ngôi
lỜi đã làm ngưỜi
(Gioan 1,1-18 – Lễ Giáng Sinh - Ban ngày)
1.- Ngữ cảnh
Mười tám câu đầu tiên của Tin Mừng IV được nhiều học giả coi như
là một Lời Tựa long trọng của tác phẩm: giọng văn của phân đoạn này cũng
như các đề tài chính của Tin Mừng
được hàm chứa trong đó biện minh cho nhận định này. Đoi với những tác giả khác,
Lời Tựa là như phần Mở của Tin
Mừng, theo nghĩa là một vở nhạc kịch có một phần mở: các đề
tài chính sẽ được nhắc lại trong phần thân của Tin Mừng (sự sống, ánh sáng, sự thật, vinh quang, Con, tin, làm con
Thiên Chúa, thế gian, bóng tối, v.v.). Lại có những tác giả khác cho rằng Lời
Tựa là một bản văn theo đúng quy luật viết văn thời Thượng Cổ Hy Lạp và La-tinh
nhằm giúp độc giả hiểu các mục tiêu của bài tường thuật đến sau, nghĩa là cung
cấp cho độc giả các phương tiện giúp họ biết được đối tượng và diễn tiến của
bài tường thuật (Zumstein). Cuối cùng, có một số tác giả cho rằng cc.
1-18 còn hơn là một lời tựa hay một phần mở nữa; các câu ấy chính
là Tin Mừng trong một cái nhìn tổng hợp và sâu sắc, tất cả phần còn lại
chỉ lấy lại sứ điệp mà diễn tả chi tiết bằng những câu truyện, qua đó ta thấy
Ngôi Lời đã đến trong thế gian này và chia loài người thành hai khối trước mặt
Người cách nhiệm mầu.
Tuy nhiên, cũng có những khác biệt
quan trọng giữa Lời Tựa và Tin Mừng.
Thể thơ trong cc. 1-5.9-12.14-18 chỉ có ở trong Lời Tựa. Dung mạo trung tâm của
Lời Tựa là “Lời” (logos) sẽ không bao
giờ được nhắc đến nữa trong phần còn lại của TM. Một số từ ngữ quan trọng tập trung trong cc. 14-18, chẳng hạn
“ân sủng” (charis), “sung mãn” (plêrôma)
và “ở trong lều (= cư ngụ)” (skênoun) không thấy xuất hiện ở chỗ nào
khác ngoài Lời Tựa…
Những điểm tương đồng và dị biệt giữa
Lời Tựa và TM đã khiến các nhà chú
giải đi đến ba kiểu nhận định về cách soạn thảo Lời Tựa:
- Bởi vì có nhiều điểm tương đồng, một
số vị cho rằng cùng một tác giả đã soạn Lời Tựa và Tin Mừng.
- Do có những khác biệt, những vị khác
nghĩ rằng Lời Tựa không phải là công trình nguyên thủy của tác giả, nhưng là
một bài thơ hay là một bài thánh ca có sẵn đã được cải biên để mở
đầu TM. Tuy nhiên, lập trường này
không thể giải thích được vì sao trong bài thơ gốc ấy lại có quá nhiều từ ngữ
chuyên biệt của TM IV như vậy (ví dụ:
sự sống, ánh sáng, bóng tối, làm chứng, thế gian, vinh quang…).
- Một số vị cho rằng Lời Tựa là một
thánh ca Kitô học truyền thống, có lẽ đã được sáng tác ra trong cộng đoàn
Gioan, và đã được tác giả TM đặc biệt
cải biên thành một phần mở của TM.
Ý kiến này được hỗ trợ bởi các điểm tương đồng về từ vựng và đề tài giữa Lời
Tựa và phần còn lại của TM cũng như
bởi các thánh ca Kitô học trong một số thư Phaolô (x. Pl 2,6-11; Cl 1,15-20; 1 Tm 3,16).
Dù
thế nào đi nữa, hiện nay Lời Tựa có đó như một dẫn nhập tuyệt vời vào TM IV. Hầu như chắc chắn là Lời Tựa,
cũng như phần Kết của TM, đã được
thêm vào sau khi quyển TM đã được
viết xong. Như thế, Lời Tựa có thể được coi như một suy tư vừa để nghiền
ngẫm vừa để đánh giá TM, do tác giả
và cộng đoàn ngài đã ghi lại trong quyển TM
vừa mới hoàn tất, đặc biệt về lời công bố của quyển TM là bản thân Đức Giêsu là Đấng Mêsia và Con Thiên Chúa. Lời Tựa
có thể được coi như “lời chú giải có uy tín và chính lục” cổ nhất về quyển TM IV. Nó cũng cung cấp chìa khóa để chú
giải TM IV (Collins). Và như vậy, Lời
Tựa chỉ “hoàn toàn hiểu được” đối với người nào “biết trọn quyển Tin Mừng”
(Bultmann). Chúng ta có thể tóm tất cả các quan điểm trên đây bằng nhận định
của Zumstein: “Lời tựa xác định quy chế
thần học của truyện Đức Giêsu trần thế. Truyện này phải được hiểu như là truyện
về cuộc nhập thể của Lời Thiên Chúa, như hành vi yêu thương của Thiên Chúa, cho
Logos của Ngài nhập thể để cống hiến
cho loài người sự sống viên mãn. Truyện Đức Giêsu trần thế phải được hiểu như
là cử chỉ mạc khải tuyệt hảo”.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành hai phần:
1) Ngôi
Lời Thiên Chúa là Sự Sống và Ánh sáng (1,1-13):
a) Lời ban sự sống (1,1-5),
b) Gioan là chứng nhân (1,6-8 [15]),
c) Ngôi Lời là ánh sáng thật (1,9-13);
2) Ngôi Lời Thiên Chúa là ân sủng và
sự thật (1,14.16-18).
3.- Vài điểm chú giải
- Lúc khởi đầu (1): Đây là những từ đầu tiên của
sách Sáng thế, nhắm tới không phải là khởi đầu thời gian của thế giới,
nhưng là khởi đầu tuyệt đối (x. St
1,1). Dĩ nhiên, tác giả không thể biết được điều gì ở “lúc khởi đầu”, vì chưa
có gì cả, kể cả loài người. Thật ra Lời Tựa là một lời tuyên xưng niềm tin,
được gửi đến các độc giả để mong chia sẻ.
- có (1): Động từ ên
(was, était) ở thì vị-hoàn (imperfect) diễn tả sự kéo dài: Lời luôn hiện hữu
cách siêu vời và vĩnh cửu.
- Lời (1): Đối với người Sêmít, “lời” không phải chỉ là
một âm thanh của tiếng nói, sẽ tan biến đi theo nhịp độ ta phát ra. Theo
họ, một khi lời con người đã được nói ra, thì tồn tại như một sức mạnh
huyền nhiệm, luôn luôn làm việc để tạo ra cái mà lời ấy diễn tả, về mặt tốt hay
xấu. Trong Tân Ước, Đức Giêsu không
bao giờ tự xưng là “Lời” và cũng chưa bao giờ được gọi như thế ngoài những bản
văn Gioan. Nhưng trong các bản văn Cựu Ước và Tân Ước, có những chuẩn bị cho giáo lý của TM IV về Ngôi Lời. Chẳng hạn, có ba trào lưu tư tưởng nhắm nhân
cách hóa Đức Khôn Ngoan, Lề Luật và Lời Thiên Chúa (Cn 8,22t; Hc 24,22t; Is 55,10t; Kn 18,14t), cũng như có khuynh hướng đồng hóa sự Khôn Ngoan với Lời
Thiên Chúa, thậm chí đồng hóa Lề Luật với Lời (Hc 24,1.3.22t). Đàng khác, trong các bản văn đầu tiên của Tân Ước, Lời có nghĩa là sứ điệp cứu độ
nơi Đức Giêsu Kitô, và thánh Phaolô đã trình bày Đức Kitô như là Đức Khôn Ngoan
của Thiên Chúa và gán cho Lời những phẩm tính tương tự các phẩm tính của Đức
Giêsu Kitô (Cv 8,4; 19,20; 1 Cr 1,24; Pl 2,16).
- Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa (2): Giới từ pros cho thấy một
sự hướng chiều về một người nào. Tách khỏi Cha được gọi là Thiên
Chúa, Ngôi Lời cũng ở trong một sự hiệp thông hoàn hảo với Chúa Cha.
- Nhờ Người, vạn vật được tạo thành (3): Dịch sát là “nhờ Người, mọi sự
đã trở thành (egeneto)”: Đọng từ egeneto cũng được Bản LXX sử
dụng trong St 1,3, diễn tả rất rõ
việc tạo thành mọi sự “từ không có gì” (a nihilo) (x. 17,24). Thiên Chúa
nhờ trung gian của Ngôi Lời mà tạo thành vạn vật. Cựu Ước đã gán công cuộc tạo dựng thế giới cho Lời Thiên Chúa (Tv 33,6.9; 147,15-18; Is 40,26; 48,3; Kn 9,1; x. St 1,3) hoặc
cho Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa (Cn
8,27-30; Kn 7,12; 8,4; 9,9).
-
không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành lại đã được tạo thành (3): Chỗ cắt giữa c. 3 và c. 4 là một
vấn đề được tranh luận rất nhiều. Bởi vì cả truyền thống thủ bản lẫn ngữ
pháp không cho phép vĩnh viễn giải quyết cuộc tranh luận, thì phải giải quyết
bằng chú giải. Nếu ghép c. 3c với c. 4a, có thể đọc c. 3 theo nhiều cách:
- những gì đã
được tạo thành thì là sự sống nơi Người;
- những gì đã
được tạo thành, trong những cái đó (tức trong thế gian) có sự sống;
- những gì đã
được tạo thành, trong những cái đó, Logos là sự sống;
- những gì đã
được tạo thành nơi Người, đó là sự sống.
Tất
cả các cách dịch và giải thích đó, vì gán cho từ ngữ “sự sống” ý nghĩa là sự
sống tự nhiên, chung cho mọi sinh vật, đều vấp phải một vấn nạn căn bản
như nhau, đó là chưa nói đến những khó khăn riêng của mỗi kiểu dịch. Quả thế,
cho dù không có kèm theo tính từ “đời đời/vĩnh cửu”, “sự sống” thường được nói
đến trong TM IV luôn luôn là sự
sống đời đời mà Đức Kitô mang đến cho loài người: loài người nhận được sự
sống đó chính là được cứu độ. Đàng khác, ngữ cảnh gần lại cho thấy: mệnh đề kết
hợp (coordinate) tiếp đó lấy lại từ “sự sống” với quán từ[1]:
Tin Mừng bảo chúng ta rằng sự sống vừa nói đó là “ánh sáng cho nhân loại”. Do
đó, chắc chắn sự sống đó phải là sự sống thần linh, lúc đầu có từ muôn đời
trong Ngôi Lời, rồi được Người thông ban cho loài người.
-
Câu 3 là câu thơ ở thể biền ngẫu đối nghĩa,
nhằm nêu bật rằng Ngôi Lời đóng vai trò trung gian tuyệt đối trong công trình
tạo dựng.
-
Ngôi Lời là ánh sáng thật (9): Đây là một biểu tượng quan trọng của TM IV
để nói về vai trò của Ngôi Lời. Tác giả sẽ dùng công thức “ánh sáng cho trần
gian” như một dấu hiệu ở ngay đầu sách, để giúp độc giả nhạy cảm với cặp biểu
tượng ánh sáng/bóng tối mỗi khi nó xuất hiện: khi nghe Đức Giêsu tuyên bố Người
là “ánh sáng cho trần gian” (8,12), độc giả sẽ hiểu chiều kích biểu tượng của
việc chữa cho người mù bẩm sinh thấy, là tin vào Đức Kitô (x. ch. 9). Rồi độc
giả cũng sẽ hiểu tại sao Giuđa bỏ Đức Giêsu ban đêm (13,30), tại sao Maria
Mácđala đến mộ khi trời còn tối (20,1), hoặc tại sao các môn đệ ở ch. 21 đã
đánh cá suốt đêm mà không bắt được gì cho tới khi gặp Đấng Phục Sinh vào buổi
sáng.
-
những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người (12): Tin vào ai có nghĩa là hoàn
toàn gắn bó với người ấy, đặt mọi sự dựa vào người ấy, tin tưởng hoàn toàn vào
người ấy. Đây là thái độ căn bản của con người đối với Đức Giêsu. Có 33 lần,
tác giả nói đến “tin vào Đức Giêsu”, chỉ 1 lần “tin vào Thiên Chúa”
(14,1). “Tin vào danh” là một công thức hiếm hơn (1,12; 2,23; 3,18; 1 Ga 5,13) và luôn luôn quy về Đức
Giêsu; công thức này có nghĩa là đặt tất cả sự tin tưởng vào tư cách của con
người được nêu tên.
-
Ngôi Lời đã trở nên người phàm (14):
Dịch sát là “đã trở thành xác thịt/xác phàm”. Từ ngữ “xác thịt” (sarx)
trong Kinh Thánh không nhắm đến một
phần của con người, hoặc thậm chí thân xác của người ấy, mà là con người
toàn vẹn, nhưng yếu đuối và mỏng giòn mong manh, một hữu thể phải chịu
đau đớn và phải chết.
-
Chúng tôi (14.16; x. 21,24): “Chúng tôi” đây là ai? Vấn đề trở nên phức tạp hơn
khi “chúng tôi” ở bên cạnh các đại từ chỉ ngôi khác, chẳng hạn 1 Ga 1,1-4
(1 Ga 4,2 đưa đến Ga 1,14). Đàng khác, “chúng tôi” được dùng với
sắc thái làm chứng: Ga 21,24 đưa về 19,35 và đưa đến cả 3 Ga 12.
Phải chăng đại từ “anh em” (you) của Ga 15,26-27 là nguồn của từ
“chúng tôi” kia? Dường như tất cả những ai đã nhận được lệnh làm chứng về Chúa
Kitô trong Ga 15,26-27 không phải là những người xuất hiện trong TM
IV và trong các Thư với đại từ “chúng tôi”. Cuối cùng, sau khi đã
khảo sát, chúng ta nhận ra ba khả thể: (1) “Chúng tôi” đây là loài người nói
chung; (2) là các tín hữu hay các thành viên của cộng đoàn; 3) các chứng nhân
đứng đầu cộng đoàn, chịu trách nhiệm ít nhiều về việc soạn thảo TM và
các Thư. Thật ra trong mỗi “chúng tôi”, đều có một cái “tôi” nổi bật,
được một nhóm người đi theo. “Chúng tôi” không phải là “tôi” được nhân lên,
nhưng là “tôi” như phát ngôn nhân của nhóm (pluralis modestiae). “Chúng
tôi” bao gồm (inclusive) thì tương đương với “tôi” + “anh em” = dịch là “chúng
ta”. “Chúng tôi” loại trừ (exclusive) thì tương đương với “tôi” + “họ” = “chúng
tôi”. Trong hy ngữ Tân Ước, và nói chung, hy ngữ Kinh Thánh, không có “chúng
tôi cung kính” (pluralis maiestatis). Rất có thể “chúng tôi” đây là
những vị hữu trách của cộng đoàn.
-
Chúa Cha (14.18): TM IV dùng từ “Cha” để gọi Thiên Chúa 122 lần trong quan hệ với Đức
Giêsu; chỉ có 3 lần là “Cha của loài người” (8,41-42 [2x]; 20,17 [1x]). Cũng
trong TM này, chỉ Đức Giêsu được gọi
là “Con Thiên Chúa” theo nghĩa riêng, trên một bình diện bình đẳng và
đồng phân với Thiên Chúa; loài người không được gọi là “con”, mà là “tạo thành”
của Thiên Chúa.
- ân sủng và sự thật (17): Luật thế đôi (hendiadys) để nói là “ân sủng sự thật”
hoặc “sự thật là ân sủng”. Sự song đối giữa c. 17a và 17b không phải là một
sự đối lập, nhưng là một đỉnh điểm
(climax). Hai về này có mục đích giải thích cụm từ “hết ơn này đến ơn khác” (charin anti charitos) của c. 16. Cả Luật
Môsê lẫn mạc khải của Đức Giêsu đều là quà tặng do lòng quảng đại của Thiên
Chúa. Cả hai hình thái mạc khải này đều phát xuất từ một nguồn mạch duy nhất:
Logos Thiên Chúa, Đấng đã soi sáng cho Môsê.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Mỗi
tác giả Tin Mừng bắt đầu theo cách
của mình. Mt liên kết với lịch sử cứu độ: ngài tức khắc giới thiệu Đức
Giêsu Kitô như là con cháu vua Đavít và con cháu tổ phụ Abraham (Mt 1,1-17). Mc quy chiếu về công
việc rao giảng Tin Mừng hiện tại: Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (Mc 1,1-15). Lc bắt đầu tác phẩm
theo cách các sử gia cổ thời, với một lời tựa, cho biết ngài tiến hành
có lớp lang (Lc 1,3): ở 1,31, ngài
giới thiệu tên Đức Giêsu lần đầu và ở 2,11, ngài cho biết địa vị của Đức Giêsu.
Còn tác giả Gioan, trước khi gọi tên Đức Giêsu Kitô ở 1,17, thì ở
1,1-13, đã nêu lên những đặc điểm của Đức Giêsu và ở 1,14-18, mô tả hình thức,
các nội dung và những điểm liên can đến biến cố Đức Giêsu đến trần gian.
* Ngôi Lời Thiên Chúa là Sự Sống và
Ánh sáng (1-13)
Đối
với tác giả TM IV, Đức Giêsu Kitô là
Ngôi Lời. Bằng danh xưng này, ngài muốn diễn tả ra thực tại thâm sâu nhất
của Đức Giêsu, sự kiện Người nhiệm xuất từ Thiên Chúa và tầm quan trọng của
Người đối với loài người chúng ta. Dân Israel nhận biết vị Thiên Chúa của riêng
mình như là Đấng nói với họ: không phải như vị Thiên Chúa khép kín mình lại và
giam mình trong cõi thinh lặng, vị Thiên Chúa vô danh, xa cách và gây ra sợ
hãi, nhưng như vị Thiên Chúa ngỏ lời với họ và cho họ biết các ý định và ý muốn
của Ngài. Ngài đã nói với Abraham, đã gọi ông và đã ban cho ông lời hứa là muôn
dân được chúc phúc (x. St 12,1-3).
Qua trung gian Môsê, Ngài đã giải phóng dân Ngài khỏi kiếp nô lệ và đã cho biết
ý muốn của Ngài đặc biệt trong “Mười điều răn”. Nhờ các ngôn sứ, Ngài đã can
thiệp vào trong các tình cảnh khác nhau của lịch sử dân Ngài. Ngài đã ngỏ lời
với họ, để cho họ truyền đạt như là lời khuyên nhủ, lời khuyến cáo, lời hứa và
lời động viên. Lời Thiên Chúa ở tại khởi đầu của toàn thể lịch sử. Bằng Lời tạo
dựng quyền năng, Thiên Chúa đã gọi mọi sự ra hiện hữu. Nhờ Lời này, Thiên Chúa
giao tiếp với các tạo thành của Ngài, tự mạc khải ra cho họ, cho họ được thông
dự vào tất cả dự phóng và ý muốn của Ngài về họ. Lời Thiên Chúa đã ban sự hiện
hữu và sự sống. Lời này ngỏ với chúng ta, và kêu gọi chúng ta dấn thân. Lời này
vừa là yêu cầu vừa là lời hứa. Lời này đến từ Thiên Chúa, làm nền tảng và xác
định tương quan giữa Thiên Chúa và loài người.
Đức
Giêsu Kitô không chỉ truyền đạt Lời Chúa như một ngôn sứ, nhưng Người chính
là Lời này, Lời đầu tiên và Lời cuối cùng của Thiên Chúa. Nơi Người, Thiên
Chúa tự mạc khải ra vĩnh viễn và chan hòa, Thiên Chúa nói với chúng ta và cho
ta được biết Người. Khi Người ngỏ lời với chúng ta, thì cũng luôn luôn có một
yêu cầu, một đòi hỏi phải trả lẽ. Các đặc điểm của Lời Thiên Chúa
này là thế nào, Người đến từ những chiều sâu nào, Người có tương quan thế nào
với toàn thể tạo thành, tương quan với Người thì đưa lại điều gì cho loài người
chúng ta, tất cả những điểm này đều được tác giả Ga mô tả trong 1,1-13.
Lời đang ở nơi Đức Giêsu Kitô đã được
chuyển đến cho loài người chúng ta không phải để vang lên rồi tắt mất, nhưng
Lời ấy vĩnh cửu và trường tồn như Thiên Chúa: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu,
Người vẫn hướng về Thiên Chúa” (Ga
1,1-2). Tương quan của Ngôi Lời Thiên Chúa với chính Thiên Chúa được xác định ở
đây với ba ý: Ngôi Lời thì vĩnh cửu và vô tạo như Thiên Chúa; Người sống trong
sự hợp nhất trường tồn với Thiên Chúa; Người là Thiên Chúa theo cùng một cách
như Thiên Chúa là Thiên Chúa. Ba điểm này được tóm trong c. 2, được nhắc lại và
khẳng định như là bất biến. Chúng nêu lên bản chất sâu xa nhất, đặc tính chính
yếu và tư cách của Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa: TM IV nói với chúng ta về hành trình, các lời nói và các hành động
của Người trên mặt đất. Trong tất cả những gì Đức Giêsu làm, ta thấy được điều
này: Người không phải là người mang các lời của Thiên Chúa, mà là chính Lời
Thiên Chúa, Lời vững chắc và đáng tin như chính Thiên Chúa trong thần tính sâu
xa và cao cả của Ngài.
Kinh
Thánh mở ra với khẳng định: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Ngược lại, TM IV không mở đầu bằng lời khẳng định: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa
sáng tạo Lời”, nhưng bằng lời khẳng định: “Lúc khởi đầu đã có [Ngôi] Lời”.
Giống như Thiên Chúa, Ngôi Lời không được tạo thành, nhưng hiện hữu từ muôn
đời, sống trước cuộc tạo dựng, không có khởi đầu và không có kết thúc, vĩnh cửu
và không ai trổi vượt hơn. Ngôi Lời vĩnh cửu này ở bên Thiên Chúa từ muôn đời.
Người là một đối tác hằng sống của Thiên Chúa và liên kết với Thiên Chúa
bằng một sự hợp nhất vĩnh cửu và không có trung gian. Sự hợp nhất này
xảy ra ngay trên bình diện Thiên Chúa; các đối tác bình đẳng với nhau. Ở
đây không phải là tương quan giữa Đấng Tạo Hóa và tạo thành. Ngôi Lời có bản
tính Thiên Chúa, phẩm cách Thiên Chúa, Người có cùng bình diện hiện sinh của
Thiên Chúa, Người là Thiên Chúa, Thiên Chúa thế nào thì Người cũng là như thế.
Chỉ khởi đi từ tương quan của Người với Thiên Chúa, ta mới có thể hiểu được tầm
quan trọng và giá trị, quyền năng và sự viên mãn của Ngôi Lời.
Từ muôn thuở muôn đời và vô biên trước
tương quan Tạo Hóa–tạo thành, có tương quan Thiên Chúa–Lời Thiên Chúa. Bây giờ
tương quan của Ngôi Lời với tạo thành mới được nói đến: “Nhờ [Ngôi] Lời, vạn
vật được tạo thành”. Khẳng định này lại được nhắc lại và nhấn mạnh: “Và không
có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (1,3). Toàn thể tạo thành nhờ Lời Thiên
Chúa mà có (x. 1 Cr 8,6; Cl 1,16; Dt 1,2), lệ thuộc vào Người mà hiện hữu. Ngôi Lời sống trong sự hợp
nhất vĩnh cửu với Thiên Chúa. Người gắn bó với tạo thành ngay từ thuở ban đầu,
nhưng trong bản tính, Người là Lời Thiên Chúa. Do đó, khi đến trần gian, Người
không thiết lập một tương quan mới với tạo thành, Người không đi vào một
xứ sở xa lạ, nhưng Người đến nhà của Người, đến với sản nghiệp của Người (Ga 1,9-11). Khởi đi từ những tương quan
căn bản của Người, Người nhắm tới việc thông truyền và liên kết, Người là Lời
Thiên Chúa quay hướng về tạo thành của Người.
Tương quan đặc biệt của Ngôi Lời với
loài người được diễn tả bằng sự sống và ánh sáng. Trong Cựu Ước, có lời khẳng định: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv
119,105) và: “Lạy Chúa, thân con bị muôn phần khổ nhục, theo lời Ngài, xin cho
con được sống” (Tv 119,107). Đặc tính
căn bản của Ngôi Lời chắc chắn là sự sống vô cùng viên mãn, tức không có chút
gì là bóng tối sự chết và giới hạn nơi Người. Như thế, Ngôi Lời có đặc điểm như
Thiên Chúa, với lại Người là Thiên Chúa hằng sống (x. Ga 5,26). Nhờ sự sống viên mãn không hề cạn kiệt của Người, Ngôi
Lời trở thành ánh sáng cho loài người đang sống trong bóng tối và tiến về sự
chết. Ngôi Lời là ánh sáng chiếu soi, ánh sáng làm cho mọi sự nên rõ ràng và
làm cho ta có thể sống và định hướng đời mình.
Nhưng đến đây, lần đầu tiên, tác giả
cho thấy công trình của Ngôi Lời gặp một sức mạnh đối nghịch. Bóng tối
ngăn cản loài người nhận được ảnh hưởng của ánh sáng. Toàn thể TM IV nói đến cuộc xung đột giữa ánh
sáng và bóng tối. Nhưng ánh sáng vẫn tỏa rạng và thắng vượt. Cuối cùng, có lời
loan báo chiến thắng, tiên báo kết quả của trận đấu: “Bóng tối đã không diệt
được ánh sáng” (1,5). Ánh sáng mạnh mẽ và mang sự sống tiếp tục chiếu soi loài
người.
Sau khi nhìn lần đầu tiên đến chứng
nhân Gioan, tác giả giải thích lần cuối cùng biến cố Ngôi Lời đến trong thế
gian (1,9-13). Người đến như là ánh sáng thật soi chiếu mọi người. Tuy nhiên,
cách thức đón tiếp khác nhau. Hai lần tác giả nói rằng Ngôi Lời bị xua trừ.
Người đã ở trong thế gian, nhưng thế gian, tuy vẫn nhờ Người mà hiện hữu, lại
không nhận biết Người; tạo thành bị mù lòa và cứ muốn ở trong tình trạng mù lòa
khi ở trước Đấng Tạo nên mình. Từ ngữ “người nhà” một lần nữa cho thấy
thế giới con người là sở hữu của Đấng tạo thành nó, hoặc Israel là dân của
Thiên Chúa (x. Tv 135,4). Người nhà
của Người đã muốn đẩy Người ra cửa, chứ không muốn có Người ở với họ. Thế mà
không những Người đã tạo thành họ, Người còn xuống để đi tìm họ trong thế giới
của họ.
Nhưng Ngôi Lời Thiên Chúa cũng có được
tiếp đón. Người ta tiếp đón Người bằng đức tin, nhờ đó họ trở thành con Thiên
Chúa. Tin là một quyết định cá nhân, một thái độ của ý chí con người.
Đối với TM IV, “tin vào/tin vào danh”
là thái độ căn bản mà con người phải có đối với Đức Giêsu. Theo Ga 3,18 (x. 1 Ga 5,13), danh của Ngôi Lời là “Con Một Thiên Chúa” (x. Ga 1,14.18). Như thế, chúng ta đón tiếp
Ngôi Lời khi nhận biết Người là Con Một của Thiên Chúa và hoàn toàn tín thác
vào Người.
Tất cả những ai tin vào Ngôi Lời Thiên
Chúa thì được ban cho quyền trở nên con Thiên Chúa. Tương quan của một người
cha với các con có đặc điểm là người cha truyền thông sự sống cho các con và họ
sống một dây liên kết riêng tư thân tình. Các con của Thiên Chúa là
những người có sự sống phát xuất từ Thiên Chúa và có thể sống hợp nhất với
Ngài. Sự sống này hoàn toàn khác với sự sống trần gian: trong sự sống này, loại
trừ một loạt những nhân tố cho thấy nguồn gốc của sự sống trần gian tự
nhiên (Ga 1,13). Được sinh ra lần nữa
bởi Thiên Chúa (x. 3,3), chúng ta trở thành con của Ngài, chúng ta có sự sống
đời đời, được thông dự vào chính sự sống của Ngài. Sự tái sinh này tùy thuộc
niềm tin đặt nơi Con Một Thiên Chúa.
*
Ngôi Lời Thiên Chúa là ân sủng và sự thật (14.16-18)
Ngoại trừ tên của chứng nhân Gioan
(1,6), trong phần thứ nhất của Lời Tựa, chúng ta không gặp bất cứ tên người
nào. Sau khi tác giả đã nói nhiều điều về Ngôi Lời Thiên Chúa, phát sinh các
câu hỏi: Người ở trong thế gian như thế nào? Ta tìm ra Người ở đâu? Ai đã gặp
Người? Người có gì mà thông ban cho chúng ta?
Trong phần thứ hai (1,14-18), các tên
người được gom lại với nhau: một nhóm đi vào sân khấu, với tên gọi
“chúng ta/chúng tôi” (1,14.16). Các khẳng định đan quyện vào nhau. Trước khi khẳng
định rằng Ngôi Lời đã làm người (= đã thành xác phàm) có đầy ân sủng chân lý
(1,14), tác giả nói rằng: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người”
(1,14). Và trước khi nói rằng: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã
lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”, ngài nêu bật chứng tá của Gioan [Tẩy Giả]
(1,15). Chứng tá có tầm quan trọng đặc biệt cho khả năng thấy của nhóm
“chúng ta/chúng tôi” (x. 1,29.30.36). Tác giả TM hẳn là đang nhắm đến một kinh nghiệm phi thường khiến
ngài như nghẹt thở, và dường như ngài diễn tả điều này khi nêu lên chuỗi các
khẳng định đan quyện nhau. Kinh nghiệm lớn lao duy nhất, cuộc gặp gỡ với Ngôi
Lời làm người, hẳn là tác giả muốn diễn tả tất cả ngay trong một lần,
trong khi kinh nghiệm ấy chỉ có thể thông tri dần dà, từng phần một.
Ngôi Lời như là ánh sáng thế gian đã
đến (1,9), điều này được thể hiện trong việc Người “thành xác phàm”, trong việc
Người “làm người”. “Trở thành xác phàm” có nghĩa là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở
thành một con người thật sự, mỏng giòn và phải chết, và bằng cách đó
Người đã đến hiện diện trong thế gian như là ánh sáng cho loài người. Ngôi Lời
vô tạo, luôn ở trong một tương quan vĩnh cửu và sống động với Thiên Chúa
và là chính Thiên Chúa, nay vẫn không thôi là Lời Thiên Chúa ấy, lại đồng thời
trở thành một con người tất tử.
Trước khi nêu tên của con người ấy,
cũng là Lời Thiên Chúa, là người thật và là Thiên Chúa thật, tác giả TM IV phác ra các đặc điểm của sự hiện
diện thường trực của Người với loài người. Ngôi Lời không chỉ đến phớt qua rồi
biến mất ngay, nhưng đã sống lâu dài trong và với cộng đồng loài người: Người
đã cư ngụ giữa họ. Tác giả cũng mô tả cuộc gặp gỡ lạ lùng ngài đã có với Đấng
ấy: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người” (Ga 1,14). Không phải là một con người đơn lẻ, nhưng là một
nhóm đã được gặp Ngôi Lời đã trở thành xác phàm. Bởi vì ngài nói đến “chúng
ta/chúng tôi”, tác giả TM coi mình
thuộc về nhóm này. Đây là nhóm các môn đệ; họ đã được sống hiệp thông trực tiếp
với Đức Giêsu và hiểu thực tại đích thật của Người (x. 2,11; 20,30). Họ đã được
thấy “vinh quang của Con Một Chúa Cha” (1,14). Cựu Ước đã nói đến “vinh quang của Thiên Chúa” vào dịp các cuộc tỏ
mình của Thiên Chúa (x. Xh 24,16-17; Ed 1,28). “Vinh quang” này không phải là
bất cứ thứ huy hoàng lộng lẫy nào, nhưng là nguồn sáng chói lọi trong đó ta
trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngôi Lời Thiên Chúa, nay hiện diện như
là con người phải chết và ẩn giấu, trở thành thấy được cho các môn đệ trong
thực tại đích thực của Người. Các môn đệ đã được sống cuộc tỏ mình cho thấy bản
thân thâm sâu của Ngôi Lời, khiến họ nhạn được ánh sáng (Ga 1,4.9) và hết sức vui mừng (x. 1 Ga 1,4).
Đến đây đã rõ là Ngôi Lời chính là Con
duy nhất và vô song của Thiên Chúa, mà Chúa Cha đã cử đến trần gian. Tác giả
diễn tả tương quan có một không hai này nhiều cách: Thiên Chúa hầu như
chỉ là “Cha” của Đức Giêsu, và chỉ Đức Giêsu mới là “Con” của Thiên Chúa.
Ngôi Lời làm người, Chúa Con được Chúa
Cha sai phái đến thế gian, là Đấng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Công thức này cho biết điều gì
đã được ban cho loài người nhờ sự hiện diện của Ngôi Lời, điều gì các môn đệ đã
nhận được khi hiểu rõ ràng bản thân Ngôi Lời (1,16). Nhờ Đức Giêsu, là chính Sự
Thật của/về Thiên Chúa, đã được ban xuống cho chúng ta như “quà tặng” (= ân
sủng), ân sủng sự thật đã có đó (1,17;
x. 14,6). “Ân sủng sự thật” chính là mạc khải về một thực tại cho đến
nay vẫn còn ẩn giấu, nay được ban như một quà tặng, được ban nhưng-không. Vì
Người là “sự thật”, Người cho chúng ta được biết một phương diện hoàn
toàn mới của Thiên Chúa: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (14,9). Trong thân
phận là Con, Người mạc khải về Thiên Chúa như là Cha: ta không thể biết Đức
Giêsu như Con Thiên Chúa mà không đồng thời biết Thiên Chúa như là Cha của Đức
Giêsu. Được biết rõ như thế về Thiên Chúa là một ân sủng, là một sự
chiếu cố nhân ái của Thiên Chúa đối với loài người.
Để cho thấy đây là một điều mới
mẻ, tác giả so sánh với Cựu Ước. Nhờ
trung gian Môsê, Lề Luật đã được ban cho dân Chúa. Lề Luật này là lời Thiên
Chúa, dấu chỉ lòng ân cần của Thiên Chúa, cũng mạc khải ý muốn của Thiên Chúa,
xuyên qua các điều răn và các lời hứa của Thiên Chúa; Lề Luật loan báo điều mà
chính Thiên Chúa muốn làm, điều Ngài sẽ ban cho dân Ngài (x. Ga 1,45; 5,46), đồng thời cho biết điều
mà dân Chúa phải làm, để sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Ngay các điều
răn của Thiên Chúa cũng được nhận biết như là những dấu chỉ về ân sủng của
Ngài: xuyên qua các điều răn này, Israel có thể biết điều gì Thiên Chúa muốn
(x. Tv 19; 119).
Nhưng điều Thiên Chúa chuyển đến cho
loài người nhờ trung gian Đức Giêsu còn vượt quá ân ban trên. Đức Giêsu Kitô
không phải là một trung gian theo kiểu Môsê, là người chỉ truyền đạt điều đã
nhận. Nhờ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian, ân ban là sự thật, là
mạc khải về điều cho đến nay còn bị giấu kín, đã được ban cho ta: “Thiên Chúa,
chưa bao giờ có ai thấy cả” (Ga
1,18). Không một ai, kể cả Môsê, đã được cho gặp trực tiếp và biết đầy
đủ về Thiên Chúa. Nay “Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung
lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (1,18). Nhiệm vụ chính của
Đức Giêsu là loan báo cho chúng ta sự hiểu biết này. Chính ba tư cách được nêu
vừa rồi cho phép Đức Giêsu làm công việc mạc khải về Chúa Cha.
Trong ba tư cách này, tác giả nhắc lại
những gì Lời Tựa đã nói về ngôi Lời: Đức Giêsu là Con Một (x. Ga 1,14), Người có một tương quan
hoàn toàn đặc biệt với Thiên Chúa, Người là Thiên Chúa (x. 1,1c). Đây là tương
quan giữa những nhân vật ngang hàng nhau, có cùng một bản tính và đặc điểm
như nhau. Tương quan này được sống trong sự hợp nhất thân tình, tin tưởng (x.
13,23). Cựu Ước đã biết đến vị Thiên
Chúa Tạo Hóa, hoàn toàn cách biệt với các thọ tạo; khi đó, người ta nhận biết
Thiên Chúa chỉ có một, “nhất khối”. Nhờ Đức Giêsu, ngay tại bình diện Thiên
Chúa, có sự hiệp thông, có tương quan tình yêu âu yếm và tin tưởng giữa Chúa
Cha và Chúa Con. Đức Giêsu mang đến một sứ điệp về Thiên Chúa, mà thật
ra Người chính là sứ điệp đó. Người
mang đến sứ điệp này, để những ai tin vào Người như là Con thì được thông dự
vào tương quan của Người với Thiên Chúa, và trở thành con Thiên Chúa (1,12).
Đây là điều mới mẻ tuyệt đối mà Đức Giêsu cho chúng ta biết. Cho đến nay thì
đúng là “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả” (1,18); nhưng bây giờ, “ai thấy
Thầy là thấy Chúa Cha” (14,9).
Lời Tựa có ghi ba tên: Gioan, Môsê và
Giêsu. Như thế, các lời khẳng định của Lời Tựa được liên kết với ba nhân vật
lịch sử. Gioan đã đến như chứng nhân của ánh sáng (Ga 1,7).
Nhờ trung gian Môsê, Lề Luật đã được ban cho dân (1,17). Với Đức Giêsu, ân ban
sự thật đã đến trong thế gian. Đây là con người lịch sử mang tên là Giêsu
Nadarét. Khi tác giả nói tên Người ra (1,17), thì ngài đã nói tất cả những gì
làm cho rõ về bản thân Đức Giêsu và ý nghĩa của tên này. Nhưng tất cả những gì
ngài trình bày không phải là hoa trái của suy diễn, nhưng rút ra từ việc chiêm
ngắm và gặp gỡ con người lịch sử này ngày càng sâu sắc hơn. Lời Tựa tóm tắt
những gì đã được ban cho các môn đệ khi họ được nhìn xem vinh quang của con
người ấy.
Chỉ
Đức Giêsu mới có một danh hiệu: Người được gọi là “Kitô”. Như thế, Người
được tuyên xưng như là vị vua cuối cùng đã được Thiên Chúa ban cho dân Israel,
Người là “ân sủng sự thạt”. Đến cuối TM,
chính Đức Giêsu sẽ tóm tắt địa vị và nhiệm vụ của Người trước mặt Philatô:
“Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục
đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Nhiệm vụ thiên sai và vương giả của Đức Giêsu là
mang sự thật đến, là mạc khải vị Thiên Chúa ẩn mình ra trong thực tại của Ngài
là Cha.
+ Kết luận
Ngôi Lời có tương quan mật thiết với
Chúa Cha, nhưng cũng rất gắn bó với loài người, được sai phái đến trần gian là
để làm cho chúng ta có thể thông dự vào sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, nhờ
chúng ta tin. Đây là chân trời từ đó bung mở tất cả truyện Giêsu.
Tác giả TM IV đã chiêm ngắm công trình và tầm quan trọng của Đức Giêsu theo
cách quy thần. Ngôi Lời mang đến sứ điệp về Thiên Chúa, một sứ điệp cũng
chính là bản thân Người. Tất cả những gì tác giả khẳng định về Ngôi Lời Thiên
Chúa đã thành xác phàm, với các từ “ánh sáng, sự sống, vinh quang, ân sủng, sự
thật”, đều trở nên rõ nghĩa trong sứ điệp về Thiên Chúa. Chúa Con, Đấng mạc
khải Thiên Chúa như là Cha và sự hiệp thông trong Thiên Chúa, vẫn đang soi sáng
thế gian, Người xán lạn vinh quang, Người chính là mạc khải về Thiên Chúa và sự
quan tâm đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa và Người ban sự sống đời đời cho những
ai tin vào Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Thiên Chúa nói với chúng ta về tình yêu của Người bằng
cách gửi Lời Ngài đến với chúng ta. Lời Thiên Chúa đã trở thành người phàm
giống như chúng ta; Người đã nói một ngôn ngữ nhân loại, và đã kể cho chúng ta
về Cha của Người, nói về cách Người nghĩ về chúng ta, và các chương trình Người
lập ra cho chúng ta. Để biết Chúa Cha, tất cả những gì chúng ta phải làm là
nhìn Chúa Kitô, xem những gì Người làm, lắng nghe những gì Người nói và dạy,
nhìn xem những con người mà Người quan hệ với, nơi và những người mà Người đến
chia sẻ bữa cơm với, những người mà Người chọn để cộng tác với Người.
2. Khi chiêm ngắm Lời Thiên Chúa, Đấng diễn tả trọn vẹn ý
muốn của Thiên Chúa và mạc khải chính Thiên Chúa ra cho loài người, để họ tin
và được cứu độ, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại và lượng định kinh nghiệm
của chúng ta về khả năng “nói” của loài người (như là thông giao, diễn tả sự
tin tưởng, khuyến khích, trân trọng v.v.) và về “sự thinh lặng” (do cần thiết,
do bị câm, do thiếu quan tâm, do hiềm khích v.v.).
3. Các Kitô hữu cũng được thúc bách nhìn lại: chúng ta có
chăng khả năng nhận ra được là nhiều lần chúng ta bị bóng tối vây hãm. Chúng ta
phải tự hỏi: Điều gì ngăn cách giữa tôi và Đấng tạo thành tôi, điều gì đang che
phủ Ngài, khiến tôi không nhận ra Ngài và ngăn cản tôi đi vào thông hiệp sống
động với Ngài? Dường như chúng ta còn đang bị cám dỗ thấy có nhiều điều đáng
quan tâm hơn, quan trọng hơn, thuyết phục hơn và hứa hẹn hơn là việc đón tiếp
Thiên Chúa, Đấng tự hiến ban chính mình! Đàng khác, nếu Chúa Cha yêu thương
chúng ta đến như thế, tại sao chúng ta lại không yêu thương nhau?
4. Ở 1 Ga 2,23, chúng ta đọc: “Ai chối Chúa
Con thì cũng không có Chúa Cha; kẻ tuyên xưng Chúa Con thì cũng có Chúa Cha”.
Chúng ta phải hiểu tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha có ý nghĩa gì cho
chúng ta? Dường như cho đến hôm nay, sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa
vẫn ở tầm mức Cựu Ước hơn là Tân Ước?
5. Làm thế nào liên
kết những gì tác giả TM IV đã nói về
Lời Thiên Chúa với Đức Giêsu Nadarét lịch sử? Hoặc là chúng ta nghĩ đến Lời
Thiên Chúa như một nhân vật siêu vời hoàn toàn không dính dáng gì đến
thế giới chúng ta, hoặc chúng ta nghĩ đến Đức Giêsu như một con người
chìm trong những thực tại trần thế đến mức không còn gì là siêu phàm nữa. Dường
như hiện nay đang có một xu hướng kéo Đức Giêsu “là người thật” xuống
trần gian đến mức không còn là “Thiên Chúa thật” nữa!
Lm FX Vũ Phan Long, ofm