CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG

Thánh Thần Và Cuộc Tạo Dựng Mới Của Thiên Chúa

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 2:1-11;  1 Cr 12:3b-7, 12-13;  Ga 20:19-23)

          Đọc các bài đọc Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, có lẽ chúng ta có cảm tưởng đây là mô tả một cuộc tạo dựng mới, với hơi thở sự sống là Chúa Thánh Thần và lời Thiên Chúa phán là Ngôi Lời.  Qua tất cả những sinh hoạt của Chúa Thánh Thần trong ngày Hiện Xuống, chúng ta có thể nhận ra công việc chính của cuộc tạo dựng mới này là thiết lập một nhân loại có cùng một ngôn ngữ, ngôn ngữ của tình yêu Thiên Chúa và một nguyên lý căn bản, nguyên lý hiệp nhất trong những khác biệt.

          Trước hết, chúng ta không thể không nói đến sự kiện Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ và trao ban Thánh Thần cho họ.  “Người thổi hơi vào các ông và bảo:  ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’”.  Cử chỉ “thổi hơi” của Chúa Giê-su khiến chúng ta liên tưởng đến việc Thiên Chúa “thổi sinh khí” vào lỗ mũi A-đam để ông “trở nên một sinh vật”.  Giờ đây Chúa Giê-su thổi sự sống mới vào các môn đệ Người, nghĩa là Người cho họ thông phần vào sự sống thánh thiện của Thiên Chúa.  Làm cho các môn đệ trở thành sinh vật mới, đó là công việc quan trọng nhất của cuộc tạo dựng mới, vì những người này sẽ là khí cụ Chúa Thánh Thần dùng để đổi mới bộ mặt địa cầu.  Trao ban Thánh Thần cho các môn đệ, Chúa Giê-su cũng trao cho họ sứ mệnh phổ biến sự tha thứ, vì có tha thứ thì người ta mới có thể sống tình yêu chân chính đối với tha nhân.  Sự tha thứ của tình yêu Thiên Chúa đã biến đổi thân phận của nhân loại từ kẻ thù của Thiên Chúa thành con cái Người.  Cũng vậy, sau khi nhận được Thánh Thần là Tình yêu Thiên Chúa, các môn đệ Chúa Giê-su phải tiếp tục sứ mệnh biến đổi của Chúa Thánh Thần.

          Ý thức được vai trò của Chúa Thánh Thần là tình yêu biến đổi mọi sự, chúng ta trở lại với khung cảnh lễ Hiện Xuống để thấy hoạt động biến đổi của Người như thế nào.  Ở Giê-ru-sa-lem tại nơi các môn đệ Chúa tề tựu, một tiếng động và một cơn gió mạnh phát ra báo hiệu khởi đầu thời đại tạo dựng mới, thời đại Chúa Thánh Thần.  Người xuất hiện dưới “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa”.  Lưỡi là biểu tượng của ngôn ngữ và lửa là biểu tượng của tình yêu.  Khi các lưỡi lửa “tản ra đậu xuống từng người”, thì mọi người đều được tràn đầy ơn Thánh Thần và họ bắt đầu “nói” bằng ngôn ngữ của Thánh Thần!  Họ nói với những người từ khắp nơi đến Giê-ru-sa-lem và ai cũng nghe họ nói tiếng bản xứ của mình.  Cũng đâu có gì lạ, vì họ nói bằng ngôn ngữ tình yêu, bằng ngôn ngữ của Thiên Chúa.  Ngôn ngữ của kiêu căng thù hận là thứ ngôn ngữ gây chia rẽ, như chúng ta đã thấy trong cuộc dựng tháp Ba-ben (Sáng Thế 11:1-9).  Trái lại, ngôn ngữ của tình yêu là ngôn ngữ đem người ta về với sự tha thứ, hòa giải và hiệp nhất, con người hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau.  Cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa được thể hiện nhờ quyền năng và sức mạnh bởi thứ ngôn ngữ của Thánh Thần là tình yêu.  Xưa kia khi tạo dựng vũ trụ và con người, Thiên Chúa phán qua Ngôi Lời: “Phải có ánh sáng.  Liền có ánh sáng…”  Giờ đây, khi tái tạo dựng, Người phán qua Thánh Thần:  “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.  Chúng ta thử tưởng tượng xem vũ trụ và nhân loại này sẽ như thế nào khi cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa được thực hiện?  Tất cả đều do sức mạnh và quyền năng của Chúa Thánh Thần là Tình Yêu thông hiệp giữa Chúa Cha, Chúa Con và cả chúng ta nữa.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Từ Chúa Thánh Thần, chúng ta có những bài học về yêu thương, về hiệp nhất, về phục vụ và xây dựng Giáo Hội…, như thánh Phao-lô kể ra trong bài đọc 2.  Nhưng có một bài học dành riêng cho mỗi người chúng ta, là hãy để cho sức mạnh của Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta thành tạo vật mới trong cuộc tạo dựng mới.  Thánh Phao-lô quả thực là thần học gia về Chúa Thánh Thần!  Ngài khuyên chúng ta hãy trở nên tạo vật mới bằng cách “đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô”.  Muốn trở thành thứ gì, chúng ta cần một “khuôn mẫu” của thứ ấy.  Vậy muốn nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô thì chúng ta cứ theo khuôn mẫu Ki-tô.  WWJD (What Would Jesus Do) đã một thời là khẩu hiệu rất quen thuộc của học sinh Công giáo Mỹ.  Nhưng thiết nghĩ “hãy làm điều Chúa Giê-su làm” không chỉ là khẩu hiệu dành cho các em, mà cho cả chúng ta nữa.  Tóm lại, hãy theo lối sống của Chúa Giê-su!               

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Suy Niệm Lời Chúa Năm A