CHÚA NHẬT LỂ
CHÚA BA NGÔI
Lòng thương
xót, ân sủng và ơn cứu độ
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Xh 34:4b-6, 8-9; 2 Cr 13:11-13; Ga 3:16-18)
Quả thực
chúng ta không bao giờ có đủ ngôn từ để diễn tả bản thể cũng như sinh hoạt của
Thiên Chúa Ba Ngôi. Với ba bài đọc hết sức
đặc biệt, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay chỉ nói lên đôi nét chính yếu cho chúng ta
thấy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng nào và Người đã làm gì cho chúng ta. Từ cảm nghiệm bản thân, ông Mô-sê, Chúa
Giê-su và thánh tông đồ Phao-lô mỗi người cho chúng ta thấy một góc cạnh của mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: một Thiên Chúa
giàu lòng thương xót, một Thiên Chúa ban ân sủng và một Thiên Chúa cứu độ.
Chúng
ta hãy bắt đầu với chân lý về một Thiên Chúa giàu lòng từ bi nhân hậu. Ông Mô-sê là người trung gian giữa Thiên Chúa
và dân Ít-ra-en, có nhiều dịp tiếp xúc với Thiên Chúa, cho nên ông biết về
Thiên Chúa nhiều hơn bất cứ ai khác. “Đức
Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông”. Tuy Thiên Chúa đứng đó bên cạnh Mô-sê, nhưng
Người lại ở “trong đám mây” nên ông không thấy Người. Không thấy bằng mắt, nhưng Mô-sê “thấy” Thiên
Chúa bằng con mắt đức tin. Ông thấy Chúa
là Đấng “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. Vì phải đối phó với Ít-ra-en, “một dân cứng đầu
cứng cổ”, nên Mô-sê dễ nhận ra được Thiên Chúa là ai khi Người đối xử với dân tộc
ông. Đúng vậy, Ít-ra-en cần có một Thiên
Chúa đầy lòng thương xót, nếu không thì dân tộc cứng đầu cứng cổ này đã bị loại
bỏ rồi! Đó cũng là hình ảnh Thiên Chúa của
tất cả chúng ta mọi thời mọi nơi vậy.
Tiếp đến
là mặc khải của Chúa Giê-su về Thiên Chúa.
Người công bố một chân lý quan trọng nhất, đó là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (tức
là được cứu độ). Đã là Thiên Chúa giàu
lòng thương xót thì Người không thể bỏ mặc nhân loại bị hư mất do tội lỗi,
nhưng Người sẽ có một kế hoạch để đưa chúng ta về lại với Người. Kế hoạch ấy là Người sai chính Con Một của
Người đến trần gian để thực hiện công cuộc cứu độ. Thiên Chúa thực hiện kế hoạch nhờ cái chết và
phục sinh của Chúa Giê-su. Thiên Chúa đã
làm tất cả về phía Người. Còn phần chúng
ta, Chúa chỉ đòi hỏi một điều kiện duy nhất, là hãy hưởng ứng kế hoạch của Người
bằng cách tin vào Chúa Giê-su thì sẽ được cứu độ.
Sau
cùng là suy tư thần học của thánh Phao-lô về Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong lời cầu chúc gửi đến tín hữu Cô-rin-tô,
ngài mong họ được đầy tràn “ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, tình thương của
Thiên Chúa (Cha), và ơn hiệp thông của Thánh Thần”. Thực chẳng có lời cầu chúc nào tốt đẹp và đầy
đủ ý nghĩa hơn như thế! Cuộc đời Ki-tô hữu
là cuộc đời lãnh nhận đầy tràn sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi! Đúng vậy, lãnh nhận Ngôi Hai là quà tặng ân sủng
của Thiên Chúa. Lãnh nhận Tình Yêu đầy
thương xót của Ngôi Cha. Và lãnh nhận ơn
hiệp thông của Ngôi Ba là nguyên lý kết hiệp không những giữa ba Ngôi với nhau
mà còn kết hiệp cả chúng ta với Thiên Chúa và với nhau nữa.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Tất cả
những cảm nghiệm và suy tư nói trên chỉ giúp chúng ta giải đáp phần nào “mầu
nhiệm” Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng chủ yếu là mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm
ấy. Lời cầu xin của ông Mô-sê “xin Chúa
cùng đi với chúng con” thật ý nghĩa đối với chúng ta, những khách lữ hành trong
cuộc sống trần gian này. Thiên Chúa cùng
đi với chúng ta là điều vô cùng cần thiết cho chúng ta, nhất là những khi chúng
ta gặp gian nan thử thách. Ngoài ra, sống
mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là thể hiện những phẩm tính của Thiên Chúa trong cách đối
xử với anh chị em. Cách thể hiện ấy được
mô tả qua lời khích lệ của thánh Phao-lô:
“Anh em hãy gắng nên hoàn thiện.
Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và
bình an, sẽ ở cùng anh em”. Sau hết, sống
mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là tin vào Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa để được ơn cứu
độ. Chúa Giê-su là Tình Yêu Thiên Chúa
nhập thể để dạy chúng ta lối sống yêu thương.
Tin vào Chúa Giê-su không phải là mớ kiến thức trong đầu óc, nhưng là những
thực hành lời dạy của Người trong đời sống chúng ta là hãy mến Chúa yêu người,
như chúng ta từng được dạy dỗ.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi