LỄ GIÁNG SINH, NĂM A
TRỞ NÊN SỨ GIẢ CỦA NGÔI LỜI
LỄ BAN NGÀY
(Is 52, 7-10; Dt 1, 1-6; Ga
1, 1 -18)
Tu sĩ: Giuse – Vinh
Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
Trong cuộc sống, muốn biết, hiểu
và đi vào mối tương quan của nhau, người ta phải dùng đến tiếng nói để diễn tả.
Khi lời nói được phát ra, nó có
chức năng biểu đạt ý tưởng, diễn tả tâm tư, tình cảm để người đối diện hiểu
được ý của người nói. Do đó, người ta rất cẩn trọng lời nói. Thế nên, trước khi
nói, người ta cần suy nghĩ xem nói những gì, nói làm sao, nói lúc nào và nói
như thế nào. Chính vì vậy, mà ông cha ta thường căn dặn: “Uốn
lưỡi bảy lần trước khi nói”; hay: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà
nói cho vừa lòng nhau”.
Hôm nay, trình thuật
Tin Mừng cho chúng ta thấy: Đức Giêsu chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, nhưng
đã mặc lấy xác phàm để sống giữa loài người. Ngôi Lời của Thiên Chúa cũng đã
dùng chính ngôn ngữ của loài người để mặc khải về tình yêu, lòng thương xót và
ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
1. Đức Giêsu là Lời của
Thiên Chúa
Thánh
Gioan đã nói: “Thiên Chúa là Tình yêu”
(1 Ga 4, 8). Chính vì yêu thương nhân loại, nên nhiều lần nhiều cách, Người đã
thể hiện tình yêu ấy trên và trong lịch sử cứu độ nơi dân Israel, nhưng đến
thời sau cùng, Người đã trao ban chính Con Một của Người để biệu lộ trọn vẹn
tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Người Con ấy chính là Ngôi Lời của
Thiên Chúa và có tên là Giêsu mà hôm nay chúng ta mừng sinh nhật của Ngài.
Quả
thật, kể từ lúc Mẹ Maria nói lời xin vâng, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể
trong cung lòng của Mẹ và đã giáng sinh làm một con người như mọi người. Ngài
cũng chấp nhận sống dưới cơ chế của một xã hội do con người thiết lập nên để
chuộc những ai sống dưới chế độ lề luật, bởi vì Ngài đến trong tư cách là Đấng
Emmanuenl, tức là sống cùng, sống với con người.
Khi
trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, Đức Giêsu muốn đi vào mối
tương quan mật thiết với nhân loại, để từ đó, Ngài đưa con người trở về tình
trạng ân sủng nguyên tuyền thủa ban đầu.
Khi
thực hiện kế hoạch đó, Ngôi Lời đã dùng chính tiếng nói của dân tộc Dothái để
ngang qua đó, Ngài truyền đạt Lời Thiên Chúa đến cho mọi người. Lời ấy chính là Lời Yêu Thương.
Thật
vậy, khi thấy đám đông vất vưởng không người chăn dắt, Ngài đã cất tiếng dạy dỗ
họ nhiều điều. Khi thấy họ đắm chìm trong tội lỗi, Ngài kêu gọi họ sám hối, ăn
năn. Khi thấy họ ích kỷ, ghét ghen, Ngài dạy cho họ biết yêu thương, liên đới.
Khi thấy sự gian dối lộng hành, lên ngôi, ngài đã kêu gọi sống khiêm nhường,
thật thà. Khi thấy người bệnh tật, Ngài đã ban lời chữa lành; khi thấy người
sầu khổ, Ngài lên tiếng ủi an và hướng họ về niềm hy vọng cứu độ.
Như
vậy, khi xuống thế làm người, Đức Giêsu đã dùng chính Lời quyền năng của một Vị
Thiên Chúa để làm cho con người được hạnh phúc, cứu độ và vinh quang. Nhờ Lời
của Ngài, mà con người được sống và sống dồi dào trong ân sủng. Cũng nhờ Lời
của Ngài trong tư cách là Thiên Chúa làm người, Ngài đã nâng nhân vị con người
lên một tầm cao mới, đó là được làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha
và có nhau là anh chị em trong tình huynh đệ. Nhất là nhờ Lời của Ngài, mà nhân
loại được đi trong Ánh Sáng của ơn cứu độ.
2. Lời của
Thiên Chúa ngỏ với chúng ta
Nếu
trước kia, Ngôi Lời là Đức Giêsu đã ngỏ lời yêu thương với dân Israel, thì ngày
nay, cũng Ngôi Lời ấy là chính Đức Giêsu mà chúng ta mừng kính trọng thể trong
ngày kỷ niệm Ngài Giáng Sinh hôm nay, cũng đang ngỏ lời với mỗi người chúng ta.
Thật
vậy, Ngài ngỏ lời với chúng ta ngang qua chính Lời của Ngài được ghi trong Tin
Mừng. Lời ấy mời gọi chúng ta hãy: biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu, tức là
yêu với một tình yêu vô vị lợi, yêu quên mình. Lời ấy cũng mời gọi chúng ta hãy
dấn thân phục vụ mọi người như chính Ngôi Lời Thiên Chúa đã nêu gương. Lời ấy
còn mời gọi chúng ta hãy đi ra khỏi nội vi để đến với những vùng ngoại biên,
bên lề, nơi ổ chuột, nơi thiếu thốn tình yêu, cơm bánh để giúp đỡ họ. Lời ấy
mời gọi chúng ta hãy biết đồng hành, cảm thông cho những mảnh đời bất hạnh, vô
định hướng để giúp đỡ họ và dẫn đưa họ tới nguồn vui đích thực. Lời ấy không
chỉ dừng lại ở việc cảm thức xót thương, mà Lời ấy dẫn dắt chúng ta đi đến hành
dộng xót thương khi mời gọi mỗi người hãy lên tiếng bênh vực người nghèo, thấp
cổ bé họng không có tiếng nói; kêu gọi hòa bình, xây dựng lẽ công bằng. Lời ấy
định hướng tương lai cho chúng ta và không ngừng thúc đẩy chúng ta thực thi lúc
thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, để loan báo Tin Mừng của Ngôi Lời cho
hết mọi người.
3. Sống sứ điệp của
Ngôi Lời
Tuy
nhiên, lời mời gọi ấy của Đức Giêsu vẫn hằng ngày vang vọng bên tai chúng ta.
Nhưng nhiều khi chúng ta giả điếc làm ngơ. Sự ích kỷ, vụ lợi, thực dụng, hình
thức, giả tạo đã làm cho tâm hồn nhiều người bị đóng khung bởi những định kiến
và lề luật cứng ngắc, khiến cho Lời ấy không sinh hoa kết trái được nơi tâm hồn
chúng ta.
Nhưng
có lẽ, điều quan trọng nhất mà sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta, đó là: hãy
biết dùng chính Lời của Ngôi Lời để loan báo cho anh chị em của mình biết rằng:
Thiên Chúa là Tình yêu, Ngài đến để xót thương hết mọi người, nhất là những
người tội lỗi, nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật, thấp cổ bé họng… người bị bách hại,
áp bức, bất công…
Mặt
khác, không chỉ nói Lời của Thiên Chúa cho anh chị em mình, mà còn dùng chính
đời sống của bản thân để làm cho Lời Chúa được trở nên sinh động ngang qua cuộc
sống của chính mình.
Có
thế, niềm vui Giáng Sinh mới trở nên trọn vẹn, và lời hát của các thiên thần
trong đêm Giáng Sinh năm xưa vang lên: “Vinh
danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”, mới thực
sự ý nghĩa và đem lại cho con người niềm vui, hạnh phúc và bình an đích thật.
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa, xin ban cho chúng con biết lắng nghe
Lời của Chúa, để chúng con được ơn cứu độ. Xin cho chúng con cũng biết loan
truyền Lời của Chúa cho anh chị em chúng
con, để mọi người đều được hưởng ơn cứ độ do mầu nhiệm Chúa làm người mang lại.
Amen.