CHÚA NHẬT 6 TN A
Hc 15,16-21; 1 Cr 2,6-10; Mt
5,17-37
PHẢI GIỮ LUẬT VỚI LÒNG YÊU MẾN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 5, 17-37.
(17) "Anh em đừng tưởng
Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để
bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (18) Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời
đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến
khi mọi sự được hoàn thành. (19) Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những
điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất
trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn
trong Nước Trời. (20) "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn
ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước
Trời. (21) "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; Ai
giết người, thì đáng bị đưa ra toà. (22) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em
biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ
ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân
phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. (23) Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ
vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,
(24) thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã,
rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (25) Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương,
khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho
quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. (26) Thầy
bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối
cùng. (27) "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. (28) Còn Thầy,
Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã
ngoại tình với người ấy rồi. (29) Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã,
thì hãy móc mà ném đi ; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị
ném vào hoả ngục. (30) Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt
mà ném đi ; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả
ngục. (31) "Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị.
(32) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp
pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình ; và ai cưới người đàn bà bị rẫy,
thì cũng phạm tội ngoại tình. (33) "Anh em còn nghe Luật dạy người xưa
rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. (34) Còn Thầy, Thầy bảo
cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên
Chúa. (35) Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ
Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. (36) Đừng chỉ lên đầu
mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. (37) Nhưng
hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói
"không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
2. Ý CHÍNH:
Tin Mừng hôm nay tiếp tục ghi lại các lời dạy của Đức Giê-su vào
nhiều lúc khác nhau trong thời gian giảng đạo soay quanh đề tài về Tám Mối Phúc
Thật gọi là Bài Giảng Trên Núi. Đưc Giê-su đến không nhằm hủy bỏ Luật Mô-sê,
nhưng Người muốn kiện tòan Lề Luật, bằng việc Người đòi những ai muốn vào trong
Nước Trời phải tôn trọng Lề Luật và tuân giữ Luật với lòng mến Chúa yêu người, thay
vì chỉ giữ Luật chi li theo từng câu chữ và quá chú trọng các việc làm hình
thức bên ngoài như các kinh sư và người pha-ri-sêu thường làm.
3. CHÚ THÍCH:
- C 17-19: + Luật Mô-sê: Gồm 5 cuốn đầu của bộ Kinh
Thánh Cựu Ước gọi là Ngũ Kinh như các sách Sáng Thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số
ký và Đệ Nhị Luật. + Lời các ngôn sứ: Là các sách ghi những lời tuyên sấm của các
ngôn sứ. Kiểu nói Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ ám chỉ tòan bộ Kinh Thánh Cựu
Ước. +
Thầy đến không phải là để bãi bỏ…: Đức Giê-su dạy một số điều xem ra
vượt qua các khoản Luật Mô-sê và lời giáo huấn của các ngôn sứ. Chẳng hạn các
lời dạy: “Rượu mới phải đổ vào bầu da mới” (x Lc 5,37-39); “Con Người làm chủ cả
ngày Sa-bát nữa” (x Mt 12,8); “Con Người có quyền tha tội” (x Mt 9,6); “Người
rao giảng Tin Mừng Nước Trời như Đấng có thẩm quyền” (x Mt 7,29) và các câu
song đối nhau như: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa… Còn Thầy, Thầy bảo cho
anh em biết” …, khiến nhiều người đã tưởng lầm rằng Đức Giê-su muốn hủy bỏ Luật
Mô-sê và lời các ngôn sứ. Trong Tin Mừng hôm nay, Người khẳng định: Người không
hủy bỏ Lề Luật nhưng để kiện tòan. Người kiện toàn Luật Mô-sê bằng việc trình
bày Lề Luật như là cách thức biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa mà người ta phải
giữ với tinh thần “con thảo tôi trung” đối với Thiên Chúa. + nhưng là để kiện toàn: Người
kiện tòan Luật Mô-sê bằng việc thực hiện các lời ngôn sứ tiên báo về Đấng Thiên
Sai (x Mt 2,23). Người cũng thay đổi những điều trong Luật Mô-sê không còn phù
hợp thánh ý Thiên Chúa. Chẳng hạn Người rút lại điều Luật Mô-sê cho phép ly hôn
(x Mc 10,5-12), Người cố tình chữa bệnh trong ngày Sa-bát như để bổ túc điều khoản
cấm làm việc xác trong ngày hưu lễ của Luật Mô-sê (x Mc 2,27-28); Người cố tình
không rửa tay trước khi dùng bữa để dạy người ta phải rửa sạch tội lỗi trong lòng
trí hơn là chỉ lo rửa tay, rửa chén bát hoặc tắm rửa (x Mt 15,1-9.10-20)… + Một
chấm một phết trong Lề Luật: Một chấm một phết là các chữ cái và dấu nhỏ
nhất trong bộ chữ cái Hy Lạp. Câu này ám chỉ rằng: sau khi bộ Luật Mô-sê đã
được Đức Giê-su loại bỏ những điều không còn phù hợp với Luật tình thương tha
nhân, thì dù chỉ là một điều nhỏ nhất cũng phải được tôn trọng (x Mt 9,17). + Ai
bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như
thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời: Câu này kêu gọi các
tín hữu môn đệ Đức Giê-su phải tôn trọng Luật Mô-sê theo từng chi tiết sau khi
đã được Đức Giê-su tu sửa. + Ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ
được gọi là lớn trong Nước Trời: Nhỏ nhất hay lớn ở đây không phải là về
cấp bậc cao thấp, mà về lối sống được chấp nhận hay không trong Nước Trời của
Người.
- C 20-26: + Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và người
Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời: Sự công chính theo các Kinh sư và người Pha-ri-sêu là do giữ Luật từng
chi tiết, nặng phần hình thức bề ngòai mà thiếu lòng mến Chúa bên trong. Còn sự
công chính Đức Giê-su đòi hỏi là môn đệ của Người phải giữ Luật với lòng yêu mến
Chúa yêu người. + Anh em đã nghe Luật dạy người xưa… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết:
Đây là sáu điều do Đức Giê-su sửa đổi để kiện tòan Luật Mô-sê. + Chớ
giết người… Ai giận anh em mìn…. Ai mắng anh em mình… Còn ai chửi anh em mình…:
Luật Mô-sê cấm giết người thực sự, còn Đức Giê-su kiện tòan Luật bằng
việc cấm ngay cả những xúc phạm phẩm giá của tha nhân. Hành vi gây ra sự đau
khổ cho tha nhân về tinh thần cũng có tội giống như tội giết người thực sự. +
đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng… đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt:
Tuy lời mắng chửi anh em là “ngốc, khùng” không đáng bị phạt nặng, nhưng chính
sự giận ghét, căm thù anh em cũng đáng bị trừng phạt nặng. + Nếu khi anh sắp dâng lễ vật
trước bàn thờ: Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất là một cuộc sống mến
Chúa yêu người. Do đó, trước khi dâng lễ vật trên bàn thờ, phải lo hòa giải với
những ai đang có điều bất hòa với mình. Việc làm hòa là điều kiện để lễ vật chúng
ta dâng lên xứng đáng được Thiên Chúa vui nhận. + Anh hãy mau mau dàn xếp với đối
phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công…: Cần làm
hòa ngay khi còn sống. Đừng đợi đến lúc chết vẫn giận ghét anh em thì sẽ vừa bị
kết án, vừa bị đền bù cân xứng là phải “trả hết đồng xu cuối cùng”.
-C 27-32: + Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình…Còn Thầy, Thầy bảo anh
em biết:…: Luật Mô-sê cấm ngọai tình (x Xh 20,14;
Ds 5,18). Tuy nhiên chỉ khi ngọai tình thực sự bằng thân xác mới có tội. Đức Giê-su
kiện tòan điều này bằng lời dạy: Thèm muốn tà dâm trong tâm trí cũng đã thành
tội giống như phạm tội thực sự. Do đó, người ta phải tránh mọi tư tưởng xấu và
xa lánh dịp tội là những nguyên nhân dẫn đến hành động tội ác. + Nếu
mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi… Nếu tay phải của
anh làm cớ cho anh sa ngã…: Kiểu nói cường điệu “móc mắt, chặt tay” ở
đây nhằm nhấn mạnh phải tránh mọi dịp tội, thà chết chẳng thà phạm tội, thà hy
sinh một phần thân thể mà được cứu rỗi còn hơn có đầy đủ các phần thân thể mà
phải sa vào hỏa ngục. + Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly
dị… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Luật Mô-sê cho phép chồng ly dị
vợ bằng cách trao cho vợ tờ giấy ly thư (x Đnl 24,1). Nhưng Đức Giê-su kiện
toàn bằng việc rút lại điều này. Theo Người, sở dĩ Mô-sê tạm thời cho phép ly
hôn là do lòng dạ chai đá của nhbững người đương thời (x Mt 19,8-9). Đức Giê-su
kiện tòan về sự ly hôn qua lời dạy: “Ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình và
ai cưới người đàn bà bị bỏ kia, cũng phạm tội ngoại tình”. + Ngoại trừ trường hợp hôn nhân
bất hợp pháp: Câu này không có trong Tin mừng Mác-cô (Mc 10,11-12) và Lu-ca
(Lc 16,18). Hội Thánh không chấp nhận ly hôn để bảo vệ đặc tính vĩnh hôn như
Lời Chúa dạy: “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, lòai người không được phân ly”
(Mt 19,6b). Người Tin lành và Chính Thống giải thích rằng: Chúa cho phép ly hôn
nếu một bên ngọai tình. Còn các nhà chú giải Kinh Thánh Công Giáo giải thích trong
trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, nghĩa là đã kết hôn nhưng không phù hợp với
luật của Chúa, nên sự kết hôn ấy không thành sự và không được Hội Thánh thừa nhận.
Do đó hai người này không được tiếp tục chung sống như vợ chồng. Còn nếu Đức Giê-su
cho phép vợ chồng ly dị vì lý do ngọai tình thì giáo lý của Người cũng không
trổi vượt hơn luật Mô-sê. Thánh Phao-lô cũng cấm vợ chồng ly hôn vì lý do ngoại
tinh mà chỉ cho họ “ly thân”, nghĩa là tuy không còn sống chung với nhau nhưng ai
trong hai người được kết hôn với người thứ ba (x 1 Cr 7,10-11).
-C 33-37: + Luật dạy người xưa rằng: Chớ
bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em
biết: đừng thề chi cả: Luật Mô-sê cho phép người ta thề với điều kiện
họ phải giữ trọn lời đã thề hứa. Nhưng Đức Giê-su kiện tòan khỏan luật này bằng
lời dạy không được thề. Tuy nhiên Người chỉ khuyên chứ không cấm tuyệt đối thề như chính thánh Phao-lô nhiều lần cũng đã thề.
Chẳng hạn: ” Phần tôi, có Thiên Chúa chứng giám, tôi xin lấy mạng sống mà thề
rằng: …”(2 Cr 1,23; Rm 1,9; Gl 1,20…). Hơn nữa, Đức Giê-su có lần mặc nhiên
chấp nhận lời thề của vị Thượng tế xét hỏi Người: “Tôi nại đến Thiên Chúa hằng
sống, mà truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: Ông có phải là Đấng Ki-tô
Con Thiên Chúa không ?” Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói đó…” (Mt 26,63-64).
Ngoài ra trong một số trường hợp đặc biệt, Giáo Lý Công Giáo cũng đòi hỏi các
tín hữu phải thề trong những vấn đề nghiêm trọng mà không rõ thực hư, với điều
kiện người ta phải tôn trọng lời thề và giữ những lời đã hứa với Chúa (Sách
GLCG Tân Định số 309 về điều răn thứ II).
4. CÂU HỎI: 1) Hãy cho biết Đức
Giê-su đã kiện tòan Luật Mô-sê về những vấn đề gì ? 2) Phải chăng Đức Giê-su
cho đôi vợ chồng được phép ly hôn nếu một trong hai người phạm tội ngọai tình ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: "Anh em đừng
tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải
là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
2. CÂU CHUYỆN: CHIẾC NHẪN LƯƠNG
TÂM
Sách Truyện cổ Đông phương có câu chuyện như sau: Ngày xưa có một
vị đạo sĩ dâng cho vị Đại vương một chiếc nhẫn thần rất kỳ diệu và quý giá. Nó
vô giá vì được làm bằng vàng mười và trên mặt nhẫn có gắn nhiều viên kim cương
chiếu sáng lấp lánh. Chiếc nhẫn này còn kỳ diệu ở chỗ: Nếu người đeo nó làm
điều tốt thì chiếc nhẫn đeo trên ngón trở nên vừa vặn và phát ra ánh sáng.
Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì chiếc nhẫn sẽ xiết chặt làm cho ngón tay
đeo nó bị sưng lên đau đớn. Từ ngày đeo chiếc nhẫn thần này, vị Đại vương do luôn
được chiếc nhẫn nhắc nhở nên đã trở thành một vị vua anh minh và nhân hậu,
khiến thần dân kính phục yêu mến, và đất nước ngày một cường thịnh.
Mỗi người trong chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần rất kỳ diệu và
quý giá hơn nhẫn vàng nhiều, đó là tiêng Chúa nói gọi là tiếng lương tâm. Khi chúng
ta làm điều thiện thì lương tâm chúng ta sẽ được thanh thản an bình. Nhưng nếu
ta làm điều thất nhân ác đức thì dù không ai hay biết, tiếng lương tâm vẫn cật
vấn và cáo trách chúng ta. Lương tâm chính là tiếng Chúa noi trong tâm hồn để khuyên
dạy ta làm lành lánh dữ.
3. SUY NIỆM:
1) ĐỨC GIÊ-SU KHÔNG BÃI BỎ LUẬT
MÔ-SÊ:
-Trong thời gian ấu thơ tại Na-da-rét, cha mẹ trẻ Giê-su là ông Giu-se
và bà Ma-ri-a đã giữ mọi điều Luật Chúa truyền: Khi Hài Nhi mới sinh được đủ 8
ngày, cha mẹ Người đã cho Người chịu phép cắt bì theo Luật Mô-sê (x Lc 2,21; Lv
2,3). Rồi bốn mươi ngày sau, cha mẹ Người lại đem Hài Nhi Giê-su lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem
để tiến dâng cho Chúa và chuộc lại bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non
như đã chép trong Lụật Chúa (x Lc 2,22-24; Lv 12,2-4). Năm 12 tuổi, trẻ Giê-su
theo cha mẹ đi hành hương về Giê-ru-sa-lem để mừng đại lễ Vượt Qua theo Luật
truyền (x. Xh 23,14.17; x. Lc 2,41-42).
-Rồi trong thời gian giảng đạo, Đức Giê-su cũng luôn tuân giữ Luật Mô-sê:
Người đề cao Lề Luật như con đường dẫn đến với Chúa Cha: “Nếu anh muốn vào cõi
sống thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19, 17). Người lược tóm các điều khoản của Luật
Mô-sê trong hai điều quan trọng này là “mến Chúa hết lòng” và “yêu người thân
cận như yêu chính mình” (x Lc 10,25-28). Hằng năm vào dịp lễ Vượt Qua, Người đều
hành hương về Giê-ru-sa-lem với các môn đệ vào lễ Vượt Qua. Đặc biệt Người đã thiết
lập bí tích Thánh Thể trong khung cảnh bữa tiệc chiên Vượt Qua ăn với bánh
không men vào chiều ngày áp lễ theo Luật Mô-sê truyền dạy (x Lc 22,7-8).
2) ĐỨC GIÊ-SU KIỆN TÒAN LUẬT
MÔ-SÊ:
Người kiện toàn Luật Mô-sê về sáu vấn đề sau: về đức công chính, sự
giận ghét tha nhân, tội ngoại tình, về sự ly hôn, về việc thề thốt, và về tình
yêu thương tha nhân (x. Mt 5,20-47). Người dùng kiểu nói “song đối” để so sánh các
điều khoản trong Luật Mô-sê với điều
Người kiện toàn : “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…. Còn Thầy bảo cho
anh em biết…” (Mt 5,21-22). Ngoài ra, Đức Giê-su còn kiện toàn về thái độ giữ
Luật, về sự ô uế theo Luật pháp, về sự thờ phượng Thiên Chúa, ve việc giữ Luật
Mô-sê với lòng bác ái.
+Kiện toàn thái độ giữ Luật:
Phải tránh thói giả hình khi làm các
việc lành như bố thí, cầu nguyện và ăn chay… để mong tìm tiếng khen của tha
nhân như các kinh sư và người Pha-ri-sêu thường làm (x. Mt 6,1-2.5.16). Đức
Giê-su dạy môn đệ đừng bắt chước thái độ giả hình của các đầu mục Do thái như
sau: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng
dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc
họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,2-3). Người
còn đòi môn đệ phải có đức công chính hơn các đầu mục Do Thái (x. Mt 5,20).
+Người kiện toàn về sự ô uế
theo Luật Mô-se khi cho biết người ta bị ô uế không do việc ăn đồ ăn vật chất,
mà do suy nghĩ điều sai quấy trong lòng và nói ra ngoài miệng những điều xấu xa
(x Mt 15,10-11).
+Người kiện toàn về sự thờ
phượng Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, nên thờ Chúa không nhất
thiết phải thờ trên núi Ga-ri-dim hay tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem như Luật dạy. ”Những
người thờ phượng đích thật từ nay sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự
thật” (Ga 4,23).
+Người kiện toàn bằng việc gắn
liền đức ái khi giữ các điều khoản Luật Mô-sê: Đức Giê-su đã cho biết: Luật
được lập ra vì ích lợi cho con người, chứ không phải con người phải hy sinh cho
Lề Luật bằng ngôn từ (x. Mt 12,6-8). Do đó, khi có sự đối nghịch giữa việc giữ Luật
với luật bác ái, thì người ta phải vượt qua Lề Luật ngôn từ để làm theo Luật bác
ái như Đức Giê-su đã làm: Chữa bệnh trong ngày hưu lễ bị Luật ngăn cấm. Cụ thể
Người đã rả lời ông trưởng hội đường về lý do chữa bệnh trong ngày Sa-bát như
sau: “Bà này là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm
nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sa-bát sao ?” (Lc
13,16) v.v…
3) PHẢI TUÂN GIỮ LỀ LUẬT VỚI
LÒNG YÊU MÊN:
- Ngày nay “Người ta được nên công chính không do tuân giữ Luật Mô-sê,
nhưng do các việc làm mến Chúa yêu
người” (x. Mt 5,48). Đó là tin vào Đức
Giê-su và thực thi đức ái giống như Người, sẵn sàng yêu thương nhau như
Người đã yêu thương chúng ta.
- Thánh Gio-an dạy: “Ai
không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu… Ai
ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong
người ấy” (1 Ga 4,8.16). Trong cuộc sống, chúng ta cần thực hành điều quan
trọng nhất là Đức Ái như thánh Au-gus-ti-nô dạy: “Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm” (Ama et fac quod vis). Vì “Ai
yêu người thì đã chu tòan Lề Luật’ (Rm 13,8). Đức Giê-su đã dạy các môn đề phải
chứng tỏ thực sự thuộc về Đức Giê-su do thực hành giới ran yêu thương: “Ở điểm
này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
- Có lẽ ngày nay nhiều tín hữu chúng ta cũng thường hãnh diện về
các việc làm của mình như: “Giữ ngày Chúa Nhật”, đóng góp công sức tiền bạc cho
việc chung, tham gia các sinh hoạt tông đồ giáo dân… Tuy nhiên việc đi lễ,
sinh hoạt hội đoàn và đóng góp với Hội Thánh là do động lực nào? Rất có thể chúng
ta cũng bị mắc thứ “bệnh kiêu ngạo” của người kinh sư và pha-ri-sêu khi làm mọi
việc do động cơ tim tiềng khen hơn là do lòng mến Chúa thôi thúc.
- Về việc tham dự thánh lê Chúa Nhật: thay vì phải đi “xem lễ” để tránh
mắc tội, chúng ta cần ý thức việc dự lễ Chúa Nhật là một công việc bôn phận
phải làm để hiệp thông với Chúa và hiệp nhất với nhau. Do đó chúng ta cần đi dự
lễ sớm hơn và tham dự trong nhà thờ để được nghe giảng Tin Mừng và và được hiệp
thông với Chúa cách sốt sắng hơn.
- Nhiều tín hữu ăn chay cầu nguyện và làm phúc bố thí không phải để
tỏ lòng sám hối xin ơn tha tội, để tập làm chủ bản thân và để dành tiền giúp đỡ
người nghèo đói chung quanh, thì họ đã ăn chay cầu nguyện để ra vẻ đạo đức
trước mặt người đời.
Một số người tuy tích cực rộng rãi đóng góp tiền bạc cho việc xây
dựng thánh đường, Nhà Sinh Hoạt Mục Vụ… nhưng khi giáo xứ chưa kịp bày tỏ lòng
biết ơn thì họ tỏ ra bức xúc nói hành chỉ trích những người có trách nhiệm.
4. THẢO LUẬN:
1) Có hai lọai thước đo lòng
đạo đức của một người: Thước đo của người Biệt phái dựa vào việc họ có giữ Lề Luật
Mô-sê trong từng chi tiết hay không? Còn thước đo của Đức Giê-su dựa vào việc họ
có thực thi lòng mến Chúa yêu người hay không? Vậy với tư cách là môn đệ Chúa, bạn cần chọn
lọai thước đo nào ? 2) Đức Giê-su coi việc làm hòa với tha nhân trọng hơn dâng của
lễ vật hy sinh cho Thiên Chúa. Vậy khi đến dự lễ mà còn có điều chi bất bình với
ai đó, bạn cần phải làm gì để xứng đáng tham dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng theo
đòi hỏi làm hòa của Đức Giê-su ?
5. NGUYỆN CẦU:
-LẠY THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU. Xin cho chúng con gia tăng lòng tin
yêu Cha và nhìn thấy Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi nơi những người nghèo khổ bệnh
tật và bất hạnh đang ở ben cạnh chúng con. Xin Cha cũng giúp chúng con thực hành
lời Chúa Giê-su hôm nay là phải chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau nếu
có chuyện phải oán trach lân nhau. Xin cho chúng con biết sẵn sàng làm hòa với
những người đang bất thuận với chúng con, để chúng con trở nên con hiếu thảo
luôn làm đẹp lòng Cha như Chúa Giê-su và xứng đáng là môn đệ thực sự của Người
trước mặt người đời.
-LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biết sống tinh thần Tám Mối
Phúc Thật trong Tin Mừng hôm nay bằng việc thực thi Đức Ái cụ thể như Chúa đã dạy.
Xin cho chúng con sẵn sàng tuân giữ 10 Điều Răn Đức Chúa Trời và 6 Điều Luật Hội
Thánh với lòng yêu mến. Nhờ đó việc giữ Luật của chúng con sẽ làm vinh danh cho
Thiên Chúa và giúp nhiều người gia nhập vào đại gia đình của Chúa là Hội Thánh.
-X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM