LỄ CHÚA HIỂN
LINH
Thiên Chúa tỏ
mình ra cho ta nhận biết Người
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Is 60:1-6;
Ep 3:2-3a, 5-6; Mt 2:1-12)
Từ khi
tội lỗi đi vào lịch sử nhân loại, loài người chúng ta trở thành xa lạ với Thiên
Chúa, không muốn nhận biết Người là Chủ Tể của tạo vật mà chính Người đã dựng
nên. Mối thâm tình giữa Thiên Chúa với
nguyên tổ A-đam và E-va nhạt phai, nếu không nói là con người đã trở thành thù
địch với Thiên Chúa. Tuy nhiên Chúa muốn
cứu vãn mối tương quan đứt đoạn ấy và nhận lại chúng ta làm con cái Người. Kế hoạch ân sủng khởi đầu bằng việc Chúa tỏ
mình ra để chúng ta nhận biết Người và những gì Người đang làm cho chúng
ta. Người tỏ mình ra như ánh sáng đến
phá tan bóng đêm tội lỗi đã bao trùm trên chúng ta (bài đọc 1). Người cho chúng ta thấy gia nghiệp Người ban
không chỉ dành riêng cho dân Do-thái, mà cho hết mọi người (bài đọc 2). Để đáp lại sự mặc khải của Thiên Chúa, các
nhà chiêm tinh từ phương Đông đã đón nhận bằng cách đến Giu-đê để thờ lạy Thiên
Chúa giáng trần (bài Tin Mừng).
Ngôn sứ
I-sai-a đã thấy trước một tương lai sáng lạn của Ít-ra-en sau khi họ được trở về
từ cuộc lưu đày. Chúng ta có thể tưởng
tượng ra khung cảnh tưng bừng nhộn nhịp khi dân chúng trở về tái thiết đất nước
và xây dựng lại Giê-ru-sa-lem. Đất nước trước
kia chìm trong bóng tối của ách nô lệ ngoại bang giờ đây bừng sáng nhờ vinh
quang Thiên Chúa. Thánh đô Giê-ru-sa-lem
trở thành nơi hội tụ của muôn dân nước kéo đến chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa. Tuy nhiên tất cả hình ảnh tươi đẹp của ngày
trở về cố hương là để báo trước về số phận mới của nhân loại khi Chúa đến cứu
thoát họ khỏi tội lỗi và đưa họ về làm con cái Thiên Chúa. Sự sung túc giàu có của Giê-ru-sa-lem là hình
ảnh nói lên một nhân loại mới được đón nhận ơn cứu độ. Nói tóm lại, sự thay đổi toàn bộ của nhân loại
được thực hiện là nhờ Con Thiên Chúa, Đấng đã đích thân đến như ánh sáng của
bình minh phá tan màn đêm tội lỗi.
Nếu
Thiên Chúa đã tỏ mình ra như Đấng Cứu Độ qua Chúa Giê-su Ki-tô, thì Người còn tỏ
mình ra cho chúng ta như gia nghiệp để mọi người được thừa hưởng. Gia nghiệp ấy chính là ơn cứu rỗi Thiên Chúa
muốn ban cho mọi người, Do-thái cũng như dân ngoại. Thánh Phao-lô đã coi kế hoạch Thiên Chúa cứu
độ là kế hoạch phổ quát, nghĩa là không chỉ dành riêng cho dân Do-thái, nhưng
cho cả dân ngoại nữa. Ngài gọi đây là kế
hoạch ân sủng, cũng như thánh Gio-an Tông đồ gọi Chúa Giê-su là sự “đầy tràn ân
sủng và sự thật”, để rồi “từ nguồn ân sủng này, chúng ta nhận được hết ơn này đến
ơn khác” (Gio-an 1:14,16). Quả là một mầu
nhiệm, mầu nhiệm Đức Ki-tô! Như vậy, qua
mầu nhiệm Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã tỏ ra cho chúng ta biết Người muốn tất cả
chúng ta được thừa kế gia nghiệp ơn cứu độ của Người.
Thiên
Chúa ban Đấng Cứu Độ cho chúng ta và Người muốn chúng ta tiếp nhận Đấng ấy. Người đã soi sáng cho ba nhà chiêm tinh từ
phương Đông đến để nhận biết Hài Nhi Giê-su là Đấng Ki-tô. Họ đã trải qua những khó khăn, được ngôi sao
lạ dẫn đến gặp Hài Nhi; nói khác đi, họ
đi tìm Đấng Cứu Độ và đã được diễm phúc nhận biết Người. Chuyến đi tìm Đấng Cứu Độ của các nhà chiêm
tinh được mô tả trong bài Tin Mừng như một hành trình đức tin của mọi Ki-tô hữu. Giống như các nhà chiêm tinh được ngôi sao
luôn hiện diện để dẫn đường, hành trình đức tin của chúng ta cũng được hướng dẫn
do Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Giống như các nhà chiêm tinh đã “sấp mình thờ
lạy” Hài Nhi, chúng ta cũng luôn một lòng thờ phượng và yêu mến Chúa với hết cả
tâm hồn và thể xác chúng ta. Giống như
các nhà chiêm tinh “đã đi lối khác mà về xứ mình”, chúng ta cũng đi theo lối sống
mới, lối sống dựa trên tinh thần của Chúa Ki-tô, để xứng đáng làm “con yêu dấu”
của Cha trên trời.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Chúng
ta có thể là những Ki-tô hữu lâu đời hoặc mới được ơn trở thành Ki-tô hữu. Dù lâu đời hay tân tòng, tất cả chúng ta vẫn
phải cùng nhau học biết và đón nhận “mầu nhiệm Đức Ki-tô”, tức là biết Chúa
hơn, yêu mến Chúa hơn và trung thành theo Chúa hơn. Chúa vẫn tiếp tục “hiển linh”, tiếp tục tỏ mình
ra cho chúng ta qua nhiều cách: đọc,
nghe và suy niệm Kinh Thánh, lãnh nhận bí tích, tiếp xúc với anh chị em, học hỏi
những giáo huấn của Giáo Hội… Quan trọng là chúng ta có đón nhận Người hay
không mà thôi!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi