CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN
Những thái độ đón nhận Tin Mừng
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 13:1-9)
Một trong những công việc chính của sứ vụ
Chúa Giê-su là rao giảng Tin Mừng.
Người giảng giữ vai trò quan trọng, nhưng việc lắng
nghe của người lãnh nhận lời giảng cũng quan trọng không kém. Hôm nay bên bờ Biển Hồ, Chúa
Giê-su nói với dân chúng đang tụ tập chung quanh Người về Nước Trời. Người mong mỏi lời giảng của
Người về Tin Mừng Nước Trời sẽ được họ đón nhận với thái độ thích hợp để lời giảng
ấy sinh hiệu quả. Vì thế Người đã dùng câu chuyện dụ ngôn người gieo giống để nói lên
những thái độ đón nhận khác nhau của người nghe.
Trước hết, muốn dễ dàng bắt được ý nghĩa dụ ngôn, chúng ta
không nên chỉ chú ý đến một chi tiết đơn độc, thí dụ hạt giống, vệ đường, bụi
gai hay đất tốt, nhưng hãy chú ý đến sự kết hợp giữa hạt giống với nơi mà nó
rơi xuống để sinh ra một kết quả. Mọi hạt giống Nước Trời đều có khả năng phát triển, vì đó là điều
Thiên Chúa muốn gieo vào tâm hồn chúng ta và mong đợi nó mọc lên và sinh hoa kết
trái. Vậy hình ảnh hạt giống rơi
vào những nơi khác nhau là biểu tượng cho những người đang tụ họp chung quanh Chúa Giê-su để lắng nghe Người giảng về Nước Trời. Chúa kể ra bốn nơi tượng
trưng cho bốn thái độ đón nhận lời Tin Mừng.
Hạt
giống ở vệ đường tượng trưng cho những kẻ “nghe lời rao giảng Nước Trời mà
không hiểu”. Dĩ nhiên không phải
vì Nước Trời là điều cao siêu nên những người này không hiểu, nhưng thực ra là
vì họ không muốn hiểu hoặc chỉ muốn hiểu theo ý của họ. Hạt giống Nước Trời đã được
gieo trong lòng họ thì họ lại không muốn giữ, nhưng vứt ra ngoài vệ đường của
tâm hồn mình cho quỷ dữ cướp đi. Hạt giống nơi sỏi đá thì không
có đủ đất để lớn lên. Cây cỏ cần có đất để rễ của nó có chỗ bám và đứng vững. Hình ảnh này diễn tả thái độ
đón nhận của người nông nổi nhất thời.
Đón nhận Tin Mừng cần có một tâm hồn mở rộng, quảng đại, can đảm và kiên
trì. Nước Trời không phải là một thực tại
bạo phát, nhưng được lớn lên dần dần trong tâm hồn chúng ta và trải qua những
gian nan thử thách.
Ở đây đón nhận đòi chúng ta phải nhặt bỏ đi sỏi đá của tội lỗi, đồng thời
cần đổ thêm đất ân sủng của Chúa. Hạt giống nơi bụi gai gặp phải một cản trở lớn cho sự phát triển. Kinh nghiệm trồng cấy cho thấy chỉ cỏ dại
thôi cũng đủ làm cho cây lúa không lớn lên được, huống chi là cả một bụi
gai! Sức mạnh của bụi
gai tượng trưng cho sức mạnh của “lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý”. Nó chèn ép và làm cho lời
Tin Mừng trở thành vô hiệu. Cuối cùng là hạt giống rơi
vào đất tốt. Chúa Giê-su giải
thích đó là “kẻ nghe Lời và hiểu”. Nếu
chỉ nghe thôi mà không hiểu, thì Lời sẽ từ tai này qua
tai kia và chẳng để lại một hiệu quả nào. Nhưng nghe và hiểu phải là hai hành vi liên kết với nhau để đón nhận lời giảng Tin Mừng Nước Trời. Vậy nghe làm sao và hiểu
thế nào? Là nghe với tất cả sự
chú ý và hiểu không những bằng trí óc mà nhất là bằng trái tim. Hạt giống Tin Mừng tự nó đã có tiềm năng thay
đổi tâm hồn, nên tất cả những gì chúng ta cần phải làm chỉ là mở lòng và dẹp bỏ
mọi cản trở, nhờ đó sức mạnh biến đổi của Tin Mừng sẽ giúp chúng ta cởi bỏ con
người cũ tội lỗi để mặc lấy sự sống mới của Chúa Ki-tô.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Dụ ngôn người gieo hạt giống chắc chắn là một câu hỏi dành
cho mọi người: Tôi thuộc loại người nào? Dĩ nhiên câu trả lời của chúng ta không nhất
thiết là hạng người này hay người kia, nhưng phải nói
là mỗi người cùng một lúc đều có thể là cả bốn hạng người đón nhận Tin Mừng về
Nước Trời. Sự thật là
Nước Trời đã ở giữa chúng ta rồi và bổn phận chúng ta luôn phải biến tâm hồn
mình thành đất tốt, để cho những giá trị và sức mạnh của Tin Mừng ảnh hưởng
trên lối sống của mình. Những vệ
đường, sỏi đá hay bụi gai thường hiện diện trong đời sống chúng ta. Quan trọng là chúng ta hãy
nhận diện chúng và cùng làm việc với ơn Chúa để tận diệt chúng.
Một tin vui Chúa Giê-su
nói với chúng ta khi Người giải nghĩa dụ ngôn:
“Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được
nghe”. Chúng ta còn được
hơn cả nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính, vì chúng ta có Lời Nhập Thể ở
bên cạnh. Người là con đường, sự
thật và sự sống. Tạ ơn Chúa!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi