VẤT VẢ và GÁNH NẶNG

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊn, năm A

Mt 11, 25-30

 

Chúa Giêsu trong suốt cuộc hành trình giới thiệu Nước Trời, công bố Tin mừng Nước Thiên Chúa. Ngài đã dạy dỗ các tông đồ và nhân loại rất nhiều điều. Chúa luôn dạy mọi người :” Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu các con “. Lời dạy của Chúa Giêsu luôn thách thức con người bởi vì sống hiệp nhất, bác ái, yêu thương sẽ được C húa chúc lành. Còn sống chia rẽ, hận thù, Chúa không ngự trị. Hôm nay, Chúa lại mời gọi :” Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…”.Đây là một lời mời gọi, động viên, khích lệ đầy an ủi, Chúa nói với các tông đồ, nói với tất cả mọi người và từng người chúng ta.

 

Vất vả và gánh nặng có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, đây là một cái bao đựng, một cái ba lô chứa đầy đồ vật, nặng, khó vác, khó đeo. Còn theo nghĩa thông thường: vất vả và gánh nặng nói đền sự nhọc nhằn, vất vả, trách nhiệm mà con người phải chấp nhận. Dù chúng ta hiểu theo bất cứ nghĩa nào thì đây cũng là những đau khổ, những vất vả, thử thách, trách nhiệm riêng của mỗi người trong cuộc sống hằng ngày.

 

Trong đời sống, trong cuộc đời của mỗi người đều có những niềm vui, hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng có những vất vả, thử thách, đau khổ…Đó là định luật ở đời.: có vui, có khổ, có sống, có chết. “ Hữu sinh hữu khổ “. Vâng, đời của mỗi người có dài, có sống lâu cũng chỉ hơn trăm tuổi nhưng ai cũng phải trải qua nhiều đau khổ, nhiều chông gai, nhiều vất vả trong cuộc đời.

 

Chúa Giêsu hiểu rõ tất cả mọi người, thấu hiểu hết những vất vả, gánh nặng mà con người phải chịu, phải chấp nhận và phải long đong mang vác. Gánh nặng ấy là gánh nặng của bản thân, gia đình, xã hội, gánh nặng ấy cũng là gánh nặng của bệnh hoạn tật nguyền luôn đe dọa con người, là những mất mát; cha mẹ, người thân qua đời, những hiểu lầm, những vu oan, cáo vạ vô cớ mà người ta chồng chất lên nhau. Những vất vả ấy con người phải kê vai gánh vác ; vất vả với cuộc sống hằng ngày, với kinh tế thiếu hụt, vất vả với con cái lúc nhỏ,và lúc chúng trưởng thành, khôn lớn vv…Ai cũng có những vất vả, ai cũng có những đau khổ thể xác cũng như tinh thần. Do đó, Chúa nói :” Hãy đến với Chúa “. Lời mời gọi của Chúa Giêsu mang lại cho mọi người, cho chúng ta tia hy vọng, đem lại cho chúng ta sự an ủi, đỡ nâng nhất là khi chúng ta gặp đau khổ, gặp thử thách chông gai vv…Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta rằng :” Ngài đang có mặt, Ngài đang hiện diện “ trong mọi biến cố, trong mọi trạng huống của cuộc đời. Ngài mang lấy những đau khổ, những thử thách của chúng ta. Ngài trực tiếp có mặt trong từng phút giây của cuộc đời chúng ta. Ngài mang, gánh lấy tất cả những sầu đau, tủi hờn, buồn tủi của chúng ta. Ngài luôn là Đấng cứu chuộc chúng ta. Chúa luôn hiện diện để cứu vớt, giúp đỡ, nâng đỡ, bổ sức và cứu vớt chúng ta như Ngài đã đến với những người cùi, người phong, người hủi, ngài đã đến với những con người tội lỗi, những con người nghèo túng, tật nguyền, những người thu thuế vv…Chúa Giêsu đón nhận lấy tất cả những khó nhọc, buồn phiền, đau khổ của chúng ta. Ngài đã vất vả mà gánh vác tất cả những đau khổ, bệnh hoạn, khó khăn, thử thách của con người, nên, Ngài cũng đồng hóa với những người nghèo, những người bệnh hoạn, tội lỗi, bất hạnh.Chính vì thế, Ngài đã nói :” Mỗi khi các con cho một người đói ăn, người khát uống là các con cho chính Ta ăn, cho Ta uống “. Rõ ràng, Chúa Giêsu đã chúng ta thấy rõ khuôn mặt của Ngài.

 

Đến với Chúa, Ngài mang lấy những nỗi nhục nhằn, đau khổ, bất hạnh của chúng ta. Ngài bổ sức, nâng đỡ chúng ta. Chúng ta là con của Ngài, chúng ta cũng hãy bắt chước Ngài, nâng đỡ, an ủi những người sống xung quanh chúng ta. Hợp quần gây sức mạnh. Đau khổ sẽ giúp con người liên kết với nhau để chống lại nó. Chúng ta kết hợp với sự đau khổ của Chúa trên Thập giá, chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ trở nên nhẹ nhàng.

 

Nữ tu Emmanuelle Billoteau đã viết :” …Ai mà chẳng khao khát tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn, là cái tên khác của niềm thinh lặng nội tâm . Và Đức Giêsu thì nhắc cho chúng ta nhớ rằng chỉ có một cách để đạt tới chân trời ấy thôi : chấp nhận mang lấy ách của Người. Vậy thì chúng ta hãy để cho Đức Kitô nắm lấy chúng ta, Người là Đấng có lòng hiền hậu và khiêm nhường, là con đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha “.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn luôn biết chạy đến với Chúa như Chúa đã đến với mọi thành phần xã hội : “ kẻ đói nghèo, người bệnh hoạn, phường tội lỗi, người bất hạnh vv…”. Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Vất vả và gánh nặng là gì ?

2.Tại sao Chúa nói :” Hãy đến với Chúa “ ?

3.Chúa Giêsu là Đấng nào ?

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A