SẴN SÀNG

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN, năm A

CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ

Mt 25, 1-3 và Ga 2, 13-22

 

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta vẫn luôn cảm thấy lúc nào cũng có những điều mới lạ, những dụ ngôn, những ví dụ, những câu chuyện Chúa đưa ra để dạy dỗ, để răn đời luôn hấp dẫn, luôn mới mẻ dù rằng có những đọan Tin Mừng chúng ta đã đọc rất nhiều lần.Chúa Giêsu luôn dùng những gì thực tế nhất, ấn tượng và đánh động nhất để dạy con người, để giới thiệu Nước Trời. Dụ ngôn 10 trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể là một ví dụ điển hình. Dụ ngôn này có người đã thuộc nằm lòng, có người đã nghe nhiều lần, nhưng hầu như lúc nào đoạn Tin Mừng này cũng làm con người say mê vì sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, dạy dỗ nhân loại, dạy dỗ con người phải tỉnh thức để đón nhận nước trời, đón nhận Thiên Chúa.

 

Đoạn Tin Mừng này là một dụ ngôn bởi vì chẳng có một đám cưới nào ở trần gian này lại tổ chức cái kiểu đó. Mà cũng chẳng có cuộc rước dâu nào lại như thế.Chàng rể nếu có đến trễ. Các cô dâu cũng chẳng thể nào ngủ được vì quần áo cưới, đầu tóc, trang điểm. Tất cả những hình thức bề ngoài như quần áo, đầu tóc, sự trang điểm luôn phải làm các cô dâu phải tỉnh thức. Dụ ngôn này là một lời cảnh tỉnh nhân loại, cảnh tỉnh mọi người phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Trong dụ ngôn này, chàng rể cư xử một cách khác thường không như các chàng rể bình thường. Chúa Giêsu muốn nói đến một chàng rể đặc biệt và tiệc cưới, đám cưới cũng rất đặc biệt. Tiệc cưới này đòi mọi người phải tuân thủ những luật lệ khác với những luật lệ thông thường nơi những đám cưới chúng ta thường tham dự. Ở đây 10 cô trinh nữ phù dâu biểu tượng cho toàn thể nhân loại, toàn thể con người trên thế gian này được Thiên Chúa yêu thương, đón mời vào dự tiệc cưới nước trời. Dầu và đèn là những phương tiện cần có để tham dự tiệc cưới. Mười cô phù dâu lại có năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Đó là hình ảnh của nhân loại, của con người. Trong nhân loại hay giữa con người, có người khôn, có người dại. Đó là cái trớ trêu của con người và là cái dí dỏm của đoạn Tin Mừng này. Khôn hay dại được đánh giá bằng việc con người có sẵn sàng hay không sẵn sàng tỉnh thức. Tất cả 10 trinh nữ phù dâu đều ngủ chứ chẳng có cô nào thức. Đó là cái nghịch lý của dụ ngôn. Tuy nhiên, cái khôn và cái dại được đo lường dựa trên tiêu chuẩn các cô có cẩn thận và sẵn sàng hay không ? Năm trinh nữ khôn ngoan đã ngủ vùi nhưng họ khôn trong tư thế, trong thái độ sẵn sàng. Còn năm cô khờ dại đã ngủ trong tư thế thờ ơ, chểnh mảng. Nên khi nghe tin chàng rể đến thì đã quá muộn rồi. Việc chàng rể đến chậm, đến trễ, đến bất ngờ ám chỉ giờ của Chúa đến. Chắc chắn Chúa sẽ đến nhưng Ngài đến cách bất ngờ, đột xuất, nên ai khôn sẽ sẵn sàng. Dầu cũng có nghĩa là dầu bác ái, dầu yêu thương. Chỉ có tình yêu mới thắp sáng được ngọn đèn đức tin của người tín hữu.

 

Chúa Giêsu đã luôn cảnh tỉnh mọi người :” Hãy tỉnh thức và sẵn sàng “. Tỉnh thức để mau mắn nghe bước chân Chúa đến và sẵn sàng đón Chúa để cùng vào nước trời với Ngài. Bởi vì, muốn đón Chúa, chúng ta phải có đèn, đèn muốn có tác dụng, muốn cháy sáng phải có dầu, mà dầu đốt mãi, đốt liên tục thì cũng sẽ hết, giờ Chúa đến lúc nào chúng ta cũng chẳng rõ, cũng chẳng hay biết được.Bởi vậy, muốn chắc chắn, chúng ta phải khôn ngoan dự trữ dầu mà càng dự trữ dầu càng nhiều càng tốt. Dầu ở đây tượng trưng cho đức tin, cho đời sống thánh thiện, cho đời sống công chính, bác ái, và đời sống lương thiện, chân chính và thiện hảo của chúng ta. Đời sống của mỗi người luôn là một cái gì đó xem ra rất mỏng manh, cuộc đời mau tàn, mau chấm dứt. Nhưng chúng ta nào thấy trước hoặc biết được lúc nào cuộc đời của chúng ta sẽ chấm dứt, sẽ qua đi. Tốt nhất là chúng ta phải khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn là tỉnh thức và sẵn sàng, nghĩa là chúng ta phải sống theo ý Chúa, sống đời sống của Chúa như thánh Phaolô viết :” Đối với sống là Đức Kitô “ “ Tôi sống không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Tôi đã sống và loan báo Tin Mừng cho người Dân tộc Kơho từ nhiều năm nay. Điều anh chị em Dân tộc gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất đó là sự hồn nhiên, phó thác của họ cho Thiên Chúa hằng ngày bởi vì họ không bôn chen, không tham lam và không dự trữ của cải như những người khôn ở thế gian thường làm. Tuy nhiên, sự hồn nhiên, trong sáng của họ là dầu họ đang dự trữ tràn trề để sẵn sàng đón Chúa và lãnh nhận nước trời.

 

Xin mượn lời của Nicolas Tarralle để kết thúc bài chia sẻ này :” Trong ngày lễ cung hiến Đền Thờ Latêranô, Tin mừng cho chúng ta nghe một lệnh cứng rắn của Đức Giêsu :” Đừng biến nhà Cha tôi…”.Điều nói về Đền Thờ Giêrusalem cũng đúng cho nhà thờ chính tòa giáo phận Roma, cũng như cho mỗi ngôi nhà thờ của chúng ta.Nhưng khi đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ, Đức Giêsu chủ yếu báo tin về một ngôi đền mới của Thiên Chúa : không chỉ làm bằng đá mà bằng xương bằng thịt; không chỉ giới hạn trong một khuôn viên thánh thiêng, mà được nới rộng theo chiều khích của thế giới.Ngôi Đền mới này là chính thân thể người…Cùng với Đức Kitô, chúng ta vượt qua các không gian phụng vụ chúng ta cử hành để đi vào đức tin. Cuộc vượt qua này được thể hiện ở những địa điểm cụ thể, như ngôi mộ trống nơi ông Gioan nhìn thấy tấm khăn liệm xếp lại :” Ông đã thấy và đã tin…” Các ngôi nhà thờ chúng ta là những địa điểm biệt đãi, nơi chúng ta nhận ra những dấu chỉ tương ứng với lời kinh Thánh, để tia sáng đức tin lóe lên: “ Vâng, lạy Chúa, chúng con tin !”.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng để đón Chúa đến bất cứ lúc nào và Xin cho chúng con trở nên Đền Thờ xứng đáng cho Thiên Chúa ngự.Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Bữa tiệc nói tới trong đoạn Tin mừng hôm nay là bữa tiệc nào ?

2.Thế nào là khôn, thế nào là khờ theo Tin mừng ?

3.Đèn là gì ? Dầu là gì ?

4.Đền thờ Chúa nói là Đền thờ nào ?

5.Mười cô trinh nữ tượng trưng cho ai ?

 

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A