TÔI LÀ CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI, HAY CÔNG DÂN TRẦN THẾ, HOẶC
CẢ HAI?
(CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN, A)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Trong thế chiến thứ
hai, người ta kể một câu chuyện như sau:
Franz
JaŠggerstatter sinh ra tại nước Áo. Anh được giáo dục theo
tinh thần Kitô giáo. Trong cuộc sống, anh không có gì nổi
trội, trình độ học vấn nơi anh chỉ là sơ cấp. Cuộc sống của anh trôi đi
cách bình thường, nhưng thanh thản với nghề làm thuê theo
hợp đồng. Sau đó anh lấy vợ và có với nhau 3 mặt con.
Tuy
nhiên, điều đáng nói ở đây chính là sự trưởng thành trong cuộc sống thường nhật
cũng như đời sống đức tin nơi anh.
Sự
trưởng thành này đã đem lại cho anh một lập trường kiên định về việc trung
thành với Luật Chúa được ghi khắc trong Lương Tâm.
Đang
sống trong cảnh thanh bình thì thế chiến thứ hai ập đến. Anh
cũng như nhiều thanh niên khác buộc phải đi lính cho đội quân Hitler.
Tuy nhiên, Franz đã từ chối và trả lời những người thắc mắc rằng: “Cuộc chiến này không phải là cuộc chiến vì
chính nghĩa. Nên, thật là sai lầm nếu tôi gia nhập quân đội.
Điều này trái với Lương Tâm tôi!"; anh nói
tiếp: "Tôi yêu dân tộc, và tôi yêu
quê hương tôi. Nhưng có một luật lệ cao cả hơn, đó là Luật của Thiên Chúa. Và
Luật của Thiên Chúa nói trong Lương Tâm tôi: cuộc chiến này phi nghĩa!".
Kết
cục, anh bị bắt và cầm tù. Mọi người khuyên ngăn, kể cả vợ anh, họ nài nỉ
anh xem xét lại... Nhưng không thể thay đổi được tư tưởng của
anh, cuối cùng anh đã bị chém đầu vào ngày 9.8.1943.
Qua
câu chuyện trên, chúng ta thấy cả cuộc đời của Franz là một cuộc chọn lựa giữa
chính nghĩa và bất nhân. Giữa cái tạm bợ và vĩnh viễn.
Giữa hạnh phúc và đau khổ... Franz đã đi theo đúng
đường lối của Thiên Chúa là: "Cái gì
của César thì hãy trả cho César, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên
Chúa".
1. Ý đồ của nhóm Pharisiêu và Hêrôđê với Đức Giêsu
Hôm
nay, bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu bị hai nhóm Hêrôđê và Pharisiêu
chất vấn Ngài về việc nộp thuế.
Kỳ thực thì hai nhóm
này vốn từ lâu đã không đội trời chung, bởi vì nhóm
Hêrôđê thì phò cho chính quyền Rôma, còn phe Pharisiêu thì trung thành với dân
tộc và chống lại việc đô hộ trên đất nước họ. Tuy nhiên, ngàn năm một thủa, hôm
nay cả hai nhóm, họ đều có chung một mục đích là trả
thù Đức Giêsu.
Tại
sao thế? Chuyện rất đơn giản là: Đức Giêsu được dân chúng mến phục vì những
việc tốt lành, những bài giảng hấp dẫn, nhất là Ngài đã đứng lên tố cáo sự giả
hình của nhóm Pharisiêu để bênh vực cho người nghèo, người thấp cổ bé họng
không có tiếng nói... Vì thế, nhóm Pharisêu sợ mất uy tín với
dân chúng. Họ không ngần ngại tận dụng mọi cơ hội để
để thực hiện cho kỳ được mục tiêu của họ là loại bỏ Đức Giêsu ra khỏi xã hội
bằng cái chết. Còn nhóm Hêrôđê thì sợ tầm ảnh hưởng
của Đức Giêsu trên dân và vì thế, có nguy cơ bị lật đổ chế độ đô hộ của đế quốc
Rôma.
Để thực hiện được hành vi này, họ đã cấu kết với nhau để chung tay gài bẫy Đức
Giêsu.
Điều mà họ đưa ra để
nhờ Đức Giêsu giải quyết, chính là: “Có
được phép nộp thuế cho vua César chăng?” Đây là một câu hỏi hóc búa, một
tình huống đầy cam go, chẳng khác gì chuyện người phụ
nữ ngoại tình bị bắt quả tang và họ nhờ Đức Giêsu phân xử. Họ đã dùng chiêu
thức: “Nhất tiễn diệt song điêu” (một
mũi tên, bắn hai đích). Đây là cái bẫy thâm độc. Nếu
Chúa trả lời “có” thì nhóm Pharisiêu
kết án Ngài phản quốc; còn nếu Người nói "không"
thì phe Hêrôđê tố cáo Ngài phản động, chống tại chính quyền Rôma. Câu trả lời nào thì cũng đều sụp bẫy của chúng. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã trả lời cách khôn ngoan, khiến họ không thể
tìm cớ tố cáo Ngài được. Ngài nói: "Cái
gì của César thì hãy trả cho César, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho
Thiên Chúa".
Với câu trả lời trên,
Đức Giêsu thoát ra khỏi cái bẫy họ đã giăng sẵn, và không những thế, Ngài còn
dạy cho họ một bài học quan trọng, đó là: cần ý thức để biện phân đâu là những
cái thuộc về Thiên Chúa và đâu là thuộc về con người. Bổn phận của con người
phải có đối với Thiên Chúa là gì?
2. Sứ điệp Lời Chúa
Khi
nói "Cái gì của César thì hãy trả
cho César, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa". Đức
Giêsu muốn nói đến sự lựa chọn của chúng ta. Sự phân
định để lựa chọn cho đúng được đặt nền trên chính Lương Tâm nơi mỗi người.
Lương
Tâm chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhờ Lương Tâm, chúng ta biết được
điều thiện và điều bất toàn. Lương Tâm được ví như cái bánh lái của con tàu
giữa biển khơi. Nếu không có bánh lái, con tàu sẽ không biết sẽ đi về đâu! Lương Tâm cũng giống như chiếc la bàn mà người thám hiểm đi trong
rừng cần có để xác định hướng đi cho đúng. Nói cách
khác, nhờ Lương Tâm chúng ta biết được điều gì nên làm và điều gì không nên.
Vì thế, trong mọi tình huống, người Công Giáo phải ưu tiên cho Lương Tâm lên
tiếng và làm theo.
Vì vậy, chúng ta phải
tôn trọng điều đúng phù hợp với luân lý Kitô Giáo và nội dung Tin Mừng. Tránh
những điều nghịch với Lương Tâm và trái với đạo lý của Đức Giêsu và giáo huấn
của Giáo Hội. Phải can đảm, nhất quyết không thể phó thác cuộc đời, công việc
và mục đích cuối cùng của chúng ta cho César, nhất là Lương Tâm. Noi gương các
thánh Tử Đạo, là những người đã nhất quyết trung thành với Thiên Chúa khi phải
lựa chọn giữa sự sống và sự chết vì không luật lệ nào được chống lại Luật của
Thiên Chúa!
3. Thực hành sứ điệp Lời Chúa
Ngày nay, giữa tôn giáo
và chính trị, chúng ta được mời gọi vừa tuân thủ những lợi ích quốc gia khi
điều được ban bố đúng với Lương Tâm. Mặt khác, chúng ta phải
có nghĩa vụ trung tín với Thiên Chúa qua Luật của Ngài được nghi khắc trong
Lương Tâm.
Vì thế, cần có những
nguyên tắc như sau:
-
Luôn đồng hành với dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng
bào
Thứ nhất, là người Công
Giáo, chúng ta được mời gọi sống tinh thần: “là
người Công Giáo tốt thì cũng là người công dân tốt” (Đức Giáo Hoàng Biển
Đức 16); Tuy nhiên, “lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực” (HĐGM VN).
Vì thế: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của
con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui
mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực
sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Vat II.
Gaudium Et Spes, số 1). Thật vậy, khi được Chúa Thánh
Thần hướng dẫn qua Lương Tâm, chúng ta đều có sự liên kết mật thiết với cuộc
sống, con người và xã hội hiện thời mà ta được mời gọi để sống cùng và sống
với.
Trong thực tế, có nhiều
sự khác biệt rõ rệt, nhưng luôn tâm niệm rằng: dù sống nơi đâu, làm bất cứ việc
gì, chúng ta đều chung một mục đích là phục vụ hạnh phúc cho con người và thăng
tiến quê hương. Nếu đi ngược lại, ấy là lúc chúng ta đang
phản bội quê hương, đất nước.
-
Chỉ buộc vâng phục quyền bính trần thế khi điều được ban
hành là đúng
Thứ hai, khi sống trong
xã hội trần thế, chúng ta được mời gọi chu toàn nghĩa
vụ của mình là một công dân trong một đất nước. Vì thế, chúng ta phải chung tay, góp sức với mọi thành phần, nhằm xây dựng đất nước ngày
càng tốt đẹp, trong sáng và lành mạnh hơn. Đã là công dân,
mỗi người đều có bổn phận đóng thuế, tuân thủ những định luật đúng do một thể
chế hợp pháp ban hành. Nhưng những điều lệ, luật định
đó phải phù hợp với lẽ phải.
Vì
thế, chúng ta luôn ủng hộ đường lối, chính sánh đúng. Tuy nhiên, tùy vai
trò, hoàn cảnh thực tế, hẳn chúng ta sẽ không chấp nhận chính sách trái với luân
lý Công Giáo! Bởi lẽ, điều này nghịch với Lương Tâm chân
chính của một con người.
-
Phải ưu tiên cách tuyệt đối cho Lề Luật của Thiên Chúa
Cuối
cùng, người Kitô hữu có mục đích tối hậu là chính Thiên Chúa và sự sống đời đời
mai hậu. Vì vậy, luật lệ mang tính tuyệt đối mà người
Công Giáo phải thượng tôn và thi hành cách trung thành, đó chính là Luật của
Thiên Chúa.
Là người Công Giáo,
nhưng sống trong một xã hội dân sự, chúng ta được Thiên Chúa mặc khải và định
hướng bởi Lương Tâm nhằm biết làm lành, lánh dữ, nên trong mọi lựa chọn, phải
lựa chọn Thiên Chúa và những căn tính thuộc về Ngài. Mặt khác, lựa chọn người
nghèo; thấp cổ bé họng; những người không có tiếng nói phải là ưu tiên của
chúng ta khi được chi phối bởi Luật Thiên Chúa. Khi lựa chọn như thế, hành động
của chúng ta là phải yêu thương và nâng đỡ họ, nhằm giúp cho con người, xã hội
và cuộc sống được công bằng, dân chủ, văn minh.
Xác định được như thế,
chúng ta sẽ hiểu hơn về câu nói của Đức Giêsu: "Cái gì của César thì hãy trả cho César, và cái gì của Thiên Chúa
thì hãy trả cho Thiên Chúa".
Lạy Chúa Giêsu, xin ban
Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con biết việc chúng con phải
làm, ngõ hầu chúng con được bình an, hạnh phúc ngay trong xã hội trần thế. Xin
cho chúng con biết lựa chọn những điều ưu tiên, tuyệt đối cho sự sống đời đời.
Amen.