THÁNH GIÁ LÀ NGUỒN
TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG
(LỄ SUY TÔN
THÁNH GIÁ)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Ngày nay, chúng ta thấy
Thánh Giá được treo khắp nơi, nào là: Nhà Thờ, Nhà Nguyện, nhà tư; ở Nghĩa Trang, trên nấm mộ...; Thánh Giá còn xuất
hiện trên áo, trong khăn và khắc trên gỗ, trên đá...; người ta cũng đeo Thánh
Giá trên cổ, trên tay...
Tất cả những điều đó diễn
tả niềm tin, sự tôn thờ của của người Công Giáo, bởi vì, Thánh Giá là niềm vinh
dự, là sự toàn thắng, là ơn cứu chuộc, là sự sống, là niềm hy vọng của chúng ta.
Khi người Công Giáo tôn thờ Thánh Giá, chắc chắn
không chỉ đơn thuần là tôn thờ một biểu tượng, càng không phải lưu ký một kỷ
niệm buồn gợi lại sự đau khổ và chết chóc...
Nhưng Thánh Giá là tất cả,
là trọn
vẹn niềm tin, là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta.
Tại sao vậy? Thưa! Vì chính
nhờ Cây Thánh Giá, mà chúng ta được cứu độ.
Như vậy, khi tôn thờ Thánh Giá, chúng ta suy
tôn tình
yêu của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ và
mang lại cho chúng ta niềm hy vọng phục sinh.
1.
Tôn thờ Thánh Giá là suy tôn tình
yêu của Thiên Chúa
Khởi đi từ việc: “Thiên Chúa
yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Từ “đến nỗi” cho thấy: Thiên Chúa đã yêu quá nhiều, yêu vô bờ và bao
la, nhưng chưa thỏa lòng, nên còn một món quà duy nhất, cao quý, là tất cả của
Thiên Chúa, nhưng Người sẵn lòng trao tặng cho nhân loại, đó chính là Đức
Giêsu.
Khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài đã làm toát lên sự khiêm nhường tột
cùng khi vâng lời Thiên Chúa Cha và yêu nhân loại tha
thiết, nên Ngài: “...vốn dĩ là Thiên Chúa mà không
nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như
người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Vì
là hiện thân của Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, nên cả cuộc đời và lời rao
giảng của Ngài đều nhằm diễn tả
bản chất tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Đỉnh cao của mặc
khải này chính là cuộc hiến tế trên Thánh Giá. Thật vậy: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống
mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13); “Họa may có ai
dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Ðức Kitô đã chết vì chúng
ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa
yêu thương chúng ta” (Rm 5,7-8).
Không chỉ trao ban tình yêu cách phổ quát, mà Ngài còn ban riêng
cho mỗi người, khiến ai cũng cảm nghiệm được tình yêu cứu độ mà
Đức Giêsu dành cho. Quả thật, Ngài là "Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì
tôi" (Gl 2, 20). Không phải yêu có thời gian và số lượng, mà là
tình yêu trường cửu: "Ta đã yêu ngươi
bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương" (Gr 31, 3); và: "Ta quyết chẳng
đoạn tình dứt nghĩa, quyết không hề bội tín thất trung" (Tv 89, 34).
Quả thật, Thiên Chúa đã buộc Mình vào một tình yêu muôn thuở; Người tự tước đoạt tự do của Mình vì yêu thương chúng
ta. Đây là ý nghĩa sâu sắc của Giao Ước mà trong Chúa Kitô,
nơi Thánh Giá, đã trở nên "mới
mẻ và sống động".
Vì thế, đây là lý do thứ
nhất để chúng ta suy tôn Thánh Giá Chúa Kitô.
2.
Suy tôn Thánh Giá, đem lại cho chúng ta
niềm hy vọng cứu độ
Lý do thứ hai chính là vì
niềm hy vọng và ơn cứu độ của chúng ta nơi Thánh Giá.
Trong Cựu Ước, chúng ta thấy
hình ảnh tiên trưng về Thánh Giá và ơn cứu độ qua cây gậy và con rắn đồng được
treo lên.
Bài đọc I trình thuật việc ông Môsê dẫn dân ra khỏi Aicập và trên đường trở về Đất Hứa, dân
Israel phải trải qua hành trình trong sa mạc. Trên hành trình
ấy, dân đã nhiều lần bất trung, kêu trách Đức Chúa và trút tội lên đầu Môsê.
Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa đã cho rắn lửa xuất hiện và cắn
chết nhiều người. Thấy được sự bất trung và cảm nghiệm
sâu xa về tội của mình đã phạm, toàn dân đồng loạt kêu cầu Môsê xin Chúa tha thứ.
Thiên Chúa đã nhận lời Môsê và truyền cho ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những
ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống" (Ds 21, 8).
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã minh nhiên xác định hình ảnh này
chính là Ngài khi nói: “Như
ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải
được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15).
Thật vậy, mang trong mình
niềm tin vào Thiên Chúa và ơn cứu độ ngang qua Đức Giêsu, hẳn chúng ta không
bao giờ được phép chối bỏ Thánh Giá bằng bất cứ giá nào. Ngược lại, luôn
luôn hướng nhìn lên Thánh Giá Chúa như bảo chứng của ơn cứu độ, bởi vì chính Đức Giêsu đã chọn Thánh Giá
làm giá chuộc muôn người. Nhờ cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã giải thoát thế gian
khỏi xiềng xích tội lỗi, để từ nay, tội lỗi không còn quyền chi đối với Ngài và
tất cả những người tin vào Ngài cũng được hưởng nhờ ân huệ đó.
Nếu từ
cái chết trên Thánh Giá, Đức Giêsu đã phục sinh, thì chúng ta cũng qua đau khổ,
ắt chúng ta có niềm hy vọng được phục sinh như Ngài.
Nếu xưa kia, từ Cây Trái Cấm,
mà Tổ Tiên loài người đã sa ngã, cửa Thiên Đàng đóng lại, thì nay
nhờ Cây Sự Sống chính là
Thánh Giá, cửa Thiên Đàng được mở ra và đón nhận tất cả những ai tin vào Cây Trường Sinh.
Như thế,
Thánh Giá là biểu trưng cho sự khôn ngoan của Thiên Chúa và của những ai đón nhận
như nguồn ơn cứu độ.
Đây chính là nghịch lý của Thiên Chúa và của cả chúng ta, vì: “Dân Do thái thì đòi phép lạ, dân Hy lạp thì
tìm lý lẽ cao siêu; còn chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô trên Thập giá
[...]. Thế nhưng, đối với ai được gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, thì đó là một
vị cứu tinh với quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa” (x. 1Cr 1,18-25).
3.
Suy tôn Thánh Giá,
chúng ta học được bài học thứ tha
Cuối cùng, khi suy tôn Thánh Giá, chúng ta được mời gọi
hãy: “yêu thương như Thầy đã yêu thương” (x.
Ga 13,3-35). Yêu như thầy là phục vụ vô vị lợi.
Yêu như Thầy là hiến thân cho người mình yêu, không phân biệt
bạn hay thù (x. Lc 6, 27-35).
Yêu như Thầy cũng là tập sống bao dung, tha thứ, không xét đoán, giận hờn và
luôn hướng tới sự thiện trọn hảo: “Anh em hãy có lòng
nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”,
bởi vì: "Anh em là những
người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy
có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu
đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc
người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng
vậy, anh em phải tha thứ cho nhau" (Cl 3:12-13).
Như vậy, yêu Chúa thì cũng phải yêu người. Lệnh truyền này không thể tách
rời nhau. Nó luôn kết hợp với nhau cách chặt chẽ như thể thanh ngang và thanh
dọc của Thánh Giá.
Kết hợp cả hai mới thành Thánh Giá, thì mến Chúa và yêu người phải luôn
luôn sát cánh bên nhau không thể tách rời.
Lạy Chúa, chúng con tôn thờ
Thánh Giá Chúa. Xin Thánh Giá Chúa rợp bóng trên cuộc đời chúng con, để chúng
con được ơn cứu độ. Xin cũng cho chúng con học được bài học tha thứ của Chúa
ngang qua Thánh Giá. Amen.