NIỀM VUI - THẬP GIÁ – VÀ ƠN CỨU ĐỘ
Suy niệm Lễ Lá
(Mt 26, 14-27, 66)
Với Chúa nhật Lễ Lá, khai mạc Tuần
Thánh, trung tâm của Năm Phụng Vụ, trong tuần này chúng ta dõi theo hành trình
thương khó của Chúa Giêsu, chết và sống lại.
Niềm vui
Hoan hô Thái Tử nhà Đa-vít! Chúc tụng Ðấng
ngự đến nhân danh Chúa! (Mt 21,9)
Nghe đọc những lời trên lúc mở đầu nghi
thức làm phép kiệu lá, tưởng nhớ tới sự kiện Chúa Giêsu vào thành
Giêrusalem, dân chúng rủ nhau ra mà đón : “Đông đảo dân chúng trải áo
xuống mặt đường , một số khác lại chặt cành chặt lá rải lên lối đi. Dân chúng,
người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vạng dậy : “Chúc tụng Đấng Chúc
tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng trời” (Mt
21,8-9). Giờ đây mỗi người cầm cành lá trong tay vừa đi vừa hát “Hoan hô...”
thấy thật là vui.
Đám đông dân chúng đón rước
Chúa lúc đó hân hoan, ngợi khen, chúc tụng. Đúng là một bầu khí
vui mừng mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái cử hành biến cố năm
xưa hôm nay. Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi lên
bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ,
nghèo khổ, bị lãng quên, những người không đáng kể gì trong xã hội. Người thấu
hiểu và cảm thông cảnh lầm than khốn khổ của họ, cúi mình xuống chữa
lành những vết thương thể xác cũng như tâm hồn và tỏ lòng từ
bi đối với họ.
Đúng như lời ngôn sứ I-sai-a nói
: “Người đã mang lấy các tật
nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”
(Mt 8,17). Đó là tình thương cao cả của Chúa Giêsu, Người đã
mang tình thương ấy đi vào thành Giêrusalem. Chúng ta thật vui mừng và
tràn đầy hy vọng, vì thế giới chúng ta sống đang rất cần tình thương đó.
Thập giá
Niềm vui của dân
chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa, bỗng sự đấu tố,
đòn vọt, vòng gai và thập giá bao trùm, những lời của Tiên tri
Isaia, bài tường thuật của thánh sử Mátthêu, và những bài đọc phụng vụ
khác dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và cái chết của
Chúa Giêsu. Isaia mô tả cho chúng ta hình ảnh của một người bị đánh
đòn và chịu vả mặt nhục nhã (x. Is 50, 6). Lời đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy
Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” Giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối của
Chúa Giêsu trên thập giá (Mt 27,46). Nơi bài đọc II, thánh Phaolô tông đồ giúp
chúng ta hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Vượt Qua: Chúa Giêsu, “dù
là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với
Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở
nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời
cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6-
8).
Một vị Vua cưỡi trên con lừa con, không
có đoàn tùy tùng đi theo, không có một binh đoàn biểu tượng quyền lực tiến vào
thành Giêrusalem là Chúa Giêsu. Người không vào Thành Thánh để nhận vinh dự
dành cho các vua trần thế, cho kẻ có quyền bính, cho kẻ thống trị; Người vào
thành để chịu đánh đòn, lăng mạ và xúc phạm, như Isaia đã tiên báo (x. Is
50,6); Người vào để chịu đội mão gai và mặc áo choàng đỏ, vương quyền của Người
là đối tượng cho sự nhạo cười; Người vào để bước lên đồi Canvê vai vác khổ
giá; Người vào thành Giêrusalem để chịu chết trên Thập giá. Thập
giá là ngai vàng của Người, Người mang lấy Thập giá trên
mình, mang vào mình sự ác, cùng với sự nhơ bẩn, tội lỗi của trần
thế và cả tội chúng ta nữa. Với lòng từ bi và tình thương của
Thiên Chúa, Người lấy máu mình mà tẩy rửa cho sạch. Vì thế, Thập
giá được Chúa Giêsu đón nhận với tình thương không bao giờ đưa tới sầu
muộn, nhưng dẫn đến niềm vui, niềm vui được cứu độ.
Sống Tuần Thánh
Bước vào Tuần Thánh, Giáo hội cùng với
con cái mình dõi theo Chúa Giêsu trên hành trình tiến lên đồi Canvê với Thập
giá và sự sống lại của Người. Sống Tuần Thánh là đi vào tình thương hiến
thân của Chúa Giêsu hầu mang lại sự sống cho con người
Lúc sinh thời, Chúa Giêsu đã rong ruổi
trên khắp nẻo đường, với lòng tin, Người đã chọn gọi 12 người đơn sơ để họ ở với
và tiếp tục sứ mạng yêu thương của Người. Trong Tuần Thánh chúng ta sống trọn vẹn
cuộc hành trình này. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để thi hành sứ mạng yêu
thương ấy.
Người không sống cách thụ động tình
thương dẫn đến hy sinh, hoặc như một định mệnh không thể tránh được; Người
không che giấu được sự xao xuyến sâu xa của một con người trước cái chết dữ dằn,
nhưng phó thác hoàn toàn nơi Chúa Cha. Chúa Giêsu tự ý nộp mình chịu khổ hình
và chịu chết, để chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Thánh
Phaolô cảm nghiệm được rằng, trên Thập giá, Chúa Giêsu “đã yêu thương tôi và
hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Mỗi người chúng ta có thể nói: Người đã yêu
thương tôi và đã phó nộp mình vì tôi.
Nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc thương
khó, chúng ta khám phá ra những đau khổ của nhân loại nói chung và những đau khổ
của chính cá nhân mình nói riêng. Chúa Giêsu, dù vô tội, đã nhận mang lấy vào
thân điều mà con người không thể chịu được như : sự bất công, sự dữ, tội lỗi, hận
thù, đau khổ và cuối cùng là sự chết. Trong Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa phải chịu
nhục nhã và đau khổ để chứng tỏ rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả, tha thứ cho
tất cả và mang đến cho con người ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống.
Mỗi năm, với Tuần Thánh, Giáo Hội bước
vào trong Mầu nhiệm Vượt Qua, Mầu nhiệm tưởng niệm cái chết và sự sống lại của
Chúa Giêsu. Chính nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội có thể công bố
cho thế giới bằng lời nói và bằng những việc làm tốt của những con cái mình rằng:
“Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh hiển” (Phil 2,11).
Phải, Chúa Giêsu Kitô là Chúa, Người là Chúa của thời gian và của lịch sử; là Ðấng
Cứu Chuộc con người; Người là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến!
Hosanna!
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy xin với
Mẹ là Ðấng đã theo Chúa Giêsu Con Mẹ trong suốt chặng đường dẫn tới Canvê
trong đức tin, giúp con cái Mẹ vác thập giá với niềm thanh thản và yêu thương
bước theo Chúa, để đạt được niềm vui của lễ Phục Sinh. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Dõi Theo Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu
Suy niệm Lễ Lá
(Mt 26, 14-27, 66)
Khi Chúa vào Thành Thánh
Chúa Giêsu muốn tất cả thật đơn giản,
nhưng giầu ý nghĩa về tính thiên sai. Trái lại, đám đông từ Galilêa đến dự lễ
Vượt Qua lại vui mừng phấn khởi. Chúa Giêsu tiến vào Thành Thánh, đám đông và
đoàn môn đệ cất tiếng ngợi ca : "Chúc tụng Đấng Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân
danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng trời” (Mt 21,8-9), làm cho chúng ta
nhớ lại lời thiên thần đã hát trong đêm Giáng sinh : "Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm"
(Lc 2, 14).
Sự nhiệt tình của đám đông gặp phải sự
chỉ trích của một số người Biệt Phái. Chúa Giêsu chấp nhận sự nhiệt tình này bởi
nó phát xuất từ trái tim, cho dù có phù du đi chăng nữa.
Một ngôn ngữ loài người
Toàn bộ sứ mạng của Người Tôi Tớ Đau Khổ
được Isaia tóm lại: lắng nghe để huấn luyện, huấn luyện để loan báo : "Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người
giáo huấn … Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng
lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn" (x. Is 50, 4-7). Thật dễ để mà nói,
"tôi đã không che giấu mặt mũi,
tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi" (Is 50, 6),
nhưng không dễ để mà sống. Vì thế, ta phải không ngừng lắng nghe Thiên Chúa, để
Thiên Chúa huấn luyện ta bằng ngôn ngữ loài người, để loan báo Thiên Chúa cho
anh em.
Người đã không lấy lại
Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, chia sẻ
tất cả vinh quang của loài người và vinh quang Thiên Chúa : "Đã trở nên giống như loài người, với cách thức
bề ngoài như một người phàm" (Pl 2,7). Là con người, một tạo vật
có giới hạn trong thời gian, gắn liền với khổ đau, ngược đãi và bị giết chết.
Trở nên giống phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi, dù là Đấng vô tội, Chúa Giêsu đã
khước từ vinh quang của Con Thiên Chúa và trở thành con của loài người, để hoàn
toàn liên đới với chúng ta là những người tội lỗi. Không những thế, Người đã sống
giữa chúng ta trong một "điều kiện của nô lệ": không phải như là vua,
cũng không phải là ông hoàng, nhưng là nô lệ. Vì thế Người đã hạ mình, và vực
thẳm sự hạ mình của Người, mà Tuần Thánh cho chúng ta thấy, xem ra không có
đáy, "vâng lời cho đến chết"
(Pl 2,8), đành mất tất cả để có được vinh quang trở về với Thiên Chúa.
Khởi đầu chặng Đàng Thánh Giá
Thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh như là
điểm khởi đầu con đường thập giá, chứ không phải vườn Cây Dầu. Thánh Thể thực
hiện hy tế của Thiên Chúa và ban tặng cho chúng ta những quả phúc tuyệt vời
ngay tức khắc. Mỗi khi cử hành, chúng ta thưa : "Xin đoái nhìn hiến lễ Hội Thánh dâng lên Chúa và khi Chúa nhận đây
chính là của lễ Con Cha đã dâng tiến" (Kinh Nguyện Thánh Thể III) Chúa
Giêsu nói với các môn đệ : "Tất
cả các con hãy uống chén này, vì này là Máu Ta, Máu Tân Ước, sẽ đổ ra cho nhiều
người được ta tội " (Mt 26,27-28).
Trong vườn Giệtsimani
Trong thư gửi tín hữu Do thái Chúa Giêsu
nói : "Con đến để làm theo Ý
Cha" (Dt 10,9-10) lấy lại những lời Thánh Vịnh (Tv 39, 8). Nhưng
lời đó vẫn tiếp tục và đặt chúng ta vào trong lễ dâng hiến của Chúa Kitô. Chính
trong ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã dâng hiến chính thân mình làm của lễ để cứu chuộc
chúng ta.
Có lần chúng ta bước trượt, lúc đó bàn
tay ta không có gì để nắm. Có lúc trái tim ta bồi hồi trong ta, cuộc sống
mất đi ý nghĩa, khi tình yêu tan rã, tâm trí chúng ta mất hướng. Chúa biết rằng
trong vườn cây Dầu, có các môn đệ ở gần, Người vẫn cảm thấy cô đơn : "Bây giờ các con còn ngủ ư?" (Mt 26,
45).
Nhưng sự cô đơn không phủ kín trên Người,
mà đưa Người đến với lễ vật tự hiến phổ quát. Thánh Phaolô viết cho tín hữu
Philipphê "Để mọi miệng lưỡi phải
tuyên xưng" (Pl 2, 11). Chúng ta phải ra khỏi chính mình, vượt
ra ngoài bóng đêm để tìm kiếm Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, tìm ánh sáng của
Ngài.
Chối Chúa
Hầu như tất cả các môn đệ khác trốn chạy
và bỏ rơi Thày, còn Phêrô với thanh gươm cầm sẵn trong tay, tin tưởng vào sức
riêng mình, ông dồn sức lực vào sự nhiệt tình với Chúa. Giờ đây ông tìm lại
chính mình. Ông biết rõ người mà tên đầy tớ nữ hỏi ông, nhưng ông vẫn
nói : "Tôi không biết người ấy"
(Mt 26,71).
Con gà là con vật không màng chi đến giờ
giấc, vào thời điểm đó đã cất tiếng gáy. Phêrô sau khi chối Chúa, quay lại nhìn
Chúa Giêsu, ông sợ hãi. Lúc này, Chúa không đến nắm lấy tay Phêrô như ngày ông
bị chìm trên biển khi đang đến cùng Chúa. Với cái nhìn yêu thương, giờ đây Chúa
Giêsu nhắc nhở Phêrô, ông quay lại và nhìn Chúa, cái nhìn lén lút, gặp ánh mắt
"yêu thương", ông sực nhớ lời
Chúa Giêsu đã nói với ông : "Trước
khi gà gáy, con đã chối Ta ba lần" (Mt 26, 75).
Chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn chúng
ta, cho chúng ta tính xác thực của tình yêu thương xót vượt trên sự yếu hèn của
chúng ta.
Các ông nói, quan nói
Trước Công Nghị, giới lãnh đạo Do thái hỏi
Chúa Giêsu xem có phải là Vua không ? Chúa Giêsu không trả lời. Bị hạ nhục trong tâm hồn với
các chế nhạo, xỉ vả, và khạc nhổ, thân
xác phải chịu đánh đập, đòn vọt và mạo
gai khiến cho diện mạo của Ngườii không còn hình tượng người ta nữa. Trước quyền
bính tôn giáo và chính trị: Ngài đã tự biến thành tội nhâ và bị coi là bất
chính. Thế rồi quan Philatô gửi Người qua cho vua Hêrôđê và ông này lại gửi
Chúa trở lại cho quan tổng trấn. Với Philatô, ông lồng chính trị vào khi hỏi
Chúa Giêsu : "Ông có phải là Vua dân
Do Thái không?" (Mt 27,11). Chúa Giêsu trả lời : "Ông nói đúng" (Mt 27, 11). Chúa
cũng yêu cầu chúng ta trả lời cùng một câu hỏi, mà Chúa hỏi các môn đệ :
"Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?"
Chúa Giêsu không đòi cho mình
Sau khi bị bán với 30 đồng bạc và bị phản
bội bởi một môn đệ Ngài đã chọn và gọi là bạn. Chúa Giêsu trong tư cách là con
người bị bỏ rơi và bị ngược đãi. Người bị nộp vào tay kẻ dữ, bị mạc cả với
kẻ sát nhân, phải vác thánh giá nặng nhục nhã và bị nhạo báng như tên nô lệ.
Người khiêm nhường đến độ không còn được tôn trọng. Người đã tự hủy mình ra
không, không còn sức để vác cây thập giá.
Trong khi Ngài bị khước từ mọi công lý,
Chúa Giêsu cũng cảm nhận trên da thịt mình sự dửng dưng, bỏi vì không ai muốn
lãnh trách nhiệm đối với số phận của Người. Dân chúng biến các lời chúc tụng
thành tiếng kêu tố cáo, thích cho một kẻ sát nhân được trả tự do cho họ hơn. Và
thế là Chúa bị chết trên thập giá, là cái chết đớn đau và hổ nhục nhất dành cho
các kẻ phản bội, nô lệ và các kẻ tội phạm tồi tệ nhất.
Chúa không đòi cho mình một đặc quyền đặc
lợi nào, chẳng là gì trước sự tàn bạo của binh lính, kể cả Simon người
Cyrênê, Chúa cũng chẳng là gì, ông kề vai vác đỡ, chẳng qua ông bị bắt vác
mà thôi. Ông không biết ý nghĩa, cử chỉ vác thánh giá này. Những người nhạo
báng hay tên lính lấy bọt biển nhúng giấm cho Chúa uống, họ có hiểu được không?
Ba năm mỏi chân đi giảng đạo cho muôn
dân, với những phép lạ Chúa làm, an ủi những người ốm đau, bệnh tật, nghèo nàn
đã không làm cho họ khám phá con người thật của Chúa Giêsu. Trong vườn Cây Dầu,
một mình đối diện với Chúa Cha, Chúa không xin điều gì : ngoại trừ xin ơn
tha thứ cho những ai làm khốn mình, vì Chúa đến để mang ơn tha thứ cho mọi người.
Bóng tối và màn Đền Thờ bị xé
"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Vài khoảng
giờ thứ chín thì … Bỗng nhiên màn đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới"
(Mt 27,45-51). Chúa Giêsu trút hơi thở trao phó linh hồn trong tay Chúa Cha và
từ nay, chắc chắn Người là tác nhân Phục Sinh, hoàn tất điều có thể trao ban.
Lòng thương xót của Chúa chạm tới con tim của viên quản bách quân, khiến anh ngợi
khen vinh quang Thiên Chúa : “Đúng người này là Con Thiên Chúa" (Mt
27,45-51), và đám đông cảm thấy nhu cầu cần thiết phải được tha thứ liền đấm ngực
ăn năn trở về mừng lễ Vượt Qua.
Giuse người Arimathia với tư cách là môn
đệ đã quyết định tự mình đến xin Philatô cho được tháo đanh táng xác Chúa. Những
người phụ nữ thánh thiện về nhà chuẩn bị thuốc thơm vì hôm sau là lễ Vượt Qua.
Các đèn chiếu sáng ngày Sabát của lễ Vượt Qua bắt đầu tỏa sáng. Nhưng nó vẫn
còn tối.
Vinh quang Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa vào
buối sáng ngày Phục Sinh khi tấm cửa mộ bị lăn ra như bức màn của đền thờ bị
xé. Ngày thứ nhất trong tuần, sau khi sống lại, Chúa đến gặp mấy người phụ nữ
và trao ban sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh. (x. Mt 28).
Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành các mầu
nhiệm thánh, Chúa đã ban cho chúng con được thỏa chí toại lòng. Nhờ Con Một
Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa làm cho chúng con tin tưởng vững vàng sẽ được
ơn cứu độ, thì nhờ mầu nhiệm Người đã phục sinh, xin cho chúng con đạt tới quê
trời như lòng hằng mong ước. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Tại làm sao Chúa chết?
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật Lễ Lá – năm A
(Mt 26, 14-27, 66)
Sau
khi đọc bài tường thuật đầy đủ về cuộc Thương Khó của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng
ta theo thánh Matthêu. Chúng ta không thể không màng chi đến những sự xảy ra
trước đó. Nhiều người không khỏi thắc mắc : một con người như vậy sao lại kết
thúc trên Thánh giá? Đâu là nguyên do dẫn đến cái chết và ai là người chịu
trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?
Theo một lý thuyết lưu hành vào thế kỷ 20
sau thảm kịch Shoah, Hitler tiêu diệt những người Do thái, người ta qui trách
nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu cho người Do thái, Philatô và các thẩm quyền
Rôma thời ấy, mà động lực thúc đẩy thuộc bản chất chính trị hơn là tôn giáo.
Bằng chứng là Hội đồng Do thái, đứng đầu là
Thượng Tế Caipha đã họp nhau “bàn với nhau lấy mưu bắt cho được Ðức Giêsu mà
giết đi” (Mt 26, 4) ; “tìm chứng gian cáo Chúa Giêsu để lên án xử
tử Người” (Mt 26, 59), chứng gian tìm không được, Caipha nại vào sự thật để
kết án tử hình: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, ta truyền cho ông hãy nói
cho chúng ta biết: Ông có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa không?”
(Mt 26, 63). Ông còn hùng hồn minh họa lời phán xét bằng cử chỉ xé áo: “Hắn
nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói
phạm thượng, quý vị nghĩ sao?” (Mt 26, 65) Cuộc họp ban đêm kết thúc với
lời hô hoán: “Nó đáng chết!” (Mt 26, 66)
Nhưng chuyện không đơn giản, vì muốn giết
được Chúa Giêsu phải qua tay tổng trấn Rôma là Philatô, nên họ “trói Người
và điệu đi nộp cho tổng trấn Phongxiô Philatô” (Mt 27, 2). Philatô không phải là người
quan tâm với sự công chính đến nỗi âu lo về số phận của một người Do thái không
tên tuổi; ông ta là một mẫu người cứng cỏi, độc ác, sẵn sàng đổ máu nếu có một
dấu vết rất nhỏ nổi loạn (x. Lc 13, 1-9). Tất cả sự này là hoàn toàn đúng. Tuy
nhiên, ông không ra sức cứu sống Chúa Giêsu vì thương cảm nạn nhân, nhưng chỉ
để ghi một điểm thắng chống lại những kẻ tố cáo Chúa Giêsu, với họ ông đã có
xung đột từ ngày tới đất Giuđêa. Dĩ nhiên, sự này không giảm bớt trách nhiệm
của Pilatô trong việc lên án Chúa Giêsu, một trách nhiệm ông đã chia sẻ với
những nhà lãnh đạo Do thái.
Khi gặp Chúa Giêsu, Philatô hỏi : “Ông
có phải là vua dân Do thái không?” Câu trả lời của Chúa xem ra bí ẩn : “Chính ông nói đó” (Mt 27, 11).Tổng trấn Philatô rất đỗi kinh ngạc, lại
thêm lời của vợ ông : “Xin ông
đừng can thiệp gì đến vụ người công chính ấy, vì hôm nay trong một giấc chiêm
bao, tôi đã phải đau khổ rất nhiều vì người ấy”(Mt 27, 19).
Đối diện với những kẻ đòi giết Chúa Giêsu,
Philatô không biết làm sao, ông nghĩ ra trò tráo mạng Giêsu bằng cách đưa cho
dân “một phạm nhân khét tiếng tên là Baraba” (Mt 27, 16), để may chăng
dân chúng tha cho Chúa Giêsu, nhưng ông đã lầm, dân chúng càng hô to: “Tha
Baraba , giết Giêsu [ ...] Đóng đinh nó vào thập giá” (Mt
27, 20-22). Kế sách không thành, nên ông lấy nước rửa tay trước mặt dân
chúng và nói: “Ta vô can về máu
người công chính này, mặc kệ các ngươi ”(Mt 27, 24). Các thượng tế và kinh sư chấp nhận: “Máu
hắn cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27, 25). Philatô
nhượng bộ hoàn toàn: “phóng thích Baraba cho họ, còn Chúa Giêsu thì trao cho
họ đánh đòn, rồi đem đi đóng đinh vào thập giá” (Mt 27, 26).
Khi quyết định trao nộp Chúa Giêsu thì ông cũng đi vào cái vòng di chuyển của
họ. Tin Mừng được giả thiết là đã minh oan cho Philatô và tố cáo những người
lãnh đạo Do thái chủ mưu giết Chúa. Chính thánh Phaolô khi tường thuật về án tử
của Chúa Giêsu giống như các sách Tin Mừng mô tả, ông viết “những người Do
thái đã giết Chúa Giêsu” (1 Tx 2,15).
Từ những tường thuật về cái chết của Chúa
Giêsu trong Talmud và trong những tài liệu Do thái khác, truyền thống Do thái
không bao giờ từ chối sự tham gia của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó trong
việc lên án Chúa Giêsu. Họ không bênh vực mình bằng sự chối bỏ hành động, nhưng
nếu có hành động nào, họ đã chối rằng hành động đó, từ viễn ảnh Do thái, làm
thành một tội ác và án tử Chúa Kitô Giêsu là một án bất công.
Như vậy, đối với câu hỏi, “ tại sao
Chúa chết ? ” Sau tất cả những nghiên cứu và những sự lựa chọn được đề nghị,
chúng ta phải đưa ra cũng một câu trả lời như trong các Tin Mừng là Người bị
kết án vì những lý do tôn giáo. Kết luận, các thẩm quyền tôn giáo và các thẩm
quyền chính trị, các thủ lãnh Công Nghị và quan tổng trấn Roma, cả hai đã tham
gia, vì những lý do khác nhau, trong sự xử án Chúa Kitô.
Phần lớn chúng ta, những người tin Chúa
Giêsu đều nghĩ rằng chính những người Do thái đã giết Chúa. Chúng ta cũng
thường qui kết cho Giuđa là kẻ phản bội đã bán đứng Thấy, kẻ tiếp tay cho các
thượng tế và kinh sư bắt nộp Chúa. Xem ra chỉ có Giuđa và giới lãnh đạo Do thái
mới nhìn nhận mình có liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu, thấy Người bị kết
án thì hối hận, đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ lão mà nói
rằng :“Tôi đã phạm tội nộp máu người công chính”. Các thượng thế
phủi tay với Giuđa : “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh”. Còn Philatô rửa
tay trước mặt họ: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu
lấy”.
Thế là Giuđa nộp máu người vô tội, Philatô
cũng nộp máu người vô tội. Các thượng tế và đám đông hứng máu người vô tội cho
mình và cho con cháu khi đáp : “Máu hắn cứ đổ trên đầu chúng tôi
và con cháu chúng tôi” (Mt 27, 25).
Mỗi khi Tuần Thánh về, đọc lại bài Thương
Khó Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Giáo hội muốn mỗi người chúng ta, thay vì đổ
tội cho người Do thái, thì nhìn thấy trách nhiệm của mình trong cái chết của
Chúa Giêsu. Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh. Tội lỗi
làm cho chúng ta xa lìa Thiên Chúa và tha nhân, chống lại Thiên Chúa và chống
lại nhau, dẫn đến nguy cơ mất ơn cứu độ. Nên Thiên Chúa đã vì loài người chúng
ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…chịu đóng đanh, chị chết
để chuộc tội cho chúng ta.
Khi ta từ chối Chúa và chương trình thiêng
liêng của Người, hay xúc phạm đến Thiên Chúa, không sống xứng đáng là con Thiên
Chúa, chúng ta chịu trách nhiệm cách đặc biệt hơn vào cái chết của Chúa. Mỗi
lần chúng ta phạm tội bất công, lỗi đức bác ái, gây gương mù gương xấu, cộng
tác với sự dữ gây tác hại trực tiếp cho tha nhân, làm hại bản thân, gây thiệt
hại cho cả Hội Thánh nữa là chúng ta làm khổ nhau, nhất là làm cho Chúa phải
đau phiền và phải chết.
Ước gì khi suy niệm về cái chết của Chúa
Giêsu, mỗi người chúng ta thêm lòng tin vào Chúa, yêu mến Chúa cách mãnh liệt
hơn, và đặt tất cả lòng cậy trông vào Chúa. Chúng ta tin Chúa Giêsu đã chết vì
tội lỗi chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ