LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA, NĂM A

MẸ THIÊN CHÚA LÀ NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH

(Gl 4, 4-7; Ds 6, 22-27; Lc 2,16-21)

Hôm nay, toàn thể nhân loại hân hoan đón chào năm mới Dương Lịch. Riêng với người Công Giáo, niềm vui ấy còn gắn liền với sự thánh thiêng khi cùng nhau cử hành lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình thế giới.

Thật là đặc biệt và ý nghĩa vì hai sự kiện này được diễn ra khi cả nhân loại đang cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, Ngài là Vua hòa bình. Trong tâm tình đó, xin mượn lời tác giả sách Dân Số để gửi đến anh chị em lời cầu chúc thánh thiện trong ngày đầu năm này: “Nguyện xin Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến, ban bình an và dủ lòng thương xót anh chị em” (x. Ds 6,25-26).

1.      Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Phụng vụ Giáo Hội ngày đầu năm Dương Lịch hướng chúng ta về Đức Maria trong vai trò là Mẹ Thiên Chúa. Đây là một ơn ban đặc biệt và vô cùng cao trọng vì chính Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Thế: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến để sinh bởi người phụ nữ và sinh dưới chế độ lề luật” (x. Gl 4,4).

Như vậy, Thiên Chúa vốn vô hình, nhưng nay, Người đã trở nên hữu hình qua việc đón nhận dung mạo của một con người.

Thật vậy, khi Con Thiên Chúa làm người, Ngài cũng cần một người mẹ như bao trẻ em khác. Vì thế, Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria là một thiếu nữ Dothái, trinh nữ vẹn tuyền, để nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Mẹ thụ thai và sinh hạ Đấng Cứu Thế.

Mặc dù Đức Maria không sinh ra Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Mẹ chỉ sinh ra Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Mẹ thực sự là Mẹ Thiên Chúa (x. Công đồng Êphêsô năm 431). Đây là một mầu nhiệm mà chắc chắn chính Mẹ Maria cũng không thể hiểu được sự vĩ đại và cao cả này.

Nhờ Mẹ Maria đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa trong cung lòng mình, nên ngang qua đó, Thiên Chúa cũng tỏ dung mạo của mình trong Người Con của Đức Trinh Nữ Maria. Thế nên, Đức Maria được xứng đáng tôn vinh với tước hiệu cao trọng nhất, đó là Mẹ Thiên Chúa. Cũng chính vì lẽ đó mà Giáo Hội không ngớt tôn vinh và tôn nhận cũng như cầu khẩn Mẹ dưới tước hiệu cao quý này:

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.

2.           Tình Mẫu Tử của Mẹ Maria nơi chúng ta


Mối tương quan giữa Mẹ Maria và chúng ta có một sự mật thiết rất thiêng liêng, bởi vì Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa khi Mẹ cưu mang và sinh thành Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Khi trở thành một con người giống như bao người, Đức Giêsu, trở thành Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc là chính chúng ta, thì Mẹ Maria cũng là Mẹ của tất cả mọi người.

Vì thế, nếu suốt cuộc đời của Mẹ đã theo sát Đức Giêsu từ lúc đầu thai đến khi về trời, thì Mẹ cũng luôn luôn đồng hành với con cái của Mẹ trên trần gian mọi lúc mọi nơi.

Điều này không chỉ là tình mẫu tử gắn liền với vai trò làm Mẹ của Đức Giêsu, mà chính Đức Giêsu đã long trọng trao phó thánh Gioan là đại diện toàn thể nhân loại cho trái tim từ mẫu của Mẹ Maria: “Hỡi Bà, này là con Bà”. Đồng thời Ngài cũng trao phó Mẹ của Ngài cho chúng ta qua thánh Gioan: “Này là Mẹ anh”.

Chính vì lẽ đó mà cuộc đời của mỗi chúng ta luôn có Mẹ đồng hành. Niềm vui, nỗi buồn của chúng ta luôn có Mẹ cùng sớt chia. Thật vậy, nếu người mẹ trần gian luôn luôn yêu thương con cái mình hết mực, dù nó có xấu xí, tội lỗi thế nào đi nữa, thì bà vẫn yêu chỉ vì một lý do đơn giản, vì: nó là con của bà. Cũng vậy, Mẹ Maria, với vai trò là Nữ Hoàng Thiên Quốc, Mẹ của chúng sinh, thì không lý do gì mà Mẹ không yêu thương chúng ta như thể đã yêu thương và chăm sóc Đức Giêsu lúc còn tại thế.

Tình yêu của Mẹ Maria dành cho chúng ta thật lớn lao. Vì thế, chúng ta hãy yêu mến Mẹ, gắn bó cuộc đời của chúng ta cho Mẹ, để Mẹ dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu Con Chí Ái của Mẹ.

3.           Mẹ Maria – Nữ Vương Hòa Bình

 

Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới, chúng ta hãy hướng tâm tình về ý chỉ đó.

Kể từ khi Đức Giêsu nhập thể, giáng sinh và làm người, Ngài đã trở thành Hoàng Tử Hòa Bình. Sự xuất hiện của Ngài là trung tâm của hòa bình.

Tại sao vậy? Thưa, vì trước khi Con Thiên Chúa chưa làm người, không một ai và không có cách nào để làm cho: “Đất Trời giao duyên”. Bởi vì, do tội lỗi của Nguyên Tổ cũng như của cha ông đã phạm phải nên đã gây ra sự chia cắt này. Chính vì thế, giữa Thiên Chúa và con người có một khoảng cách mà không thể trực tiếp gặp gỡ do sự bất xứng của nhân loại. Tuy nhiên, khi Đức Giêsu nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria cũng như đã giáng sinh và trở thành Đấng Emmanuen, thì cây cầu đó được nối lại, chiếc thang nối liền được dựng lên và con người được giao hòa lại với Thiên Chúa. Trong công cuộc vĩ đại của sự hòa giải này, Đức Maria đóng một vai trò quyết định. Bởi lẽ, khi Mẹ trở thành thân mẫu Hoàng Tử Hòa Bình thì Mẹ cũng trở thành Nữ Vương Hòa Bình.

Vì vậy, việc mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa trong ngày đầu năm Dương Lịch, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về nền hòa bình trên thế giới để cầu nguyện cho mọi người được an bình thư thái, hạnh phúc ấm êm.

Thật vậy, lời mời gọi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia, biết cùng nhau ngồi lại để mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Biết đặt trọng tâm của mọi hoạt động chính là con người. Biết nghĩ đến lợi ích của nhân loại lên trên quốc gia. Biết coi trọng tập thể hơn cá nhân luôn là lời hối thúc đến cần thiết.

Chúng ta không thể chấp nhận những ngụy biện về lợi tức kinh tế, chính trị, khoa học để gây chiến tranh. Không thể có một lý do nào được coi là xứng đáng khi nhân danh chiến tranh để xây dựng hòa bình. Bởi vì, không thể dùng mục đích tốt để biện minh cho hành động xấu!

Muốn làm được điều đó, những người có trách nhiệm phải trung thành với sự mách bảo của Lương Tâm, để sẵn sàng cho một cuộc hòa giải vì lợi ích của con người.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Giáo Hội muốn chính mỗi người chúng ta hãy trở thành người xây dựng hòa bình trong chính đời sống thường ngày của mình. Đó là: sống tình huynh đệ với xóm làng, khu phố. Thực thi lòng bác ái với anh chị em đau khổ. Vươn mình ra khỏi vỏ bọc ích kỷ để biết nghĩ đến người khác.

Làm được điều đó, chúng ta đang góp phần rất lớn vào trong công cuộc vĩ đại của thế giới trong việc bảo vệ và xây dựng hòa bình cho nhân loại.

Để kết thúc, xin mượn lời của thánh Phaolô để khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa trên những người có trách nhiệm xây dựng hòa bình cũng như mỗi người chúng ta:  “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 67,2-3).

 

Lạy Chúa Giêsu là Hoàng Tử Hòa Bình, xin Chúa ban cho mọi người trên thế giới này biết sống tâm tình của Mẹ Maria, đó là biết lắng nghe, suy gẫm và thực hành Lời Chúa dạy để thế giới này được bình an đích thực. Amen.


Suy Niệm Lời Chúa Năm A