm FX Vũ Phan Long, ofm