CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN

Nước Trời trong đời sống Ki-tô hữu

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 13:24-43)

         Mở đầu loạt dụ ngôn về Nước Trời, Chúa Giê-su đã kể dụ ngôn người gieo hạt giống để nói lên tầm quan trọng của việc đón nhận lời giảng Tin Mừng.  Một số ý tưởng chính  được ngầm hiểu trong dụ ngôn ấy, thí dụ ý định tốt của người gieo là muốn mọi hạt giống đều sinh hoa trái, hoặc hạt giống tự nó đã có khả năng phát triển… Những ý tưởng này được lập lại trong cả ba dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay và đề cao lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng mong mỏi thấy Nước Trời được phát triển và mang lại kết quả trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

         Tội lỗi đã cướp đoạt Nước Trời khỏi tâm hồn tổ tông và tất cả chúng ta.  Nhưng lòng nhân hậu của Thiên Chúa muốn phục hồi Nước ấy, để vườn địa đàng được khởi sự nơi chúng ta ngay khi sống ở đời này.  Theo kế hoạch của Thiên Chúa, Con Một Người được sai đến để rao giảng và thiết lập Nước Trời.  Như thế Nước Trời không nên hiểu như một tổ chức trần thế, mà là một thực tại thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người.  Để diễn tả cách cụ thể thực tại ấy, Chúa Giê-su dùng những hình ảnh trong đời sống thường ngày như hạt giống tốt gieo trong ruộng, hạt cải gieo trong vườn và nắm men vùi trong thúng bột.

         Trước hết là vai trò của Thiên Chúa đối với Nước Trời.  Dụ ngôn ruộng lúa và cỏ lùng trình bày Thiên Chúa như ông chủ nhà gieo hạt giống tốt vào ruộng lúa của ông.  Ông biết tất cả những gì có thể xảy ra cho ruộng lúa và ông cũng biết phải làm gì trong tình huống ấy.  Ông biết kẻ thù muốn làm hại ông một cách rất tinh vi.  Nhưng ông cũng thừa kiên nhẫn và lòng thương xót để cứu những cây lúa vô tội khỏi bị nhổ đi do sự bất cẩn của các đầy tớ.  Ông sẵn sàng chờ đợi cho tới mùa gặt, cứ để cây lúa lớn lên chung với cỏ lùng.  Thiên Chúa còn làm hơn cả ông chủ ruộng nữa.  Mỗi tâm hồn là một thửa ruộng đón nhận những hạt lúa Nước Trời.  Mặc cho cỏ lùng là những điều xấu do kẻ thù ma quỷ gieo vào, Thiên Chúa vẫn thừa quyền năng để giúp những hạt lúa Nước Trời mọc lên và phát triển.  Người ban ân sủng và sức mạnh, để chúng ta có thể dần dần loại trừ tội lỗi và những tính hư nết xấu.  Cách ứng xử của ông chủ ruộng cho chúng ta thấy sự kiên nhẫn và lòng nhân hậu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.  Rõ ràng là “có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rô-ma 8:31).

         Vì Nước Trời là một thực tại thiêng liêng, âm thầm phát triển trong tâm hồn, nên Chúa Giê-su kể thêm hai dụ ngôn nữa để nói lên đặc tính này.  Hạt cải có tiềm năng mọc lên, lớn mạnh và còn có thể trở nên chỗ nương náu cho chim trời.  Cũng thế, nắm men tuy ít, nhưng có sức biến đổi cả một thúng bột.  Như vậy mỗi người chúng ta là hạt cải, là nắm men, hay nói đúng hơn, mỗi người chúng ta là một Nước Trời.  Sức sống của Nước Trời sẽ biến đổi chúng ta từ hạt cải nhỏ xíu thành cây cải lớn, từ ba thúng bột trơ trơ thành ba thúng bột dậy men.  Nước Trời sẽ làm chúng ta thành những người sống cho tha nhân, cho Giáo Hội và cộng đồng.

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Giải thích cho các môn đệ hiểu ý nghĩa dụ ngôn ruộng lúa và cỏ lùng, Chúa Giê-su nói:  “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.  Ruộng là thế gian.  Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời”.  Phải, chúng ta là hạt giống tốt, nhưng Chúa không cất giữ trong kho, mà đem gieo vào thế giới.  Mục đích Người làm thế không phải để mặc chúng ta bị tác hại và mất đi do ảnh hưởng của tội lỗi và thế gian.  Trái lại, chúng ta được Chúa trao cho sứ mệnh làm hạt cải để chim trời có chỗ nương náu và làm men trong bột để biến đổi thế giới này nên tốt hơn.

         Sống bên cạnh những người xấu, những cám dỗ của ma quỷ và thế gian, nhiều khi chúng ta thấy mình quá yếu đuối và không đủ sức chống trả.  Nhưng thánh Phao-cô cam kết với chúng ta rằng: “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn” (Rô-ma 8:26).  Hoặc như sách Khôn Ngoan dạy:  “Vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài” (12:16).  Do đó, chúng ta cứ vững tâm, không kỳ thị nguyền rủa người xấu, nhưng bắt chước Cha trên trời là Đấng nhân hậu, đối xử với họ bằng thái độ quảng đại.  Tuy nhiên cách tốt nhất là chúng ta hãy trở nên dụng cụ để Chúa dùng mà thay đổi bộ mặt trần gian này.

       Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A