Chúa Là Nguyên
Nhân Của Niềm Vui
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Chay – năm A
(Ga
9,1-41)
Bước
vào Chúa nhật IV Mùa Chay quen gọi là
Chúa nhật của Niệm Vui (Lætare), Phụng Vụ của Giáo hội đang từ màu tím chuyển
sang màu hồng, màu của bình minh, đánh dấu nửa chặng đường sám hối, nay Giáo
hội tạm dừng, lấy thêm can đảm bước tiếp những chặng đường tới, để chuẩn bị tâm
hồn tốt hơn hầu cảm nghiệm được niềm vui sâu xa của Lễ Phục Sinh đã gần kề.
"Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem ! Tề tựu cả
về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành ! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở
vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan." (Ca nhập lễ) Hay
lời của Thánh vịnh gia : "Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi :
Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào…... ". Những lời trên diễn
tả niềm vui ngập tràn và thiêng thánh. Giáo hội chúc mừng con cái mình đã hăng
hái đi được nửa hành trình của Mùa Chay Thánh. Làm sao không thể không vui
không mừng được. Mừng vui lên, hỡi những người trước kia ở trong sầu khổ,
" Cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng…
được Thành Ðô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh
quang…đón nhận dồi dào ơn an ủi …" (Is 66,10-11).
Vậy đâu là lý do sâu xa để
vui mừng ?
Lời
Kinh Tiền Tụng Chúa nhật IV Mùa Chay năm A : " Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhân loại đang lần bước trong u
tối đến nguồn ánh sáng đức tin. Nhờ phép rửa mang lại đời sống mới, Người giải
thoát những kẻ sinh ra đã mắc tội truyền, và nâng lên hàng nghĩa tử của Chúa… "
(Kinh Tiền Tụng Chúa nhật IV Mùa Chay năm A). Đoạn Tin Mừng thánh Gioan hôm nay
cho chúng ta câu trả lời cụ thể khi Chúa Giêsu chữa lành một người mù từ khi
mới sinh. Câu Chúa Giêsu hỏi người mù là đỉnh cao của trình thuật : "Ngươi có tin nơi Con Thiên Chúa không?"
(Ga 9,35) Như một "người" giữa bao nhiêu người khác, anh người mù này
mới đầu gặp Chúa Giêsu, khác mọi người là anh coi Chúa Giêsu là "một ngôn
sứ", Chúa mở mắt anh ra, từ ánh sáng của đôi mắt đến ánh sáng của đức tin,
anh tuyên xưng Chúa Giêsu là "Chúa", và trả lời câu hỏi Chúa đặt ra
cho anh : "Lạy Thầy, tôi tin!"
(Ga 9,38). Như thế là đã rõ, Chúa Giêsu chữa người mù khỏi mù, anh thấy ánh
sáng và anh tin vào Chúa Giêsu.
Chúa
Giêsu là nguyên nhân của niềm vui lớn cho người mù từ khi mới sinh này, vì Chúa
đã cho anh thấy được cảnh vật không chỉ về thể lý mà còn cả tinh thần nữa. Cũng
như cả và nhân loại sau khi nguyên tổ phạm tội phải bước đi trong u tối, nay
Chúa Giêsu đến, tự giới thiệu mình là Ánh Sáng thế gian dẫn đưa nhân loại khỏi bóng
tối của tội lỗi, phục hồi phẩm giá địa vị làm con Thiên Chúa.
Người
mù đã tin và đã nhận được ánh sáng của Chúa Kitô. Trái lại, những người
Pharisêu thì tưởng rằng mình sáng, nên họ vẫn bị mù vì sự cứng lòng và tội lỗi
của họ. Đúng vậy, "Người Do Thái không tin là trước đây anh bị mù mà bây
giờ nhìn thấy được. Đó là lý do tại sao họ gọi cha mẹ anh ta đến" (x. Ga
9,18).
Chúa Giêsu là sự sáng thế
gian
Ngài
từ trời xuống thế, để cho phàm nhân được thấy Ngài và qua Ngài họ thấy Chúa
Cha; chỉ có người mù mới không thể nhìn thấy Chúa. Ngài đã mở mắt người mù, để
người mù thấy được Chúa Cha ở nơi Ngài. Ngài giới thiệu : " Ta là sự sáng thế gian" (Ga 9, 5) ;
" Là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi
người." (Ga 1,9) Ngài chữa lành sự mù quáng của con mắt đức tin nơi
những người không thấy để mà tin.
Ađam
được Thiên Chúa sáng tạo với con mắt tinh tường, nhưng sau khi giao tiếp với
con rắn xong, ông trở nên mù quáng (x. St 3, 1-7). Anh mù bẩm sinh vẫn ngồi… mà
không xin bất kỳ một loại thuốc mỡ nào để chữa mắt mình ... anh chỉ hết mù khi
anh tin (x. Ga 9,1-41). Chúa Giêsu, Vị thầy thuốc cao tay đã nhìn thấy những
đau khổ của người mù ngồi đó và xin làm phúc, bằng quyền năng Thiên Chúa, Ngài
đã làm phép lạ cho người mù được thấy.
Ađam được Thiên Chúa dựng tạo dựng bằng đất sét, bùn ướt
: " Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người" ( St 2,
7), nay chất liệu ấy được Chúa Giêsu dùng để chữa lành đôi mắt. Ngài đã phục
hồi thị giác cho người mù từ khi mới sinh bằng nước bọt nhổ ra trộn vào đất,
anh người mù nói : " Ngài đã
xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt " (Ga 9,1-11).
Ngài là quả là Ánh Sáng chiếu sáng thế gian và cho con người được nhìn thấy ánh
sáng.
Chúng ta
là con cái ánh sáng
Từ
ánh sáng đến đức tin hay từ đức tin đến ánh sáng tỏa sáng trên khuôn mặt của
người mù giúp chúng ta hiểu rằng, ngày chúng ta chịu phép rửa tội, ánh sáng của Chúa Kitô cũng chiếu
tỏa trên chúng ta, chữa chúng ta khỏi sự
mù quáng tội lỗi, làm cho chúng ta trở thành con cái ánh sáng. Đó là điều Thánh
Phaolô nhắc nhở chúng ta : " Bây giờ
anh em là ánh sáng trong Chúa" (Eph 5, 8). Thế nên, nhờ phép rửa trong
Chúa Kitô, trước kia chúng ta là những người ở trong bóng tối, nay trở thành
ánh sáng. Kể từ ngày hôm đó chúng ta là con người mới hoàn toàn.
Nhờ phép
rửa tội, người kitô hữu trở thành " con
của sự sáng " (Eph 5, 8) hay nói cách khác, trở thành " con cái Thiên Chúa " (1 Ga 3,1).
Người con đích thực của Thiên Chúa là Chúa Kitô đã chiếu tỏa rạng ngời ánh sáng
Chúa Cha, để bất cứ ai được tái sinh trong Ngài, có thể thông truyền ánh sáng
đức tin ấy cho người khác, tức là sinh " hoa trái của sự sáng " (Eph 5, 9). Vì vậy, trong Mùa Chay này,
chúng ta hãy để ánh sáng ấy chiếu tỏa trên chúng ta để qua chúng ta mọi người
có thể tìm thấy Thiên Chúa là Ánh Sáng đích thực.
Chúa Giêsu là 'Ánh
sáng thế gian' (Ga 8,12). Trong nghi thức Rửa tội, việc trao nến sáng và
thắp sáng từ cây nến Phục Sinh tượng trưng Chúa Kitô Phục sinh, là dấu hiệu
giúp chúng ta hiểu rõ những gì xảy ra trong Bí tích này. Khi chúng ta để cho
mình được mầu nhiệm Chúa Kitô soi sáng, chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm vui được
giải thoát khỏi tất cả những gì đe dọa sự viên mãn của cuộc sống ấy.
Lễ
Phục Sinh đã gần kề, chúng ta hãy vui lên và khơi dậy nơi mình hồng ân đã lãnh
nhận trong Bí tích Rửa tội, ngọn lửa ấy nhiều khi có nguy cơ bị dập tắt. Chúng
ta hãy nuôi dưỡng ngọn lửa đó bằng kinh nguyện và lòng bác ái đối với tha nhân.
Xin
Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của mỗi người chúng ta dẫn chúng ta đến gặp
gỡ Chúa Kitô, là Ánh Sáng thật và là Ðấng Cứu Thế. Amen.
Lm.
Antôn Nguyễn Văn Độ