NƠI thẬP GIÁ, CHÚA ChA nÓI VỚI CHÚNg tA MỌI SỰ 

(Gioan 3,13-17 – Suy Tôn Thánh Giá)

        

 

1.- Ngữ cảnh

Chỉ TM IV nói đến Nicôđêmô, một thành viên quan trọng trong Phái Pharisêu - rất có thể cũng là một thành viên của Thượng Hội Đồng -. Ông đã tận dụng bóng đêm để đến gặp Đức Giêsu, có thể cũng vì đêm là thời gian yên tĩnh và an bình. Ông đại diện cho người Israel, với trái tim vẫn còn tinh trong, đang đi tìm ánh sáng và xác tín rằng vị Rabbi đến từ Nadarét, “một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”, có thể chỉ cho ông thấy ánh sáng.

Ông đã đến và ra đi trong đêm, và chúng ta vẫn tự hỏi là từ cuộc đối thoại với Đức Giêsu, ông đã khám phá ra điều gì, vì tác giả Gioan không nói.

Chúng ta sẽ lại gặp ông giữa các thượng tế tại Giêrusalem đang tranh luận với nhau xem có thể loại trừ Đức Giêsu cách nào. Nicôđêmô im lặng lắng nghe rồi đã gây chuyện với họ: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?”. Nhưng họ đã mỉa mai ông: “Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả” (Ga 7,51-52). Nicôđêmô thật quá chân thành và lương thiện để làm thành viên của một nhóm xảo trá!

Chúng ta gặp lại ông lần cuối cùng với Giôxếp Arimathê: họ tẩm liệm thi hài Đức Giêsu bằng dầu thơm, bọc bằng khăn liệm rồi đặt vào trong mộ (Ga 19,39-40).

 

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Đức Giêsu nhắc lại quá khứ (3,14-15);

2) Đức Giêsu đưa vào Tin Mừng hôm nay (3,16-17).

 

3.- Vài điểm chú giải

- Như ông Môsê đã giương cao con rắn (14): Câu này nhắc đến Ds 21,9tt.

- ai tin vào Người thì được sống muôn đời (15): Câu này tương ứng với Ds 21,8: “Ai nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”.   

- Thiên Chúa yêu thế gian (16): Động từ agapan ở thì quá khứ aorist (êgapêsen) nhắm diễn tả hành vi yêu thương tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Có thể nói ở đây chúng ta có một ví dụ tuyệt hảo về động từ agapan được diễn tả ra thành hành động, bởi vì c. 16 nói đến tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ ra trong cuộc Nhập Thể và cái chết của Chúa Con.

- đã ban (16): Động từ didonai, “cho; ban [tặng]”, không chỉ nhắm đến cuộc Nhập Thể (Thiên Chúa gửi Con vào trần gian; c. 17), nhưng nhắm đến cả cuộc đóng đinh (trao nộp cho chết: “giương cao” trong cc. 14-15). Như thế, động từ này tương tự với paradidonai, “trao nộp”, ở Rm 8,32; Gl 2,20; và didonaiGl 1,4.

- Thiên Chúa sai Con (17): Động từ apostellein này song song với “ban” ở c. 16. Khi nói về Đấng Bảo Trợ, cũng có cặp động từ này, “sai” và “ban” ở 14,16.26. Tác giả Gioan dùng hai động từ có nghĩa là “sai phái” có vẻ không phân biệt: pempein (26 lần) và apostellein (18 lần).

- Con (17): Từ “Con” ở dạng tuyệt đối (không có túc từ đi theo) trong TM IV thì hầu như song song với cụm từ “Con Người” theo truyền thống Nhất Lãm.

- không phải để lên án thế gian (17): Câu này xác định mục tiêu của sứ mạng Chúa Con đảm nhận khi được gửi vào trần gian: không phải để lên án, nhưng để cứu độ (x. Ga 4,42; 1 Ga 4,14). Thế nhưng ở 9,39, Đức Giêsu lại khẳng định: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử”. Điều duy nhất Thiên Chúa muốn, đó là cứu độ thế gian; nhưng biến cố Con của Ngài đến cũng nhất thiết đưa loài người đến chỗ phải lấy quyết định; quyết định trọng yếu nhất của đời người, là gắn bó với Con Một Thiên Chúa (c. 18) bằng đức tin, hoặc ngược lại, từ chối tin vào Người.

- được cứu độ (17): So sánh với c. 16, ta hiểu “được cứu độ” ở đây có nghĩa là “được sống muôn đời” (x. 1 Ga 4,14; Ga 12,47).

 

3.- Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu nhắc lại quá khứ (14-15)

Đức Giêsu nhắc lại cho Nicôđêmô một biến cố đã xảy ra trong cuộc Xuất Hành, biến cố này Người biết rất rõ, vì là “vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”: con rắn đồng Môsê đã đúc và giương cao trong sa mạc (x. Ds 21,4-9), và Người bình luận tích đó rằng tích đó tượng trưng cho những gì sắp xảy ra cho Người. Con Người sắp được giương cao trên thập giá để tất cả những ai nhìn lên Người thì sẽ được cứu.

Nicôđêmô đã không hiểu điều Đức Giêsu ám chỉ khi Người nói “ông cần được sinh lại bởi trên”, bây giờ lại càng ngỡ ngàng khi nghe nói đến việc “giương cao Con Người”. Ông ngạc nhiên và có lẽ cũng buồn nữa. Ông im lặng lắng nghe, chứ không biết hỏi thế nào nữa. Ông chưa được soi sáng bởi ánh sáng Phục Sinh, nên những gì ông đang được nghe lúc này là mầu nhiệm không sao dò thấu đối với ông. Ông chưa hiểu được rằng “Tin vào Đấng được giương cao” có nghĩa là đưa mắt nhìn lên “Đấng Chịu đóng đinh”, là Chúa Kitô bị đóng đinh trên thập giá, và dựa vào Người mà đo lường mọi quyết định của ông, để cho Người hướng dẫn các quyết định của ông. “Đưa mắt nhìn lên Đấng Chịu đóng đinh” chính là coi Người là biểu tượng của ơn cứu độ, là nguồn mạch đưa tới sự sống. “Đưa mắt nhìn lên Đấng Chịu đóng đinh” như thế cũng có nghĩa là phải từ bỏ nhiều thứ, hy sinh nhiều chuyện. Tác giả TM IV nói rằng một ngày nào đó người ta “sẽ nhìn lên Đấng họ đã dâm thâu” (Ga 19,37). Vào ngày đó, Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập trên trần gian.

 

* Đức Giêsu đưa vào Tin Mừng hôm nay (16-17)

Trong phần thứ hai, Đức Giêsu nói về Tin Mừng của ngày hôm nay: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, Người đến không phải để lên án thế gian, nhưng để cứu thế gian. Thiên Chúa chọn con người, Thiên Chúa đứng về phía con người.

Đây là một câu nói có sức trấn an, một mạc khải phải làm cho lòng chúng ta tràn ngập niềm vui và cậy trông. Tuy nhiên, mạc khải này có thể bị phi bác bởi nhiều bản văn Tin Mừng khác cho thấy Thiên Chúa và Đức Giêsu như là những thẩm phán nghiêm khắc (x. Mt 13,31-42; 25,31-46…), nếu không được giải thích đúng đắn. Mt dùng các hình ảnh giới thiệu Thiên Chúa như là thẩm phán là để nhắc các độc giả nhớ rằng phải nghiêm túc quan tâm đến đời sống. Tuy nhiên, hình ảnh này cần được bổ túc bởi hình ảnh “án xử của Thiên Chúa” trong TM IV.

Đời sống của chúng ta sẽ được mở dần ra cho tới cùng, bởi ánh sáng của Thiên Chúa, và ánh sáng này sẽ cho thấy thời gian chúng ta đã sống thể theo “án xử của Người” và thời gian chúng ta đã phung phí vì đã sống theo “án xử của loài người”. Nhưng “án xử” này không chỉ kết luận đơn giản bằng một lời tuyên án là có tội hay vô tội. Điều này không ích lợi gì. Án xử chúng ta cần nhất, án xử sẽ cứu chúng ta, đó là án xử Thiên Chúa đi qua hôm nay, một án xử sẽ ngăn cản chúng ta phí mất đời sống chúng ta. TM IV nhấn mạnh trên án xử này.

Tác giả không bao giờ nói đến “phán xét chung [cuối cùng]” và không bao giờ bảo rằng Thiên Chúa sẽ kết án chúng ta (c. 17) bởi vì Thiên Chúa chỉ muốn cho chúng ta được cứu độ. Ở xa hơn, ngài nhắc lại một lời nói khác của Đức Giêsu: “Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian” (Ga 12,47).

 

+ Kết luận

         Chính cái nhìn chúng ta nhận ra nơi bản văn (Thiên Chúa muốn cho chúng ta được cứu độ) giúp chúng ta hiểu lời đọc trong Kinh Tin Kính: “Người sẽ đến để phán xét”. Người đến từ đâu? Từ cây thánh giá, từ Phục Sinh: Cây thánh giá lật ngược các giá trị của chúng ta, và giúp chúng ta có thể lật ngược thất bại thành chiến thắng, nô lệ thành quyền bính, nghèo khó thành giàu có, mất mát thành lời lãi, thấp hèn thành vinh quang, tử vong thành tái sinh. Cây thập giá phải là chuẩn mực giúp chúng ta đo lường thành công hay thất bại trong cuộc đời. Chính án xử của Đức Giêsu Chịu đóng đinh sẽ nói lên sự thật về lịch sử loài người. Chỉ duy án xử này của Người mà chúng ta phải “sợ hãi”. 

Bài Tin Mừng này mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng vị Thiên Chúa trên thập giá và thúc bách chúng ta đi đến một câu đáp trả bằng tình yêu.

 

4.- Gợi ý suy niệm

1. Chúng ta đọc trong Tin Mừng Gioan rằng Thiên Chúa mạc khải vinh quang lớn lao nhất của Ngài ra khi Con của Ngài được giương cao trên thập giá. Điều này sẽ gây ngạc nhiên cho những ai đã nghĩ rằng vinh quang của Thiên Chúa trước tiên và tốt nhất phải được mạc khải ra qua các phép lạ, quyền lực vô biên của Ngài. Trên Núi Sọ, Chúa Cha đã nói cho chúng ta cách rõ ràng nhất Ngài yêu thương chúng ta đến độ nào. Núi Sọ cất đi mọi tấm khăn có thể ngăn cản chúng ta thấy được gương mặt của Thiên Chúa.

2. Nói đến tình yêu là nói đến sự quan tâm, sự thông dự, sự ân cần, chăm sóc, nỗ lực, vận dụng mọi sự. Tình yêu muốn điều hay điều tốt cho người mình thương. Người ấy không dửng dưng với con đường và định mệnh của người yêu, nhưng ra sức làm cho người kia được sống trong niềm vui và sự viên mãn. Đối với Thiên Chúa thì sao? Phải chăng Ngài đã tạo thành thế giới rồi bỏ mặc nó? Ngài có quan tâm đến chúng ta và đến định mệnh chúng ta không? Ngài có để ý xem chúng ta thế nào và chúng ta đi đến đâu không? Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta, đã quan tâm đến số phận của chúng ta, đã ban Người Con Một để chúng ta được sống viên mãn ngay từ bây giờ. Chúng ta có giá đối với Thiên Chúa đến mức Ngài sẵn sàng hy sinh Con vì chúng ta (x. Rm 8,32).

3. Sau cuộc tạo dựng, sau Lề Luật, các Ngôn sứ và tất cả những hình thái ân cần săn sóc khác, Người Con là tiếng nói cuối cùng và ân huệ có giá trị tối cao được Chúa Cha ban cho chúng ta. Người Con sẽ quan tâm đến chúng ta riêng tư từng người, sẽ chỉ cho chúng ta từng người biết con đường đưa tới ơn cứu độ, sẽ đưa ta đến chỗ hiệp thông với Người và đi đến cuộc sống muôn đời. Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, không phải là một tư tưởng hay là một lý thuyết, một giả thuyết hay một chuyện tưởng tượng, nhưng là một thực tại lịch sử đích thực. Từ đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa cũng hết sức hiện thực.

Chúng ta suy ngẫm một đoạn bài giảng của thánh Antôn Pađôva: “Chúa Cha đã gửi Con của Ngài đến với chúng ta, là “ân ban tuyệt vời, ân ban hoàn hảo” (Ga 1,17). Ân ban tuyệt vời, không gì có thể vượt qua; ân ban hoàn hảo, ta không thể thêm gì vào nữa. Chúa Kitô là ân ban tuyệt vời bởi vì Đấng mà Chúa Cha ban cho chúng ta như thế là Con Ngài, tối cao, vĩnh cửu như Ngài. Chúa Kitô là ân ban hoàn hảo; như thánh Phaolô đã nói, “Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32)… Ngài đã ban cho chúng ta Đấng là “đầu Hội Thánh” (Ep 5,23). Ngài đã không thể nào ban thêm gì nữa cho chúng ta. Chúa Kitô là ân ban hoàn hảo bởi vì, khi ban Người cho chúng ta, Chúa Cha đã nhờ Người mà đưa mọi sự tới mức hoàn hảo”.

 

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A