ánh sáng
cho ngưỜi mù
(Gioan 9,1-41 – CN
IV MC - A)
1.- Ngữ cảnh
Bản
văn đọc hôm nay thuộc về “Các công việc, các dấu lạ và các cuộc tranh luận của
Đức Giêsu (dịp các đại lễ Do Thái)” (Ga
5,1–10,42) với bố cục như sau:
B
(5,1-47) : Công việc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, chữa người nằm liệt (vào một
ngày sa-bát)
C
(6,1-71) : Dấu lạ nuôi năm ngàn người ăn no do bánh hằng sống (trước lễ Vượt
Qua)
D
(7,1–8,59) : Đức Giêsu, nguồn nước hằng sống và ánh sáng cho trần gian (dịp lễ
Lều)
D’(9,1-41)
: Hành vi ban khả năng nhìn cho một người mù nhờ ánh sáng của trần gian (vào
một ngày sa-bát)
C’
(10,1-21) : Các dụ ngôn về đàn chiên, cửa, việc trao ban mạng sống và người mục
tử nhân lành
B’(10,22-42)
: Các công việc và chân tính của Đức Giêsu, Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (dịp lễ
Cung hiến)
Việc
chữa lành anh mù bẩm sinh được tác giả TM IV ghi nhận như là một trong
những “dấu lạ” quan trọng “để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên
Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (20,31).
Tác
giả trung thành với cách viết của ngài: trình bày biến cố (= bình diện thực
hành) và diễn từ giải nghĩa (= bình diện nhận thức). Phân tích kỹ hơn, ta thấy
truyện được trình bày như một phiên tòa xử Đức Giêsu xuyên qua những cuộc gặp
gỡ của anh mù với nhiều hạng người, để rồi cuối cùng lại chính Đức Giêsu là
người đứng ra kết án. Tấn bi kịch đã được báo trước trong hai chương 7 và 8.
Khi các thuộc hạ trở về mà không bắt Đức Giêsu, các thượng tế và người Pharisêu
đã kêu lên: “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị
nguyền rủa” (7,49). Đấy là như tiền đề cho việc họ nổi giận với người mù, vì
anh ta “sinh ra trong tội”, mà lại dám lên mặt sửa dạy các “môn đệ của ông
Môsê” (9,28-34). Câu truyện người đàn bà ngoại tình là một lý do thứ
hai, bởi vì trong sự cố này, cũng vẫn là Đức Giêsu đã “tước vũ khí” của họ khi
nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (8,7). Rồi
sau đó là những câu nói đầy thách thức: 8,21.24.35-44.46.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Đức Giêsu và các môn đệ đối diện
với anh mù (9,1-5);
2)
Đức Giêsu chữa lành anh mù (9,6-7);
3)
Cuộc xử án (9,8-33):
a)
Láng giềng anh mù (9,8-12),
b)
Người Pharisêu (9,13-17),
c)
Cha mẹ anh mù (9,18-23),
d)
Người Pharisêu (9,24-34a);
4)
Tuyên án (9,34b-41):
a)
Anh mù bị người Pharisêu tống ra ngoài (9,34b),
b)
Anh mù được Đức Giêsu đón tiếp và anh tin nhận Người (9,35-38),
c)
Đức Giêsu kết án người Pharisêu (9,39-41).
Chúng
ta có thể nhận ra bảy cuộc gặp gỡ trong truyện này:
1-
Đức Giêsu và anh mù (chữa mắt: c. 6);
2-
Anh mù và láng giềng (c. 8);
3-
Anh mù và người Pharisêu (c. 13);
4- Anh mù và người Do Thái và
cha mẹ (c. 18);
5- Anh mù và người Do Thái
(c. 24);
6- Đức Giêsu và anh mù (tin:
c. 35);
7- Đức Giêsu và người
Pharisêu (c. 40).
3.- Vài điểm chú giải
- ai
đã phạm tội (2): Mặc dù có sách Gióp, lý thuyết cổ truyền vẫn tồn
tại: người ta nghĩ rằng có một quan hệ nhân quả trực tiếp giữa tội và
bệnh tật. Về trường hợp một em bé mới sinh đã mắc bệnh tật, xem Xh 20,5.
- như
vậy là để công trình của Thiên Chúa nơi anh được tỏ hiện (3):
Các kinh sư nói đến việc Thiên Chúa ban cho loài người “những hình phạt tình
yêu”, nghĩa là những sửa dạy mà nếu người ta quảng đại chấp nhận, sẽ đưa đến
cho họ đời sống dài lâu và những phần thưởng. Nhưng hình như tư tưởng của Đức
Giêsu ở đây hoăc ở Ga 11,4 không phải là như thế; Đức Giêsu lại cho thấy
rằng Thiên Chúa vận hành lịch sử để tôn vinh Danh Người. Chúng ta có một ví
dụ rõ ràng ở Xh 9,16, được trích dẫn trong Rm 9,17.
- Thầy là ánh sáng cho trần gian (5):
Rất có thể lời này được rút từ Is 49,6, trong đó Người Tôi Trung của Đức
Chúa được mô tả như là một ánh sáng cho muôn dân. Chính là trong dịp Lễ
Lều mà Đức Giêsu đã tuyên bố lần đầu: “Chính tôi là ánh sáng cho trần gian”
(8,12).
- nhổ nước miếng (6): Chỉ có Ga và Mc
(7,33; 8,23) ghi lại rằng Đức Giêsu nhổ nước miếng. Người xưa coi nước miếng
như là một thứ thuốc chữa mắt và cả những phần khác trên thân thể
(Tacite, Historiae IV, 81). Dường như sức chữa bệnh của nước miếng sẽ
gia tăng nếu trộn với đất hay đất sét. Đức Giêsu đã làm cử chỉ nhổ nước miếng
mà trộn bùn không phải vì các thứ này cần để có thể làm phép lạ, nhưng là để
“gây chuyện” với người Pharisêu.
- hồ Silôác (7): Hôm nay, ta còn thấy cái hồ này ở
phía đông nam Giêrusalem, ở cuối thung lũng Tyrôpêôn. Con suối Gihôn đã cung
cấp nước cho hồ này nhờ con kênh vua Xítkigia (Ézéchias) đã cho đào trong đá
(x. 2 V 20,20; 2 Sb 32,30; Hc 48,17). Silôác có nghĩa là
“người sai phái” (= người gửi [nước]). Tác giả Ga ghi nhận tên này,
nhưng lại dịch như một từ ngữ ở thụ động cách: “Silôác có nghĩa là:
người được sai phái” (c. 7). Rõ ràng ngài dùng từ ngữ như một biểu
tượng. Trong TM IV, hơn 40 lần Đức Giêsu được gọi là “Đấng được sai
phái”, và Người cũng vừa nói với các môn đệ là Người phải “thực hiện công trình
của Đấng đã sai phái Thầy” (c. 4). Vậy tác giả muốn nói rằng hồ Silôác, cũng
như Đền Thờ, như lễ Vượt Qua, như ngày sa-bát, như mọi sự trong Israel, đều
được quy hướng về Đức Giêsu và rút ra từ Người ý nghĩa vĩnh viễn và chân thật.
Chính tên của cái hồ loan báo rằng Đấng Mêsia sẽ đến múc nước và thông ban cho
nước hồ một sức mạnh thần linh.
Ngoài ra cái hồ
này còn có một ý nghĩa thiêng liêng. Ngôn sứ Is (8,6) đã coi cái
hồ có dòng nước chảy êm ả này như một biểu tượng về đời sống an bình của
Israel dưới sự che chở của Thiên Chúa. Nhưng vị ngôn sứ cũng nhân danh Đức Chúa
mà than thở rằng “dân này khinh dể nước mương Silôác chảy lững lờ”. Có lẽ tác
giả coi sự từ khước này như một lời loan báo sự cứng lòng của người Do
Thái thời Đức Giêsu.
Ngoài ra, nước hồ
còn được dùng trong Lễ Lều. Mỗi ngày trong tuần Lễ Lều, người ta đi rước xuống
hồ. Một tư tế long trọng múc nước, rồi đi rước lên Đền Thờ. Vị tư tế ấy vừa đổ
nước trên bàn thờ vừa đọc những lời kinh theo nghi thức: họ xin Thiên Chúa ban
mưa xuống cho mùa sắp tới; họ đọc những bài đọc Kinh Thánh tưởng niệm
phép lạ nước vọt ra từ tảng đá trong sa mạc và loan báo việc canh tân thiêng
liêng Sion vào thời Đấng Mêsia. Nhiều liên hệ giữa truyện anh mù và những biến
cố dịp Lễ Lều trong TM IV (ch. 7 và 8) mời ta đọc phép lạ này dưới ánh
sáng của lễ nghi Lễ Lều. Điều này càng có lý khi ta biết rằng lễ nước, Lễ Lều
cũng là lễ ánh sáng. Mỗi buổi chiều, người ta đốt đèn đuốc trong Đền Thờ. Và
ngôn sứ Dacaria đã mô tả Ngày của Đức Chúa như là mở đầu cho việc muôn dân cử
hành Lễ Lều thật hùng vĩ (x. Dcr 14,7). Đây là khung cảnh rất phù hợp
với lời tuyên bố của Đức Giêsu: “Tôi là ánh sáng cho trần gian” và với “dấu lạ”
anh mù: có lễ ánh sáng, có việc rưới nước hồ Silôác và có những niềm hy vọng
vào Đấng Mêsia.
Những dây liên hệ
này soi sáng cho thấy ý nghĩa của biểu tượng “Đức
Giêsu-Ánh-sáng-cho-trần-gian”, cũng như “dấu lạ” diễn tả biểu tượng này. Những
phúc lành và việc tuôn đổ Thánh Thần, được tượng trưng trong dịp Lễ Lều bằng
nước Silôác, sẽ được Đức Giêsu ban cho trần gian: trong tay Người, “nước mương
Silôác chảy lững lờ” sẽ chan hòa ánh sáng và sức sống.
- những người Pharisêu (13): Những người phỏng vấn
được gọi là Pharisêu trong cc. 13.15.16 (cả c. 40); ở cc. 18 và 22, thì được
gọi là “người Do Thái”, là từ ngữ quen thuộc hơn với Ga.
- vì không giữ ngày sa-bát (16): Trong TM IV,
từ ngữ sabbaton được dùng 13 lần (Ga 5,9.10.16.18; 7,22.23[2x];
9,14.16; 19,31[2x]; 20,1.19). Những bản văn quan trọng nhất là các tranh luận
về ngày sa-bát trong Ga 5,1-18; 7,19-24 và 9,14-16. Về việc chữa người
mù, có những nhận định sau: Thứ nhất, bởi vì mạng sống của anh mù không bị đe
dọa, lẽ ra Đức Giêsu nên chờ đến một ngày khác mà chữa anh. Thứ hai,
trong số ba mươi chín việc bị cấm làm trong ngày sa-bát (Mishna, Shabbath
7,2), có việc nhào trộn bột. Thứ ba, thể theo truyền thống sau này của Do Thái
giáo (TalBab, Abodah Zarah 28b), có một ý kiến nói rằng không
được phép xức dầu vào mắt ngày sa-bát. Thứ tư, truyền thống (TalJer, Shabbath
14d và 17f) cũng cấm nhổ nước miếng lên mắt ngày sa-bát.
- một vị ngôn sứ (17): Hai vị ngôn sứ nổi
tiếng với việc làm phép lạ chữa bệnh là Êlia và Êlisa (x. cả Is 38,21).
Có lẽ anh này đang nghĩ đến việc ngôn sứ Êlisa bảo Naaman đi tắm trong sông
Giođan. Ít ra có lẽ anh mù tin rằng Đức Giêsu có quyền lực thần linh và “ngôn
sứ” là hạng người như thế.
- trục xuất khỏi hội đường (22): Dịch sát câu 22
là: “... kẻ nào tuyên xưng Người là Đấng Kitô, sẽ trở thành
người-bị-trục-xuất-khỏi-hội-đường (aposynagôgos, do apo và synagôgê)”.
Có lẽ tác giả đang nghĩ đến việc giới chức Do Thái loại các Kitô hữu gốc Do
Thái khỏi hội đường (= dứt phép thông công) vào cuối thế kỷ i, sau khi Đền Thờ bị phá hủy.
- Chúng ta (24): Nicôđêmô đã dùng chủ ngữ này (3,2)
để nói về uy tín của người Do Thái có học thức.
- Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa (24): Đây là một công
thức để thề trước khi làm chứng hoặc thú nhận một lỗi lầm (x. Gs
7,19). Nhưng cũng rất có thể tác giả muốn chơi chữ, bởi vì anh mù sẽ tôn vinh
Thiên Chúa.
- Thiên Chúa đã nói với ông Môsê
(29): Xem Xh 33,11; Ds 12,2-8.
- Chúng ta biết (30): Anh mù dùng chủ ngữ
“chúng ta” của người Pharisêu (c. 24), y như Đức Giêsu ở 3,11 đã lấy lại chủ
ngữ “chúng ta/tôi” của Nicôđêmô. Rõ ràng những đoạn này được dùng trong những
cuộc bút chiến giữa người Do Thái và các Kitô hữu.
- Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi
(31): Đây là một nguyên tắc Kinh Thánh quen thuộc (x. Is
1,15; 1 Ga 3,21).
- họ tống anh ra ngoài (34): Đây không phải là một
việc dứt phép thông công đúng nghĩa, nhưng chỉ là việc đuổi anh cho khuất
mắt họ.
- Khi gặp lại anh (35): Hành vi này ngược lại
với hành vi của người Pharisêu khi đuổi anh ra ngoài, và minh họa cho lời hứa
của Đức Giêsu ở 6,37: “Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Trong
TM IV, truyện anh mù được chữa lành có một vị trí trung tâm.
Truyện này giống như một tổng hợp về sứ mạng làm ánh sáng của Đức Giêsu
trong thế gian và về cuộc xung đột giữa ánh sáng và bóng tối xảy ra giữa Đức
Giêsu và người Do Thái. Bản văn đã được trình bày như một cuộc xử án,
nhưng Đức Giêsu không trực tiếp đối đầu với các đối thủ. Bản án của Người chỉ
được xác định qua việc kết án anh mù; Đức Giêsu chỉ xuất hiện lúc đầu để thực
hiện “dấu lạ” và xác định ý nghĩa của “dấu lạ”, rồi xuất hiện ở cuối để uy nghi
công bố bản án.
* Đức
Giêsu và các môn đệ đối diện với anh mù (1-5)
Không
ai xin Đức Giêsu chữa cho anh mù: chính Người bột phát chữa lành anh (9,1-7).
Nghĩ đến số phận đáng thương của anh mù, các môn đệ nại đến một luận
điểm quen thuộc trong dân Do Thái: Tại sao anh bị như thế? Do lỗi của ai? Các
ông tìm cách quy kết trách nhiệm. Các ông nghĩ đến một lỗi chống lại
Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu loại bỏ lối suy luận này. Sau này bản văn sẽ cho
thấy tội lỗi thật chống lại Thiên Chúa là tội lỗi gì và nó đưa đến sự đui mù
nào. Còn đối với người mù bẩm sinh, Đức Giêsu không nhìn lại đàng sau, Người
nhìn tới trước: nhờ anh, Người có thể tỏ mình ra rõ ràng là ánh sáng thế gian.
Cho ai đang ngạc nhiên về sự thiếu may mắn của anh mù, lòng thương xót và quyền
lực của Thiên Chúa lại được tỏ lộ. Như thế, Đức Giêsu cho thấy ý nghĩa của
những việc Người làm.
* Đức
Giêsu chữa lành anh mù (6-7)
Khác với những hành vi quyền lực khác của Người, ở đây
Đức Giêsu không chỉ hành động bằng lời nói của Người. Tác giả mô tả chi tiết
những gì Người làm cho anh mù (9,6.11.14.15). Và cả anh này cũng phải làm một
việc: Tin vào lời Đức Giêsu, anh đi đến hồ nước rửa mắt và thấy được.
“Silôác có nghĩa là: người được sai phái” (c. 7): Đức Giêsu chính là Đấng được
Chúa Cha sai phái; chính là nước của Người, thứ nước đã hứa ban cho người phụ
nữ Samari, mới chữa khỏi đui mù. Đức Giêsu không có mặt trong bốn cuộc gặp gỡ
sau đó, nhưng tất cả đều xoay quanh những gì Người đã làm cho anh mù và về
tương quan của Người với Thiên Chúa. Chính là qua các cuộc tranh luận này mà người
lành bệnh được dẫn từng bước một đến chỗ thấy ai là người đã chữa lành
anh. Các con mắt mà Đức Giêsu đã mở cho anh để anh thấy ánh nắng mặt trời, bây
giờ lại mở ra để thấy “ánh sáng cho trần gian”.
* Cuộc xử án (8-34a)
Trong cuộc gặp gỡ với những người láng giềng (cc. 8-12),
có một toan tính đầu tiên là giữ khoảng cách với sự thật quá hiển nhiên
về cuộc chữa lành và tránh lấy lập trường đối với chuyện này. Người ta nghi ngờ
về căn cước của người được chữa lành: không chắc chắn kẻ đang thấy đây là người
mù từ lúc mới sinh lâu nay vẫn phải sống bằng việc hành khất, mà ai cũng biết.
Tuy nhiên, anh khẳng định căn cước của anh và nói rõ ràng về những gì Đức Giêsu
đã làm cho anh.
Khi ra trình diện người Pharisêu, anh lại phải mô tả
những gì Đức Giêsu đã làm cho anh và cách thức anh lại thấy được (cc. 13-17).
Họ tỏ ra khó chịu vì Đức Giêsu đã làm việc ấy trong ngày sa-bát, và thế là nêu
lên câu hỏi, từ bây giờ sẽ là vấn đề nổi bật, về tương quan của Người với Thiên
Chúa. Có những người coi quan niệm của họ về ngày sa-bát là tiêu chuẩn đánh giá
duy nhất, nên cho rằng Đức Giêsu không thể đến từ Thiên Chúa. Những người khác
nhìn nhận rằng việc chữa lành này là đặc biệt và không thể cho rằng Đức Giêsu
là một người tội lỗi. Bây giờ chính người được lành cũng bị buộc phải
lấy lập trường: anh nhìn nhận Đức Giêsu là một ngôn sứ, một người
được Thiên Chúa sai phái.
Mẩu đối thoại giữa người Do Thái và cha mẹ anh (cc.
18-23) đưa vào một toan tính khác nhằm giữ khoảng cách đối với sự thật.
Bây giờ người ta nghi ngờ về tình trạng mù lòa trước đây của anh. Cha mẹ anh
công nhận căn cước của anh và tình trạng mù lòa của anh từ khi mới chào đời,
nhưng không muốn biết gì về việc chữa lành. Họ cúi đầu sợ hãi trước áp lực của
quyền bính. Họ không muốn bị cô lập về mặt xã hội; do đó họ nhắm mắt lại trước
ánh sáng.
Cuộc đối diện thứ hai của anh được lành với người
Pharisêu (cc. 24-34a) đã phân rẽ các tâm trí. Sau khi mọi lý do đã bị loại bỏ
và việc chữa lành đã được xác nhận, người ta không thể tránh khỏi việc lấy lập
trường đối với người đã làm việc này. Người Pharisêu chỉ quan tâm tới “cách
thức” chữa lành (x. cc. 15.19.26). Và bởi vì cách thức này vi phạm quan niệm
của họ về ngày sa-bát, họ biết chắc chắn rằng Đức Giêsu là một kẻ tội
lỗi. Lỗi mà Đức Giêsu đã phạm không phải là một lệnh truyền cho người được chữa
lành, nhưng là hành động chính Người đã làm: “nhổ nước miếng xuống đất, trộn
thành bùn và xức vào mắt người mù” vào ngày sa-bát (c. 6). Một trường hợp như
thế đã được minh nhiên tranh luận trong sách Talmud Babylon (x. Strack-Billerbeck
II 533t). Thật ra, các kinh sư cho phép, trong ngày sa-bát, được chữa con mắt
bị bệnh trong trường hợp cấp tính, chứ không cho phép trong trường hợp mãn
tính, như trường hợp anh mù bẩm sinh này. Ở đây “sự kiện” là việc chữa lành đã
thực sự xảy ra không hề có tầm quan trọng nào đối với người Pharisêu. Nhưng đây
lại chính là điểm mà anh mù bám vững, nhất định không nao núng (x. cc.
25.30.32). Khởi đi từ hành vi Đức Giêsu đã làm, anh nhận ra càng lúc càng rõ
tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa. Đối lại với sự hiểu biết mà người
Pharisêu cho rằng họ có về Đức Giêsu (cc. 24.29), anh đề ra sự hiểu biết của
anh về Thiên Chúa, mà cả người Pharisêu cũng phải công nhận: “Chúng ta biết:
Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm
theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy” (c. 31). Do không chấp nhận Đức
Giêsu, người Pharisêu cứ thắc mắc, nên đã phải nghe giọng mỉa mai của anh mù:
“Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không nghe. Tại sao các ông lại còn muốn
nghe nữa? Chẳng lẽ các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy sao?” (c. 27). Từ hành
vi phi thường Đức Giêsu đã làm và từ sự hiểu biết này về Thiên Chúa, anh rút ra
hệ luận là Đức Giêsu không phải là một kẻ tội lỗi, nhưng là một người
làm theo ý muốn của Thiên Chúa và đến từ Thiên Chúa.
Ở đây, chúng ta có một ví dụ tiêu biểu về thái độ
tích cực và tiêu cực khi đứng trước một hành vi quyền lực Đức Giêsu đã
thực hiện. Anh mù được lành không chỉ xử sự như một người sung sướng vì
có thể thấy và không quan tâm gì đến người đã chữa anh lành. Ngược lại, đối với
anh, việc chữa lành thật sự đã trở thành một dấu chỉ đưa anh đến chỗ
nhận biết dây liên kết giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu. Người Pharisêu vẫn ở lại
trong thái độ không muốn thấy và cứng lòng lại trong việc từ khước Đức Giêsu. Đối
với những sự kiện cụ thể được anh mù nêu ra, họ chỉ có thể chống lại bằng cử
chỉ bạo lực là tống anh ra ngoài. Tình thế của họ có nét mỉa mai đầy kịch tính
(x. cc. 24 và 40): Trong c. 24, khi mời anh mù nói lên sự thật dưới cái nhìn
của Thiên Chúa (“Hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây biết rằng ông ấy là kẻ
tội lỗi”), người Pharisêu hẳn lại phải bảo vệ điều ngược lại với những gì họ
biết: chữa lành một người mù không phải là dấu chỉ tội lỗi. Trong c. 40
(“Cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?”), họ phải thú nhận cách bi đát điều hiển
nhiên: loại trừ kẻ đã chữa người mù chứng tỏ chính họ đang mù.
*
Tuyên án (34b-41)
Cuộc gặp gỡ thứ hai giữa anh được lành và Đức Giêsu (cc.
35-38) xảy ra lần nữa vẫn do sáng kiến của Người. Đức Giêsu quan tâm đến người
đã bị tống ra ngoài và giúp anh có thể thấy thêm nữa, bằng cách đưa anh đến chỗ
tin vào Con Thiên Chúa. Nhờ cuộc tranh luận trước đó, càng ngày anh càng đến
gần Đức Giêsu hơn và ngày càng mở ra hơn với tương quan của Đức Giêsu với Thiên
Chúa. Bây giờ Người tự mạc khải ra cho anh là người bị loại trừ biết Người là
Con Thiên Chúa nhập thể, Người không đến thế gian trong ánh vinh quang huy
hoàng, nhưng trong tình trạng đơn giản của thân phận con người và đi đến chỗ sẽ
được giương cao trên thập giá (3,14; 6,35; 12,23.34). Anh mù được lành đã tin
và quỳ xuống trước mặt Người, tức là làm một cử chỉ thờ phượng Thiên
Chúa. Anh đã có thể thấy trọn vẹn phẩm cách và tầm quan trọng của Đức Giêsu.
Khi chữa lành anh và hướng dẫn anh, Đức Giêsu đã ngày càng trở thành ánh sáng cho
anh.
Cuối cùng, xảy ra cuộc đối đầu giữa Đức Giêsu và người
Pharisêu (cc. 39-41). Các ông này đã phản ứng lại với một khẳng định của
Người về một phương diện quan trọng trong sứ mạng của Người: Người đã
đến để cứu độ thế giới (3,17; 12,47); Người ở trong thế gian như là ánh sáng
ban sự sống. Do Đức Giêsu không xuất hiện với một quyền lực to lớn, sự
hiện diện của Người làm cho loài người chia rẽ nhau. Có những người đón nhận
Người và chấp nhận sự trợ giúp của Người, được Người mở mắt và đi đến chỗ nhận
biết thực tại trọn vẹn. Có những người khác lại loại trừ Người, nghĩ rằng họ đã
biết mọi sự không cần Người và thế là họ thành đui mù thật sự. Khi mà thực tại
đã trở nên ngày càng thấy rõ được, sự đui mù của những người ấy càng trầm
trọng. Người Pharisêu muốn biết phải chăng điều này cũng đúng đối với họ. Họ đã
xác định Đức Giêsu là một “kẻ tội lỗi” (9,24); bây giờ lại chính là
Người đang mô tả lối xử sự của họ, mà gọi là “tội lỗi”, là thiếu sót đối với
Thiên Chúa.
+ Kết luận
Đức Giêsu là ánh sáng cho trần gian trong tư cách là bao
lâu Người còn ở trần gian, Người thực hiện những việc Chúa Cha giao phó cho
Người (9,4-5). Người không phải là một ánh sáng được áp đặt cho bất cứ
ai không phân biệt. Điều ghi nhận được với người mù từ thuở mới sinh là nhờ Người,
có những người trở thành thấy được và có những người lại trở nên đui mù (c.
39). Qua bảy cuộc gặp gỡ, trong đó Đức Giêsu chỉ có mặt ở lần đầu và hai lần
cuối, ta thấy diễn ra một tình huống đầy kịch tính và phong phú hậu quả.
Từ việc chữa lành anh mù, từ những cuộc tranh luận với những người xung quanh
Đức Giêsu và từ lời mạc khải về Đức Giêsu, người mù được dẫn đến chỗ thấy được
hoàn toàn, tin và thờ phượng Đức Giêsu. Các đối thủ chỉ thấy Đức Giêsu là một
người tội lỗi, đã vi phạm Lề Luật và chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Những
gì Đức Giêsu đã làm và qua đó lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa được tỏ bày
ra, đối với họ, lại là một công trình chống lại Thiên Chúa. Ánh sáng làm
cho người ta thấy Thiên Chúa, thấy Đấng Thiên Chúa sai phái và lễ dâng của Đấng
ấy để cứu độ thế giới, lại làm cho mọi sự ra tối tăm đối với họ. Chỉ ai mở ra,
ai chấp nhận được giáo huấn và hướng dẫn, mới có thể gặp Đức Giêsu và nhận được
ánh sáng ban ơn cứu độ.
Như thế, chẳng phải là anh mù bẩm sinh hay cha mẹ anh ta
là những người tội lỗi (x. c. 2t), nhưng những kẻ từ chối tin Đức Giêsu mới có
tội (c. 40t). Một lần nữa, TM IV vượt xa hơn những tranh luận halakha[1]
liên hệ đến luật sa-bát, để đưa độc giả đến chỗ chọn đứng về phía Đức Giêsu,
Đấng được Chúa Cha sai đến, hay là chống lại Người.
5.-
Gợi ý suy niệm
1. Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi về thái độ của chúng ta
khi đứng trước đau khổ của người khác. Chúng ta có tự hỏi là vì sao và do đâu
mà có đau khổ này, hoặc mục đích của nỗi đau khổ này là gì chăng? Nhất là chúng
ta có biết nhìn sự đau khổ của người khác như Đức Giêsu đã nhìn chăng? Không
nên kết luận rằng những người phải khốn khổ là nạn nhân của một số phận
mù quáng. Một Kitô hữu chân chính không được nghĩ rằng Thiên Chúa trừng phạt
người ta. Sớm hay muộn, Thiên Chúa sẽ làm rạng tỏ nơi họ quyền năng và lòng
thương xót của Ngài (x. Rm 8,28).
2. Con đường anh mù đã rảo qua cho chúng ta hiểu cách
thức Đức Giêsu hành động trong tư cách là “ánh sáng cho trần gian”. Người không
chỉ hiện diện trên mặt đất, Người còn đi gặp loài người, chữa lành họ và dẫn họ
đi tới, để họ thấy càng ngày càng rõ hơn là Người từ đâu đến và Người là ai. Dù
sao, chúng ta cũng biết rằng không phải chính chúng ta sẽ bảo cho Đức Giêsu
biết phải sống thế nào và phải làm gì. Chúng ta cần phải để cho Người chỉ cho
biết Người là ai và Người muốn mang đến cho chúng ta điều gì.
3. Anh mù đã càng lúc càng hiểu rõ hơn việc anh được
lành. Hôm nay tôi có thể tìm hiểu xem kinh nghiệm nào đã là khởi điểm để tôi
hiểu Đức Giêsu ngày càng sâu xa hơn. Cần phải nhớ lại kinh nghiệm anh mù đã
trải qua. Vì nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai phái, anh bị tống ra
ngoài cộng đoàn; người ta đuổi anh như đuổi một kẻ tội lỗi. Cả cha mẹ
anh cũng từ chối bảo vệ anh. Khi đó, niềm tin đưa đến hậu quả là sự cô đơn.
Phải vượt lên trên nỗi sợ hãi, sự cả nể, mối bận tâm đến ý kiến của người đời,
để có thể sống độc lập, và đi đến tự do chân chính.
4. Con người vừa là ánh sáng vừa là bóng tối. Con người
có khả năng tự làm mình ra đui mù, đưa ra những lý do để khỏi thấy, tạo ra cho
mình những xác tín giả trá, từ chối mở mắt ra, mà lại nói là mình “đang thấy”.
Ánh sáng rất đòi hỏi: nó bắt ta xét lại nhiều chuyện, từ bỏ nhiều thói quen,
đôi khi phải đoạn tuyệt với cả một môi trường. Bị đui mù mà biết nhìn
nhận mình thiếu ánh sáng và không thấy, thì không phải là một tội; nhưng
tự hào là mình biết tất cả về Thiên Chúa và về thế giới và từ chối ánh sáng đến
từ Thiên Chúa, điều này đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, nên là một tội.
Lm FX Vũ
Phan Long, ofm
[1] Midrash halakha là những lời giải thích các bản văn Kinh Thánh liên quan
đến các bản văn luật pháp. Các Rabbi giải thích các khoản Luật ghi chép trong
Kinh Thánh để dân chúng có thể áp dụng vào cuộc sống thường nhật. Mỗi thời đại
có hoàn cảnh sống khác nhau, vì thế các khoản luật cần được giải thích và thích
nghi với hoàn cảnh mới.