CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN
Sứ mệnh của Đấng Ki-tô
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 16:21-27)
Thiên Chúa Cha bắt đầu cuộc mặc khải về chân
tính Con Một của Người, khi Người cho ông Phê-rô biết Chúa Giê-su là “Đấng
Ki-tô”. Tuy nhiên cốt lõi của mặc
khải không phải chỉ đơn thuần là một danh hiệu thôi, nhưng là danh hiệu ấy nói
lên sứ mệnh nào của người mang danh hiệu.
Vì thế, bước kế tiếp của mặc khải là chính Chúa Giê-su sẽ nói thẳng ra sứ
mệnh ấy, khi Người “bắt đầu tỏ cho các
môn đệ biết: Người phải đi
Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ…, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi
dậy”.
Dĩ nhiên sứ mệnh của
Chúa Giê-su đã khởi đầu ngay từ lúc Người được thụ thai
trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, sống ẩn dật tại Na-da-rét. Sau ba mươi năm, Người bắt đầu đi rao giảng
Tin Mừng, một giai đoạn quan trọng để loan báo cho người ta biết tin vui, là
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người
thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gio-an 3:16). Tuy nhiên việc rao giảng Tin Mừng và thực hiện
những phép lạ của Chúa Giê-su chỉ là để giúp người ta chuẩn bị đón nhận ơn cứu
độ bằng cách sám hối, tin vào ơn cứu độ Thiên Chúa sắp thực hiện nhờ sự chết và
Phục sinh của Đấng Ki-tô. Do đó việc
tiên báo cuộc Thương khó là bước cuối cùng của mặc khải về chân tính Đức Giê-su
Ki-tô. Cuộc Thương khó
này vô cùng quan trọng, nên Chúa không chỉ tiên báo một lần, mà là ba lần. Đây là cách Kinh Thánh thường
sử dụng để nói lên điều gì ở cao độ tột đỉnh.
Đáng
lẽ việc tiên báo này phải là một tin vui, vì ơn cứu độ sắp được thể hiện. Nhưng đáng tiếc, nó lại trở
thành “tin buồn” cho Phê-rô và các bạn.
Buồn, bởi vì nó không hợp với “tư tưởng” của Phê-rô và của loài người! Do
đó ông Phê-rô mới phản ứng khá mạnh khi ông “bắt đầu trách” Chúa Giê-su. Ông là người bộc trực, nghĩ
gì nói nấy, lại còn to gan trách móc Thầy nữa. Có lẽ ông không ngần ngại biểu lộ sự thất vọng: Uổng công con theo
Thầy mấy năm nay! Việc can gián của ông
Phê-rô khác nào một thứ cám dỗ. Ma quỷ lợi dụng tham vọng của ông như một “thời cơ” nó đã chờ đợi để
quay lại tấn công Chúa Giê-su (Lu-ca 4:13). Trước cám dỗ đội lốt Phê-rô
này, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy Chúa Giê-su mắng Phê-rô là “Xa-tan”. Cám dỗ là nghề của Xa-tan
và nay nó dùng ông Phê-rô để cám dỗ Chúa. Tội nghiệp ông Phê-rô! Nhưng không sao, có yêu
thương mới cho roi cho vọt. Thầy Giê-su muốn dạy học trò bài học thật nghiêm túc, tạo nên một
bước quặt rất quan trọng và thanh tẩy đức tin của các môn đệ đấy thôi. Bài học là:
“Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình mà theo”.
Chúa Giê-su mời gọi các
môn đệ “lên Giê-ru-sa-lem”, không phải để dự lễ phong vương cho một ông vua trần
thế, nhưng để chia sẻ với cuộc Thương khó Người sắp phải chịu, theo kế hoạch cứu
độ của Chúa Cha. Người
sắp hoàn tất sứ mệnh của Đấng Ki-tô tại trần gian. Ông Phê-rô và các bạn phải là những người đầu
tiên làm chứng cho sứ mệnh của Thầy, nhất là làm chứng cho cái chết và sự Phục
sinh của Chúa Ki-tô, dù có phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá” và cả đến “mất
mạng sống mình” nữa!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Sau bài học làm môn đệ, cũng là bài học phải trả giá đắt cho
việc tin vào Chúa Giê-su và sứ mệnh của Đấng Ki-tô, Chúa Giê-su nói rõ ràng
không úp mở: “Ai muốn cứu mạng sống
mình, thì sẽ mất; còn
ai mất mạng sống vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Thật là ngược đời! Ai mà chẳng muốn “cứu mạng
sống mình” và đâu có ai muốn “mất mạng sống mình”. Nhưng Chúa muốn chúng ta hiểu rõ “cứu mạng sống”,
“mất mạng sống” và “tìm được mạng sống”, tất cả nghĩa là gì. Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều
là những người phải “tìm được mạng sống”, tức là sự sống đời đời trong tình yêu
vĩnh cửu của Thiên Chúa. Còn “mạng sống” mà chúng ta cứ muốn cứu và chẳng chịu mất đi, đó là
con người cũ, con người tội lỗi và tính hư nết xấu của chúng ta. Cái “mạng cùi” ấy, chúng ta
phải “vì Thầy” mà để nó chết đi, chứ đừng bám lấy nó. Chúng ta phải chôn táng nó trong mồ nhờ cái
chết của Chúa Giê-su, để tìm được sự sống mới, sự sống theo
Thần Khí của Đức Ki-tô! Ý nghĩa là như vậy
đó!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi