CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
A
Cn 31,10-13.19-20.30-31; 1
Tx 5,1-6; Mt 25,14-30
LÒNG ĐẠO ĐỨC ĐÒI THỰC THI ĐỨC
ÁI CỤ THỂ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 25,14-30
(14) Có người kia sắp đi xa,
liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho
họ. (15) Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa
một nén, tùy khả năng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, (16) người
đã lãnh năm nén lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được
năm nén khác. (17) Cũng vậy, người đã lãnh hai nén gây lời được hai
nén khác. (18) Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn giấu
số bạc của chủ. (19) Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy
tớ ấy đến và thanh tóan sổ sách với họ. (20) Người đã lãnh nhận
năm nén tiến lại gần, đưa năm nén khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã
giao cho tôi năm nén, tôi đã gây lời được năm nén khác đây”. (21) Ông
chủ nói với người ấy: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và
trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao
nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (22) Người đã
lãnh hai nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho
tôi hai nén, tôi đã gây lời được hai nén khác đây”. (23) Ông chủ nói
với người ấy: “Khá lắm, hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành !
Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy
vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !”. (24) Rồi người đã lãnh một
nén cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người
hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. (25) Vì thế, tôi đâm
sợ, mới đem chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm
lấy !”. (26) Ông chủ đáp: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ và biếng nhác !
Ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, (27) thì đáng
lý ngươi phải gởi số bạc của ta cho các chủ ngân hàng, để khi ta
đến, ta thu hồi của thuộc về ta cùng với số lời chứ !”. (28) Vậy
các ngươi hãy lấy nén bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười
nén. (29) Vì phàm ai có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa. Còn ai
không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. (30) Còn tên đầy
tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: Ở đó, sẽ phải
khóc lóc nghiến răng”.
2. Ý CHÍNH:
Cần luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa đến trong giờ chết
của mỗi người và trong ngày tận thế chung của nhân loại. Chỉ những ai biết
chu toàn nhiệm vụ làm gia tăng các nén bạc Chúa ban, mới chứng tỏ là người
đầy tớ trung tín của Thiên Chúa, xứng đáng được hưởng hạnh phúc Nước Trời
đời sau. Còn những kẻ không thực thi lòng mến Chúa yêu người sẽ bị phạt “khóc
lóc nghiến răng” trong hỏa ngục muôn đời.
3. CHÚ
THÍCH:
- C 15: + Nén bạc: là một đơn vị tiền tệ có
giá trị tương đương với 6.000 quan tiền, tương đương 6.000 ngày công lao
động. Đây là một số tiền rất lớn, nói lên lòng quảng đại của Thiên
Chúa. Người trao các nén bạc là tài năng, trình độ học vấn, của cải
vật chất và địa vị xã hội… cho mỗi người. Số nén bạc được trao năm
nén, hai nén và một nén, ám chỉ các ân huệ và tài năng được ban
nhiều ít tùy theo khả năng mỗi
người.
- C 18: + Đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ: Đây là thái độ tiêu cực và vô trách nhiệm của người đầy
tớ được trao cho một nén. Những ai không sử dụng các tài năng và của
cải Chúa ban để làm sáng danh cho Chúa tức là đã đem chôn giấu nén
bạc được trao phó cho mình sinh lợi.
- C 29: + Phàm ai có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa. Còn ai không
có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi: Ai tin vào Đức Giê-su và dùng ơn Chúa ban để làm vinh danh
cho Chúa và phục vụ cho phần rỗi tha nhân sẽ được Thần Chân Lý giúp
hiểu biết chân lý và sẽ ngày nên hoàn thiện hơn. Còn những kẻ không
yêu mến Chúa, thể hiện qua việc không muốn làm lợi các nén bạc được Chúa
trao, thì sẽ không được hưởng hạnh phúc Nước Trời đời sau.
- C 30: Khóc lóc nghiến răng: Một kiểu nói
diễn tả các hình phạt của những kẻ không có lòng tin yêu Chúa. Họ sẽ
bị chung số phận với ma quỷ trong hỏa ngục đời đời, nơi sẽ chỉ còn đau
khổ oán than và thù hận.
4. CÂU HỎI: 1) Nén bạc là
gì ? Giá trị thế nào ? Ám chỉ điều gì ? 2) Thái độ đào lỗ chôn
giấu số bạc của chủ là hành động của hạng người nào ? 3) Câu “Phàm
ai có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay
cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi” có ý nghĩa gì ? 4) Kiểu nói “Khóc
lóc nghiến răng” ám chỉ người bị sa hỏa ngục phải chịu những hình
phạt nào ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Ông chủ nói
với người ấy: “Khá lắm ! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành
! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.
Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).
2. CÂU CHUYỆN: HÃY LÀM MỌI
VIỆC VỚI HẾT KHẢ NĂNG.
Sau khi đến thăm gia đình của một cô bạn cùng lớp vừa bị
tai nạn xe cộ chết thảm, cô bé Lin-đa liền trở về nhà mình. Cha cô đã
nổi giận khi biết con vừa đến thăm viếng tang gia. Ông trừng mắt nhìn em
và hỏi: “Tại sao con lại đến nhà tang gia vào lúc này ?” Lin-đa trả
lời: “Thưa ba, con đến là để giúp đỡ gia đình bạn ấy”. Ông bố lại
hỏi: “Nhưng con thì làm được việc gì để giúp đỡ gia đình nhà họ ?”
Lin-đa đáp: “Ba ơi, con chẳng giúp gì được cho gia đình bạn ấy cả. Con
chỉ biết chạy đến ôm lấy mẹ của bạn ấy mà khóc, và mẹ bạn ấy
cũng ôm con và cùng khóc với con”. Câu trả lời của Lin-đa đã làm cho
cha cô hiểu ra rằng: Tuy em không làm được gì nhiều cho tang gia, nhưng
em đã làm mọi điều hợp với khả năng và vừa tầm tay của em để an ủi bà
mẹ đang đau khổ vừa mất đứa con thân yêu.
Còn bạn thì sao ? Giả như gặp hoàn cảnh tương tự, Bạn có biết
cảm thông với nỗi đau của tang gia và thể hiện tình thương cách cụ thể bằng
việc đến thăm hỏi cầu nguyện và an ủi họ không ?
3. SUY NIỆM:
1) Bổn phận làm gia tăng các nén bạc Chúa trao:
Dụ ngôn nói lên một sự
thật trong đời sống đức tin của mỗi tín hữu chúng ta. Thiên Chúa ban cho mỗi
người các nén bạc là các ơn lành và tài năng như: sức khỏe, khôn ngoan, tiền
bạc, tài năng âm nhạc, hội họa, cắt may v.v… Kẻ được ơn này, người được ơn
khác. Nhưng tất cả mọi người đều phải làm phát sinh các ơn lành và tài năng ấy cho
Chúa và tha nhân. Ai được trao ban nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều, còn người
được trao ban ít thì sẽ bị đòi lại ít hơn.
Như vậy, chúng ta không
có toàn quyền làm chủ các ơn huệ tài năng mình có mà chỉ được quản lý chúng
theo thánh ý Chúa muốn mà thôi.
2)Quan niệm về đạo đức theo dụ ngôn những yến bạc
Điều chúng ta cần lưu
tâm là người được một nén tuy không hề làm điều gì ác, không làm mất mát hay
thiệt hại gì cho ông chủ, thế mà bị ông chủ phạt, bị «quăng ra chỗ tối tăm
bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 25,30). Anh ta bị phạt
vì đã được chủ giao cho một yến bạc, nhưng không làm lợi ra được thành một yến
khác vì đã cất kỹ nó vào một chỗ. Suy nghĩ về dụ ngôn này này khiến chúng ta
phải thay đổi ít nhiều quan niệm về đạo đức. Chúng ta thường tưởng rằng hễ mình
không làm điều gì ác thì mình là người vô tội, công chính. Nhưng không phải
thế. Theo tinh thần của dụ ngôn, một khi đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa mà
ta lại không dùng ân huệ đó để tạo lợi ích cho Thiên Chúa và tha nhân, thì ta
trở thành kẻ có tội, cho dù ta không hề làm một điều gì thất đức cả. Đó là ý
nghĩa của cụm từ «những điều thiếu sót» trong kinh Cáo Mình: «Tôi đã
phạm tội nhiều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót». Ít
ai quan tâm tới tội phạm do thiếu sót. Nhưng rất có thể trong cuộc đời ta,
những tội lớn nhất, nhiều nhất của ta và vì đó mà ta bị luận phạt nhiều nhất
lại là thứ tội này. Dù là tội gì, thì căn bản của tội vẫn là do thiếu tình yêu.
3. Đạo đức không chỉ là tránh làm điều ác
Cũng vậy, trong bài Tin
Mừng về ngày phán xét cuối cùng, những kẻ bị kết án không phải chỉ là những
người đã từng làm điều ác, mà còn là biết bao người không hề làm một điều gì
ác. Lý do khiến họ bị kết án chính là: «Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không
cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã
không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi
tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng» (Mt 25,42-43). Chữ «Ta» trong câu
này chính là Đức Giêsu được hiện thân thành tha nhân của ta, nhất là những kẻ
nghèo hèn bé mọn. Như vậy, theo Đức Giêsu, người không làm điều gì ác chưa phải
là người đạo đức, tốt lành, giống như biết bao Kitô hữu đang quan niệm. Thật
vậy, nhiều Kitô hữu, kể cả trí thức, người dạy giáo lý, hễ cảm thấy mình không
làm điều ác thì liền nghĩ mình vô tội, thậm chí còn tự hào mình đạo đức nữa.
Nguyên tắc đạo đức
chung của con người là «tránh ác, hành thiện». Nếu ta chỉ tránh điều ác
nhưng không cố gắng làm điều thiện, thì ta mới thực hiện được một phần rất nhỏ
của nguyên tắc ấy thôi. Vì tránh ác thì tương đối dễ, còn hành thiện trong
những trường hợp mà lương tâm đòi buộc thì đòi hỏi phải hy sinh, vất vả hơn rất
nhiều. Tránh ác hay không làm ác thì không cần nhiều khả năng, vì làm một điều
gì đó thì mới cần tới khả năng chứ không làm thì cần gì khả năng? Thật vậy, một
trẻ nhỏ, một con vật, có khả năng gì đâu, thế mà chúng vẫn có thể không làm
điều gì ác cả. Thiên Chúa đã ban cho ta mỗi người một số khả năng là để ta làm
điều thiện, nhất là để làm theo những đòi hỏi của tình yêu trong lòng ta. Nếu
khả năng Thiên Chúa ban cho ta mà ta không chịu dùng để làm những điều ích lợi,
thì ta sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Do đó, nhiều khi ta tưởng mình vô
tội, tưởng mình đạo đức khi thấy mình chưa hề nhúng tay làm điều gì ác. Nhưng
rất có thể Thiên Chúa vẫn kết án ta là tội lỗi, chỉ vì ta đã không làm những gì
mình phải làm. Tuy nhiên, hai người cùng ít làm điều thiện y như nhau, người
nào có nhiều khả năng hơn thì tội người ấy lớn hơn.
4. Càng nhiều khả năng,
trách nhiệm càng lớn
Vì thế, người có nhiều
khả năng, nhiều điều kiện để làm điều thiện, thì càng phải ý thức trách nhiệm
của mình. Thông thường, càng nhiều khả năng, nhiều tài, nhiều của, càng có địa
vị cao, chức vụ lớn, càng trí thức, càng giỏi giang, càng được suy tôn, thì ta
càng cảm thấy sung sướng và hãnh diện trước mặt người đời, nhất là trước những
người kém cỏi hơn mình. Nhưng khi đọc dụ ngôn này, ta càng cảm thấy run sợ
trước trách nhiệm của ta. Trong quá khứ, có biết bao trường hợp ta phải ra tay,
phải hành động, phải can thiệp, phải cứu giúp, phải lên tiếng bênh vực, phải
nói lên sự thật, phải minh oan, phải khuyên can… mà ta đã không làm gì cả, đang
khi ta có thể làm những điều ấy tốt hơn và hữu hiệu hơn ai hết. Thậm chí ta có
sứ mạng hay trách nhiệm hành động hay can thiệp. Tệ hơn nữa, ta không hề cảm
thấy mình có lỗi gì cả, vẫn cứ tự hào mình vô tội, mình đạo đức, và chẳng thấy
cần hối hận điều gì. Chỉ vì ta thấy mình không hề làm điều gì gian ác! Dụ ngôn
này cho thấy quan niệm như thế là sai lầm!
Điều ngăn trở khiến ta
không muốn là điều thiện, điều cần thiết hoặc ích lợi cho tha nhân, cho xã hội,
đó chính là ta thiếu tình yêu. Tình yêu chính là yếu tố thiết yếu nhất của đạo
đức, của sự thánh thiện. Chính tình yêu làm ta nên giống Thiên Chúa hơn bất kỳ
điều gì khác, vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16). Nhưng rất
nhiều Kitô hữu lại quan niệm cốt yếu của đạo đức hay thánh thiện là ở một điều
gì khác: kẻ thì bảo hệ tại việc giữ luật lệ cho hoàn hảo, người cho rằng hệ tại
việc cầu nguyện nhiều, kẻ khác cho rằng hệ tại làm điều này điều nọ… Thật ra,
tất cả những việc tốt ấy chỉ có giá trị để giúp chúng ta thực thi đức ái. Thánh
Phaolô đã xác định điều ấy: «Giả như
tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu
thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1 Cr
13,3).
Ngày nay có một số người cho rằng Thiên Chúa bất công khi để
xảy ra tình trạng: Người thì “bát ăn bát để”, kẻ lại “khố rách áo
ôm”. Người thì cao sang quyền quý “lên xe xuống ngựa”, kẻ lại phải
chịu “làm thân trâu ngựa” cho người ta cưỡi. Có cô gái vừa “đẹp
người” lại vừa “đẹp nết” được nhiều kẻ đón người đưa, đang khi có cô
“sinh ra nhằm ngôi sao xấu” nên chẳng ai thèm để ý đoái hoài… Đức Giê-su
đã gián tiếp trả lời cho vấn nạn nói trên qua dụ ngôn “những nén
bạc” trong Tin Mừng hôm nay. Điều quan trọng là hãy bằng lòng với
những gì mình đang có và sử dụng tối đa những ném bạc là các phương
tiện trong tầm tay để chu toàn việc bổn phận trong gia đình và ngoài xã hội.
Tội trộm cướp giết người là một trọng tội đáng bị trừng phạt đời này và
đời sau, nhưng ngay cả việc không sử dụng tài năng của cải Chúa ban để “làm
sáng danh Chúa và vì phần rỗi các linh hồn” cũng là một trọng tội đáng
bị phạt loại ra khỏi Nước Trời.
Vậy mỗi ngày tôi có biết cảm tạ Chúa về những hồng ân vật
chất tinh thần Chúa ban hay không? Tôi quyết tâm làm gì cụ thể để làm
lợi nén bạc Chúa giao, tức là sử dụng chúng để phục vụ Chúa và tha
nhân cách tốt nhất ?
4. THẢO LUẬN:
Một bộ phận không nhỏ tín
hữu nói rằng: “Tôi rất bận với việc bổn phận phải lo kiếm tiền cho gia
đình… nên đâu có thời giờ năng tới nhà thờ đọc kinh cầu nguyện hằng ngày,
hoặc gia nhập hội đoàn đi làm các công tác bác ái phục vụ như những người
rảnh rỗi được !” Bạn có đồng ý với câu nói chữa mình của họ không ? Tại
sao ?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con xin cảm tạ Chúa muôn ngàn lần, vì
con đã nhận được biết bao ơn lành Chúa ban. Về vật chất: Con luôn có
việc làm ổn định; Con được cha mẹ sinh ra lành lặn và tốt đẹp hơn nhiều
người; Con được sống trong môi trường gia đình gia giáo đạo đức… Về tinh
thần: Con đã được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa ngay từ khi mới sinh và
được cha mẹ cho học hành đầy đủ. Nhất là con được Chúa nuôi dưỡng bằng
Lời Chúa và Thánh Thể. Xin cho con biết không ngừng tạ ơn Chúa. Nhất là xin
cho con biết sử dụng các ơn Chúa ban để làm cho “danh Cha cả sáng, Nước
Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
- LẠY CHÚA. Xưa khi Mẹ Ma-ri-a vừa được khen là “có phúc, vì
đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói” (x Lc 1,45), thì
lập tức Mẹ đã dâng lời ngợi khen cảm tạ hồng ân Thiên Chúa. Rồi từ
đó, cuộc đời của Mẹ trở thành một bài ca “Xin vâng” theo thánh ý Thiên
Chúa (x. Lc 1,38), và luôn “ngợi khen cảm tạ tình thương của Người”.(x
Lc 1,46.49). Còn chúng con: Cuộc đời chúng con hiện vẫn còn nhiều gian nan
đau khổ. Xin Chúa giúp chúng con cũng biết “xin vâng theo thánh ý Chúa”
như Mẹ khi xưa. Xin cho chúng con biết sử dụng những phương tiện Chúa
ban để “làm vinh danh cho Chúa và vì phần rỗi các linh hồn”. Xin cho
chúng con biết bắt tay làm những gì có thể hơn là ngồi đó mà than thân trách
phận, như câu người ta thường nói: “Thà thắp lên một ngọn đèn, còn hơn
ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối !”.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM