Hãy Dõi
Theo Vì Sao Đến Thờ Lạy Chúa
Suy niệm Lễ Chúa Hiển Linh
(Mt 2, 1-12)
Tiếp liền sau Đại lễ
Giáng Sinh, Giáo hội cử hành lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là lễ Chúa Tỏ Mình.
Theo một truyền thống rất xa xưa từ thế kỷ thứ II, Thánh Giustinô đã nói tới là
Chúa Giêsu đã sinh ra trong một chuồng bò lừa tại Belem. 40 ngày sau, Thánh
Giuse và Đức Maria đem Hài Nhi lên Đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa
như luật dạy. Phúc Âm Thánh Matthêô cho biết: sau khi dâng Chúa trong Đền
Thánh, Thánh Gia không trở về Nagiarét ngay. Trong khoảng thời gian này đã xảy
ra nhiều việc liên quan với nhau. Từ Đền Thờ, Thánh Gia lại trở về Belem. Chính
nơi đây, các đạo sĩ, do một ngôi sao dẫn đường từ Phương Đông tới thờ lạy Chúa
Giêsu và dâng cho Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Hêrôđê thấy các đạo
sĩ không trở lại Giêrusalem báo tin như lời mình dặn, sợ ngai vàng của mình bị
đe dạo, ông ra lệnh truyền giết các trẻ em ở Belem và các miền phụ cận từ 2 tuổi
trở xuống. Thánh Giuse được Thiên thần báo tin, đã đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ
sang Ai-Cập và ở đó cho tới khi Hêrôđê băng hà.
Như thế, chúng ta thấy
Lễ Chúa Hiển Linh trước hết có nghĩa là lễ Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc, mà
Ba Nhà Đạo sĩ là những đại diện.
"Epiphaino"
có nghĩa là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, khiến người
khác có thể trông thấy mình được được. Cụ thể như dùng ánh sao đêm biểu lộ cho
Ba Ðạo Sĩ biết, dẫn họ lên đường đến nơi Hài Nhi vừa mới sinh để nhận ra Ðức
Giêsu là Ðấng Cứu Thế. Nếu lễ Giáng Sinh người ta nêu bật sự dấu ẩn của Thiên
Chúa trong sự khiêm hạ với điều kiện là người, trong Trẻ Thơ Belem. Thì trong lễ
Hiển Linh lại nêu bật việc Thiên Chúa tự tỏ mình, xuất hiện qua chính nhân
tính.
Việc các Ðạo Sĩ đến
tôn thờ Chúa Hài Nhi đã sớm được nhìn nhận như là ứng nghiệm những lời tiên tri
trong Kinh Thánh. Isaia viết như sau: "Các
dân tộc sẽ bước đi theo ánh sáng của ngươi, và các vua chúa tiến bước theo nguồn
sáng của ngươi đang mọc lên" (Is 60,3.6). Ánh sáng của Chúa Kitô, khi
xưa như được chiếu tỏa trong hang Bêlem, nay tỏa sáng trên khắp địa cầu.
Trong lễ Chúa Tỏ
Mình, Giáo Hội đề nghị một văn bản rất ý nghĩa của ngôn sứ Isaia : " Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi
Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy
trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân,
nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên
mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về
ánh bình minh của ngươi." (Is 66,1-3). Ðây là một lời mời hướng tới
Giáo Hội Chúa Kitô và hướng tới từng người Kitô hữu, mời gọi chúng ta ý thức
hơn về sứ mệnh và trách nhiệm truyền giáo của mình đối với thế giới trong việc
làm chứng và chiếu sáng Tin Mừng khắp thế gian.
Trong số mở đầu Hiến
chế về Giáo Hội có viết: "Ánh sáng
muôn dân là chính Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh
Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên
dung nhan Giáo Hội bằng việc rao truyền Phúc âm cho mọi tạo vật" (LG,
1). Tin Mừng là ánh sáng không được dấu đi, nhưng để trên giá. Giáo
Hội không phải là ánh sáng, nhưng nhận Ánh Sáng Chúa Kitô, tiếp nhận để được
soi chiếu, và phổ biến Ánh Sáng đó ra với tất cả sự rạng ngời của nó. Và đây là
điều cũng phải xảy ra trong cuộc sống cá nhân...
Các thượng tế tại
Giêrusalem được Hêrôđê triệu tập để tư vấn cho ông về nơi
Đấng Cứu Thế đã được sinh ra, cũng như cung cấp cho nhà vua các thông tin mà họ
đã thu thập được trong truyền thống Kinh Thánh. Tuy nhiên, ý Chúa nhiệm mầu, vì
ý định của Hêrôđê không trong sạch, ý định đó các nhà đạo sĩ là sứ giả cho những
người tìm kiếm Thiên Chúa đã được mộng báo. Việc các nhà đạo sĩ đến kính viếng
Chúa Hài Nhi cho ta thấy, sứ mạng của Đức Giêsu không chỉ dành cho Dân được tuyển
chọn, nhưng cho cả nhân loại. Việc Ba Nhà Đạo Sĩ đến Giêrusalem hỏi đường, cho
thấy mối liên lạc giữa sự khôn ngoan ngoại giáo và mạc khải Kitô Giáo thể hiện
nơi con người của Chúa Giêsu thành Nazareth mà nhân loại khát đang mong tìm kiếm.
Sứ vụ phổ quát của Chúa Kitô được Thánh Phaolô gọi là sự mặc khải của mầu nhiệm :
" Ấy vì dân ngoại, cùng (với Israel)
là kẻ thừa tự, là Thân mình, và là đồng hưởng lời hứa trong Ðức Yêsu Kitô, nhờ
bởi Tin Mừng" (Ep 3, 2). Ơn cứu chuộc
sẽ mở ra cho muôn người thuộc mọi quốc gia, và các dân ngoại đã trở
thành người đồng thừa tự, cùng được chia sẻ lời hứa trong Chúa Giêsu Kitô (Ep 3, 6). Sự gặp gỡ giữa sự khôn ngoan của
những người sống bên ngoài mạc khải ( là các đạo sĩ, dân ngoại) , và những người
hiển nhiên thừa hưởng lời hứa (Dân Do Thái) từ sự ra đời của Chúa Kitô sẽ cho
thấy sứ mệnh của Chúa Giêsu trong sứ vụ công khai của mình, và bản chất của
Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ xây dựng.
Giáo Hội với sứ mạng
phổ quát của mình, phải là nơi đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người mọi
nơi, mọi thời đại về Thiên Chúa. Giống như Chúa Kitô, Ngài đã chiếu tỏa vinh
quang cho dân ngoại. Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta hãy dõi theo
ánh sao cùng ba nhà Đạo Sĩ đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người
trong khiêm hạ và nghèo khó, nhất là đón nhận chính Hài Nhi ấy là Ánh Sáng và
là Chúa Kitô vào trong chúng ta, để chúng ta có sống là sống chính sự sống của
Người, và lấy các tâm tình, tư tưởmg và hành động của Người làm tâm tình, tư tưởng
và hành động của chúng ta. Như thế, mừng Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới
mẻ, ánh sáng mà biến cố Giáng Sinh này đã đem lại trong toàn cuộc sống chúng
ta, để chúng ta cũng là những người đem niềm vui, sự mới mẻ đích thật, và ánh
sáng của Thiên Chúa đến cho mọi người. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ