CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY, NĂM A
CHUYỂN RỜI, ĐẾN GẶP VÀ TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG
(Ed 37,12- 14; Rm 8,8- 11; Ga,11,1- 45)
Chúng ta đang sống trong tinh thần Mùa Chay.
Mùa Chay nhắc nhớ chúng ta ăn chay, hãm mình và làm việc bác ái. Thiết nghĩ,
làm những việc đó để làm gì nếu không phải hy vọng được tha thứ tội lỗi, và
mong đạt được sự sống đời đời sau cái chết!
Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng
ta chân trời hy vọng ấy khi trình thuật phép lạ Đức Giêsu cho anh Ladarô chết sống
lại!
Qua phép lạ cho Ladarô hồi sinh sau khi chết,
Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta thấy Ngài chính là nội dung của niềm hy vọng
phục sinh; đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác nơi Ngài,
thì cũng sẽ được sống. Vì thế, chính Ngài đã nói: “Chính Thầy là sự
sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga
11, 25). Các bài đọc sẽ lần lượt giúp cho chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa
bài Tin Mừng hôm nay.
1. Ý nghĩa Lời Chúa
Trước tiên là bài đọc I (Ed 37, 12-14),
trình thuật việc dân
Tiếp theo, bài đọc II (Rm 8, 8-11), thánh
Phaolô đã lay động tâm hồn tín hữu Rôma bằng việc đưa ra những hình ảnh gợi cảm
nhằm biểu đạt một niềm hy vọng cho tương lai. Vì vậy, ngài đã ví những người
sống trong cảnh buông thả, dung dưỡng xác thịt, không sống theo Thần Khí thì
chẳng khác gì một người đang bị nấm mồ thần chết vô hình do tội lỗi vây hãm.
Tuy nhiên, thánh nhân cũng củng cố niềm tin và mời gọi hãy gắn bó với Đức Giêsu
nhờ Thánh Thần của Ngài, để Ngài giải thoát chúng ta khỏi ách thong trị của tội
và ban cho chúng ta sự sống lại.
Cuối cùng, bài Tin Mừng đem lại cho chúng ta
tràn đầy hy vọng khi trình thuật việc Đức Giêsu cho anh Ladarô là bạn thân tín
của Ngài đã chết 4 ngày được sống lại. Sự hồi sinh Ladarô, một mặt nhờ niềm tin
của Martha, mặt khác để tôn vinh Thiên Chúa Cha, và để củng cố niềm tin nơi các
môn đệ cũng như những người hiện diện, đồng thời cũng tiên báo một cuộc sống
mới sau cái chết của những người tin vào Đức Giêsu.
2. Đức Giêsu là sự sống
Nếu Chúa Nhật 4 Mùa Chay, câu chuyện Tin Mừng
mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu chính là sự sáng thế gian qua trình
thật việc Đức Giêsu làm phép lạ cho người mù được sáng mắt, thì Chúa Nhật này,
như một sự tiệm tiến để dẫn đến một mặc khải quan trọng hơn, mặc khải về Đức
Giêsu chính là sự sống.
Trình thuật được khởi đi từ việc Đức Giêsu
quyết định đi lên Giêrusalem.
Đi lên Giêrusalem vào
thời điểm này thì đồng nghĩa với việc đón nhận cái chết. Nhưng vì vâng lời Chúa
Cha và yêu thương con người, nên Ngài đã sẵn sàng.
Vì vậy, khi nghe thấy có người đưa tin về
Ladarô bạn của Ngài đau mệt, Đức Giêsu đã không đi ngay, mà phải đợi đến khi
Ladarô chết và được an táng tới 4 ngày trong mồ, Ngài và các môn đệ mới tới.
Khi đến Bêtania, Ngài thổn thức vì thấy nỗi
đau khổ của hai chị em Martha và Maria mất em, của những người hàng xóm thương
khóc bạn thân. Thấy Đức Giêsu, Martha đã chạy lại và nói: “Thưa Thầy,
nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết" (Ga 11, 21). Lời nói này
có thể là một lời trách nhẹ và cũng là một lời tuyên xưng niềm tin mãnh liệt
vào Đức Giêsu. Thật thế, ngay sau câu nói đó, Martha tiếp: "Nhưng
bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban
cho Thầy" (Ga 11, 22).
Đức Giêsu đã không để cho Martha thất vọng và
những người Dothái phải chờ đợi, vì thế Ngài đã trấn an ngay: "Em
chị sẽ sống lại!". Tuy nhiên, Martha hiểu về việc thân xác của
Ladarô sẽ được phục sinh trong ngày sau hết: "Con biết em con sẽ
sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 11, 24). Nhưng
Đức Giêsu đã khẳng định rằng Ngài có toàn quyền trên sự chết khi nói: “Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ
được sống” (Ga 11, 25). Tuy nhiên, vì quá đỗi hồi hộp và luýnh quýnh,
niềm tin lại một lần nữa bị thử thách đối với Martha, vì thế bà thưa: "Thưa
Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày". Nhưng
Đức Giêsu đã đòi Martha phải đặt trọn niền tin vào Thiên Chúa: "Nào
Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của
Thiên Chúa sao?” (Ga 11, 39). Và như một sự minh định, Ngài đã truyền
lệnh cho lăn phiến đá lấp cửa mồ ra, và lớn tiếng truyền lệnh cho Ladarô ra
khỏi mồ. Ngay lập tức, Ladarô tiến ra và thần chết đã bị đẩy lui cho sự sống
hồi sinh.
Qua lệnh truyền và hình ảnh các mảnh vải quấn
thân xác của Ladarô được tháo cởi, có ý muốn nói lên sự chết không còn có quyền
chi đới với Đức Giêsu nữa, và khi con người được giải thoát khỏi nấm mồ sự chết
thì cũng là lúc con người được tự do đích thực và cái chết không thể chế ngự
được gì trước Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Như vậy, việc Đức Giêsu cố tình chậm trễ như
thế là để nhằm cho người ta thấy rằng, Ngài làm chủ trên sự sống và sự chết của
con người. Khi Đức Giêsu đã chiến thắng thần chết trên Ladarô thì cũng là lúc
giờ Thiên Chúa Cha được tôn vinh nơi Ngài.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Dưới ngòi bút của một nhà thần học siêu
nghiệm, thánh Gioan muốn nhấn mạnh đến sự “chuyển rời” hiện
tại để hướng đến một bước tiến mới.
Trước tiên là sự “chuyển rời” của
người đưa tin cho Đức Giêsu về việc Ladarô đang bệnh nặng; rồi Đức Giêsu và các
môn đệ “chuyển rời” từ bên kia sông Giođan để đến Bêtania;
Martha đã “chuyển rời” từ trong nhà để ra đón Ngài; Đức Giêsu,
các môn đệ, hai người chị của người chết và những người Dothái đã “chuyển
rời” từ nhà của người chết để đến nơi đã an táng; và cuối cùng là
Ladarô “chuyển rời” để ra khỏi mồ.
Hình ảnh này cho chúng ta thấy rằng, đời sống
của con người chúng ta cần phải “chuyển rời” để thay đổi nếp
sống cũ, con đường cũ, nói chung là con người và hành vi tội lỗi của chúng ta,
để thay vào đó là một cuộc đời mới, cuộc đời thánh thiện, công chính; một cuộc
đời và một sự sống có Chúa. Khi có Chúa, chúng ta đạt được sự sung mãn trong
tình yêu của Chúa.
Thật vậy, Nếu chúng ta sống dung túng và hào
phóng trong tội. Không gắn bó với Chúa, chúng ta cũng sẽ chết. Tuy nhiên, nếu
chúng ta thay đổi nếp sống cũ là ích kỷ, tham lam, hà tiện, kiêu ngạo... và tin
tưởng vào Đức Giêsu, thì chúng ta cũng sẽ được sống đời đời: “Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ
được sống” (Ga 11, 25).
Khi tin như thế, cả con người và hành vi của
chúng ta hướng về Chúa, về Nước Trời và như một sự “chuyển rời” để
từ ích kỷ đến lòng bao dung; từ thất vọng đến niềm hy vọng; từ miền u tối đến
miền ánh sang; từ sự chết đến nguồn sự sống. Như vậy, nhờ có sự “chuyển
rời” mà sự chết nơi chúng ta là những người tin, không trở nên bi đát,
ngõ cụt. Nhưng chỉ là một cuộc chuyển mình hầu vượt qua cái chết để tiến đến
vinh quang mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã làm phép lạ cho Ladarô chết 4 ngày sống lại, nhằm củng cố niềm tin của những người đương thời với Chúa, và cũng mặc khải cho mỗi người chúng con biết rằng: chính Chúa là sự sống lại và là sự sống. Xin cho mỗi người chúng con ý thức được điều đó để thêm tin, thêm mến, thêm cậy trông vào Chúa hầu được sự sống đời đời. Amen.