CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN
Mua lấy Nước Trời
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 13:44-52)
Chúng ta có lẽ ai cũng hiểu tại sao vua Sa-lô-môn lại được
Chúa ban cho sự khôn ngoan. Là vì vua chỉ
xin Chúa ban cho mình một điều thôi: một
tâm hồn biết lắng nghe. Trước lời hứa của
Chúa “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho”, Sa-lô-môn nghĩ đến tất cả những điều ai
ai trên thế gian này cũng sẽ xin, nhưng ông lại can đảm từ bỏ hết, để chỉ xin Chúa
một điều chẳng ai muốn xin cả! Giá trị
đích thực phải là những gì được Chúa quý trọng, chứ không phải được đo lường bằng
tiền bạc. Xác tín như vậy, chúng ta mới
hiểu được hành vi chọn lựa “không giống ai” của người
gặp được kho báu chôn giấu trong ruộng và người thương gia tìm được viên ngọc đẹp.
Cách sắp đặt của ba dụ ngôn trong bài Tin
Mừng hôm nay có thể giúp chúng ta nghĩ nhiều hơn đến trách nhiệm phải chiếm hữu
Nước Trời bằng bất cứ giá nào, tuy các dụ ngôn vẫn đề cao giá trị vô song của
Nước Trời. Trước
hết, hai dụ ngôn đầu, kho báu chôn giấu trong ruộng và thương gia đi tìm ngọc đẹp,
nói lên hai cách thức tìm thấy Nước Trời. Trong thời đất nước loạn lạc và hay bị xâm lăng, người dân thường tìm cách chôn giấu của cải. Có lẽ nơi người ta không ngờ
nhất chính là đồng ruộng. Sau một thời gian dài, chủ nhân của những kho báu này hoặc đã chết
hoặc không muốn trở về nữa nên kho báu bị quên lãng. Một ngày kia, người
làm thuê nào đó đang khi cày ruộng thì khám phá ra kho báu, ông ta lấp đất lại,
rồi về nhà “vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy”. Thái độ “vui mừng” và “bán đi tất cả” là những
nét thật đẹp của người có cơ may tìm gặp được Nước Trời.
Nhưng
trong dụ ngôn thứ hai, khám phá Nước Trời không phải chuyện tình cờ, mà là mục
tiêu. Thương
gia này không thiết tha điều gì khác ngoài chuyện “đi tìm ngọc đẹp”. Ông ta phải đi đây đó, nghe ngóng, đến tận
nơi để thẩm định giá trị của viên ngọc, phải hao tốn tiền bạc và sức lực… Cũng thế, Nước Trời là đối tượng của một cuộc tìm kiếm vất vả. Chúng ta có thể nghĩ tới một
người đi tìm Chúa. Giống như viên ngọc đẹp, Chúa hoặc Nước Trời là điều duy nhất họ
tìm kiếm. Nhưng họ phải đánh đổi
tất cả những gì mình có để chiếm được Chúa, như Chúa Giê-su đã mời gọi: “Ai muốn theo tôi,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mác-cô 9:34).
Dụ
ngôn chiếc lưới bắt cá không hẳn chỉ nói lên việc Thiên Chúa đón nhận người tốt
vào thiên đàng và loại bỏ người xấu, tựa như chọn lựa cá tốt và loại trừ cá xấu
trong cùng một mẻ lưới. Nhưng
dụ ngôn cũng có thể nói lên sự chọn lựa của chính chúng ta giữa điều đẹp lòng
Chúa và điều xấu. Chúng ta khác nào chiếc lưới bắt cả điều tốt lẫn điều xấu. Đời sống Ki-tô hữu luôn là một cuộc lựa chọn:
giữa hai lãnh tụ, theo Chúa Giê-su Ki-tô hay theo Xa-tan, theo đuổi những giá
trị Tin Mừng hay của cải tiền bạc, theo lối sống của Thần Khí Chúa Ki-tô hay lối
sống của người đời và thế gian?
Sống sứ điệp Tin Mừng
Lời thánh Phao-lô trong bài đọc thứ hai
hôm nay quả thực giúp chúng ta vững lòng “mua Nước Trời” bằng mọi giá. Ngài khẳng định: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích
cho những ai yêu mến Người” (Rô-ma 8:28).
Muốn yêu mến thì phải đi tìm, phải hiểu, phải biết. Vì yêu thương chúng ta,
Thiên Chúa đã làm mọi sự, cả đến hành động “trao nộp Con Một” yêu dấu của Người
cho chúng ta nữa. Nếu Chúa chỉ đòi nơi chúng ta một điều kiện duy nhất là yêu mến Người,
thì tại sao chúng ta còn tiếc rẻ, còn suy tính hơn thiệt, cón bám víu lấy những
gì là phù hoa mà buông ra những gì là vĩnh cửu? Đúng thế, Chúa hay Nước Trời
là tất cả, là “gia nghiệp” chúng ta và cùng với Chúa Giê-su, chúng ta được thừa
kế gia nghiệp ấy.
Hầu hết chúng ta không “tình cờ” khám phá
ra Nước Trời, nhưng giống như thương gia tìm ngọc đẹp, mỗi ngày chúng ta khám
phá thêm những nét đẹp của Nước Trời, những lối cư xử gương mẫu của Chúa
Giê-su, những người bạn tốt đồng hành với chúng ta. Chúng ta khám phá trong
Kinh Thánh, cầu nguyện và trong những tương quan với anh chị em. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là chúng
ta có dám “bán đi mọi sự” hay không?
Lm
Đa-minh Trần đình Nhi