khỞi đẦu mỚi phát xuẤt tỪ Thiên
Chúa
(Máthêu 1,18-24 – CN IV MV - A)
1.- Ngữ cảnh
Phần Mở của Tin Mừng Mt đi từ 1,1–4,16. Về nội dung, trong
bốn chương mở đầu này trước khi Đức Giêsu xuất hiện công khai, có hai người
khám phá ra Đức Giêsu là ai, theo hai đường song song và riêng tư: Giuse (ch.
1–2) và Gioan Tẩy Giả (ch. 3–4). Giuse thì được thiên thần Chúa báo tin trong
giấc mơ rằng Đức Giêsu là con (cháu) vua Đavít, còn Gioan thì được một tiếng từ
trời cho biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Cả hai vị đều muốn tránh né ơn gọi
đặc biệt các vị được mời đảm nhận trong liên hệ với Đức Giêsu, vị đầu sẽ đưa
Đức Giêsu vào trong dòng dõi vua Đavít, vị sau sẽ trở thành khí cụ để tấn phong
làm Đấng Mêsia trong phép rửa. Trong cả hai trường hợp, cảm thức về sự bất xứng
của hai vị đã là động lực khiến các vị có thái độ như thế (chính theo nghĩa này
mà ta phải hiểu sự “bối rối” của Giuse). Nhưng sự băn khoăn bối rối của các vị
đã được thiên thần hoặc chính Đức Giêsu đánh tan. Cuối cùng, cũng như Giuse,
khi chấp nhận đưa Đức Giêsu vào trong dòng dõi vua Đavít, đã kéo theo cuộc bách
hại của vua Hêrôđê, Gioan Tẩy Giả, khi chấp nhận ban phép rửa cho Đức Giêsu và
tạo cho Người cơ hội được tấn phong làm Đấng Mêsia, đã kéo theo những đợt tấn
công của Satan.
Bản văn đọc trong Phụng vụ hôm nay là phân đoạn thứ hai thuộc nửa
đầu của Phần Mở.
Bảng gia phả đã nói rằng Đức Giêsu xuất thân từ nhà Đavít và
Abraham cũng như Người bén rễ sâu vào trong lịch sử
Trong c. 16 của ch. 1, tác giả bảo chúng ta rằng Giuse là chồng của
Maria và Maria là mẹ của Đức Giêsu, nhưng Giêsu lại không phải là con của
Giuse. Trong đoạn văn đọc hôm nay (1,18.20), tác giả liên tiếp nhắc lại rằng
Chúa Thánh Thần ở tại nguồn của cuộc đời Đức Giêsu đến cuối đoạn văn, tác giả
nhắc lại lần thứ ba rằng Giuse không can dự gì vào cuộc chào đời của con trẻ
này (1,25). Nếu ở 1,25, tác giả viết: “Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà
sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”, ông muốn nói rằng cho
đến khi Đức Giêsu chào đời, Giuse không hề có một quan hệ phu phụ nào
với Maria, nhưng cũng không khẳng định rằng sau đó Giuse đã bắt đầu có quan hệ
này.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia
làm năm phần:
1) Đầu đề của đoạn
(1,18a);
2) Hoàn cảnh của Giuse và Maria (1,18b-19);
3)
Thiên Chúa can thiệp (1,20-21);
4)
Lời bình của tác giả (1,22-23);
5)
Giuse thi hành lệnh Thiên Chúa (1,24-25).
3.- Chú giải
- chung sống (18): Synelthein,
“đến với, tham gia với”, có thể có nghĩa là quan hệ vợ chồng hoặc sống với
nhau. Văn cảnh trực tiếp dường như hợp với nghĩa thứ nhất hơn. Người thiếu nữ Do
Thái được đính hôn vào khoảng năm 12 tuổi, từ giã cha mẹ để về sống dưới sự bảo
trợ của chồng vào khoảng năm 13-14 tuổi. Sự chuyển đi này mở đầu cho cuộc sống
chung và cũng là việc kết hôn.
- người công chính (19): Giuse không công
chính theo nghĩa vâng phục lề luật, bởi vì không có khoản luật nào buộc
phải bỏ vị hôn thê bị coi là ngoại tình (Đnl
22,13-21.23-27 liên hệ đến hôn nhân hoàn hợp; x. Đnl 24,1). Vả lại, khi bỏ Maria một cách kín đáo (lathra),
ngài cũng chẳng vâng phục lề luật, bởi vì hành vi rẫy vợ chỉ có giá trị pháp lý
nếu làm công khai (x. Đnl 22,15: tại
cửa thành). Một đàng, nếu hiểu đây là “sự công chính theo luật pháp”, chúng ta
đứng trước một thế lưỡng nan. Quả vậy, nếu dưới mắt Giuse, Maria đã ngoại tình,
ngài bỏ bà là chuyện dễ hiểu, nhưng ta không hiểu vì sao ngài lại tính bỏ bà
“cách kín đáo”, bởi vì khi đó việc này sẽ không có hiệu quả pháp lý và thật ra
bí mật cũng chẳng giữ được lâu. Còn nếu Giuse cho rằng Maria vô tội, ta không
hiểu được là vì sao ngài lại nghĩ đến việc bỏ bà, vì luật không buộc như thế;
đã thế, trong tư cách là hôn phu, ngài còn có nghĩa vụ bảo vệ hôn thê vô tội
chống lại những ngờ vực vô căn cứ của kẻ khác. Vậy không thể hiểu sự công chính
của ngài theo nghĩa pháp lý.
Đây
là sự công chính tôn giáo. Chính sự công chính này buộc Giuse phải tôn
trọng việc Thiên Chúa làm nơi Maria và ngăn cản ngài nhận lấy những công trạng
từ một hành động của Thiên Chúa: tự mình, ngài nghĩ ngài không được phép đưa về
nhà một người đã được Thiên Chúa dành riêng cho Ngài. Nếu làm như thế, ngài có
vẻ chiếm đoạt một vai trò mà Thiên Chúa không trao cho ngài. Đứng trước mầu nhiệm này, ngài muốn rút lui,
và vì tế nhị do đức công chính đối với Thiên Chúa, ngài đã để ý không “phổ
biến” mầu nhiệm Thiên Chúa đang bao trùm Maria. Vấn đề nằm ở động từ deigmatisai:
theo Origiênê và Êusêbiô, động từ này không hề hàm chứa một ý niệm ô nhục nào;
cha Joušon dịch là “vén mở, tiết lộ”. Động từ paradeigmatisai mới là
“trừng phạt để nêu gương; làm cho ô nhục, mất danh giá”. Giuse đã phản ứng như
tất cả mọi người công chính trong Kinh Thánh khi nhận ra Thiên Chúa đang can
thiệp vào trong lịch sử của họ: như Môsê cởi dép khi đứng trước bụi gai cháy,
như ngôn sứ Isaia kinh hoàng khi thấy vị Thiên Chúa ba lần thánh xuất hiện, như
bà Êlisabét tự hỏi vì sao mẹ Đức Chúa của bà lại đến thăm bà, như viên đại đội
trưởng trên đồi Sọ, như Phêrô khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng. Như “Aben người
công chính” (23,36: người “công chính” duy nhất được Mt nêu tên trong
Tin Mừng. Chắc chắn Aben “công chính” không do lề luật, bởi vì lề luật chỉ được
ban bố với Môsê!), Giuse cũng tỏ ra là người trung thành thờ phượng Thiên Chúa.
Cách
giải thích này được hỗ trợ bởi ngữ cảnh tổng quát của toàn ch. 1 của Mt.
Trong bài đầu tiên (1,1-17), Mt đã trình bày gia phả của Đức Giêsu khởi
đi từ tổ phụ Abraham và từ vua Đavít ngang qua Giuse. Nhưng bảng gia phả này
lại gặp ngay nơi Giuse một vấn đề hóc búa. Đó là vì Đức Giêsu không phải là con
Giuse theo xác thịt. Vậy mục tiêu của đoạn văn này là để giải thích làm thế nào
Đức Giêsu có thể thuộc về dòng dõi vua Đavít, nếu Người không phải là con của
Giuse. Lời giải thích nằm ở việc Giuse nhìn nhận Đức Giêsu làm con về pháp lý. Mục
tiêu của bản văn Tin Mừng này, thay vì bảo vệ việc thụ thai đồng trinh, thì tìm
các xác định do đâu Đức Giêsu có thể trở thành hậu duệ vua Đavít và Đấng Mêsia
thuộc dòng tộc vua Đavít cho dù có việc trinh thai. Vậy hai phần của ch. 1 của Mt
làm thành hai cánh của cùng một việc chứng minh.
Một
hỗ trợ khác nữa đến từ chính những lời của thiên thần (cc. 20-21): “Này ông
Giuse là con cháu vua Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì quả thật
(HL. gar: car certes; for, indeed, certainly) điều được sinh thành (to
gennêthen = đứa con) nơi bà là việc của Thánh Thần, nhưng (HL. de)
bà sẽ sinh một con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu; vì (gar)
chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Dịch gar là “quả
thật” (chắc chắn) là chuyện thông thường vào thời ấy (x. 1 Cr 9,10; 2 Tx 2,20; Mt 18,7; 22,14; 24,6…). Vậy khi nói như
thế, thiên thần giả thiết Giuse đã biết chuyện thụ thai đồng trinh và chính
chuyện này đã thúc đẩy ngài rút lui, vì thấy Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời
Maria. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã truyền cho ngài “dù sao” (“nhưng”) cũng cứ chấp
nhận và đặt tên cho con, và khi đó, ngài đưa con tháp nhập vào trong dòng dõi
vua Đavít.
- thiên thần Chúa (20): Như trong Cựu
Ước, thuật ngữ này được dùng để nói tới sự can thiệp của Thiên Chúa (x. St 16,7.13; Xh 3,2), chứ không có nghĩa
là một trong các “thiên thần".
- Giêsu (21): Trong Kinh Thánh, tên
người còn chỉ chức năng Thiên Chúa quy định cho một người trong Lịch sử cứu độ.
Iêsous là dạng Hy Lạp của tên Híp-ri Yehôshua (x. Xh 24,13) hoặc Yeshua (Nkm 7,7), có nghĩa là “Yhwh
là sự cứu độ”, “Yhwh ban ơn cứu
độ”, “Yhwh cứu độ”, “Ơn cứu độ
của Yhwh”.
- Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai (23):
Tác giả trích Is 7,14 theo Bản LXX,
bởi vì trong bản này có từ parthenos, “trinh nữ”, chứ trong bản Híp-ri,
ta đọc là almah, “thiếu nữ”, có thể là một thiếu nữ hoặc một người vợ
trẻ. Cũng vì dựa trên Is 7,14, Do
Thái giáo Paléttina không chờ đợi Đấng Mêsia được sinh ra bởi một trinh nữ,
nhưng chờ đợi Người là một con đầu lòng (x. Lc
2,7).
- Emmanuel (Hp. Immanuel): Tác
giả không nêu ra một tên mới của Đấng Mêsia, mà nêu lên ý nghĩa của bản thân và
công trình của Người. Is 7,14 và 8,8
cũng không nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa, vì điều này được giả thiết
có trong Kinh Thánh, nhưng nhấn mạnh đến sự diện diện năng động của Ngài
để cứu giúp. Như thế, nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài để trợ
giúp và cứu độ họ. Lời hứa long trọng của Đức Kitô vinh hiển (“Thầy ở cùng
anh em mọi ngày cho đến tận thế”, 28,20) cho thấy lời loan báo ấy đã được
thực hiện hoàn hảo. TM Mt mở ra và kết thúc với ý tưởng
này: nơi bản thân Đức Giêsu, Thiên Chúa sẵn sàng đến hiện diện năng động, tích
cực, với loài người.
- ông không … cho đến khi… (25): Câu này hoàn toàn đúng với
c. 23 cho thấy rằng Maria là trinh nữ khi sinh con. Câu “ông không biết (= ăn ở
với) bà, cho đến khi bà sinh một con trai” không chống lại việc sau đó Maria
vẫn đồng trinh, cũng không ám chỉ điều này, mà cũng không cho phép kết luận
rằng sau đó bà đã có những quan hệ vợ chồng với Giuse. Đàng khác, chúng ta ghi
nhớ rằng mẫu tính đồng trinh của Đức Maria không có nghĩa sinh học, mà diễn tả
niềm tin của Giáo Hội vào thần tính và nhân tính của Đức Giêsu.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Đầu đề của đoạn (18a)
Với đầu đề (18a), tác
giả Mt ngỏ lời với độc giả để xác
định hoặc điều chỉnh cách thức họ hình dung cuộc chào đời của Đức Giêsu.
Đức Giêsu không phải
là con của Giuse, nhưng là tạo thành của Chúa Thánh Thần. Nơi Người, lịch sử
Israel đi đến chỗ hoàn tất, nhưng Người không
phải là hoa trái tự nhiên hoặc kết quả thiết yếu của lịch sử này. Người
không lệ thuộc vào và không chỉ xuất thân từ một chuỗi các thế hệ và
những cuộc sinh hạ con người. Người là sự hoàn tất, nhưng là như một khởi
đầu hoàn toàn mới. Khởi đầu cuộc sống của Người là do Chúa Thánh Thần, khởi đầu
này trực tiếp gắn với hoạt động của quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên
Chúa gồm tóm nơi Người toàn thể lịch sử
* Hoàn cảnh của Giuse và Maria (18b-19)
Tuy
thuộc nguồn gốc thần linh, Đức Giêsu lại được liên kết với lịch sử Israel. Mẹ
Người là Maria đã đính hôn với Giuse, nhưng chưa về sống trong nhà Giuse. Theo
luật lệ Do Thái, với lễ đính hôn, hai người nam nữ đã được coi là vợ chồng rồi.
Vì thế, Giuse được gọi là chồng của Maria (1,16.19), còn Maria thì được gọi là
vợ của Giuse (1,20.24). Chỉ một năm hay một năm rưỡi sau lễ đính
hôn, vị hôn thê mới được đưa về nhà vị hôn phu và bắt đầu cuộc sống vợ chồng. Ở
đây, tác giả Mt cũng không cung cấp
một thông tin nào đặc biệt về Giuse và Maria, ngài nói về hai đấng như những
nhân vật rất quen thuộc với độc giả. Vậy mục tiêu của ngài không phải là cung
cấp tài liệu, mà là huấn giáo. Trong thời gian giữa lễ đính hôn và cuộc chuyển
về nhà chồng, Giuse nhận ra rằng Maria đã có thai. Đọc c. 18b cách bình thản,
ta thấy dường như tác giả gợi ý rằng Giuse có biết việc Maria mang thai là do
sự can thiệp của Chúa Thánh Thần. Giuse quyết định bỏ Maria kín đáo vì tế nhị
đối với sự can thiệp của Thiên Chúa nơi Maria.
* Thiên
Chúa can thiệp (20-21)
Giuse
đang toan tính như thế trong lòng, thì được Thiên Chúa can thiệp qua việc một
thiên sứ đến báo mộng để khẳng định với ngài là quả thật con trẻ sắp chào
đời thuộc nguồn gốc thần linh; nhưng ngài có nhiệm vụ đón Maria về và đặt tên
cho con trẻ. Ngài phải duy trì dây liên hệ với Maria và như thế, nhìn nhận
trước luật pháp rằng con trẻ ấy là con của ngài. Do nhiệm vụ Thiên Chúa giao,
Giuse trở thành cha của hài nhi về mặt luật pháp và cũng trước luật pháp, Giêsu
trở thành con và đương nhiên là người thừa kế của ngài. Hệ quả là Đức Giêsu
được tháp nhập hợp pháp vào gia phả của Giuse. Như thế, Đức Giêsu đi vào trong
dòng dõi xuất thân từ các vị tiền nhân ấy và trở thành đích điểm và sự hoàn tất
của dòng dõi ấy. Như vậy, tác giả Mt
không nhắm thỏa mãn óc tò mò của chúng ta. Tất cả những gì ngài muốn chúng ta
hiểu là: con của bà Maria là người được Thiên Chúa hứa cho thừa kế ngai vàng
vua Đavít, như các ngôn sứ đã từng loan báo.
Còn
Đức Giêsu thực hiện vị trí và nhiệm vụ ấy như thế nào, thì chính tên của Người
cho thấy, tên mà Thiên Chúa đã chọn cho Người và Giuse phải đặt cho Người. Thiên
Chúa đã đổi tên cho người trước đây được gọi là Abram và ban cho ông tên mới là
Abraham, “vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc” (x. St 17,5). Sự tuyển chọn của Thiên Chúa được diễn tả ra và xác nhận
bằng việc đổi tên. Vì trao một nhiệm vụ mới và với nhiệm vụ này là một
đời sống mới, Ngài ban cho một tên mới. Điều đó càng đúng hơn nữa
với Đức Giêsu, con cháu tổ phụ Abraham. Cùng với cuộc đời, Người đã được Thiên
Chúa ban cho ngay từ đầu tên và nhiệm vụ. Tên của Người là Yeshua hay là
Yehoshua, có nghĩa là “Thiên Chúa là sự cứu độ”; Người giải thoát khỏi
tội lỗi (1,21; x. Tv 130,8). Với nhiệm vụ này, Đức Giêsu có quyền năng Thiên
Chúa và ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho ta nhờ trung gian Người. TM Mt sẽ cho thấy Đức Giêsu là
Đấng Mêsia, là Đức Vua và Vị Mục tử, Người săn sóc dân Người và đưa họ đến sự
sống viên mãn.
* Lời bình của tác giả (22-23)
Đến
đây tác giả viết lời bình. Với biến cố này, đã thực hiện điều mà Thiên Chúa đã
loan báo qua miệng các ngôn sứ. Trong dự phóng của Ngài, chính Thiên Chúa muốn
có cuộc chào đời và hài nhi này. Khi khẳng định rằng lời Thiên Chúa được ứng
nghiệm, một lần nữa tác giả muốn nói rằng đàng sau biến cố này, có Thiên
Chúa như là Đấng quy định và hướng dẫn mọi sự. Khi cho biết Đức Giêsu cũng
chính là “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, tác giả cho biết
đặc tính của biến cố Người đến, cũng như đặc điểm của sự hiện diện và công
trình của Người: nơi Người, Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Đức Giêsu là sự hiện
diện năng động của Thiên Chúa gần kề chúng ta; nơi Người, vị Thiên Chúa từ bi
thương xót tỏ mình ra, vị Thiên Chúa trợ giúp và cứu độ, cũng như tỏ hiện dự
phóng của Ngài đối với loài người. Nơi Người, Thiên Chúa ở cùng chúng ta và
chúng ta đến được với Thiên Chúa (x. 28,20).
* Giuse thi hành lệnh Thiên Chúa (24-25)
Khi đã biết rõ ý
Thiên Chúa, Giuse thi hành ngay: ngài “đón vợ về nhà”. Câu văn tiếp theo cho
biết là ngài không có quan hệ phu thê với Maria, và như thế hài nhi Giêsu không
phải là con của ngài. Nhưng câu văn này cũng không hề ám chỉ là sau đó Giuse có
quan hệ vợ chồng với Maria. Với lại tác giả không quan tâm đến vấn đề này. Ông
còn đang cho thấy là Giuse thi hành chính xác lệnh Thiên Chúa truyền: “ông đặt
tên cho con trẻ là Giêsu”.
+ Kết luận
Tại hai cực của lịch
sử Lời Hứa, có hai ơn gọi hướng về nhau và hoàn tất lẫn nhau: ơn gọi của
Abraham, tổ phụ đón nhận Lời Hứa, và ơn gọi của Giuse, người đã vâng lệnh Chúa
truyền nên đã tạo điều kiện cho Lời Hứa được thực hiện, đó là biến cố Đấng
Emmanuel ngự đến. Kể từ nay, nhờ đã được Giuse đưa tháp nhập vào trong dòng dõi
vua Đavít, Đức Kitô có quan hệ trực tiếp với mỗi người con người cháu của tổ
phụ Abraham, dù họ có đông như sao trên trời không thể đếm nổi (x. St 15,5). Công trình của Người không
liên hệ đến một lãnh vực nào của cuộc sống loài người, nhưng đi đến tận
gốc rễ và thay đổi tương quan với Thiên Chúa. Người sẽ chiến thắng sự bất phục
tùng và thái độ nổi loạn, sẽ tha thứ tội lỗi và tái lập sự hiệp thông vào đời
sống với Thiên Chúa.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu là cùng đích và sự hoàn tất của lịch sử
2. Đức Giêsu là con cháu vua Đavít, nhưng không theo nghĩa là Người
có một quyền lực chính trị hoặc quân sự, hoặc Người là một nhà giải
phóng chính trị theo nghĩa trần thế. Người sẽ giải thoát loài người khỏi tội
lỗi, sẽ đưa con người thoát khỏi tình trạng xa cách với Thiên Chúa và đưa họ về
hiệp thông trọn vẹn với Ngài.
3. Bởi vì biết là Thiên Chúa đang can thiệp vào cuộc đời Maria cách
đặc biệt mà lại không thấy Ngài giao phó cho mình sứ mạng gì đặc biệt, Giuse
tìm cách âm thầm rút lui. Ngài chứng tỏ ngài có một cảm thức sắc bén về
Thiên Chúa, một lòng tôn trọng thẳm sâu đối với mầu nhiệm của Thiên Chúa
và mầu nhiệm thánh ý Ngài. Người Kitô hữu được mời gọi học nơi Giuse bài học
này: tôn trọng đối với các dự phóng của Thiên Chúa nơi mình và nơi kẻ khác,
nhạy bén đối với sự cao cả thẳm sâu và sự hiện diện gần gũi của Ngài trong
những biến cố lớn nhỏ thuộc cuộc sống hằng ngày.
4. Đức Giêsu chính là Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chúng
ta sẽ hiểu rõ hơn khi đọc TM Mt
cho đến hết (Mt 28,20). Hôm nay Người
là Emmanuel để tiếp tục hỗ trợ chúng ta
trong hành trình trần thế, trong nỗ lực loan báo Tin Mừng “cho muôn dân” và cứu
độ chúng ta bằng quyền năng của Đấng “đã được ban cho toàn quyền trên trời dưới
đất”.
Lm. PX
Vũ Phan Long, ofm