CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN A

Dcr 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11,25-30

ỨNG XỬ HIỀN HẬU VÀ KHIÊM NHƯỜNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 11,25-30

(25) Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất. Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. (26) Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. (27) Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho. (28) Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (29) Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. (30) Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su ngợi khen Chúa Cha vì đã tỏ mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Người hứa sẽ mặc khải về Chúa Cha và ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Người. Người kêu gọi dân Do thái đang sống dưới ách Luật Mô-sê và những kẻ đang chịu lầm than vất vả hãy đến để được ơn nâng đỡ. Người khuyên họ mang lấy ách thập giá của Người và học nhân đức hiền lành và khiêm nhường của Người. Nhờ đó, thập giá sẽ nên nhẹ nhàng và đau khổ sẽ thành êm ái cho họ. Tóm lại, Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai xuất hiện như là Con người, Con Thiên Chúa, là Vua và là Đấng mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn.

3. CHÚ THÍCH:

- C 25-26: + Lạy Cha (Áp-ba): là một tiếng kêu thân thương của đứa con với cha giống như “Bố ơi!” của người Việt Nam. Đây là một kiểu nói mới lạ độc đáo của Đức Giê-su, mà trước đó không ai dám thưa với Đức Chúa như vậy. + Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu: Đức Giê-su cảm tạ Chúa Cha vì đang khi những kẻ tự cho mình là khôn ngoan không chấp nhận Tin mừng Nước Trời, thì những người nghèo hèn lại vui vẻ đón nhận. + Đó là điều đẹp ý Cha: Đức Giê-su nhận ra thánh ý của Chúa Cha phù hợp với lời tuyên sấm của I-sai-a: trong Triều đại của Đấng Thiên Sai người nghèo sẽ được nghe rao giảng Tin Mừng (x. Is 61,1-2).

- C 27-28: + Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi: Câu này gợi lại lời tuyên sấm của Đa-ni-en về Đấng Thiên Sai mang danh hiệu Con Người, Ngài được Đấng Cao Niên là Thiên Chúa ban cho mọi sự (x. Đn 7,13-14). + Không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha…: Chỉ Chúa Con mới biết rõ về Chúa Cha và mặc khải cho nhân loại để họ tin theo và được ơn cứu độ là sự sống đời đời (x. Ga 17,3). + Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề: Những người bé nhỏ khiêm hạ được Đức Giê-su mặc khải cho là những ai đang vất vả mang gánh nặng nề. Đó là dân chúng Do thái sống dưới ách Lề Luật và phải tuân giữ nhiều tập tục phức tạp mà các kinh sư và Pha-ri-sêu đã đặt thêm ra (x. Mt 23,4). Đây cũng hiểu là hết những ai đang chịu nhiều thiệt thòi về vật chất và đau khổ về tâm hồn. + Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng: Đức Giê-su thương xót hết mọi kẻ đau khổ và mang vác gánh nặng. Người không hứa sẽ cất cho họ khỏi gánh nặng, nhưng sẽ ban thêm sức mạnh tinh thần giúp họ can đảm chịu đựng đau khổ để vượt qua và lập công đền tội mình.

- C 29-30: + Hãy mang lấy ách của tôi: Ách hay gánh nặng của Đức Giê-su là đạo lý Tin Mừng. Đạo lý ấy được tóm lại trong ba điều: Một là phải tin vào Đức Giê-su và trở nên môn đệ của Người. Hai là phải sống khiêm hạ bé nhỏ trước tôn nhan Thiên Chúa. Ba là phải cư xử hiền hòa với tha nhân noi gương Đức Giê-su. + Vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường: Sự hiền hậu của Đức Giê-su luôn đi với khiêm nhường tự hạ (x. Mt 11,29; Lc 14,11). + Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng: Đức Giê-su hứa sẽ ban bình an nội tâm cho những ai mở lòng đón nhận tình yêu của Người, và chấp nhận theo con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang”. + Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng: Tuy Đức Giê-su đòi hỏi nhiều hơn và triệt để hơn các ráp-bi Do thái (x Mt 10,37-38), nhưng Người chỉ mời gọi và chờ đợi sự tự nguyện đáp lại, trái với các đầu mục Do thái thường "bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, còn chính họ thì không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4).

4. CÂU HỎI: 1) “Abba” nghĩa là gì ? Lối xưng hô này cho thấy quan hệ giữa Đức Giê-su với Thiên Chúa ra sao ? 2) Đức Giê-su ngợi khen Chúa Cha về điều gì ? 3) Lời Đức Giê-su cho biết Người được Thiên Chúa ban cho mọi sự đã được ngôn sứ nào đề cập đến ? 4) Đức Giê-su kêu gọi những kẻ đang vất vả mang gánh nặng đến với Người. Họ là những ai và Người hứa sẽ ban điều gì cho họ ? 5) Ách của Đức Giê-su nói đây ám chỉ điều gì và được tóm lại như thế nào ? 6) Sự hiền hậu của Đức Giê-su luôn đi kèm với nhân đức nào ? 7) Đức Giê-su đã nêu gương khiêm nhường hiền hậu ra sao ? 8) Đức Giê-su hứa ban điều gì cho những kẻ sống khiêm hạ hiền hòa ?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GƯƠNG NHẪN NHỊN CHỊU ĐỰNG THA NHÂN:

LẠN TƯƠNG NHƯ được phong làm tướng quốc nước Triệu. LIÊM PHA cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị vua Triệu xếp đứng bên dưới, nên cảm thấy bực tức và hăm hễ gặp mặt Tương Như là sẽ giết. Tương Như vì thế cứ phải lánh mặt... Một hôm Tương Như có việc phải ra ngoài, gặp phải toán lính tiền đạo của Liêm Pha từ xa đi tới, liền sai mấy người đánh xe tránh vào trong ngõ, đợi cho kiệu của Liêm Pha đi qua rồi mới ra đường. Bọn xa nhân của Tương Như thấy thế rất căm giận thay cho chủ và họp nhau lại chất vấn Tương Như rằng:

        - Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây để hầu ngài, tức coi ngài là bậc trượng phu nên mến mà đi theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng quan nhất phẩm mà hạng thứ của ngài còn ở trên ông ta. Liêm Pha dọa, ngài đã không đáp nên tránh mặt ở triều đình. Nay lại còn tránh cả ở ngoài đường nữa ! Sao ngài lại tỏ ra nhát sợ ông ta quá như vậy ? Chúng tôi là bề tôi cảm thấy xấu hổ, nên xin phép từ giã ngài, không tiếp tục theo ngài nữa.

 Tương Như liền nói :

 - Các ngươi xem tướng quân ta có hơn vua nước Tần không ?

 Bọn xa nhân đáp :

  - Thưa không.

         Tương Như lại nói :

          - Trước cái oai của vua nước Tần, thiên hạ nào ai dám ra mặt chống, mà Tương Như này dám mắng ông ta ngay giữa triều đình nước Tần, lại làm nhục cả quần thần của vua Tần nữa.  Tương Như ta dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân hay sao ? Nhưng ta nghĩ sở dĩ nước Tần hiện nay không dám tiến đánh nước Triệu chúng ta là vì e sợ có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đấu nhau, thề không sống chung với nhau. Nếu nước Tần nghe tin được, tất sẽ thừa cơ mang quân sang đánh nước Triệu ta thì sao ? Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là vì lấy việc nước là trọng và coi thù riêng là khinh vậy thôi.

Bọn xa nhân liền quỳ mọp bái lạy Tương Như mà rằng :

- Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công.

         Về phần Liêm Pha, khi nghe thuật lại lối ứng xử của Tương Như thì cả thẹn mà rằng : ”Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Rồi Liêm Pha còn đến tạ tội với Tương Như, qùi mọp mà rằng : ”Tôi tính tình thô bạo, đội ơn tướng quân đã bỏ qua, tự nghĩ lấy làm hổ thẹn quá !”. Tương Như đến đỡ dậy, và sau đó cả hai kết làm bạn thân thiết sống chết có nhau.

                   (Cái DŨNG của thánh nhân- Nguyễn duy Cần)

2) TÂM HỒN BÌNH AN NHỜ TIN VÀO CHÚA:

TOM là một tân tòng người da đen. Anh có lòng tin Chúa và siêng năng tham dự thánh lễ mỗi ngày. Nhưng anh bạn thân của anh tên là GION thì lại không tin Chúa. Khi gặp Tom, anh ta thường khích bác đức tin của Tom và coi Tom là một kẻ mê tín. Một hôm Tom đang vác một bao khoai mì khá nặng từ cánh đồng trở về nhà, thì gặp Gion đang ngồi chờ bên vệ đường. Thấy Tom vác nặng mồ hôi chảy ra nhễ nhãi, Gion liền lên tiếng diễu cợt: “Này Tom, anh tin Chúa mà sao Chúa lại để anh vất vả quá như thế ?” Tom không trả lời và tiếp tục bước đi. Được thể, Gion lẽo đẽo theo sau và tiếp tục nói những lời khích bác về đạo. Đi được một quãng, Tom đã cố ý buông tay cho bao khoai sau lưng anh rơi xuống đất. Sau đó anh quay lại nhặt lên và nói với Gion: “Tôi cũng xin hỏi anh: "Làm sao tôi biết được bao khoai sau lưng mình bị rơi, khi mắt tôi không thấy nó rơi ?”. Gion liền đáp: “Đương nhiên là anh phải biết nó rơi rồi, vì anh cảm thấy gánh nặng trên vai anh biến mất ?” Bấy giờ Tom liền giải thích cho Gion hiểu lý do theo đạo của mình như sau: “Tôi đồng ý với anh là bao khoai tôi đang vác mà bị rơi xuống thì đương nhiên tôi phải biết, vì tôi thấy gánh nặng trên vai đột nhiên biến mất và tôi thấy nhẹ mình. Về đức tin cũng vậy: Trước đây, tôi luôn cảm thấy buồn rầu lo lắng về những tội lỗi trong quá khứ, và không lúc nào tâm hồn tôi được bình an. Nhưng từ ngày theo đạo, tôi đã gặp được Chúa Giê-su. Mỗi lần tham dự thánh lễ, tôi được nghe Lời Chúa an ủi và lời giảng của vị linh mục giúp tôi hiểu thêm về lòng thương xót của Chúa, về ý nghĩa những đau khổ tôi gặp phải và về giá trị công việc lao động tôi đang làm… Khi đến nhà thờ, tôi cảm thấy bao nhiêu gánh nặng lo âu phiền muộn đều biến mất. Hiện nay tôi cảm thấy tâm hồn thật bình an hạnh phúc. Mặc dù vẫn phải làm việc để kiếm sống, vẫn gặp phải những điều rủi ro tai nạn trái với ý muốn, nhưng tôi luôn an tâm và sẵn sàng chấp nhận chúng giống như tôi đang vác cây thập giá mình mà theo chân Chúa vậy. Chính đức tin đã giúp tôi nhận ra Chúa Giê-su sống trong tôi và tôi cảm thấy rất vui khi có Chúa đồng hành, cùng chia sẻ vui buồn với tôi. Đó chính là lý do khiến tôi theo đạo và tôi thề quyết trung thành theo Chúa đến cùng”.

Tom đã cảm nghiệm được lời Đức Giê-su hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… Và tâm hồn anh em sẽ được bình an” (Mt 11,28-29).

3. SUY NIỆM:

1) THẾ NÀO LÀ HIỀN HẬU VÀ KHIÊM NHƯỜNG ?:

- Hiền hậu hay hiền lành là thái độ của một người tốt lành, giàu lòng từ bi nhân ái, có lòng thương xót và thích làm điều tốt cho kẻ khác. Hiền hậu theo Kinh Thánh còn có nghĩa là thái độ hiền dịu, không cứng cỏi… Như vậy hiền hậu vừa có bên trong lại vừa phát xuất bên ngoài. Trong lòng thì từ bi, khoan dung, độ lượng, cảm thông. Bên ngoài thì nhẹ nhàng, từ tốn nhỏ nhẹ, không thô bạo, không gây thù chuốc oán với ai...

          - Trong đời sống thường ngày, những người có quyền thường đi đôi với tính tự cao tự đại, không muốn ai làm trái ý của mình nên nét mặt thường cau có, hay la mắng người dưới làm trái ý mình, có khi còn “giận cá chém thớt” nữa.  Trong thực tế, một vài câu nói thường hay được nhiều người nhắc lại như: ”No mất ngon, giận mất khôn”, và “Nóng tính hỏng việc”.

 - Khiêm nhường là thái độ nhún nhường không thích khoe khoang thành tích, luôn sẵn sàng hạ mình một chút.  Căn bản của khiêm nhường là tôn trọng sự thật về mình: nhận thức đúng mình là người xấu tốt như thế nào để không muốn nổi trội hơn người khác. Giả như người khác có coi thương mình thì cũng không tức giận trả thù. Nhờ “biết mình biết người” như vậy nên người khiêm nhường sẽ luôn thành công trong mọi việc., sẽ không cảm thấy quá buồn phiền chán nản khi sự thể xảy ra không như ý của mình. Người khiêm nhường dễ gây được thiện cảm với người khác và nhận được sự hợp tác của nhiều người.  

 2) HÃY HỌC VỚI TÔI SỰ HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG TRONG LÒNG:

- Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy học tập với Người về “lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Để tâm hồn chúng ta sẽ được hưởng sự bình an thư thái. Cần loại bỏ thái độ tự mãn về sự khôn ngoan thông thái của mình, để mặc lấy cách suy nghĩ đơn sơ trung thực của trẻ thơ. Bấy giờ chúng ta sẽ được Đức Giê-su mặc khải những mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. Mt 11,25-27). Thánh Au-gút-ti-nô nói: “Ở đâu có khiêm nhường, ở đó có bác ái”.

- Văn hào Nga TÔN-TOI (Tolstoi) đã kể một câu chuyện ngụ ngôn cho thấy sự hiền lành là nguyên nhân của niềm vui và hạnh phúc như sau: Một hôm sói hỏi sóc nâu: “Tại sao họ sóc nhà mi luôn vui vẻ nhảy nhót, còn bọn sói chúng ta lại luôn ủ rũ buồn rầu vậy?” Sóc liền trả lời rằng: “Ông buồn rầu vì trong lòng ông chứa đầy sự độc ác. Chính sự độc ác ấy đã bóp nghẹt trái tim ông, không cho ông được an bình hạnh phúc. Còn sở dĩ lũ sóc chúng tôi luôn vui vẻ vì chúng tôi hiền lành, không làm hại ai cả”.

- Một câu chuyện khác về một con nhái bén kiêu căng: Ngày nọ một con nhái bến kiêu căng lên tiếng thách đấu với một con bò mộng. Nhái ta cố phình bụng sao cho to hơn bụng con bò. Nhưng to đâu không thấy, chỉ thấy con nhái bén kiêu căng kia đã bị nổ bụng chết thảm. Câu chuyện nhái bén này dạy loài người chúng ta bài học như sau: “Đừng trèo cao để khỏi bị té đau”, đừng “xưng hùng xưng bá” khi không có thực tài: “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Người xưa cũng có câu: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” (Một người tài giỏi chắc sẽ có người khác tài giỏi hơn đánh bại mình).

3) ỨNG XỬ HIỀN HẬU VÀ KHIÊM NHƯỜNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Trong cuộc sống, mỗi tín hữu chúng ta hãy quyết tâm ứng xử hiền lành khiêm nhường cụ thể như sau:

a) Nhẫn nhịn chịu đựng: Kềm chế cơn giận khi bị kẻ khác khinh thường chơi xấu noi gương Đức Giê-su đã không trừng phạt dân làng Sa-ma-ri không tiếp đón Người và các môn đệ vào ở trọ trong làng của họ. Hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an đã tỏ thái độ tức giận và thưa với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? ” Nhưng Người quay lại quở mắng các ông: “Anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào. Vì Con Người không đến để làm cho người ta mất mạng, nhưng là để  cứu mạng”. Rồi thầy trò đi sang làng khác (x. Lc 9,53-56).

b) Không khoa trương công đức trước mặt người đời để tìm tiếng khen (x. Mt 6,1-4). Tránh tình trạng “thùng rỗng kêu to”; “Làm láo báo cáo hay”. Bệnh thành tích làm cho người ta dễ che đậy cái xấu và gian dối phóng đại điều tốt để được khen thưởng.

c) Sẵn sàng tha thứ vô điều kiện: Đức Giê-su đã dạy: “Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (x. Mt 5,43-45). Trong kinh Lạy Cha Người cũng dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12).

d) Cần sớm hòa giải với tha nhân trước khi dâng của lễ: “Vậy nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lài đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

e) Sắn sàng phục vụ hơn là được phục vụ (x. Mt 20,28): Đức Giê-su đã rửa chân cho môn đệ trước khi dạy các ông bài học khiêm nhường (x. Ga 13,14);

g) Yêu kẻ thù và làm ơn cho những kẻ thù ghét bách hại mình (x. Mt 5,39-42): Trên thập giá, Đức Giê-su im lặng chịu đựng sự sỉ nhục và xin Chúa Cha tha cho những kẻ hành hạ mình (x. Lc 23,34)…

4) PHÚC THAY AI XÂY DỰNG HÒA BÌNH: Trong bài giảng “Tám mối phúc thật” , Đức Giê-su đã khẳng định: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. ”Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,4.10).  Sự hiền lành sẽ làm cho chúng ta được vào Nước Trời của Đức Giê-su và nếu biết xây dựng hòa bình trong môi trường sống và làm việc của mình, chúng ta sẽ xứng đáng được gọi là con Thiên Chúa.

Tuy nhiên, sự hiền lành nơi Đức Giê-su không phải là nhu nhược thụ động, không đồng nghĩa với ba phải và bất nhất … nhưng luôn ăn ở công minh chính trực, từ bi nhân ái, thể hiện qua thái độ ứng xử với tha nhân như sau:

a) Tránh xét đoán ý trái cho kẻ khác: và luôn tỏ lòng nhân từ với các tội nhân noi gương Đức Giê-su xưa đã nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình rằng: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8,11b).

b) Hiền lành nhưng cương quyết: Không thỏa hiệp với cái xấu như Người đã trách Phê-rô khi ông can trách Người đừng đi con đường qua đau khổ vào vinh quang như sau: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23). Đức Giê-su quát mắng ma quỷ: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).

c) Nặng lời khiển trách bọn đạo đức giả: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào” … “ Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các ngươi trốn đâu cho khỏi hình phạt hỏa ngục?” (Mt 23,13.33).

d) Dùng biện pháp mạnh khi cần: Người dùng dây thừng làm roi đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Rồi Người bảo họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp“ (Mt 21,12-13).

e) Lý phải nhân tâm phục: Đức Giê-su đã hạch lại kẻ đã vả mặt Người như sau: “Nếu tôi nói sai, hãy chứng minh xem sai chỗ nào. Còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?” (Ga 18,22-24).

TÓM LẠI: Tất cả những điều tốt đẹp nói trên của Đức Giê-su đã được thánh Phan-xi-cô tóm lại trong KINH HÒA BÌNH. Nếu mỗi tín hữu chúng ta biết năng đọc và áp dụng thực hành theo các nguyên tắc ứng xử trong Kinh Hòa Bình này thì chúng ta sẽ nên giống Đức Giê-su và sẽ tích cực góp phần trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.

     4. THẢO LUẬN: 1) Sự hiền lành giống và khác với sự nhu nhược và ba phải thế nào ? 2) Có người nghĩ rằng: không thể áp dụng lời Đức Giê-su dạy: “Đừng chống cự người ác” (Mt 5,39), vì kẻ ác sẽ “được đàng chân, lân đàng đầu”. Bạn có đồng ý với quan điểm ấy hay không ? Tại sao ? 3) Bạn cần làm gì cụ thể để trở nên hiền lành và khiêm nhường noi gương Đức Giê-su ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA. Xin cho chúng con quyết tâm học tập theo Chúa nhân đức hiền lành và khiêm nhường trong lòng, noi gương Mẹ Ma-ri-a xưa. Xin cho chúng con trước khi nhắm mắt từ giã cuộc đời, có thể nói được như mục sư Mác-tin Lu-thơ Kinh (Martin Luther Kinh) rằng: “Tôi rất hãnh diện nếu ngày tôi qua đời, ai đó sẽ kể lại rằng: Mác-tin Lu-thơ Kinh là người đã cố gắng sống vì yêu thương. Ngày đó tôi mong muốn các bạn sẽ nói rằng tôi đã sống cho công lý, tôi đã dấn thân để đem lại cơm bánh cho những người đói khổ, tôi đã luôn cho kẻ đói rách được ăn mặc. Tôi mong rằng ngày đó các bạn sẽ nói rằng tôi đã dấn thân đến thăm những người tù tội, và yêu thương phục vụ hết mọi người như lời Chúa dạy… Còn tất cả những thứ khác, như giàu có, danh dự, giải No-ben hòa bình … đều không đáng kể”.

LẠY CHÚA. Chúng con đã được Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Chúa. Chúa đã phú ban cho chúng con một trái tim biết yêu thương. Xin cho chúng con luôn tìm kiếm Chúa là nguồn hạnh phúc thật của đời con. Xin cho con biết ăn ở khiêm nhường và phục vụ Chúa trong những người cô đơn nghèo khổ và bệnh tật yếu đuối đang sống bên cạnh chúng con”.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH -  HHTM