CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN A

Is 55,10-11 ; Rm 8,18-23 ; Mt 13,1-23

THỰC HÀNH LỜI CHÚA ĐỂ SỐNG TIN YÊU

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mt 13,1-23

(1) Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. (2) Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì đứng trên bờ. (3) Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. (4) Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. (5) Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỗ đất không có nhiều, nó mọc ngay, vì đất không sâu. (6) Nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và bị thiếu rễ nên bị chết khô. (7) Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. (8) Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, gạt được sáu chục, hạt được ba chục. (9) Ai có tai thì nghe”. (10) Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ ?” (11) Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. (12) Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. (13) Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. (14) Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a rằng: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. (15) Vì lòng dân này đã ra đần độn. Chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. (16) Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy. Tai anh em thật có phúc vì được nghe. (17) Quả thế, Thầy bảo thật anh em: Nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe. (18) Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống: (19) Hễ ai nghe Lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. Đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. (20) Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá. Đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. (21) Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời. Khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. (22) Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. (23) Còn kẻ được gieo trên đất tốt. Đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra: kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.

2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG VỀ NƯỚC TRỜI:

Tin Mừng hôm nay là một trong bảy “dụ ngôn về Nước Trời” của Đức Giê-su: Người ví Nước Trời giống như một người mang hạt giống đi gieo. Hạt giống Nước Trời được gieo vào 4 tình trạng đất khác nhau và chỉ thành công ở lần gieo cuối cùng. Sở dĩ Đức Giê-su giảng dạy bằng dụ ngôn là vì chỉ các môn đệ mới có thiện chí muốn nghe và muốn đón nhận Nước Trời thiêng liêng, đang khi phần lớn dân Do thái thì cứng lòng chỉ muốn đón nhận Nước vinh quang thế tục và không muốn đón nhận Nước Trời thiêng liêng này. Lời Chúa chỉ phát sinh hiệu quả nơi những tâm hồn có thiện chí muốn nghe, giống như hạt giống chỉ có thể phát sinh hoa trái tin yêu khi được gieo trong mảnh đất mầu mỡ là tâm hồn tốt lành, không chai lì cố chấp, không giữ đạo hời hợt bề ngoài, không bị các thói hư tật xấu lấn át…

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: + Ngồi ở ven Biển Hồ: Câu chuyện xảy ra ở bờ biển hồ Ghen-nê-xa-rét miền Ga-li-lê. + Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều: Dụ ngôn là những câu chuyện do Đức Giê-su kể ra, dựa theo phong tục và nếp sống trong xã hội, với mục đích trình bày một điều về giáo lý đức tin. Giữa hình ảnh tự nhiên đời thường và giáo lý đức tin siêu nhiên có những điểm giống nhau mà người đọc phải để tâm suy nghĩ mới có thể nắm bắt được. + Các dụ ngôn về Nước Trời: Khi diễn tả về cách tổ chức và sinh hoạt của Nước Trời do Đức Giê-su muốn thiết lập. Người đã dùng bảy dụ ngôn sau đây: Dụ ngôn “Người gieo giống” (x. Mt 13,1-23); Cỏ lùng (x. Mt 13,24-30); Hạt cải (x. Mt 13,31-32); Men trong bột (x. Mt 13,33); Kho báu và ngọc quý (x. Mt 13,44-46); Chiếc lưới bắt cá (x. Mt 13,47-50). Ở đây, Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn Người Gieo Giống kể về một người nông dân đi gieo hạt giống, qua đó Người dạy các môn đệ phải làm thế nào để hạt giống Lời Chúa có thể mọc lên thành cây lúa và tới mùa phát sinh được nhiều bông hạt mới.

- C 3-8: + Dụ ngôn người gieo giống: Vệ đường, sỏi đá, bụi gai, đất tốt…: Hằng năm vào tháng 12 dương lịch, đất thánh bắt đầu mưa, nhà nông khởi công gieo hạt giống. Ga-li-lê là miền đất nhỏ có nhiều đồi núi và ít ruộng đất, mà dân cư lại đông, nên ruộng đất được chia thành nhiều thửa ruộng nhỏ. Thửa ruộng nào cũng có đường bờ bao làm biên địa hay vệ đường mà người nông dân có thể đi trên đường bao đó. Phần nhiều đất không đủ mầu mỡ, nhiều chỗ còn trộn lẫn đá sỏi. Nhiều chỗ đất vừa xấu mà cỏ gai lại mọc tràn lan. Tuy nhiên cũng có những chỗ đất đai phì nhiêu, người ta cày bừa kỹ, rồi gieo hạt giống lúa mì và chỉ chờ đến mùa lúa chín là thợ gặt sẽ ra đồng gặt hái mang về nhà.

- C 9: + Ai có tai thì nghe: Đây là kiểu nói Đức Giê-su hay dùng để gây sự chú ý cho người nghe (x. Mt 11,15; Mc 4,23; Lc 8,8). Có tai là có khả năng nghe, nhưng chưa chắc đã muốn lắng nghe. Giống như các kinh sư và người Pha-ri-sêu Do thái tuy đến nghe Đức Giê-su giảng mà lòng không muốn tiếp nhận sự thật mà Người muốn nói. Ở đây Đức Giê-su kêu gọi mọi người: "Ai có khả năng nghe thì hãy tỏ thiện chí lắng nghe !".

- C 10: + Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ ?: Lý do Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói về Nước Trời, trước hết vì người Do thái đang mong ước một Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi Đa-vít, đến thiết lập một Vương Triều Mới bằng sức mạnh của một đạo quân bách chiến bách thắng, lại còn được cơ binh các thiên thần trên trời trợ giúp, để mở rộng Vương quyền đi khắp hoàn cầu, dẹp tan các chư dân tôn thờ tà thần. Còn sứ mạng của Đức Giê-su là đến để thiết lập một Nước Trời thiêng liêng ban ơn cứu độ khác với Nước thế tục mà dân Do thái đang trông mong do Đấng Mê-si-a được Đức Chúa sai đến sẽ thiết lập.

- C 11: + Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không: “Mầu nhiệm Nước Trời” là chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Giê-su. Đây là điều vượt quá sự hiểu biết của loài người. Chỉ Đức Giê-su là Đấng thiết lập Nước Trời mới có thể nói về Nước ấy bằng các dụ ngôn.

- C 12: + Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất: Người Do thái thời Đức Giê-su đang có đức tin truyền thống về Đấng Thiên Sai (Mê-si-a). Trong bọn họ, ai tin vào Đức Giê-su sẽ được ban thêm ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời. Còn những kẻ không tin Người thì ngay cả lòng tin truyền thống về một đất Nước mang tính trần thế cũng sẽ bị lấy mất.

- C 13: + Vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu: Khi giảng cho dân Do thái đang khao khát một Nước trần thế lệch lạc, Đức Giê-su một đàng phải cố gắng trình bày đúng điều họ đang khát vọng. Đàng khác Người phải sửa lại quan niệm lệch lạc của họ về Nước ấy. Do đó, Người phải dùng các dụ ngôn. Bởi lẽ dụ ngôn vừa mở vừa đóng: mở để giúp họ nhận ra sự thật và đóng đối với những gì họ hiểu sai. Khi nghe các dụ ngôn về Nước Trời, chỉ những ai thành tâm chấp nhận quan điểm của Đức Giê-su như các môn đệ, mới có thể lãnh hội được ý nghĩa của nó. Còn những kẻ mang nhiều thiên kiến, cố chấp trong sự sai lầm như các mục tử dân Do thái, thì dù có nghe Đức Giê-su giảng, họ cũng không hiểu gì về ý nghĩa thực sự của các điều Người nói.

- C 14: + Ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a: I-sai-a đã tuyên sấm các Lời Chúa đã phán với ông khi Người kêu gọi và sai ông đến giảng cho dân Do thái (x. Is 6,9-10). I-sai-a có trách nhiệm nói với dân Do thái về các hình phạt mà Chúa sẽ giáng xuống do tội của họ. + “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn, cũng chẳng thấy…”: Lời tuyên sấm của I-sai-a cho thấy tình trạng dân Do thái trong thời Đức Giê-su cũng tương tự trong thời của ông. Cũng như I-sai-a, Lời giảng của Đức Giê-su đã nên dịp cho dân Do thái cứng lòng không tin (x. Lc 2,34). Mát-thêu thấy cách Đức Giê-su giảng bằng dụ ngôn như thế cũng đã được tiên báo trong Thánh Vịnh như sau: “Mở miệng ra, tôi sẽ nói đôi lời huấn dụ, công bố điều huyền bí thuở xa xưa” (Tv 78,2).

- C 16-17: + Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy…: Các môn đệ Đức Giê-su không những được thấy các phép lạ Người làm và được nghe những Lời Người dạy, mà còn có thiện chí muốn tìm hiểu để tin theo, nên các ông có phúc hơn các ngôn sứ và những người công chính trước đây. Những người này dù có thiện chí muốn nghe và muốn thấy Đấng Thiên Sai, nhưng các vị ấy đã không được nhìn thấy Người và cũng không được nghe Lời Người như các ông bây giờ.

- C 18-23: + Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn Người Gieo Giống: Lời trích giảng trong đoạn này xem ra không phù hợp với trọng tâm của dụ ngôn Người Gieo Giống ở phần trên: Dụ ngôn thì nhấn mạnh đến hành động gieo giống của Thiên Chúa vào 4 tình trạng đất khác nhau, nhưng khi giải thích thì lại chú trọng đến tình trạng đón nhận Lời Chúa nơi các người nghe. Tâm điểm của dụ ngôn đã bị xê dịch từ Lời dạy về mầu nhiệm Nước Trời sẽ gặp nhiều thử thách trước khi đạt kết quả sung mãn vào thời cánh chung, chuyển thành lời khuyến cáo hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Có lẽ phần giải thích dụ ngôn này là của Giáo Hội sơ khai nhằm nhấn mạnh đến các thái độ khác nhau của những kẻ nghe Lời Chúa: Muốn cho Lời Chúa sinh sôi nẩy nở gấp bội, thì người nghe phải trở thành đất tốt qua thái độ "nghe và hiểu". Phải tránh sự chai lì như vệ đường, khô khan như sỏi đá và các thói hư như gai góc…

4. CÂU HỎI:

1) Thế nào là dụ ngôn ? Có mấy dụ ngôn về Nước Trời là những dụ ngôn nào ? Ý nghĩa của dụ ngôn người gieo giống là gì ? 2) Bốn tình trạng đất trong dụ ngôn Người Gieo Giống ám chỉ điều gì ? 3) Câu: "Ai có tai thì nghe" có nghĩa thế nào ? 4) Tại sao Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà giảng về Nước Trời cho dân Do Thái, mà Người lại giải thích rõ ý nghĩa của dụ ngôn ấy cho các môn đệ ? 5) Tại sao Ngôn Sứ I-sai-a lại tuyên sấm Lời Chúa với dân Do Thái rằng: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy" ? 6) Tại sao các môn đệ có phúc hơn các ngôn sứ và các người công chính trước đó ? 7) Phần giải thích dụ ngôn Người Gieo Giống là của ai ? Nội dung nhằm dạy điều gì ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra: kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13,23).

2. CÂU CHUYỆN: SỨC MẠNH CỦA LỜI CHÚA TRONG THÁNH KINH

PHA-MÁT là một tên cướp lừng danh tại nước Ấn Độ. Hắn ta cùng đồng bọn thường ra tay cướp đoạt tài sản của người đi đường rồi tẩu thoát mà không để lại bất cứ dấu vết nào. Ngày nọ, Pha-mát bẻ khóa vào một ngôi nhà vắng chủ. Sau khi đã lấy hết tiền bạc quý kim trong tủ, hắn kiểm tra lại ngôi nhà lần cuối thì thấy còn lại một cuốn sách nhỏ bìa đen, giấy mỏng và dai. Hắn nhặt lên bỏ vào túi với ý định sẽ dùng làm giấy vấn thuốc lá hút. Từ đó, mỗi khi hút thuốc hắn đều xé một tờ trong sách làm giấy vấn thuốc. Một lần nọ, hắn thấy trên tờ giấy có các hàng chữ nhỏ, hắn tò mò đọc thử xem các chữ viết đó là gì, và từ đó mỗi lần hút thuốc hắn đều đọc một đọan lời Chúa in trên tờ giấy. Vào một tối kia, sau khi đọc xong trang Lời Chúa, hắn để lại tờ giấy vừa xé vào lại trong sách, và quỳ gối xuống xin Chúa Giê-su tha tội và cứu hắn, giống như Người đã tha thứ cho tên cướp có lòng sám hối trên cây thập tự mà hắn mới đọc xong. Từ lúc ấy hắn cảm thấy tâm hồn hắn có sự bình an.

Hôm sau, hắn ăn mặc chỉnh tề rồi đi đến đồn cảnh sát xin đầu thú và nộp lại những đồ ăn cắp còn lại. Mọi người đều ngạc nhiên khi nghe hắn cho biết lý do ra đầu thú. Hắn mau mắn tra tay vào còng và sau khi nghị án, tòa chỉ kết án hắn 10 năm tù giam vì có yếu tố được giảm khinh. Trong thời gian mười năm ở tù, hắn vẫn tiếp tục đọc phần còn lại của cuốn Tân Ước và đã kể lại các câu chuyện trong sách cho các bạn tù. Dần dần nhờ quyết tâm sống khiêm tốn yêu thương và phục vụ theo gương Đức Giê-su, hắn đã làm cho tất cả đám bạn tù cảm mến. Họ không còn thái độ thù ghét và đàn áp bóc lột lẫn nhau, nhưng biết thể hiện tình yêu thương và giúp đỡ nhau. Một số bạn khác còn đến xin theo học Lời Chúa với hắn và cuối cùng đã trở thành môn đệ của Đức Giê-su giống như hắn.

3. SUY NIỆM:

1) Dụ ngôn là gì?

Dụ ngôn là những hình ảnh hay câu chuyện đời thường nhằm giúp người nghe hiểu biết về các chân lý cao siêu, trừu tượng được mặc khải. Dụ ngôn của Đức Gie-su có đặc tính vừa che giấu vừa tỏ lộ các chân lý về Thiên Chúa và Nước Trời mà Người sắp thiết lập. Dụ ngôn sẽ Che dấu «những bậc khôn ngoan thông thái» (Mt 11,25a) cho rằng mình đã hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa và về Nước Trời rồi, nên không cần tìm hiểu thêm. Trái lại, sẽ tỏ lộ ra cho «những người bé mọn» (Mt 11,25b), nhận biết kiến thức của mình về Thiên Chúa và về Nước Trời vẫn còn hạn hẹp, thiếu sót, cần phải được tiếp tục đào sâu để có thể áp dụng vào cuộc sống.

Các kinh sư và người biệt phái thời Đức Giê-su là những người tự mãn về Luật Mô-sê nên không muốn nghe lời Đức Giê-su giảng, hoặc nếu có nghe thì chỉ để tìm kiếm sơ hở để phản bác. Do đó Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn mà nói với họ, để họ “nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13,14b-15). Có lần Đức Giê-su cũng khuyên môn đệ đừng giảng cho những kẻ cứng lòng không muốn nghe và không muốn tin Đức Giê-su như sau: «Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em» (Mt 7,6). Về sau trong cuộc khổ nạn, khi bị các kỳ mục bắt nộp cho quan tổng trấn Phi-la-tô để đòi ông lên án tử hình cho Người, Người đã trả lời các câu ông hỏi (x. Mt 27,11-12), nhưng lại im lặng không nói một lời khi nghe các thượng tế và kỳ mục tố cáo Người, khiến quan Phi-la-tô rất đỗi ngạc nhiên (Mt 27,12-13).

2) Điều kiện để theo làm môn đệ Đức Giê-su:

- Để đón nhận được Nước Trời của Đức Giê-su thiết lập, mỗi người chúng ta phải “từ bỏ mình”, nghĩa là bỏ đi những gì mình cho là quý giá để mua lấy Nước Trời như trong dụ ngôn kho báu và ngọc quý (x. Mt 13,44-45). Ngoài ra, Người đòi người nghe phải loại bỏ những kiến thức không phù hơp với đức tin khi cầu nguyện tạ ơn Chúa Cha đã “giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Vì một người tự mãn và cố ý bảo vệ các kiến thức thuộc về thế gian, thì khó lòng tiếp nhận được những chân lý siêu nhiên thuộc về Thiên Chúa do Đức Giê-su mặc khải.

- Ngoài ra Đức Giê-su còn đòi người nghe phải sẵn sàng “vác thập giá mình” mà theo Người (x. Mt 16,24). Vác thập giá theo Đức Giê-su nghĩa là chấp nhận bổn phận sống tình “mến Chúa yêu người”, để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su, năng cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp vượt qua những đau khổ bệnh tật, tai nạn và những sự trái ý gặp phải… như thánh ý Chúa Cha muốn, để noi gương Đức Giê-su (x. Mt 26,39). Vì những ai chấp nhận đi con đường thập giá, cùng chịu đau khổ và chết với Đức Giê-su sẽ cùng được sống lại với Người. Đây là con đường của đạo công giáo, tuy nhỏ hẹp, leo dốc và ít người tìm được lại là đường duy nhât dẫn đến sự sống đời đời. Còn con đường rộng rãi thênh thang nhiều người chọn đi sẽ dẫn đến hố diệt vong (x. Mt 7,13-14).

3) Các tín hữu nói chung chưa sống tốt hơn anh em lương dân:

 - TIM KƠN-ROI (Tim Conroy) là một thanh niên đạo đức, siêng năng đến nhà thờ dự lễ hằng ngày. Một hôm, anh đã tâm sự với một người bạn thân về nỗi thao thức đức tin như sau: “Tớ xuất thân từ một gia đình gốc công giáo. Hằng ngày tớ vẫn dự lễ và không quên đọc kinh cầu nguyện sớm tối. Nhưng có một điều tớ thắc mắc là: Tớ càng giữ đạo lâu năm bao nhiêu thì lại thấy mình càng xuống dốc về mặt đạo đức bấy nhiêu như: bê tha rượu chè, quan hệ nam nữ bừa bãi, lại còn thích chích hút ma túy… không hơn gì những bạn thanh niên người lương không công giáo. Vào ngày sinh nhật năm 25 tuổi, tớ đã tính ra số lần dự lễ, số lần nghe giảng Lời Chúa và rước lễ từ nhỏ đến lớn cả chục ngàn lần. Thế mà sao tớ vẫn không thấy mình tiến bộ về thiêng liêng bao nhiêu !” Thắc mắc của TIM đã được Đức Giê-su giải đáp trong dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay.

- Người gieo giống ám chỉ Đức Giê-su. Hạt giống là Lời Chúa. Hạt giống Lời Chúa được gieo vào bốn loại đất, tượng trưng cho bốn hạng người nghe: Vệ đường là hạng người không muốn nghe Lời Chúa nên Lời Chúa nghe đã không thể tồn tại trong tâm trí. Đất pha đá sỏi là người nghe Lời Chúa mà không suy niệm nên dễ bị mất đức tin khi gặp hòan cảnh khó khăn. Đất có nhiều gai góc ám chỉ những người nghe Lời Chúa, nhưng lòng lo lắng việc đời, làm cho Lời Chúa bị chết nghẹt không thể sinh hoa trái. Chỉ một ít người là thành tâm giống như mảnh đất tốt do biết lắng nghe Lời Chúa và suy niệm rồi quyết tâm thực hành mới có thể trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giê-su và là chứng nhân cho tình yêu giữa lòng xã hội.

4) Thực hành Lời Chúa để sống tin yêu:

- Sống chưa tốt do chưa thực hành Lời Chúa: Trong một vườn nho kia có một cây nho không mấy xanh tốt như các cây nho khác trong vườn. Người làm vườn đã phải vất vả đào sới đất chung quanh gốc nho, rắc phân tro và tưới nước hằng ngày, nhưng cây nho vẫn èo uột và không phát sinh hoa trái. Cuối cùng người làm vườn đã đào gốc nho lên để tìm nguyên nhân thì mới phát hiện có một miếng tôn đã mục rỉ nằm bên dưới gốc cây nho, nên rễ cây không cắm sâu xuống đất được để hút các chất bổ dưỡng. Từ khi lấy miếng tôn kia lên thì cây nho đã xanh tốt và đến mùa đã phát sinh được nhiều hoa trái như các cây khác. Cuộc đời chúng ta cũng thế: Nếu ta không đâm rễ sâu bằng việc năng học sống Lời Chúa, thì đời sống đức tin của chúng ta sẽ bị tàn úa và không thể sống tin yêu hơn anh em lương dân.

- Bốn bước học sống Lời Chúa hiệu quả:

Để sống được Lời Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày, mỗi tín hữu chúng ta cần năng tham dự các buổi Hiếp Sống Tin Mừng gồm bốn bước như sau:

* Bước một của trí khôn: Tìm hiểu Lời Chúa bằng cách cả Nhóm cùng đọc chung một đoạn Lời Chúa, rồi người hướng dẫn sẽ giúp Nhóm tìm hiểu ý chính Chúa muốn dạy gì ?

*  Bước hai của trái tim: Chọn một câu Lời Chúa trọng tâm để học thuộc lòng, suy niệm và làm nguyên tắc ứng xử. Mỗi người sẽ chia sẻ kinh nghiệm sống câu Lời Chúa này.

* Bước ba của ý chí: Quyết tâm đổi mới cách suy nghĩ, nói năng và hành động theo gương Chúa làm và Lời Chúa dạy như Mẹ Ma-ri-a xưa.

* Bước bốn của ơn Chúa: Việc sống theo Lời Chúa chỉ thành công khi chúng ta đón nhận được ơn Thánh Thần nhờ biết kiên trì cầu nguyện mở lòng quyết tâm sông lời Chúa dạy như Người đã nói: “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5b).

4. THẢO LUẬN:

1) Hãy cho biết lý do nào khiến Mát-thêu, Gia-kêu và Phan-xi-cô Xa-vi-ê… được ơn đổi mới đời sống ? 2) Còn bạn đang ở trong tình trạng vệ đường chai lì, đất pha sỏi đá, đất đầy gai góc hay đang là mảnh đất mầu mỡ để Lời Chúa gieo vào có thể phát sinh nhiều bông hạt ?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con đường dài nhất là đường từ tai nghe đến tay làm. Chúng con thường xây ngôi nhà đức tin trên nền cát, khi chỉ biết nghe mà không suy niệm và thực hành, nên Lời Chúa không thể thấm nhập được vào tâm trí và cuộc sống của chúng con.

- LẠY CHÚA. Xin giúp chúng con biết lắng nghe Lời Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ. Cho chúng con biết năng tìm hiểu Lời Chúa trong các nhóm Hiệp Sống Tin Mừng hằng tuần. Xin giúp chúng con biết dọn sạch những sỏi đá là sự lười biếng các việc đạo đức, biết nhổ sạch gai góc là sự ham mê tiền bạc, danh vọng và các thói hư tật xấu khác. Nhờ đó, tâm hồn chúng con sẽ trở thành mảnh đất tốt, là điều kiện để Lời Chúa lớn lên và phát sinh nhiều bông hạt là các việc bác ái phục vụ tha nhân. Ước gì ngôi nhà đức tin của chúng con được xây trên nền đá vững chắc là sự thực hành Lời Chúa, hầu chúng con có thể đứng vững trước mọi phong ba bão táp gặp phải trong cuộc sống, và chống trả được các cơn cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt mình.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM


Suy Niệm Lời Chúa Năm A