CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN A
Is 56,1.6-7; Rm 11,13-15.19-32;
Mt 15,21-28
CẦU NGUYỆN THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC CHẤP NHẬN ?
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 15,21-28
(21) Ra khỏi đó, Đức Giê-su
lui về miền Tia và Xi-đon. (22) thì này có một
người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là
Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi ! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ
sở lắm !”. (23) Nhưng Người không đáp lại một
lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về
đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi !”.
(24) Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của
nhà Ít-ra-en mà thôi”. (25) Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng:
“Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” (26) người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà
ném cho lũ chó con”. (27) Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà
lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên
bàn chủ rơi xuống”. (28) Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin
của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Từ giờ đó, con
gái bà được khỏi.
2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU CHỮA
CON GÁI NGỪƠI ĐÀN BÀ XỨ CA-NA-AN:
Khi nghe người đàn bà ngoại giáo xứ Ca-na-an kêu xin giúp
con gái của bà đang bị quỷ ám, Đức Giê-su im lặng và khi môn đệ cầu
bầu thì Người giải thích lý do “chỉ được sai đến với chiên lạc nhà
It-ra-en mà thôi”. Tuy nhiên các lời bà đối đáp đã
chứng tỏ bà có một đức tin mạnh mẽ, nên cuối cùng bà đã được Đức
Giê-su khen ngợi có đức tin mạnh và đã ban cho bà được thỏa mãn.
3. CHÚ THÍCH:
- C 21-22: + Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đon: Tia va Xi-đon là hai thành phố của dân
ngoại. Khi âm thầm lui về miền đất ngoại giáo này (x. Mc 7,24), có lẽ Đức Giê-su muốn tránh sự dòm ngó của
nhóm Pha-ri-sêu, cũng như tránh sự nồng nhiệt của quần chúng muốn tôn
Người lên làm vua sau phép lạ nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,15). Ngoài ra,
điều này còn tiên báo: Vì dân Do thái đã từ chối ơn cứu độ ưu tiên
cho họ, nên dân ngoại sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ ấy. +
“Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !”: Sở dĩ
người đàn bà ngoại giáo biết và tuyên xưng Đức Giê-su bằng danh hiệu
Con Vua Đa-vít là do bà đã ra khỏi miền đất dân ngoại và được nghe
nhiều người Do Thái truyền đạt đức tin về Đức Giê-su (x. Mc 3,8).
- C 23-24: + Nhưng Người không đáp lại một lời: Khi không nghe lời cầu xin của người đàn
bà này, Đức Giê-su muốn thử thách để biết tình trạng đức tin của bà,
để gia tăng lòng tin cho bà. + Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy
cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi !: Các
môn đệ muốn Đức Giê-su thỏa mãn lời cầu xin để khỏi tiếp tục bị
quấy rầy. Còn Đức Giê-su lại muốn chứng tỏ Người ban ơn cho ai là tùy
lòng tin yêu của họ. Ở đây không những Người ban cho con gái bà khỏi bị
quỷ ám, mà còn ban cho chính bà đức tin vào Người là điều kiện để được
hưởng ơn cứu độ. + Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà
Ít-ra-en mà thôi: Sinh thời, Đức Giê-su chỉ rao giảng cho người
Do Thái, là những người được thừa kế các lời hứa cho họ là con cái
Thiên Chúa (x Rm 9,5; 15,8). Do đó, khi sai các môn
đệ đi giảng đạo, Đức Giê-su cũng chỉ giới hạn trong lãnh thổ dân
Ít-ra-en (x. Mt 10,5-6). Nhưng rồi thực tế cho
thấy: dân Do Thái đã từ chối ơn ấy, nên cuối cùng họ đã bị mất
quyền ưu tiên gia nhập Nước Trời (x. Cv 18,17).
- C 25-26: + “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”: Người đàn bà tỏ ra kiên trì trong lời cầu xin: xin một
lần chưa được, bà xin hai, rồi ba lần. Khi cầu xin mà chưa được nhận
lời, bà vẫn bền đỗ chứ không nản lòng bỏ cuộc (x Lc 18,1).
+
“Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”:
Không nên lấy Nước Trời được hứa ban cho con cái trong nhà là dân
It-ra-en, để đem cho người ngoài là dân ngoại bị khinh dể như loài
vật. Từ chó con ở đây là để làm dịu bớt sự khinh miệt theo quan điểm
của dân Do thái.
- C 27-28: + Chó con: là con vật nuôi
trong nhà và được mọi người cưng chiều. + Cũng được ăn những mảnh
vụn trên bàn chủ rơi xuống: Câu nói của người đàn bà cho thấy
bà có lòng khiêm tốn. Bà công nhận dân Do thái có quyền ưu tiên hơn
dân ngoại trong chương trình cứu độ. Điều này cho thấy
đức tin của bà thật vững mạnh. + Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.
Bà muốn sao thì sẽ được vậy: Khi thấy người đàn bà tỏ lòng
khiêm hạ và vững lòng phó thác cậy trông, Đức Giê-su đã khen ngợi
đức tin của bà và đã ban cho con gái bà khỏi bệnh như ý bà xin.
4. CÂU HỎI:
1) Người đàn bà ngoại giáo
kêu xin Đức Giê-su bằng danh hiệu nào ? Tại sao
bà ta biết được danh hiệu ấy ? 2) Tại sao Đức
Giê-su làm như không biết không nghe thấy lời kêu xin khẩn thiết của
người đàn bà này ? 3) Các môn đệ yêu cầu Đức
Giê-su thuận theo ý người đàn bà nhằm mục đích gì ?
4) Đức Giê-su cho môn đệ biết sứ mệnh của Người là gì
? 5) Tại sao Đức Giê-su khen đức tin của người đàn bà ngoại
giáo và cuối cùng đã ban theo ý bà xin ?
HỎI: TẠI SAO CHÚA IM LẶNG
TRƯỚC LỜI CẦU XIN CỦA CHÚNG TA ?
ĐÁP: Khi ta cầu xin mà Chúa vẫn im lặng không nhậm lời thường do
mấy nguyên nhân chính như sau:
+ Có thể Chúa đang thử thách để xem đức tin của ta mạnh hay yếu ? Trưởng thành hay ấu trĩ ? Ta cần noi gương người đàn bà ngoại giáo
trong Tin Mừng: kiên trì cầu
nguyện và không ngã lòng cậy trông. Xin một lần chưa
được, hãy xin thêm nhiều lần. Phải xin với sự xác tín Chúa sẽ ban điều tốt lành cho ta, như Đức Giê-su
phán: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ
được mở cho” (Mt 7,7).
+ Có thể lời cầu xin của ta mới chỉ mang tính cá nhân. Ta hãy xin cộng đoàn hợp
ý cầu nguyện như lời Đức Giê-su dạy: “Nếu ở dưới đất, hai người
trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự
trên trời sẽ ban cho” (Mt 18,19). Ta cũng nên xin
các thánh và các linh hồn trong luyện ngục cầu bầu cùng Chúa cho ta
dựa theo tín điều "Các Thánh Cùng Thông
Công".
+ Có thể lời cầu xin của ta chưa khiêm tốn đủ: Do ta phô trương lòng đạo đức để tìm
tiếng khen nơi người đời (x. Mt 6,5-6). Có thể do ta
đòi Chúa phải ban theo ý riêng của ta, thay vì phải xin vâng theo thánh
ý Thiên chúa như lời Đức Giê-su cầu xin trước khi bị bắt: “Ba ơi ! Nếu được, xin cho chén này rời
khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
+ Có thể lời cầu xin của ta còn thiếu sự hy sinh: ta hãy cầu xin, kèm theo những việc đạo
đức như xưng tội rước lễ, và các việc hy sinh hãm mình, kèm theo sự
tha thứ làm hòa như Đức Giê-su dạy: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật
trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình
với anh, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với
người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).
+ Có thể ta xin những điều có
hại cho phần rỗi của ta mà ta không biết: Đừng đòi Chúa phải ban
theo ý mình, nhưng hãy tin cậy vào lòng từ bi của Chúa, Đấng hằng
muốn ban ơn cứu độ cho ta như Đức Giê-su đã dạy: “Vậy nếu anh em là
những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những thứ tốt lành.
Phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Người sẽ ban những của tốt
lành cho những kẻ xin người” (Mt 7,7-11; Lc
11,13).
+ Có thể do ta cầu nguyện với lòng ích kỷ hại nhân: Xin những gì có lợi cho mình mà
hại cho người khác như hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an đã nhờ mẹ mình đến
xin Đức Giê-su cho được ngồi hai bên tả hữu Người trong Nước mà Người
sắp thiết lập (x. Mt 20-21), hoặc xin Chúa làm điều trái nghịch với
lòng từ bi nhân hậu của Chúa như hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an xin Thầy
sai lửa trời xuống thiêu hủy làng Sa-ma-ri vì đã dám từ chối đón tiếp
Thầy trò ở trọ (x. Lc 9,53-54)… nên những lời cầu xin ấy không đựơc
Chúa chấp nhận (x. Mt 20,23; Lc 9,55). Ta nên chú trọng xin những ơn tinh
thần như trong kinh Lạy Cha (x. Mt 6,9-14), vì sẽ
dễ dàng được chấp nhận hơn là xin các ơn vật chất phần xác, vì liên quan
đến luật tự nhiên do Chúa đã an bài khi sáng tạo vũ trụ vạn vật.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Một người đàn
bà Ca-na-an kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng
thương tôi !”… “Lạy Ngài xin cứu giúp tôi !” (Mt 15, 22a.25b). Đức
Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ
được vậy” (Mt 15,28a).
2. CÂU CHUYỆN: TÌNH YÊU VÀ
ĐỨC TIN LUÔN ĐỒNG HÀNH VỚI NHAU:
Trong tác phẩm: “Anh em nhà Ka-ra-ma-dốp” (the Brothers
Karamazov) của Đớt-tốp-ki (Dostoevski) có kể câu chuyện về một bà lão
kia. Bà cảm thấy đức tin của bà bị suy thoái theo với sự suy yếu sức khoẻ về thể xác. Ngày nọ
bà đến gặp một vị linh mục già tên là DỐT-SI-MA (Zossima). bà đã tâm
sự về tình trạng đức tin của bà như sau: “Thưa cha, kỳ này con thường
hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Không biết Người có quan tâm
đến hết mọi loài do Người dựng nên, trong đó có con hay không ? Sau khi chết rồi con sẽ đi đâu
? Ngoài thế giới đời này còn có đời sau không
?…” Vị linh mục già chăm chú nghe bà nói và cuối cùng ông đã
trả lời rằng: “thực ra chẳng có cách nào chứng minh cụ thể về
những điều mà bà đang hoài nghi kia. Tuy vậy tôi đề nghị bà hãy áp dụng một phương pháp giúp
bà luôn vững tin vào những chân lý ấy”. Bà lão ngạc nhiên hỏi:
“Thưa cha, bằng cách nào vậy ?” Vị linh mục
liền đáp: “Bằng tình yêu. Phải, Bà hãy yêu thương
người khác cách thành thật. Càng yêu thương người khác bao nhiêu thì
bà lại càng vững tin vào Thiên Chúa bấy nhiêu và sẽ tin vào đời sau
hơn. Càng yêu nhiều, thì đức tin của bà càng lớn lên, và các
sự ngờ vực kia cũng tự nhiên tan biến hết. Đấy là một phương pháp
đã được nhiều người áp dụng và tất cả đều chứng thực là rất hữu
hiệu để củng cố đức tin”.
3. SUY NIỆM:
Một người đàn bà ngoại giáo Ca-na-an có đứa con gái bị
quỷ ám đã đi tìm Đức Giê-su để xin Người chữa cho con gái bà lành
bệnh. Nhờ có đức tin mạnh mà bà đã được Người ban cho như ý. Vậy
để lời cầu xin của chúng ta xứng đáng được Chúa chấp nhận, chúng ta
cần phải cầu nguyện với lòng tin như thế nào?
- CẦN CÓ MỘT ĐỨC TIN
TRƯỞNG THÀNH: Người đàn bà này đã kêu to lên
để xin Đức Giê-su thương cứu con gái bà đang bị quỷ ám. Bà nói: “Lạy
Ngài là Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !
Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm !” Nhưng
Đức Giê-su im lặng không đáp lại một lời !
(22-23). Thực ra không phải Người thờ ơ lãnh đạm trước nỗi khổ đau
của người khác. Nhưng Người muốn thử thách để xem đức tin của bà
mạnh yếu thế nào ? Nếu bà không kêu xin nữa thì đức tin nơi bà chỉ là
tin vụ lợi: “Tin Chúa để được Người ban ơn như ý !”
như người ta thường nói: “Theo đạo lấy gạo mà ăn”; “Cúi đầu lạy Chúa
Ba Ngôi. Cho tôi được vợ tôi thôi nhà thờ !”. Nhiều khi chúng ta cũng gặp phải sự im lặng của Chúa như
thế. Khi ấy, chúng ta có hồ nghi sự hiện hữu của Chúa và tự
hỏi: “Thiên Chúa có hiện hữu hay không ? Ngài có
nghe thấy lời cầu xin của tôi không ? Có nhìn
thấy những khó khăn của tôi và sẵn sàng ra tay cứu giúp không ?”.
- CẦN CÓ MỘT ĐỨC CẬY VỮNG
VÀNG: Người đàn bà này đã không ngã lòng trông cậy dù bị
Đức Giê-su giả điếc làm ngơ. Bà luôn vững tâm và kiên trì kêu xin Người
cứu giúp: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” (23b-25) Cuối cùng bà đã được như ý. Nhiều tín hữu
chúng ta khi cầu xin mà không được nhậm lời, thì liền chán nản ngã
lòng trông cậy, không cầu nguyện nữa và bắt đầu “hữu sự vái tứ phương”
là chạy đến với thầy bói, thầy ngải hay làm những điều mê tín dị
đoan khác….
- MỘT ĐỨC TIN KHIÊM TỐN VÀ
PHÓ THÁC: Nghe Đức Giê-su trả lời: “Không nên
lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”, bà ta thưa: “Thưa
ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên
bàn chủ rơi xuống”. Bà sằn sàng chịu đựng những lời
miệt thị của người Do Thái, vì họ coi dân ngoại như loài chó.
Chính sự khiêm tốn ấy khiến bà được Chúa yêu mến. Như vậy, tin không
phải là cầu xin để đòi Chúa ban theo ý mình, nhưng là kiên nhẫn và
vững lòng cậy trông, phó thác cho Chúa quan phòng định liệu.
4. THẢO LUẬN:
1) Khi gặp tai ương họan nạn,
bạn thường cầu xin với Thiên Chúa, với Chúa Giê-su hay với Đức Mẹ và
các thánh làm phép lạ ? 2) Qua kinh Lạy Cha,
bạn thấy lời cầu nguyện do chính Đức Giê-su dạy có những đặc điểm
nào ? 3) Từ nay bạn quyết tâm sẽ cầu nguyện ra
sao từ khi thức dậy ban sáng đến lúc đi ngủ ban đêm ?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA CHA NHÂN ÁI. Con xin cảm tạ Cha vì biết bao hồng ân Cha đã đổ xuống trên con. Rất nhiều ơn Cha ban mà
con cứ tưởng là chuyện tự nhiên như: khí trời con thở, cơm bánh con
ăn, áo quần con mặc, đồ dùng con sử dụng… Thế mà con lại đau khổ khi
không được Cha ban theo điều con xin, hay những khi
Cha để con gặp phải những sự rủi ro trái ý. Con đã quên rằng đời con
luôn được Cha bao bọc bằng muôn ngàn hồng ân lớn
lao hồn xác.
- LẠY CHA. Con xin cảm tạ Cha vì những gì Cha đã không ban,
vì con tin chắc rằng Cha biết điều ấy có hại cho phần rỗi đời đời
của con, hoặc vì Cha muốn ban nhiều ơn khác có ích cho phần rỗi đời
đời của con hơn. Xin cho con luôn vững tin vào tình thương quan phòng của
Cha như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh. Nhờ đó khi vui cũng như lúc
buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi đuợc may lành như ý
cũng như khí gặp phải những sự trái ý cực lòng... Xin cho con luôn biết
cậy trông và phó thác trọn vẹn nơi tình thương quan phòng của Cha.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA
NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM