CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

“Nguồn gốc” của Chúa Giê-su Ki-tô

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 1:18-24)

         Một trong những điều quan trọng trong cuộc đời chúng ta là biết rõ nguồn gốc của mình.  Trước khi kể lại biến cố Giáng Sinh, thánh Mát-thêu không ngần ngại nói cho chúng ta biết về “gốc tích” của Chúa Giê-su Ki-tô.  Thánh sử nói về người mẹ trần gian của Chúa và về vai trò của Chúa Thánh Thần.  Tuy nhiên ngài cũng khẳng định rõ ràng chỗ đứng của thánh Giu-se đối với nguồn gốc của Chúa Giê-su.  Và sau cùng là đôi dòng về sứ mệnh của Hài Nhi dựa trên nguồn gốc ấy.

         Chim có tổ, người có tông.  Vậy theo cách diễn tả của thánh Mát-thêu, tổ tông của Chúa Giê-su là ai?  Rõ ràng thánh sử phân biệt hai nguồn gốc của Chúa Giê-su: nguồn gốc trên trần gian là Mẹ Ma-ri-a và nguồn gốc trên trời là Chúa Thánh Thần.  Khi viết “Bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se”, Mát-thêu muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc trần gian của Chúa Giê-su, vì một bà mẹ trần gian sinh ra hài nhi Giê-su thì dĩ nhiên phải là bà mẹ của hài nhi ấy rồi.  Tiếp theo, đoạn Tin Mừng nói ngay đến nguồn gốc trên trời của Chúa Giê-su khi khẳng định sự hiện hữu của hài nhi là “do quyền năng Chúa Thánh Thần”.

         Vậy thì vai trò của thánh Giu-se là gì?  Để trả lời câu hỏi này, Mát-thêu trình bày con người của thánh Giu-se vốn “là người công chính”.  Vì là người công chính, nên cách cư xử của thánh Giu-se là “không muốn tố giác” Mẹ Ma-ri-a trong tình huống khó khăn này và chỉ muốn giải quyết bằng cách “định tâm bỏ bà cách kín đáo” mà thôi.  Chẳng những lối hành xử của thánh Giu-se là kết quả của đức công chính, mà tâm ý của Ngài còn đầy lòng quảng đại và bác ái nữa.  Tuy thánh Giu-se không phải là nguồn gốc huyết thống của Chúa Giê-su, nhưng vai trò của Ngài lại được sứ thần Chúa giải thích tường tận.  Trước hết Ngài cứ đón Mẹ Ma-ri-a về nhà và đừng thắc mắc gì về việc Mẹ cưu mang Chúa Giê-su.  Tiếp đến, bổn phận của thánh Giu-se là “phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su”.  Theo luật lệ Do-thái, người cha của đứa trẻ sơ sinh mới có quyền đặt tên cho con mình.  Thánh Giu-se không phải là cha theo huyết thống mà được trao quyền đặt tên cho con trẻ thì đương nhiên trên luật pháp đã là người cha của con trẻ ấy, cho dù trong trường hợp này thánh Giu-se chỉ là cha theo luật, hoặc là “cha nuôi” như chúng ta vẫn gọi Ngài.

         Tuy nhiên thánh Mát-thêu không dừng lại ở đây khi đề cập đến nguồn gốc trên trời và nguồn gốc trần gian của Chúa Giê-su.  Ngài còn đưa chúng ta đến một chân lý vô cùng sâu xa và là ý nghĩa nền tảng của biến cố Giáng Sinh:  sự kết hợp mầu nhiệm giữa quyền năng Chúa Thánh Thần và Trinh Nữ Ma-ri-a đã sinh ra Giê-su, “con lòng bà được chúc phúc” và sẽ được nhân loại gọi tên là “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.  Tại sao Hài Nhi lại được gọi là Em-ma-nu-en?  Dĩ nhiên là để thực hiện kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa muốn ở giữa nhân loại và đưa họ về với Người.  Qua Ngôi Lời, Thiên Chúa đến với loài người để nhắc nhớ họ về nguồn gốc trên trời của họ.  Rồi qua sự hiện diện của Lời Nhập Thể sống giữa nhân loại, Thiên Chúa thực hiện công cuộc cứu độ.  Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đem sự sống mới đến cho nhân loại, để nhờ sự sống mới trong Chúa Thánh Thần, nhân loại sẽ đồng hành với Chúa Giê-su tiến về nguồn gốc trên trời của mình.

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Chúng ta thường nói hoặc hãnh diện và gốc tích trần gian của chúng ta, nhưng có lẽ ít khi chúng ta nghĩ đến và hãnh diện về gốc tích trên trời của chúng ta.  Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội để làm con cái Chúa, chúng ta đã nhận lại gốc tích trên trời của chúng ta rồi.  Khi thánh Mát-thêu nhắc đến gốc tích của Chúa Giê-su, có lẽ ngài không nhấn mạnh đến một sự kiện lịch sử, nhưng muốn nói lên ý nghĩa thần học của chân lý Thiên Chúa ở cùng chúng ta.  Đúng vậy, Chúa Giê-su đang ở giữa chúng ta, trong lịch sử và nhất là Người hiện diện đích thực trong Bí tích Thánh Thể.  Tin Mừng Mát-thêu đã mở đầu khi giới thiệu với chúng ta Thiên Chúa là Em-ma-nu-en (1:23) và sẽ kết thúc với cùng một ý nghĩa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (28:20).  Nào, chúng ta đi đón mừng Đấng Em-ma-nu-en đang đến!

              Lm. Đa-minh Trần đình Nhi





Suy Niệm Lời Chúa Năm A