1.- Ngữ cảnh
Chúng ta nên đặt đoạn
văn này vào trong ngữ cảnh của nó là toàn khối từ cuối chương 13 đến chương 17.
Đọc khối này, chúng ta nhận ra những ý tưởng quan trọng:
1) Chương 13 cho hiểu
rằng Nước Trời đang tăng trưởng và bất cứ người nào hiểu rằng mình được kêu gọi
đi vào đấy, thì phải lựa chọn dứt khoát. Kể từ nay, chúng ta thấy cộng đoàn của
Đức Giêsu xuất hiện rõ nét dần, được củng cố dần, mở ra dần với đức tin (x.
14,33; 16,16), đào sâu dần mầu nhiệm Đức Giêsu. Chính là nơi cộng đoàn này mà
người ta nhận ra Nước Thiên Chúa đang hiện diện và ngày càng rõ nét. Chúng ta
có thể đặt tên cho toàn khối ch. 13–17 này: “Tiến tới việc loan báo Giáo
Hội” hoặc “Giáo Hội, hoa quả đầu mùa của Nước Trời” hoặc “Hành
trình đức tin trong Giáo Hội”, bởi vì qua các chương này, Mt đề cập
đến việc đào tạo tiệm tiến cộng đoàn Giáo Hội.
2) Khối này mở ra với
việc dân Nadarét từ khước Đức Giêsu (13,53-58) và kết thúc với câu chuyện cho
thấy Phêrô được Đức Giêsu cho gắn bó với Người (17,24-27). Xuất hiện gương mặt
đe dọa của vua Hêrôđê, người đã giết Gioan Tẩy Giả (14,13). Nhóm Pharisêu ngày
càng tỏ rõ thái độ hiềm thù đối với Đức Giêsu (15,1tt.12; 16,1.4). Những thái
độ đe dọa thù nghịch khiến Đức Giêsu lo sợ, Người rút lui về những nơi an toàn
hơn hoặc tách biệt hơn (14,13; 15,21).
3) Toàn khối này được
xây dựng quanh hai điểm: đức tin và hiểu biết:
- Tác giả nói đến những
người kém tin trong câu truyện Phêrô đi trên mặt nước (14,31) và câu
truyện các môn đệ bàn tán về việc quên bánh (16,8). Trong câu truyện Đức Giêsu
chữa đứa trẻ bị kinh phong, có một lời than: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu
tin …” (17,17). Mt là tác giả duy nhất xác định rằng các môn đệ không
chữa lành được em bé vì họ kém tin. Ngài cũng là người duy nhất ghi nhận
đức tin mạnh của bà
- Ngài đã sử dụng động
từ hiểu 9 lần trong các chương này. Ở 15,10, các đám đông được mời gọi nghe
và hiểu. Ở 15,16, các môn đệ bị gọi là ngu tối (= không hiểu). Và
cũng chỉ một mình tác giả Mt đã ghi nhận rằng các môn đệ khi ấy mới
hiểu ra (16,12; 17,13) những gì cho tới nay họ vẫn không hiểu.
Các ghi nhận này cho
thấy, dọc theo các chương này, tác giả Mt đặc biệt quan tâm đến đức tin,
nhất là đức tin của các môn đệ, nhìn như một hành trình và như một nỗ lực đào
sâu và củng cố đức tin.
2.- Bố cục
Bản văn này có thể chia
làm ba phần:
1) Đức Giêsu chữa bệnh
cho đám đông (14,13-14):
a) Hoàn cảnh (c. 13),
b) Đức Giêsu chữa bệnh
(c. 14);
2) Đức Giêsu nuôi đám
đông (14,15-21):
a) Đức Giêsu đối thoại
với các môn đệ (cc. 15-18),
b) Đức Giêsu nuôi đám
đông nhờ trung gian các môn đệ (c. 19-20a);
3) Kết luận: Ghi nhận
về bánh hóa nhiều (cc. 20b-21).
3.- Vài điểm chú giải
- nơi hoang vắng
(13): dịch sát là nơi “sa mạc”. Phép lạ hóa bánh ra nhiều tại sa mạc này khiến
chúng ta nhớ đến Môsê đã xin Chúa ban man-na cho đoàn dân trong thời gian họ
tiến đi trong sa mạc để về Đất Hứa (x. Xh 16; Ds 11).
- chạnh lòng thương
(14): dịch sát là “đau đớn quặn thắt trong ruột”. Nhiều lần Mt ghi nhận
là Đức Giêsu “động lòng thương” (esplanchnisthê: 9,36; 15,52) và bày tỏ
lòng thương bằng những hành vi cứu chữa.
- chiều đến
(15): Ghi nhận là bài tường thuật Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể cũng bắt đầu
với công thức chỉ thời gian này (26,20).
- năm cái bánh và hai
con cá
(17): Bánh và cá muối hoặc ngâm dấm là những món thuộc về bữa ăn thông thường
của dân chúng.
- ngả mình trên cỏ
(19): Chi tiết này cho hiểu đây là thời gian trong mùa xuân, tức ám chỉ đến lễ
Vượt Qua. Anaklithênai, “ngả mình”, là động từ gợi ý đến một bữa tiệc,
bởi vì khi ăn, các thực khách Do Thái “ngả mình” trên những chiếc bàn thấp
(đi-văng). Bài tường thuật bí tích Thánh Thể cũng dùng một động từ tương tự
(“Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc” = ngả mình [anekeito] trên giường
tiệc; Mt 26,20).
- cầm lấy … dâng lời
chúc tụng … bẻ ra … trao cho (19): Đây là chuỗi động từ được dùng trong bài
tường thuật về bí tích Thánh Thể (so sánh: Mt 14,19 // Mt 26,26:
“cầm lấy”: labôn/labôn; “bánh”: artous/arton; “dâng lời chúc
tụng”: eulogêsen/kai eulogêsas; “bẻ ra”: klasas/eklasen; “trao
cho các môn đệ”: edôken tois mathêtais/dous tois mathêtais) . Việc bẻ
bánh luôn luôn là một nghi thức được thực hiện trong bữa tiệc.
- … trao cho môn đệ.
Và môn đệ trao cho dân chúng (19): Các môn đệ là trung gian giữa Đức Giêsu
và đám đông. Mt dùng một động từ duy nhất (didômi, “cho,
trao cho”) để nói về hành động của Đức Giêsu và của các môn đệ. Trong khi trong
Mc (6,41) và Lc (9,16), các tông đồ “mang; phân phát” (Mc:
paratithôsin; Lc: paratheinai) bánh cho đám đông, trong Mt,
các ông có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu của dân chúng bằng cách tiếp nối công việc
của chính Đức Giêsu.
- những mẩu bánh còn
thừa (20): Trong các bữa tiệc Do Thái, có việc bẻ bánh trao cho nhau như
một nghi thức. Những mẩu bánh thừa khiến nhớ lại “nghi lễ bẻ bánh”, tức bí tích
Thánh Thể, mà các tông đồ và môn đệ cử hành sau khi Đức Giêsu đã về trời (x. Cv
2,42; 20,7).
- năm ngàn đàn ông
(21): Không chắc đây là con số chính xác (làm sao đếm xuể?). Có lẽ Mt
muốn so sánh Đức Giêsu với ngôn sứ Êlisa và cho thấy Đức Giêsu vượt xa ngôn sứ
này: Trong sách 2 V 4,42-44, Êlisa đã hóa hai mươi cái bánh lúa mạch ra
nhiều để nuôi 100 người (từ 1 thành 5). Ở đây Đức Giêsu đã hóa năm cái bánh ra
nhiều để nuôi 5000 người (từ 1 thành 1000). Vậy Đức Giêsu cũng là một ngôn sứ
có khả năng làm phép lạ, nhưng cao trọng hơn Êlisa nhiều.
- giỏ (20): Cái giỏ (kophinos)
để đựng các đồ vật cũng là một đồ dùng để đo thể tích (khoảng 10 lít).
4.- Ý nghĩa của bản văn
Câu truyện Đức Giêsu nuôi đám đông hôm nay có thể khiến
chúng ta nhớ đến giai thoại man-na trong hoang địa (Xh 16,11-36; Ds
11), Êlisa nuôi đám đông (2 V 4,32-44), câu truyện tiệc cưới Cana (Ga
2,1-12), cũng như các bữa ăn Đức Giêsu chia sẻ với những người khác. Dù thế,
hẳn là có thật một hoàn cảnh ngặt nghèo, đói khát.
* Đức Giêsu chữa
bệnh cho đám đông (13-14)
Hoàn cảnh lúc đó là một
lần nữa, Đức Giêsu lại muốn lánh đi về một nơi hoang vắng riêng biệt vì bị giới
lãnh đạo đe dọa (x. 12,15). Tuy nhiên, đám đông dân chúng biết tin liền đi theo
Người. Đây không phải là lần đầu tiên Mt cho thấy Đức Giêsu có đám đông
đi theo (x. 8,1; 12,15). Vẫn chính là Người hướng dẫn cộng đồng những kẻ lưu
đày về quê hương. Lần này, đám đông thậm chí còn đi trước Người, đưa theo những
người bệnh, và hẳn là cả các niềm hy vọng của họ (c. 14). Đức Giêsu không bực
bội nóng giận vì dân chúng làm mất sự yên tĩnh, cũng không tỏ ra lãnh đạm với
đoàn dân; Người thương cảm họ sâu xa (esplanchnisthê), hẳn cũng vì một
lý do như ở 9,36 (x. 15,32; 20,34; đọc thêm: vì “thương xót” [eleeô]:
9,27; 15,22; 17,15; 20,30-31): “vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không
người chăn dắt”. Thế là Người lại hòa mình vào giữa đám đông để chữa bệnh cho
họ. Hành vi đầu tiên Người làm lúc này là chữa bệnh: các sự dữ không chỉ được
khoan nhượng, mà còn bị loại trừ. Sau những ca chữa bệnh “cụ thể”, khó mà nói
rằng việc nuôi đám đông chỉ có tính biểu tượng hoặc bí tích; hẳn đây cũng là
một phép lạ “cụ thể”.
* Đức Giêsu nuôi đám
đông (15-21)
Khi chiều đến, các môn
đệ là những người thực tế, đánh giá tình hình khách quan, đã đến đề nghị Đức
Giêsu giải tán đám đông, để họ có thể tùy nghi vào các làng mạc mà mua lương
thực. Chi tiết này cho thấy họ không nhất thiết là những người “khố rách áo ôm”.
Chẳng những không đồng ý, Đức Giêsu còn yêu cầu các ông cho đám đông ăn. Đây là
một yêu cầu rất thiếu thực tế, mà chính Đức Giêsu biết. Tác giả phác họa ra
Người như một bề trên, Chúa tể tối cao ra lệnh cho các môn đệ làm một việc
dường như không thể làm nổi, nhưng người thì biết chính xác Người sẽ làm gì.
Người chỉ muốn các môn đệ cộng tác với Người để làm công việc cung cấp lương
thực cho dân chúng. Khi các môn đệ tỏ ra ngại ngùng, vì chỉ có năm chiếc bánh
và hai con cá (c. 17), Người không trả lời họ; Người bảo mang cá và bánh lại
cho Người (c. 18).
Với một lệnh một lần
nữa gợi ra uy quyền tối thượng của Đức Giêsu, tác giả đưa vào truyện phép lạ.
Ngài không ghi lại chi tiết phân thành các nhóm một trăm và năm mươi như Mc
6,40. Đức Giêsu cầm lấy bánh và cá, ngước mắt lên trời (không phải là cử chỉ
thông thường của người Do Thái khi cầu nguyện, dù có thể làm), dâng lời chúc
tụng Thiên Chúa (chứ không phải là làm phép bánh và cá), rồi bẻ ra, trao cho
các môn đệ; các môn đệ phân phát cho dân chúng. Với những công thức này, một
độc giả Kitô hữu gốc Do Thái nhớ tới những bữa ăn trong gia đình, tại nhà thờ
và Bữa Tối của Chúa. Họ hiểu rằng bài tường thuật trước tiên kể lại một phép
lạ, nhưng cũng nhắc họ nhớ đến bữa tiệc Thánh Thể. Quả thật tác giả nhắc lại những
công thức của bài tường thuật về bí tích Thánh Thể nhằm nhắc lại và cũng giới
thiệu trước bài tường thuật về việc thiết lập bí tích Thánh Thể.
Biến cố này là một hình
ảnh về Giáo Hội, nên cũng cần được giải thích theo hướng đó. Đức Giêsu ở tại
trung tâm, Người là nguồn mạch ban phát mọi ân huệ, Người ban Lời và bánh. Rồi
đến nhóm nhỏ các môn đệ bao quanh Người. Họ ở sát bên Người, họ chuyển thông
các ân huệ của Người, họ như là cánh tay Người nối dài ra. Đám đông được Đức
Giêsu quy tụ lại thì ngồi xung quanh các ngài: họ vui sướng được ở với Người.
Đức Giêsu ngước mắt lên trời khi đọc lời chúc tụng. Người làm những việc “Chúa
Cha giao cho Người hoàn thành” (x. Ga 5,36). Người không còn chỉ là vị
trung gian như Môsê, hay chỉ là một ngôn sứ nhỏ như Êlisa ngày xưa. Nay Người
chính là Đấng ban sự sống, bởi vì Người là nguồn sự sống. Tương quan giữa hai
mươi cái bánh của Êlisa với một trăm người được ăn no (1 thành 5)
và năm chiếc bánh của Đức Giêsu với năm ngàn người được no nê (1 thành 1000)
nêu bật sự trổi vượt của phép lạ thứ hai. Đức Giêsu là một ngôn sứ và
một Đấng làm phép lạ, nhưng cao cả hơn Êlisa nhiều.
* Kết luận: ghi nhận về
bánh hóa nhiều (20b-21)
Chi tiết “mười hai giỏ
đầy” (c. 20) những mẩu bánh thừa không có điểm tựa nào khác trong bài để độc giả
có thể nói rằng chi tiết này quy về mười hai môn đệ hay mười hai chi tộc
Bản văn hẳn cũng song
song với truyện phép lạ man-na, cũng xảy ra trong hoang địa trước đám đông dân
chúng (x. Xh 16; Ds 11). Bánh và cá hôm nay thay thế cho man-na
và chim cút ngày xưa. Với những dấu lạ này, Đức Giêsu xuất hiện như nhà giải
phóng của thời cuối cùng. Nhờ năm chiếc bánh, tượng trưng năm quyển sách của
Torah mới (Ortensio da Spinetoli), Đức Giêsu nuôi đoàn dân Thiên Chúa đang tiến về đất hứa. Những
chi tiết này đặt sánh đôi Đức Kitô với Môsê, Hội Thánh với cộng đoàn Xuất Hành.
Hôm nay, nhà giải phóng đích thực, vị mục tử, nhà lãnh đạo dân Thiên Chúa, dẫn
dắt một đoàn dân bị bỏ rơi và đang tiến đi trong sa mạc trần gian này,
là một mình Đức Giêsu.
Trong nền văn chương
kinh sư, bữa tiệc là biểu tượng của cộng đoàn cánh chung (hiệp thông đời sống: St
31,54; Xh 18,12; 1 Sm 9,12; Am 2,8; Hs 8,13; và
niềm hạnh phúc thời thiên sai: Is 48,21; 49,9-10; 55,1; 65,13; Dc
5,1; Is 25,6; Tv 23,1-5). Việc Đức Giêsu quy tụ các môn đệ và dân
chúng ở bờ hồ như thế trở thành nghi thức khai mạc thời đại mới. Sa mạc, nơi
đầy những thử thách và gai góc, đã trở thành một khu vườn.
+ Kết luận
Đức Giêsu quả là Đấng có quyền trên bệnh tật và sự đói khát.
Một lần nữa, dân chúng trải nghiệm về quyền lực và sự quan tâm của Đấng Mêsia.
Biến cố được kể trong
bản văn này là một hình ảnh về Hội Thánh. Đức Giêsu ở ngay trung tâm,
Người là nguồn mạch từ đó phát xuất mọi ân huệ, Người chữa lành, ban Lời và
bánh. Kế đó là nhóm nhỏ các môn đệ. Các ông ở ngay bên Đức Giêsu, các ông
chuyển giao các ân huệ Người ban, các ông là như cánh tay nối dài của Người.
Dân chúng được quy tụ lại thì ngồi chung quanh Người; họ sung sướng được ở với
Người. Đức Giêsu ngước mắt lên trời mà đọc lời chúc tụng. Người hướng về Thiên
Chúa là Cha của Người, là Đấng mà Người luôn tìm biết ý muốn để chu toàn (x. Mt
11,25-27). Bây giờ Đức Giêsu không chỉ còn là một trung gian như Môsê
xưa kia nữa; Người chính là Đấng ban sự sống, bởi vì Người là nguồn mạch từ đó
phát xuất ra sự sống.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Các môn đệ cần quan
tâm học hỏi cách xử sự của Đức Giêsu: cứu chữa. Nhưng họ chỉ có thể học được
bài học này, nếu họ có trái tim của Đức Giêsu: thương cảm sâu sắc trước tình
cảnh của người anh em chị em, tức là biết quan tâm đến hoàn cảnh sống của anh
chị em mình, với trái tim đầy tình yêu thương.
2. Phép lạ đặc biệt
nhắm đến các môn đệ. Có thể họ còn yếu đức tin, nhưng họ đã trải nghiệm quyền
năng từ bi của Chúa họ. Họ sẽ còn trải nghiệm về điều này lần nữa (x. 15,32-39).
Qua những kinh nghiệm đó, họ sẽ hiểu (16,5-12). Đàng sau các môn đệ là Hội
Thánh: trong cuộc sống chia sẻ với Đức Chúa Phục Sinh, qua những bữa ăn, và
trong mỗi Thánh Lễ, Bữa tiệc của Chúa, Hội Thánh lại sống biến cố hóa bánh ra
nhiều tại bờ hồ hôm ấy.
3. Không được quá đề
cao cơm bánh vật chất (x. Mt 6,25-26), nhưng cũng không được quên cơm
bánh vât chất (6,11). Phải nghĩ đến việc nuôi dưỡng bản thân (6,11), nhưng cũng
phải quan tâm đến việc nuôi sống người khác. Người Kitô hữu không được ăn uống
một mình, vì luôn ở giữa một đoàn anh chị em đang chờ đợi thức ăn
họ thiếu. Họ phải đi ra khỏi tình trạng cô lập mà sống trong cộng đoàn và trong
sự hiệp thông với mọi người. Bài học hôm nay cho hiểu rằng họ chỉ việc dâng cho
Đức Giêsu chút tài nguyên ít ỏi của mình, rồi làm theo sự hướng dẫn của Người.
4. Trong khi trong bản
văn Ga 6, các tông đồ không có sáng kiến nào, trong các TMNL,
chính các ông lưu ý Đức Giêsu, trao đổi về cách cung cấp các nhu yếu phẩm cho
đám đông, cuối cùng nhận được nhiệm vụ phân phát bánh và thu gom các mảnh vụn
còn dư. Các môn đệ nhận lệnh đưa bánh và cá, chuẩn bị và phục vụ bữa ăn. Công
việc của các ông nối dài công việc của Đức Giêsu. Hôm nay, các mục tử cũng
không thể bỏ mặc đoàn chiên thiếu lương thực thiêng liêng và nhất là lương thực
Thánh Thể.
5. Mỗi khi tham dự
thánh lễ, các tín hữu sống một biến cố mang tính Giáo Hội: họ vây quanh Đức
Giêsu, họ chia sẻ chính Mình Máu Người. Sau đó, họ được mời gọi ra đi (Ite, missa
est: “Lễ đã xong, anh chị em hãy ra đi [loan báo Tin Mừng]”) để, cũng như Đức
Giêsu, họ trở thành “tấm bánh” nuôi dưỡng nhân loại và kiến tạo một thế giới
mới.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm