Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt
Suy niệm Chúa nhật XVI thường niên – năm A
(Mt 13, 24-43)
Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dùng các dụ ngôn
để giúp các môn đệ cũng như dân chúng hiểu về "Nước Trời". Người so sánh " Nước Trời như một người đã gieo giống tốt trong ruộng mình; Nước Trời
giống như hạt cải; Nước Trời giống như nắm men" (x. Mt 13, 24-43), nước ấy ở ngay " trên mặt đất " chứ không phải nơi xa lạ.
Thật vậy, chỉ trên mặt đất mới có chỗ cho lúa
và cỏ lùng mọc lên, chỉ trong cuộc sống nhân trần mới có bột cần chất
men, nên ở trên Thiên Đàng, chỉ có Thiên Chúa là tất cả mọi sự trong mọi người.
Chúa Giêsu lấy dụ ngôn hạt cải, mô tả nó "
bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi
mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây "(Mt 13, 32) … " cũng như men người
đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men "(Mt 13, 33), ngoài ám chỉ sự lớn lên âm thầm nhưng hùng mạnh của Nước Chúa trong
lịch sử, Chúa Giêsu muốn nói đến sự nhập thể làm người của chính
mình và sức thánh hóa của Chúa Thánh Thần.
Nếu ai đó không lấy men trộn vào bột làm cho bột dậy men, thì bột
đó không thể sử dụng làm thực phẩm được. Nhưng nếu trộn bột vào men, bột
sẽ dậy men, đó là cách Chúa Giêsu áp dụng cho Nước Trời... Cũng như
thịt : để giữ gìn thịt khỏi hư, chúng ta phải tra muối vào để
bảo quản... nếu không thịt sẽ hư và trở nên không phù hợp cho tiêu dùng.
Một cách tương tự, nhân loại đại diện cho thịt hoặc bột, Chúa Giêsu và Chúa
Thánh Thần là muối và men. Nếu men Thánh Thần và muối Giêsu không xuống thế
gian, không mặc lấy bản tính con người, nghĩa là nhào trộn với con
người, con người sẽ không bao giờ mất đi mùi hôi thối của tội lỗi, không
" tẩy trừ men cũ, để nên bột mới, là
bánh không men " (1Cr 5, 7) thì không thể được cứu độ.
Nếu con người chỉ dựa vào sức riêng mình, không cần Thánh Thần trợ giúp,
thì thật sai lầm; bởi con người không được tạo dựng để ở trên Trời
... Nếu người tội lỗi không gặp gỡ Thiên Chúa, không từ bỏ tội lỗi, không
được thấm nhuần sức sống thần linh của Thiên Chúa, người ấy sẽ không
bao giờ được nếm hưởng cuộc sống đích thực ... Trái lại, nếu đón nhận
được ân sủng của Chúa Thánh Thần, không " gây phiền muộn cho Thánh Thần " (Eph 4, 30), người ấy sẽ hạnh
phúc và được sống đời đời.
Dụ ngôn hạt cải và nắm men có lẽ dễ hiểu
nên các môn đệ không cần phải giải thích, các ông chỉ xin Chúa Giêsu :
" giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong
ruộng " (Mt 13, 36) sau khi đã về nhà. Và Người đã giải thích : "
Người là kẻ gieo giống. Ruộng là thế
gian. Hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác.
Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các
thiên thần "(Mt 13, 37-39).
Ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo, giáo phái
Đô nát cho rằng Giáo hội là tất cả những người lành, còn thế gian
thì đầy dẫy con cái sự ác không có hy vọng được cứu độ. Thánh Augustinô quan niệm : "Chính Giáo Hội là một cánh đồng có lúa và
cỏ lùng, có kẻ xấu và người tốt đều chung sống với nhau, là nơi để
chúng ta bắt chước gương nhẫn nại của Chúa. Những kẻ dữ hiện hữu trong thế
gian này hoặc là để được cải hóa hay là nhờ họ mà những kẻ lành có thể luyện
tập đức nhẫn nại ".
Vì thế chúng ta có thể rút ra những bài
học sau:
1. Cần phải có hành động khôn ngoan, thận trọng, nhẹ nhàng và đúng
đắn của người gieo giống tốt, để đề phòng "kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất "
(Mt 13, 25). Thậm
chí người gieo giống tốt có thể bị cám dỗ phản ứng với bạo lực khi áp
dụng lời van xin của đầy tớ, " nếu
ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ "(Mt 13, 27). Ông chủ thật tuyệt
vời, bởi ông thận trọng thẳng thừng nói: " Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ
dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi,
sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta" (Mt 13, 29-30).
2. Chúa Giê-su, lúc sinh thời, Người đã phải đối mặt với sự hiện diện
của sự dữ, các môn đệ Người cũng thế. Theo Matthêu thì cuộc đối đầu của Chúa
Giêsu với sự dữ đã bắt đầu với câu chuyện thời thơ ấu lúc thánh Giuse đưa Đức
Maria cùng Người trốn sáng Ai Cập để tránh cuộc thảm sát của Hêrôđê (Mt
2, 1-14). Người
sẽ tiếp tục đối đầu khi bị cám dỗ trong hoang địa (Mt 4, 1-11), cũng như trong
suốt cuộc đời sứ vụ công khai, và sẽ phải chiến đấu chống lại cái ác cho
đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời (Mt 26 ; 27). Tuy nhiên, Người sẽ chiến
thắng khi sống lại bởi Đức Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần (Mt 28).
Cũng giống như Thầy
mình, các môn đệ Chúa Kitô cũng phải đối mặt với sự hiện diện của cái ác.
Sau đó họ phải bắt chước Thầy mình nhẫn nại cho đến thời gian thu hoạch.
3. Trước sự hiện hữu
của cái ác, thái độ của các môn đệ Chúa Kitô là gì nếu không phải là chấp
nhận. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cỏ lùng để mời gọi chúng ta áp dụng một số
thái độ cần phải có đối với sự hiện hữu của cái ác trên thế giới.
Trước hết cần phải
gieo trong chúng ta và xung quanh chúng ta thật nhiều hạt tốt và đặc biệt là thực
hiện từng bước để gìn giữ các hạt giống tốt cho đến mùa thu hoạch như là
(cầu nguyện, tĩnh tâm, làm việc lành phúc đức, giúp đỡ tha nhân...)
Tiếp đến là phải hành
động với sự khôn ngoan, thận trọng khi đối đầu với sự ác, đồng thời cầu
xin Chúa Thánh Thần giúp sức cho, vì: "Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta " (Rm 8, 26).
Cần phải đứng vững
trong đức tin, hy vọng và bác ái; nghĩa là chinh phục cái ác bằng việc làm
tốt, theo lời khuyên của thánh Tông đồ Phaolô: "Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ"
(Rm 12, 21).
Chúng ta hãy hướng tới
Mẹ Maria với lòng tin tưởng, để Mẹ giúp chúng ta trung thành theo Chúa Giêsu,
và sống như con cái của Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ