CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN
Thành tâm hối hận
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
21:28-32)
Sám hối và tin vào Tin Mừng là hai điều kiện căn bản để vào
Nước Thiên Chúa. Mở đầu sứ vụ, Chúa
Giê-su rao giảng sứ điệp: “Nước Trời đã
đến gần. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đáp lại lời kêu gọi này, nhiều người tội lỗi
đã đến với Chúa và nhận được ơn tha thứ, thí dụ người phụ nữ đã đến gặp Người ở
nhà ông Si-mon (Lu-ca 7:36-50). Trong
khi đó, những thượng tế, Pha-ri-sêu và kinh sư lại ngoảnh mặt bịt tai không muốn
đón nhận sứ điệp sám hối. Vì thế, Chúa Giê-su đã kể cho họ câu chuyện hai người
con được cha sai đi làm vườn nho.
Ý muốn của người cha là hai đứa con đều đi làm vườn nho cho
ông và trên thực tế cũng là vườn nho của cả hai đứa con nữa. Trước ý muốn đó, người con thứ nhất lúc đầu từ
chối thi hành, rồi nghĩ lại và hối hận nên anh đã đi làm. Còn người con thứ hai đầu tiên thì tỏ ý sẵn
sàng làm theo ý cha, nhưng sau đó anh chẳng làm gì cả. Rồi Người áp dụng câu chuyện hai người con
vào trường hợp của hai hạng người: một
nhóm là các người thu thuế và những cô gái điếm, còn nhóm kia là các thượng tế,
Pha-ri-sêu và kinh sư. Vậy trước lời kêu
gọi sám hối và tin vào Tin Mừng, nhóm nào thực sự là những người đã sám hối và
tin vào Chúa Giê-su? Đó là nhóm người
con thứ nhất, tức những người thu thuế và các gái điếm. Chúa Giê-su đan cử một thí dụ cụ thể để nói
lên khác biệt giữa hai nhóm người. Ông
Gio-an đến rao giảng về con đường công chính người ta phải theo. Trong khi đám thu thuế và gái điếm tin lời giảng
của ông Gio-an, thì nhóm thượng tế, Pha-ri-sêu và kinh sư “vẫn không chịu hối hận
mà tin ông ấy”. Cho nên Chúa Giê-su đã
không ngần ngại nói thẳng vào mặt các thượng tế, Pha-ri-sêu và kinh sư rằng: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và gái điếm vào Nước Trời
trước các ông”.
Tại sao những kẻ tội lỗi và thu thuế lại vào Nước Trời trước
những người tự vỗ ngực cho mình là công chính?
Là vì sau khi nghe Chúa Giê-su rao giảng, họ thực sự nhận biết thân phận
tội lỗi của mình nên muốn thay đổi cuộc sống, từ bỏ tội lỗi, để sẵn sàng thực
hành lối sống mới theo những giá trị Tin Mừng.
Hơn nữa, họ còn khiêm nhường nhìn nhận sứ mệnh của Chúa Giê-su và để cho
Chúa dẫn dắt họ vào một tương quan mới đối với Thiên Chúa và anh chị em. Trong khi đó, nhóm thượng tế, Pha-ri-sêu và
kinh sư kiêu căng cho rằng mình công chính và chu toàn Lề Luật nên không cần phải
sám hối. Họ tự hào với những truyền thống
vô bổ và thiếu nhân bản, nên thẳng tay tẩy chay giáo lý của Chúa Giê-su và
không nhìn nhận sứ mệnh của Người. Thiên
Chúa đã trao cho họ vườn nho Ít-ra-en và muốn họ hãy chăm lo để sinh hoa trái,
nhưng giống như người con thứ hai trong câu chuyện dụ ngôn, họ vâng dạ cho qua
chuyện rồi từ chối không muốn cộng tác với Người.
Thiên Chúa luôn quý trọng những tâm hồn sám hối. Vua Đa-vít dám cả quyết rằng Thiên Chúa chẳng
ưa gì tế phẩm hay lễ toàn thiêu, nhưng Ngài “sẽ chẳng khinh chê tế phẩm dâng
Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò”, tức là tâm hồn sám hối. Chúng ta có quay lưng lại tội lỗi và hướng về
Người, Thiên Chúa mới có thể “tạo cho chúng ta một tấm lòng trong trắng và đổi
mới tinh thần chúng ta nên chung thủy” (Thánh Vịnh 51). Chúa Giê-su đang chờ đợi chúng ta sám hối,
thay đổi não trạng, để Người xây dựng Nước Trời trong tâm hồn chúng ta!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Nơi mỗi người chúng ta đều hiện diện hình ảnh cả hai người
con trong dụ ngôn. Có những khi chúng ta
mau mắn thi hành ý Chúa, nhưng cũng không thiếu những lần chúng ta lần lữa hoặc
quyết định rồi không chẳng bao giờ làm cả.
Con đường sám hối song song với con đường tập tành nhân đức và phát huy
mối tương quan giữa chúng ta với Chúa.
Điều quan trọng dĩ nhiên là chúng ta phải hết sức tránh tội lỗi và sa
ngã. Nhưng quan trọng không kém là chúng
ta sống tinh thần sám hối, biết khiêm nhường nhìn nhận tình trạng yếu đuối của
mình và tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Hình ảnh người con thứ nhất, với cách thành
tâm hối hận và làm vui lòng cha, phải là hình ảnh khích lệ chúng ta đứng dậy
sau lầm lỡ, để chúng ta sẵn sàng giúp cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như
trên trời” vậy.
Lm. Đa-minh
Trần đình Nhi