CAO CẢ HƠN LÒNG CHÚNG TA

Linh mục Nguyễn Hưng Lợi DCCT

------------------------------------------------

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 20,1-16a

 

Suốt thời gian sống ở trần gian, Chúa Giêsu đã không ngừng giảng dạy, giải đáp thắc mắc của nhiều người, kể cả các môn đệ, các tông đồ là những người thân tín của Chúa Giêsu, và đưa ra các quan điểm làm thay đổi giá trị nhân sinh: một trong dụ ngôn hôm nay chúng ta được đọc cho thấy quan điểm khác lạc,tuyệt vời của Chúa Giêsu “ Ông Chủ Vườn Nho “. Ở đây, chúng ta có thể xem đó là câu trả lời của Chúa Giêsu cho thánh Phêrô về câu hỏi phần thưởng cho những kẻ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Chính vì vậy,dụ ngôn này hình như có lý để nói với các tông đồ trước khi trải rộng đến các người Pharisêu, Biệt phái, Kinh sư, Luật sĩ, những kẻ thu thuế, người tội lỗi, Dân Do Thái và dân ngoại vv…

 

Như ông chủ vườn nho quảng đại, rộng rãi thương xót mọi người, đã ra các ngã đường mời gọi họ vào làm vườn nho, và trả lương rộng lượng với người này mà vẫn công bằng với người khác.Thiên Chúa cũng thế luôn trải rộng tình thương đến với mọi người mà không đếm xỉa đến sự suy tính theo kiểu người đời vì Chúa rất mực khoan dung, nhân hậu. Đây là một dụ ngôn, chứ không phải là ngụ ngôn. Do đó, ý tưởng nhắm vào ông chủ là Thiên Chúa hơn là các nhóm thợ làm vườn, các chi tiết khác vốn được hiểu nhiều cách rất khác nhau. Thiên Chúa dùng hình ảnh vườn nho là hình ảnh rất thông dụng trong Kinh Thánh, chỉ về công việc của Thiên Chúa trong thế giới, trong thế gian, và đặc biệt nói về dân Do Thái. Một quan tiền mà ông chủ trả cho mỗi người làm việc trong một ngày. Người Do Thái xưa tính giờ: giờ thứ nhất,3,  6, 9, 11 tương đương với 6, 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, 15 và 17 giờ chiều.Nên, ngày làm việc của một người chấm dứt vào lúc 18 giờ chiều. Ông chủ rất rộng lượng, công bằng vì ông chủ đã thỏa thuận với tất cả những người làm việc trong vườn nho. Bởi vì ông và những người làm việc đã thỏa thuận sòng phẳng, tiền công là một quan tiền dẫu làm việc từ sáng hay làm vào buổi chiều. Ông chủ luôn xử công bằng với mọi người vì ông và những nhóm thợ đã thỏa thuận, giao kèo, giao ước với nhau là công nhật một ngày là một đồng. Ông chủ không xử bất công với thợ. Ông đã gọi họ làm đã giao kết, hứa, thỏa thuận với thợ là một quan tiền. Ông chủ rất công bằng trả lương để thợ có tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Đây là ông chủ  

công bằng, rộng rãi không gây thiệt hại cho ai mà vẫn quảng đại với nhiều người. Đây cũng là câu trả lời cho thánh Phêrô và các bạn khi ông hỏi Chúa Giêsurằng các ông đã bỏ mọi sự mà theo Ngài, các ông sẽ được gì ? Thực tế, công việc của con người chỉ là gợi ý, việc trả công của Thiên Chúa vượt quá sự suy tính của con người. Nước Thiên Chúa không giống như sự hạch toán kinh tế, làm ăn của con người, mà là rộng lượng, quảng đại ‘ công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần’ ( Rm 14, 17 ).

 

Bài Tin Mừng và các bài đọc hôm nay làm đảo lộn cái nhìn của con người:vị kỷ, ghen tương, tính toán, so đo vv…Do đó, nó đòi hỏi con người phải thay đổi tư duy, cách làm, cách nghĩ, đổi mới từ ngữ, cách cư xử của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, từ bi,thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Thiên Chúa luôn đối xử với con người,với mọi người với tấm lòng yêu mến thiết tha. Nên, chúng ta phải đối xử với anh em, với tha nhân trong tương quan tình yêu chứ không phải ganh tị chỉ muốn hơn kém người.Tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa là tương quan siêu nhiên, ân sủng không chỉ dựa vào việc làm, công phúc của con người mà dựa vào tình thương vì Thiên Chúa chính là Tình Thương( 1 Ga 4, 8 ). Chính vì thế, Thiên Chúa muốn chúng ta xử sự với nhau như Thiên Chúa đã xử sự với chúng ta chứ không không chỉ dựa trên kinh tế, giờ làm việc, năng xuất vv…

 

Xin mượn lời của Nữ tu Emmanuelle Billoteau, ẩn sĩ Dòng Biển Đức để kết luận bài chia sẻ hôm nay :” Như mọi dụ ngôn, du ngôn Chúa nhật này nhằm mục đích buộc chúng ta có lập trường. Đến phiên chúng ta phải chọn! Hoặc là bám vào những quan điểm đã có sẵn-mà đó nghiễm nhiên là quan điểm của những người thợ của giờ đầu tiên, hoặc là mở lòng ra học đi theo đường lối của Thiên Chúa, mà “ tư tưởng và đường lối của Người không phải là tư tưởng và đường lối của chúng ta “ ( Is 55, 8 ). Một lối hành xử lạ thường đáng cho chúng ta lo ngại, nếu trong đức tin, chúng ta không biết động cơ nơi Thiên Chúa là lòng nhân ái chứ không phải là ý chí võ đoán:” Chẳng lẽ vì tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức ?” .Không phải để bóp nghẹt nơi chúng ta trực cảm bẩm sinh về lẽ công bình. Vì chẳng phải nhờ nó mà trong lịch sử nhân loại đã có những bước tiến đầy ý nghĩa tới một thế giới công bình hơn đó sao ? Đức công bình chẳng phải là một trong những thuộc tính của Thiên Chúa, như chúng ta nghe nhắc tới trong các câu cho thấy vị chủ vườn nho tôn trọng hợp đồng trả lương công nhật là một quan tiền đó sao ? Thế nhưng trực cảm về công bình cũng có thể là một cạm bẫy nếu nó trở thành điểm qui chiếu duy nhất, khiến chúng ta cứ đem so sánh, ganh đua-liếc mắt ghen ghét-, đóng cửa lòng mình lại với tha nhân, thậm chí muốn khai trừ họ khỏi gia nghiệp Thiên Chúa hứa ban, Đấng “ cao cả hơn lòng chúng ta “.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một đức tin mạnh mẽ để chúng con biết nhìn ra Đấng luôn yêu thương, quảng đại đối với chúng con.Xin cho chúng con có cái nhìn rộng mở đối với Thiên Chúa và có sự suy nghĩ, có cái nhìn yêu thương đối với tha nhân. Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Ông chủ có công bằng đối với bốn nhóm thợ làm vườn nho không ?Tại sao?

2.Ông chủ ám chỉ ai ?

3.Tại sao Thiên Chúa lại quảng đại rộng lòng ?

4.Trong một thế giới đầy bất công, người môn đệ Chúa phải làm sao ?  

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A