CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN, NĂM A
LỄ CHÚA BA NGÔI
SỐNG YÊU THƯƠNG THEO KHUÔN MẪU CHÚA BA NGÔI
(Xh 34,4-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-l8)
Mầu nhiệm Thiên Chúa
Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng nhất trong các mầu nhiệm của Đạo Công Giáo.
Bởi vì mầu nhiệm này là mẹ sinh ra các mầu nhiệm khác, nói cách khác, mầu nhiệm
Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm nguồn của mọi mầu nhiệm.
Khi nói đến mầu nhiệm,
người ta cảm thấy không thể lý giải được theo sự hiểu biết tự nhiên, vì thế, nó
đã trở nên rào cản và cớ vấp ngã cho những ai mong thỏa mãn sự hiếu tri và đang
cố gắng đi tìm cho được lời giả đáp “Ba
Ngôi Một Chúa”; hay “Một Chúa Ba
Ngôi”. Nhưng với những người có niềm tin, qua ánh sáng mặc khải soi chiếu,
và luôn khao khát đi tìm ý nghĩa của nó, thì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không xa lạ,
nhưng lại rất gần gũi, mặc dù cao siêu và vượt quá sức tưởng của con người. Qua
mầu nhiệm này, chúng ta khám phá được sự hiệp nhất, yêu thương nơi Thiên Chúa,
và mỗi lần Giáo Hội cử hành mầu nhiệm này, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình
yêu thương nhau theo khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa để được cứu độ.
1. Bản chất Thiên Chúa là “Tình
Yêu”
Khi nhắc đến Thiên Chúa, hẳn mỗi chúng ta đều có một định nghĩa
riêng về Người, tuy nhiên, thánh Gioan đã cho chúng ta biết một mặc khải rất
quan trọng khi nói về Thiên Chúa, đó là: “Thiên
Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
Khi nói đến tình yêu, ai cũng hiểu rằng tình yêu thì không “đơn phương độc mã”, không ích kỷ cũng
chẳng bon chen; không quy chiếu về mình mà luôn hướng tha.
Muốn có được tình yêu, ắt phải đón nhận. Khi có cả hai chiều cho
và nhận, thì tình yêu mới thực sự triển nở và ý nghĩa. Như vậy, tình yêu phải
có điểm xuất phát, điểm hội tụ và mức độ lan tỏa.
Khi diễn tả ý tưởng trên, thánh Âutinh đã ví: “Nguồn mạch chính là Chúa Cha, Người chính
là điểm xuất phát tình yêu; Chúa Con chính là điểm hội tụ, là điểm quy chiếu
của tình yêu; và Chúa Thánh Thần là sự liên lạc hai chiều, là mối dây liên kết
của tình yêu và làm cho tình yêu được tỏa sáng”.
Trong lối diễn tả của thánh Âutinh cho thấy: tình yêu được khởi
đi từ Thiên Chúa Cha, đến với Chúa Con và qua Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Cha
vì yêu nên đã trao ban tất cả, ngay cả Người Con duy nhất của mình cho nhân
loại. Chúa Con đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha trọn vẹn đến nỗi bằng lòng chết
trên thập giá để thực hiện ý định yêu thương của Chúa Cha cho nhân loại. Chúa
Thánh Thần là mối dây liên lạc, thông hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con nhờ tình
yêu.
Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu hướng ra để làm
cho lan tỏa.
Thiên Chúa không để dành tình yêu cho chính mình, cho riêng Cha,
Con và Thánh Thần, nhưng chính là cho chúng ta, những tạo vật được dựng nên
theo hình ảnh của Người, bởi vì “Thiên
Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8); là Đấng"... nhân hậu
và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).
Tình
yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua hành vi tự hiến của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con
Một...” (Ga 3,16a). Từ “đến nỗi”
ở đây cho thấy Thiên Chúa yêu đến tột cùng, yêu “đến nỗi” không còn gì để diễn tả, để trao ban hơn được nữa, vì thế
chỉ còn cách duy nhất là trao ban chính Con của mình đến để diễn tả tình yêu
cho nhân loại bằng chính cái chết mà thôi.
Tại
sao Thiên Chúa lại trao ban Con Một? Thưa! “...để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn
đời” (Ga 3:16b). Như vậy, Tình yêu chân chính là mong sao người mình yêu được
hạnh phúc hơn cả bản thân mình. Thật vậy, Thiên Chúa yêu thế gian cách tuyệt
đối và mong sao cho chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đối là được vào ở
trong tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì: “Thiên
Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để
thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” Ga 3,17).
3.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mời gọi ta sống yêu thương
Qua
mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi người chúng ta được mời gọi
sống yêu thương, hiệp nhất như Thiên Chúa là tình yêu. Không yêu thương nhau, chúng ta vẫn mãi là
người xa lạ với mầu nhiệm này, bởi vì mầu nhiệm này là mầu nhiệm tình yêu, muốn
hiểu được thì phải yêu. Nói như thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), nên “Ai
không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8).
Vì
thế, trong đời sống gia đình, mỗi người hãy yêu thương nhau. Chồng phải yêu
thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thế nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng
mình trong mọi sự như vậy. Sự xuất hiện của người con trong đời sống hôn
nhân chính là kết quả của tình yêu giữa vợ và chồng, vì thế, như một điều kiện
cần để được hạnh phúc, con cái hãy yêu mến cha mẹ mình và tỏ lòng thảo hiếu với
cha mẹ để đáng được hưởng sự chúc lành của Thiên Chúa.
Tình
yêu ấy không chỉ dừng lại với chính người thân của mình, mà còn phải hướng ra
xa, rộng lớn hơn tới hết mọi người, kể cả yêu kẻ thù của mình nữa.
Như
vậy, để tình yêu có giá trị, cần phải có sự hy sinh, quên mình và phục vụ lẫn
nhau. Yêu nhau mà không chấp nhận hy sinh, gian khổ vì nhau và với nhau, thì
chưa phải là tình yêu thật sự.
Khi
yêu như thế, tình yêu của vợ chồng và con cái cũng như với tha nhân đang phỏng
chiếu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống thực tại của mình.
Muốn giữ
được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi mình, người Kitô hữu phải luôn ý thức
mình thuộc về Thiên Chúa, khi thuộc về Người, thì ta cũng sẽ trở nên những
người có: “... lòng thương cảm, nhân hậu,
khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau” Cl 3,12-13).
Mong sao, mỗi khi chúng ta đặt tay lên trán, trên
ngực và ngang vai, để tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì cũng là lúc
chúng ta nhớ đến bản chất của mầu nhiệm này là tình yêu; đồng thời, chúng ta
cũng xin Chúa ban cho chúng ta được sống trong tình yêu đó của Thiên Chúa để “... đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu
Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2
Cr 13,13), hầu chúng ta cùng mạnh dạn tuyên xưng: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã
có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”.