TINH THẦN MỚI TRONG LỀ LUẬT CŨ
(Chúa Nhật 6, Thường Niên, A)
Jos.
Vinc. Ngọc Biển
Sau bài giảng trên núi về Tám Mối Phúc Thật, Chúa
Nhật tuần trước, Đức Giêsu nói về bản chất và sứ vụ của các môn đệ là muối và
ánh sáng cho trần gian. Hôm nay, Ngài đi thêm một bước nữa khi dạy cho các ông về
thái độ cần có đối với Lề Luật. Mặt khác, Đức Giêsu cũng làm toát lên vai trò
Thiên Sai của mình khi đến để kiện toàn Lề Luật cũ và làm cho nó hoàn thiện hơn.
1.
Tại sao
phải kiện toàn Luật cũ?
Phải kiện toàn Luật cũ, bởi vì Luật cũ
đã làm cho người ta cảm thấy nặng nề, sợ hãi và thất vọng. Vai trò của Luật trong
Cựu Ước không còn giúp cho con người được hạnh phúc, trái lại, nó làm cho người
phải thi hành luật thêm đau khổ và thất vọng.
Đức Giêsu đến, Ngài đã mang lại cho Luật cũ một
giá trị mới, nhằm kiện toàn cho tốt hơn. Vì thế, Ngài minh định: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề
luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn” (Mt
5,17). Thật thế, Đức Giêsu không hủy bỏ Lề Luật, nhưng Ngài giúp cho nó hoàn
thiện hơn.
Tại sao Luật cũ cũng là Luật của Thiên
Chúa truyền qua Maisen và các tiên tri mà lại phải hoàn thiện! Điều đó thật dễ
hiểu, vì Luật cũ chỉ nắm vai trò dẫn đường, chuẩn bị, khai mở mà thôi, mặt
khác, nó đã bị những người nắm giữ vai trò giải thích Luật lạm dụng và làm cho
nó trở nên nặng nề như cái gông cái ách quá nặng để đè lên vai con người, mặc
dù những người đó không đủ sức mang vác.
Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài cần phải
kiện toàn và bổ xung cho hoàn chỉnh; đồng thời cũng giúp cho các môn đệ hiểu và
sống cho đúng tinh thần của Luật chứ không chỉ hiểu theo nghĩa đen, nghĩa thuần
túy của chữ.
Đức Giêsu đã đưa các môn đệ đi vào chiều
kích mới của Luật, để con người đạt được sự viên mãn và cùng đích của Luật là
tình yêu.
Như vậy, Luật tình yêu được Đức Giêsu đề
cập đến cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay là gì?
2.
Tinh thần mới trong Lề Luật
cũ
Trước tiên, hiểu về vấn đề giết người:
Nếu trong Cựu Ước, giới răn thứ 5 dạy chớ
giết người (x. Xh 20,13; Đnl 5,17), nhưng không có tính cách triệt để, và án tử
hình được chấp nhận khi con người phạm vào một số tội trọng (x. Ds 35,16-21).
Cũng vậy, trong luật chiến tranh, Maisen chấp nhận được chém giết đối phương (x.
Đnl 20,13.16).
Còn Đức Giêsu, Ngài đi xa hơn nữa để dạy cho
các ông hiểu rằng: khi xúc phạm tới anh em mình như chửi rủa, giận giữ hay la
rày, mạt sát là đã phạm tội rồi. Bởi vì: Luật cũ dạy: “Chớ giết người”, còn Đức Giêsu dạy: “Ai giận anh em mình” thì như đã phạm tội giết người. Vì thù oán
anh em là đã tiêu diệt họ ngay trong lòng mình, tuy chưa giết họ
thực sự, nhưng đã giết chết họ trong trái tim. Thánh Gioan Tông đồ cũng viết: “ Phàm
ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào
có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1Ga 3,15).
Thứ đến, hiểu về lời thề và làm chứng:
Trong Cựu Ước, điều răn thứ 2 dạy chớ
kêu tên Ðức Chúa Trời vô cớ (x. Lv 19,12) và thứ 8 dạy chớ làm chứng dối (x. Xh
20,16). Luật cũ cho phép thề, nhưng “chớ
bội thề”. Còn Đức Giêsu bảo: "Thầy
bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Ðừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai
Thiên Chúa. Ðừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Ðừng chỉ
Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Ðức Vua cao cả. Ðừng chỉ lên đầu mà
thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. Nhưng hễ
‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do
ác quỷ" (Mt 5, 34-37; x. 2Cr 1,17; Gc 5,12).
Tiếp theo, hiểu về tội ngoại tình:
Luật Maisen dạy rằng: ngoại tình là một
điều sai quấy và không được phép (x. Xh 20,14; Xh 20,17b; Đnl 5,18). Còn Đức
Giêsu thì nhấn mạnh đến cái tâm con người, tức là tự đáy tâm hồn: không ai biết,
nhưng Thiên Chúa biết mọi sự từ thâm cung bí hiểm của con người. Vì thế, Ngài
nói: “Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn
người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”
(Mt 5, 28). Đức Giêsu coi suy tưởng để dẫn đến ngoại tình nó như là một mầm mống,
để rồi từ đó sẽ mọc lên cây non và hình thành nên một lối sống. Vậy muốn diệt
thì phải diệt tận gốc chứ không chỉ có cái ngọn.
Như vậy, trong vai trò Thiên Sai, Đức
Giêsu đến để kiện toàn và làm cho nó tốt hơn, hoàn hảo hơn, nhân bản và đạo đức
hơn nhờ vào cái gốc là bác ái và yêu thương.
Lời dạy của Đức Giêsu không đi ngược những
gì Maisen đã dạy, nhưng Ngài muốn dẫn đưa con người đến mức độ trưởng thành nhằm
hướng tới niềm vui trọn vẹn từ trong tâm, toát ra nơi lối sống qua mọi mối
tương quan.
Thật vậy, cũng như trong tiến trình phát
triển của con người, khi đã đến tuổi trưởng thành, người ta không bị mất đi cái
cũ, hay cái cũ bị biến mất trong cái mới, mà là những cái đã có và đã xuất hiện
trước đó như là cái móng, nền tảng cần phải có để làm cho cái mới được hoàn thiện
hơn.
Sau khi chứng minh cho việc trung thành
giữ Luật của mình để các môn đệ hiểu, Đức Giêsu chính thức đi xa hơn để dạy cho
các ông bài học về tinh thần mới trong Luật cũ, đồng thời mời gọi các ông đi
trên con đường ấy để được hoàn thiện, Ngài nói: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các
kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt
5,20).
3.
Sứ điệp Lời Chúa
Sự “công
chính” theo nghĩa Kinh Thánh là: “sống
theo đúng điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành”, hay nói cách khác: “trung thành giữ Luật Thiên Chúa cách chu
đáo”. Nhưng trong bối cảnh mà lời giảng của Đức Giêsu đang nói về tinh thần
mới trong Luật cũ, thì sự trung thành giữ Luật ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng.
Vì thế, từ nay sự “công chính mới” không
phải là chuyện giữ Luật đủ hay chưa, mà là sống đạo tốt hay không! Sự “công chính mới” vượt lên trên Luật và
những tục lệ, truyền thống vì nó đã được mặc vào đó một tình yêu.
Chúng ta sống tinh thần của Đức Giêsu là
không còn chuyện dựa trên việc giữ Luật để đánh giá đúng sai, nhưng dựa vào
lòng mến của chúng ta để chất vấn lương tâm về các hành vi của mình.
Bởi vì: tất cả mọi Luật lệ được thâu tóm
trong hai điều: mến Chúa và yêu người. Nhưng thực ra chỉ có một Luật mà thôi,
đó là Luật của tình yêu. Thật thế, nơi nào có tình yêu nơi ấy không cần luật.
Trong cuộc sống, nơi gia đình hay bất kể một
cộng đoàn lớn nhỏ nào, nếu chỉ có luật và người ta dùng luật để làm thước đo
giá trị tâm linh, thì cộng đoàn ấy, gia đình đang tụt hậu và đi xa đường lối
của Thiên Chúa. Họ đánh mất đi tình yêu và mất luôn bản chất của Đạo.
Nếu chỉ vì luật, người ta sẽ xử với nhau như
beo cọp, gọi nhau bằng mệnh lệnh, và người thi hành sẽ vì sợ mà phải thi hành.
Một gia đình hay một cộng đoàn như vậy thì đâu khác gì một địa ngục ở trần
gian? Bởi vì trong địa ngục thì không có tình yêu.
Suy niệm đến đây, tôi nhớ lại, một linh mục
đáng kính nọ có tâm sự rằng: “rất nhiều người
siêng dâng lễ, đọc kinh, tuần nào tiết ấy, nhưng thực chất họ làm những chuyện
đó chỉ để cho người khác khen mình là người đạo đức, là tốt lành, hoặc coi
những công việc đó như là chiếc bình phong để che đậy những điểm xấu xa bởi
những thủ đoạn ám muội của mình gây ra, hoặc dựa trên những việc đạo đức giả
tạo đó để rồi lên mặt dạy ông nọ, chửi bà kia và vênh vang với đời”.
Những người như vậy, họ giống như cái “xác vô hồn”, hay “thùng rỗng kêu to” hoặc như một “đàn gà công nghiệp”, chỉ biết làm theo lệnh hay bản năng mà thôi. Những
hạng người đó, đã nhiều lần Đức Giêsu khiển trách: “Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong
thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài
thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và
gian ác!” (Mt 23, 27-28); và Ngài cũng cảnh báo: “ Anh em phải coi chừng những ông Kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính
trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công
cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất
trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc
kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mc 12, 38-40). Họ là những người mở miệng ra
khuyên người ta thì họ khuyên trên trời dưới đất, không hề ăn nhập gì với cuộc
sống của họ, hay họ nói một đàng và làm một nẻo. Cổ nhân thường nói: “Khẩu Phật tâm xà”; hay “bên ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham
hiểm giết người không dao”.
Thật vậy, trong cuộc sống và trong các mối
tương quan, nếu không có tình yêu, thì mọi chuyện vận hành như cái “máy công nghiệp” không hơn không kém. Một
gia đình không có tình yêu, con cái sẽ vâng lời cha mẹ vì sợ hãi hơn là kính trọng.
Trong một cộng đoàn, họ xét xử nhau như một “cỗ
máy vô tri”, lấy luật để trừng trị.
Hôm nay, Đức Giêsu đem lại cho Lề Luật một
linh hồn mới. Linh hồn đó được nảy sinh và phát triển nhờ tình yêu. Ngài cũng mời
gọi mỗi người chúng ta đi trên con đường tình yêu đó để được hạnh phúc thật.
Mong thay, mỗi chúng ta luôn nhớ rằng: việc
giữ Luật không chỉ có biểu hiện bề ngoài, mà còn từ bên trong tinh thần. Cái
bên ngoài chỉ có giá trị khi nó được thúc đẩy từ ý hướng ngay lành ở bên trong.
Cũng thế, muốn bình an, thanh thản và an
vui thực sự, con người cần phải thanh tẩy tận căn từ bên trong tâm của mình. Bởi
vì: “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia
mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du).
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con
biết sống thật với lòng mình, để đáng được gọi là con Chúa và là anh chị em của
nhau. Luôn có cái nhìn bao dung với người đồng loại, và mưu cầu hạnh phúc cho những
người chúng con gặp gỡ. Amen.