LỄ CÁC LINH HỒN, NĂM A
HÃY NHỚ ĐẾN CÔNG ĐỨC CỦA CÁC NGÀI
Tại
đất nước của chúng ta hay trên thế giới, có lẽ không ai lại không biết đến cây
chuối. Có nhiều loại chuối, nhưng các loại chuối đều giống nhau ở một điểm là:
chúng chỉ sản sinh ra một buồng chuối duy nhất, không bao giờ có buồng thứ hai.
Lúc mới lớn, chúng to cao, thân vạm vỡ, lá xanh tươi. Nhưng khi chúng bắt đầu
có buồng, thì cũng là lúc chúng chuẩn bị héo tàn xơ xác với thời gian, và, khi
buồng chuẩn bị chín, cây chuối mẹ sẽ ủ rũ, héo úa như muốn dồn hết sức lực còn
sót lại để nuôi chúng. Sự sống của nó kết thúc khi buồng chuối đã chín hẳn.
Như
vậy, trong quá trình sinh trưởng của buồng, cây chuối mẹ phải hy sinh những
tinh túy nhất của mình cho buồng chuối. Có thế, chúng ta mới được tận hưởng
những trái chuối to, thơm ngon và bổ dưỡng…
Cây
chuối là biểu tượng cho một tình yêu cao thượng. Nhìn cây chuối đang mang
buồng, chúng ta suy nghĩ đến sự quảng đại, hy sinh đến quên mình của những bậc
tiền nhân chúng ta.
Hôm
nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta cử hành thánh lễ cầu hồn để cầu nguyện cho các
linh hồn là những ông bà, cha mẹ, tổ tiên, những người thân yêu, ân nhân, thân
nhân, bạn hữu… của chúng ta đã ra đi về với Chúa.
1.
Lý do
cần cầu nguyện cho các linh hồn
Cầu
nguyện cho các ngài là bổn phận, là sống tinh thần hiệp thông, là thể hiện đức
ái và nhất là biểu lộ niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa.
Như
vậy, tháng 11 đối với đạo Công Giáo được gọi là tháng báo hiếu tổ tiên. Vì thế,
những người con, cháu, chắt hãy nhớ công ơn trời bể, nhất là những lời dạy dỗ,
bảo ban của các ngài mà khắc cốt nghi tâm: “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân
giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai […], vì huấn lệnh là ngọn đèn, lời
dạy dỗ là ánh sáng, và lời quở trách bảo ban là đường dẫn tới sự sống” (x.
Cn 6,20.23).
Thật
vậy, cả cuộc đời của các ngài đã sống hết mình vì con cái. Đôi khi vì hạnh phúc
của con mà người mẹ phải chấp nhận tần tảo ngược xuôi, ăn bữa nay, lo bữa mai,
nhưng nhất quyết không để con mình phải đói, phải rách, hay bị thất học… Có
những người mẹ đã cống hiến luôn cả một phần cơ phận của mình để có tiền lo cho
con cái ăn học hay chữa bệnh…:
“Nuôi con buôn tảo bán tần, chỉ mong
con lớn nên thân với đời. Những khi trái nắng trở trời, con đau làm mẹ đứng
ngồi không yên. Trọn đời vất vả triền miên,chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con”.
Hoặc
có những người cha đã phải thức khua dạy sớm, làm lụng vất vả để nuôi sống gia
đình và lo cho con cái bằng bạn bằng bè:
“Cha tôi tuy đã già rồi, nhưng còn
làm lụng để nuôi cả nhà. Sớm hôm vừa dấy tiếng gà, cha tôi đã dạy để ra đi
làm”.
Đó
là về vật chất, còn về tinh thần thì sao? Chắc hẳn không có người cha, người mẹ
nào lại muốn con cái mình sinh ra hư hỏng, trái lại, các ngài luôn mong muốn
cho chúng càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, đạo hạnh… Tuy nhiên, vì sự lêu
lổng, tính ham chơi và tuổi đời bồng bột, nên đã biết bao lần con cái làm cho
cha mẹ phải tủi nhục đắng cay! Đấy là chưa kể đến những đứa con bất hiếu đến độ
đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, chửi mắng các ngài chỉ vì không đáp ứng những nhu cầu
bất chính của chúng! Quả đúng là: “Cha
mẹ thương con như biển hồ lai láng, con thương cha mẹ tính tháng tính
ngày”.
Nhiều
khi con cái đâu có hiểu được rằng: chúng được thành đạt, nên người; được cơm no
áo ấm; được nở mặt nở mày với những nụ cười rạng rỡ; được nhiều người thương
mến, kính trọng… Có bằng này chức kia lại là kết quả của cha mẹ một nắng hai
xương, dầm mưa dãi nắng; cầy sâu cuốc bẫm; suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng
cho trời để dành dụm được chút ít dư dật, hầu lo cho con cái được ấm no, hạnh
phúc.
Nói
chung: “Công cha như
núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Đây
là gia tài quý báu mà các ngài truyền lại cho con cháu.
Thật
vậy, công đức, gương sáng của các ngài đã để lại cho chúng ta là cả một gia tài
vô giá, vì thế,“Uống nước
phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”, vì: “Mẹ cha vất vả nuôi mình. từ khi
trứng nước công trình biết bao. Làm con phải nhớ công lao, cho tròn chữ hiếu
mới là đạo con”. Nhưng có lẽ món quà quý giá nhất
giờ đây mà các ngài mong muốn nơi chúng ta, đó là dâng thánh lễ và lời cầu
nguyện.
2.
Cầu nguyện là món quà quý giá
nhất dnahf cho các linh hồn
Vì
thế, niềm tin Kitô Giáo cho chúng ta một niềm hy vọng rằng: chết không phải là
hết, nhưng là một cuộc đi về Quê Thật, vì: “Sinh ký, tử quy”. Chính trong niềm
tin này mà chúng ta có một sự liên hệ mật thiết giữa người sống và người chết
cách nhiệm mầu, nhưng sống động. Thế nên, khi đứng trước hay nhìn thấy các nấm
mồ của người thân yêu đã quá cố, chúng ta không thể quên công ơn của các ngài,
vì: “Mồ thật chôn các
người chết là trái tim của người sống” (Tục ngữ). Sự sống và
tinh thần của các bậc tổ tiên được lưu truyền hậu thế mãi mãi nơi những khuôn
mặt, trái tim của hậu sinh là chúng ta.
Vì
thế, Mẹ Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tưởng nhớ công ơn của các ngài để noi
gương và nhất là dâng lời cầu nguyện, hy sinh cho các linh hồn. Đây là cách báo
hiếu tốt nhất dành cho người quá cố và đây cũng là niềm tin của mỗi chúng ta.
Trong Kinh Thánh, chúng ta vẫn tuyên xưng: “Tôi biết rằng Ðấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau
cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu
huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (G
19,25-26). Xác tín này cũng chính là niềm tin của Mattha trước cái chết
của Lazarô, vì thế, cô được Đức Giêsu mặc khải về sự sống sau cái chết nơi
những người tin: “Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ
được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga
11, 25-26). Lời hứa về sự sống đời đời còn được Đức Giêsu mặc khải nhiều lần
khác nhau: “Ý của
Ðấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không
để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga
6, 39). Lúc khác Ngài khẳng định mạnh mẽ hơn: Ai “tin vào người Con, thì được
sống muôn đời” (Ga 6, 40). Hay: “Ai ăn thịt và uống máu
tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào
ngày sau hết” (Ga 6, 54).
3.
Sứ
điệp ngày lễ
Mỗi khi
tháng 11 đến, ngoài việc cầu nguyện cho
các linh hồn, Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức rằng: “Nay người, mai ta”. Sự
ra đi của tiền nhân là dấu chỉ báo trước cho chúng ta biết, một mai chúng ta
cũng sẽ lần lượt ra đi như các ngài để trở về thế giới bên kia, vì: “Mọi sự dầu hay, hay dở, đều không
chắc chắn, chỉ sự chết là chắc chắn sẽ xảy đến” (thánh
Augúttinô).
Tuy
nhiên, thông điệp được sáng lên từ những nấm mồ tưởng chừng như bất động kia
lại rất sống động khi nó chuyển tải cho chúng ta những chân lý như: cuộc đời
này thật hữu hạn. Sẽ có ngày tôi cũng phải từ giã mọi người để ra đi về với
Chúa và được chôn cất trong ba tấc đất nhỏ bé kia. Thân xác chúng ta sẽ trở về
với cát bụi, và mọi cố gắng đến đây chấm dứt, chỉ còn biết cậy trông lòng
thương xót của Thiên Chúa, lòng nhân ái của mọi người bằng đời sống hy sinh và
cầu nguyện mà thôi.
Bên
cạch đó, từ mơi nấm mồ toát lên lời mời gọi chúng ta: hãy sống lành để được
chết thánh; hãy yêu thương để được yêu thương; hãy tha thứ để được thứ tha; hãy
sống như ngày mai sẽ chết, để ngay từ giây phút này sám hối ăn năn, đây chính
là tinh thần tỉnh thức trong ân sủng.
Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa là sự sống đời
đời, xin ban cho các linh hồn được an nghỉ trong tình thương của Chúa và xin
cho chúng con sống tốt trong cuộc sóng hiện tại, để mai ngày được cùng tổ tiên
chúng con ca tụng Chúa trên Nước Trời. Amen.