(Mátthêu 11,25-30 – CN
XIV - A)
1.- Ngữ cảnh
Vị Tẩy Giả đã sai môn
đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có đúng là Đấng phải đến không?” (Mt 11,3). Các đối thủ của Đức Giêsu thì
đã tìm cách hạ giá Người (x. 11,18-19). Còn các thành miền Galilê thì đã không
đón nhận sứ điệp của Người (x. 11,21-24). Vậy Người là ai? Tại sao lại phải
tuyệt đối lắng nghe Người? Do đâu mà Người có thể đòi buộc như thế? Bản văn
chúng ta sắp tìm hiểu sẽ cung cấp câu trả lời.
Đức Giêsu xác định lập
trường của Người bằng những khẳng định hết sức đậm đặc và cũng vô cùng căn bản.
2.- Bố cục
Bản văn này có thể chia
thành ba phần:
1) Đức Giêsu hân hoan
dâng lời ngợi khen Chúa Cha (11,25-26);
2) Tương quan của Đức
Giêsu với Thiên Chúa và bổn phận của Người đối với loài người (11,27);
3) Đức Giêsu mời gọi
loài người lắng nghe sứ điệp của Người (11,28-30).
3.- Vài điểm chú giải
- Lạy Cha (25): Trong Tin Mừng Mt, đây là lần đầu tiên Đức Giêsu
thưa gửi với Thiên Chúa bằng danh xưng “Cha”, sau khi đã nhiều lần khuyến khích
các môn đệ làm như thế (5,16.45.48; 6,1.4.8.14.15 …). Lời thưa này giống như
câu đáp cho lời giới thiệu “Đây là Con yêu dấu của Ta” (3,17) mà Đức Giêsu đã
nhận khi chịu phép rửa và chính Người sắp nhắc lại lúc này (x. 11,27).
- ngợi khen (25): Động từ Hy Lạp exomologoumai
(praise) luôn mang những sắc thái ca ngợi chúc tụng, tôn kính, biết ơn, và hân
hoan.
- bậc khôn ngoan thông thái … những người bé mọn (25): Trong ngữ cảnh
Mt, “những bậc khôn ngoan thông thái” là các luật sĩ và Pharisêu, còn
“những người bé mọn” (theo nghĩa chữ là “các em bé”) là đám đông dân chúng, các
môn đệ, những đám thợ thuyền, những kẻ tội lỗi.
- những điều này (25): Đức Giêsu không nói rõ, nhưng dựa vào văn
cảnh, có thể cho rằng “những điều này” chính là sứ mạng của Đức Giêsu, tức là
mầu nhiệm bản thân Người và các hoạt động của Người.
- điều đẹp ý Cha (26): Đây là ý muốn của Chúa Cha. Ý muốn này chính
là kế hoạch cứu độ.
- biết (27): Động từ Hy Lạp epigignôskein
(know) dịch động từ Híp-ri yada
diễn tả một quan hệ thâm sâu, một sự hiệp thông giữa hai bên; động từ này đồng
nghĩa với “yêu mến”.
- trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho (27): Sự hiệp
thông giữa Đức Giêsu và Chúa Cha không phải là một vòng tròn khép kín, nhưng mở
ra với loài người, vì họ cũng được phép gọi Thiên Chúa là Cha (x. Mt 5,45-48).
- mang gánh nặng nề (28): Ở 23,4, Đức Giêsu trách người Pharisêu đã
chất những “gánh” nặng lên vai người ta. Đây là gánh nặng vác không nổi gồm
những truyền thống vị luật của các kinh sư, chứ không phải là các thử thách và
vất vả của cuộc đời, hay gánh nặng tội lỗi... Truyền thống này cũng dùng công
thức “mang ách”: ách của Nước Thiên Chúa, ách Luật Môsê, ách các điều buộc …
- hiền hậu và khiêm nhường (29): Hai từ ngữ này có ý nghĩa tương tự.
Đây là Mối Phúc thứ hai. Đức Giêsu lại tự liên kết với những con người sầu khổ
của Mối Phúc thứ ba.
- ách tôi êm ái (30): Đức Giêsu cũng đề nghị “ách” của Người, tức là
các huấn lệnh của Người. Người không khẳng định rằng các huấn lệnh này ít quan
trọng và ít đòi buộc hơn các điều luật của các kinh sư; trái lại Người đã cho
thấy là Người đưa chúng đến để hoàn tất Luật cũ, chỉ có điều là con đường Người
theo không có chuyện luật lệ chi li giáo điều phức tạp nặng nề của các kinh sư
và Pharisêu. Nếu “ách” của Người “êm ái” là vì nó phát xuất từ toàn bộ Tin
Mừng, tức là từ những tương quan mới mà Thiên Chúa cứu độ đã thiết lập với loài
người.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Đức Giêsu hân hoan dâng lời ngợi khen Chúa Cha (25-26)
Đức Giêsu đã ngỏ lời với Chúa Cha trong
một lời cầu nguyện tạ ơn và chúc tụng. Người gọi Thiên Chúa là Cha và
Chúa tể trời đất. Người đã mạc khải cho thấy là Cha, vị Thiên Chúa mà lâu nay
người ta chỉ biết là Đấng Tạo hóa và Chúa tể toàn thế giới. Thiên Chúa là Đấng
mà Đức Giêsu nhận biết là Cha, nhờ tương quan con cái mà Người có với Thiên
Chúa. Do ý muốn của Thiên Chúa mà sứ điệp của Đức Giêsu được đón nhận cách khác
nhau: những bậc khôn ngoan thông thái thì không hiểu gì, còn những người bé mọn
thì hiểu. Phải chăng sứ điệp của Người chỉ được dành cho những em bé hoặc những
người đã lớn tuổi mà vẫn còn ấu trĩ và chưa chín chắn? Phải chăng Kitô giáo đi
ngược lại với kiến thức và khoa học và khả năng tự quyết của con người? Phải
chăng Kitô giáo chỉ phù hợp với tình trạng thiếu khả năng tự cáng đáng bản thân
và chỉ hỗ trợ tình trạng lệ thuộc trong cách xử sự? Thật ra, với những con
người nghĩ rằng mình hiểu biết mọi sự, Đức Giêsu chẳng có gì để nói với họ cả.
Người không thể mạc khải cho họ biết Thiên Chúa là Cha và Chúa tể, bởi vì họ
không thể nhận được, vì họ không cần Thiên Chúa. Con người cứ việc tận dụng trí
thông minh và tất cả sức lực, và hành động với tự do và trách nhiệm, nhưng cần
nhận biết những giới hạn của mình. Nếu chúng ta lương thiện và biết nhìn nhận
hoàn cảnh thực sự của mình, chúng ta đang mở ra đón nhận mạc khải của Đức
Giêsu. Những người có tinh thần nghèo khó (5,3) là những người bé mọn. Họ sống
lệ thuộc Thiên Chúa và quy chiếu về Người, họ nhận biết Người là Chúa tể trời
đất và vui hưởng mạc khải bởi vì họ biết ký thác bản thân cho tình yêu và sự
hướng dẫn của Thiên Chúa.
* Tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa và bổn phận của Người đối với
loài người (27)
Trung tâm của bản văn
là những khẳng định của Đức Giêsu về tương quan của Người với Thiên Chúa. Giữa
Thiên Chúa và Người có một quan hệ duy nhất Cha-Con: Thiên Chúa là Cha của Đức
Giêsu và Đức Giêsu là Con của Thiên Chúa. Chỉ duy có Thiên Chúa, trong tư cách
là Cha, mới biết Đức Giêsu là ai, và chỉ duy Đức Giêsu, trong tư cách là Con,
mới biết Thiên Chúa là ai. Hai Đấng hiểu biết lẫn nhau do có sự hiệp thông sâu
xa và chan hòa sức sống. Những con người đang phê phán Đức Giêsu với tất cả sự
trịch thượng và muốn loại trừ Người, tưởng biết rõ Người, nhưng thật ra chẳng
biết gì về Người cả. Chúa Cha đã giao phó tất cả, mọi quyền bính và uy quyền
trên con người, cho Đức Giêsu. Duy mình Đức Giêsu có thể mạc khải Chúa Cha,
giúp người ta thực sự biết Chúa Cha. Vị trí này của Người là do tương quan của
Người với Chúa Cha: vì chỉ một mình Người biết Chúa Cha, do thực tại thâm sâu
của Người là Con, thì cũng chỉ một mình Người có thể mạc khải Chúa Cha trong
thực tại thâm sâu của Người là Cha. Do đó, loài người không thể tránh khỏi đối
diện với ý muốn của Thiên Chúa, khi quan hệ với Đức Giêsu.
* Đức Giêsu mời gọi loài người lắng nghe sứ điệp của Người (28-30)
Đức Giêsu mời gọi tất
cả những ai mệt mỏi chán chường và vất vả với những gánh nặng hãy đến với
Người. Người ngỏ lời trực tiếp với những người đang nghe Người nói. Họ đang
phải “gánh” 613 điều luật buọc mà các kinh sư đã bày ra khi giải thích Cựu Ước
(23,4) và họ đang vất vưởng như đàn chiên không có người chăn dắt (x. 9,36).
Người hứa ban cho họ được nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Phải chăng chúng ta ngạc
nhiên và thất vọng vì Người cũng mời chúng ta nhận lấy ách của Người? Từ quan
điểm của Đức Giêsu, con người không “tự do” theo kiểu hoàn toàn là mình, không
mắc bất cứ ràng buộc nào. Trong tư cách là thọ tạo của Thiên Chúa, do chính bản
tính của mình, con người luôn ở trong thế quy chiếu về với Thiên Chúa. Hỏi về
sự tự do đích thực đúng ra là hỏi về mối dây ràng buộc đích thực. Chỉ khi chấp
nhận được ràng buộc với vị Chúa tể đích thực, người ta mới được tự do thật,
thoát khỏi ràng buộc với mọi chủ nhân khác. Vì thật sự biết Thiên Chúa nhờ hiệp
thông sâu xa với Thiên Chúa, Đức Giêsu có thể chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa
không phải cách méo mó giới hạn, nhưng trong thực tại đúng đắn của Thiên Chúa.
Và Người ra sức dẫn đưa chúng ta về với Chúa Cha, đồng thời khuyến khích chúng
ta tin tưởng tuyệt đối nơi Người và ký thác trọn vẹn nơi Người. Nhận lấy ách
của Người chính là đón nhận tất cả sứ điệp của Người và sống như Người vẫn
sống, đó là hết lòng yêu mến Chúa Cha và dấn thân phục vụ loài người.
+ Kết luận
Đức Giêsu tự giới thiệu là Đấng “hiền hậu và khiêm nhường
trong lòng”: các từ ngữ này, chúng ta thấy có trong các Mối Phúc, không hề có
nghĩa là những người nhút nhát, rụt rè, nhưng là những người nghèo và bị áp
bức, những người đang chịu bất công và không sao đứng dậy được. Đây là những
người nghèo mà Đức Giêsu bảo: Hãy nghe tôi, hãy tin tôi, vì tôi ở về phía các
bạn, tôi là một người trong các bạn, tôi cũng nghèo và bị loại trừ!
Muốn học được sự khôn
ngoan của Nước Trời, thì phải sống nghèo cùng với Đức Giêsu. Điều gây vấp phạm,
chính là sự mạc khải của Đức Giêsu về bản thân Người: quyền năng được tỏ bày
trong sự yếu đuối…
5.- Gợi ý suy niệm
1. Những kẻ phê phán
Đức Giêsu cách trịch thượng và muốn loại trừ Người, tưởng là đã biết Đức Giêsu!
Thật ra, chỉ có Thiên Chúa mới biết Đức Giêsu trong tư cách là Con, trong sự
quy hướng hoàn toàn về Chúa Cha trong tình yêu trọn vẹn.
2. Đọc bản văn này
trong liên hệ với đoạn văn cuối cùng của Tin
Mừng Mt (28,16-20), chúng ta sẽ thấy tất cả tầm mức sâu xa của các lời
khẳng định của Đức Giêsu. Sau khi sống lại, Người chính là Đấng đã được Chúa
Cha ban cho toàn quyền trên trời dưới đất. Chính Người hiện diện bên các môn đệ
“mọi ngày cho đến tận thế” để nâng đỡ các ông trong nỗ lực chu toàn sứ mạng.
3. Hans Urs von
Balthasar, một nhà thần học Thụy Sĩ, đã nói đến một thứ “thần học bàn quỳ”:
chúng ta chỉ thật sự hiểu biết về Thiên Chúa không phải nhờ cứ khăng khăng dùng
trí tuệ mà tìm tòi suy luận, nhưng nhờ biết quỳ xuống nhận biết quyền năng của
Người trên chúng ta. Thánh Anselmô cũng nói: “Tôi tin để tôi có thể hiểu được
Thiên Chúa”.
4. Thiên Chúa đã ban
toàn quyền cho Đức Giêsu; do đó, trong khi hành động, loài người luôn phải đặt
mình đối diện với ý muốn của Thiên Chúa về định mệnh của mình. Muốn cuộc đời
mình đi đúng hướng, loài người phải quan tâm đến ý muốn này.
5. Chúng ta sẽ cảm thấy
sứ điệp của Đức Giêsu về Chúa Cha và về ý muốn của Chúa Cha trở nên như một
“cái ách”, khi các ước muốn, các tâm trạng và các ý tưởng của chúng ta đi ngược
lại với sứ điệp ấy. Như thánh Âu-tinh đã nói: “Trái tim chúng con vẫn còn bồn
chồn bất an, cho đến khi nó được nghỉ yên trong Chúa”, chúng ta chỉ được yên
hàn, thanh thản, khi sống trong tình hiệp thông với Thiên Chúa.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm