CHÚA
NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN, NĂM A
LỄ MÌNH VÀ MÁU CHÚA
GIÊSU
“CHÓP ĐỈNH VÀ NGUỒN
MẠCH” CỦA GIÁO HỘI
LÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ
(Đnl,8,2-3.14-16; lCr
l0,16-17; Ga 6,51-58)
Nếu chiều
thứ năm Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành thánh lễ Tiệc Ly, kỷ niệm việc Chúa Giêsu
thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với loài người mọi ngày cho đến tận thế,
thì hôm nay, Giáo Hội long trọng cử hành thánh lễ kính Mình và Máu Chúa Giêsu
nơi Bí Tích Thánh Thể. Khi cử hành như thế, Giáo Hội cảm nghiệm và xác tín
rằng: Bí tích Thánh Thể chính là trung tâm trong lịch sử của nhân loại, là "nguồn mạch" và “chóp đỉnh” của mọi sinh hoạt trong
phụng vụ của Giáo Hội, bởi vì Thánh Thể là lương thực cần thiết cho sự sống và
sứ mạng của Giáo Hội.
Thật là ý nghĩa và tốt đẹp
biết bao khi các tín hữu trong ngày Lễ này, quy tụ với nhau chung quanh Thánh
Thể, để tôn thờ Người hiện diện trong Bí tích cao trọng qua các hình thức đạo
đức như chầu và rước kiệu Thánh Thể, sốt sắng tham dự Thánh lễ và rước Mình và
Máu Thánh Chúa xách xứng đáng, để thể hiện niềm tin vào Chúa Giêsu hằng sống và nói lên niềm vui vì sự hiện diện của Ngài
trong nhân loại và trên cuộc đời.
1.
Sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể
Trong Giáo
Hội có Bẩy Bí tích, nơi các Bí tích này đều có sự liên hệ mật thiết với nhau
làm nên tính toàn thể trong mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Bí
tích cao trọng nhất và vĩ đại nhất vẫn là Bí tích Thánh Thể. Vì thế, Bí tích
này được gọi là: “Bí tích của các Bí
tích”: Thật vậy: “Tất cả các Bí tích
khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể như về cùng đích” (GLHTCG số 1211),
và đời sống đức tin của chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể như là cứu cánh của
mình.
Vì thế, không có kinh nào,
nghi thức nào và tổ chức nào cao trọng, quý mến cho bằng Thánh lễ, bởi vì trong
Thánh lễ sẽ diễn ra một cuộc trao đổi kỳ diệu dưới sự tác động của Chúa Thánh
Thần, làm cho bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Chúa Giêsu qua lời truyền phép
của linh mục. Bí tích Thánh Thể nói lên sự hiện diện thực sự và trọn vẹn của
Chúa Giêsu. Cũng qua Thánh lễ, cùng với của lễ tuyệt hảo là Chúa Giêsu trên
Thánh giá, chúng ta nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, dâng lên Thiên Chúa Cha
lời chúc tụng, tạ ơn và cầu xin.
Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa
Giêsu diễn tả tình yêu trọn vẹn khi trao hiến Thịt và Máu của mình làm của ăn,
của uống cho nhân loại. Qua Bí tích Cực Thánh này, Chúa Giêsu hiện diện dưới
hình bánh, hình rượu để trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta, làm cho đời
sống tinh thần của chúng ta được lớn mạnh không ngừng.
Chính
vì thế, Bí tích Thánh Thể là "Nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống kitô hữu" (x. LG
11). "Hy lễ Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa, tiếp
diễn mãi mãi Hy Lễ Thánh Giá, là tuyệt đỉnh và nguồn suối của tất cả phụng tự
và đời sống Kitô giáo. Nhờ Hy Lễ Thánh Thể, sự hiệp nhất của dân Chúa được biểu
lộ và thể hiện, việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô được hoàn tất. Bởi đấy, các
Bí Tích khác và mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội đều quy hướng về và liên kết
chặt chẽ với Bí Tích Thánh Thể" (Giáo
Luật, số 897). Thật vậy, mỗi lần Hy tế Thập giá được cử hành trên bàn
thờ, nhờ đó “Chúa Kitô, Chiên vượt qua
của chúng ta chịu hiến tế (x. 1 Cr 5,7), thì công cuộc cứu chuộc chúng ta
được thực hiện” (x. LG, số 3).
Như thế, tham dự và cử hành
Bí tích Thánh Thể trong khuôn khổ Thánh lễ Tạ Ơn là việc vô cùng quan trọng
trong đời sống của Giáo Hội và của mọi người tín hữu Chúa Kitô, vì đây chính
là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất
cả đời sống Kitô giáo” (x. LG, số 11) như Giáo Hội dạy.
Mỗi khi chúng ta cử hành Bí
tích Thánh Thể hay tôn sùng Bí tích cao trọng này cách xứng đáng, ấy là lúc
chúng ta tin nhận Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh” của đời sống Kitô hữu. Nói cách khác, toàn
thể đời sống tâm linh của Kitô hữu cũng như mọi cử hành phụng vụ của Giáo Hội
được bắt nguồn từ Bí Tích Thánh Thể.
Khi xác tín như thế,
chúng ta cùng nhau hướng mục đích của cuộc đời mình về Chúa Giêsu như một sự quy chiếu đến cùng đích tối hậu của cuộc sống
nơi mình. Đồng thời, mỗi khi cử hành và tôn sùng Bí tích Thánh Thể, Giáo Hội mời
gọi con cái mình trở nên giống Chúa Giêsu ngày càng mật thiết hơn và sống mầu
nhiệm Thánh Thể trong đời sống hằng ngày.
Như thế, đời sống tâm
linh của chúng ta phải là con đường hai chiều. Con đường này khởi đi từ Bí tích
Thánh Thể, rồi sau đó lại đưa dẫn chúng ta trở về với Thiên Chúa trong Bí tích
này. Mối liên hệ trên được diễn ra trong tình yêu. Chính nhờ tình yêu, mà chúng
ta cũng kết hợp với toàn thể Giáo Hội, là Nhiệm Thể Đức Kitô. Để rồi nhờ hồng
ân Bí tích Thánh Thể, chúng ta thương yêu tha nhân như chính mình vì họ là hình
ảnh của Thiên Chúa.
Đức thánh giáo hoàng Gioan
Phaolô II, trong Tông thư “Mane Nobiscum
Domine – lạy Chúa, xin ở lại với chúng con” đã nhấn mạnh: “Mỗi lần ta dự phần vào Mình và Máu Người,
chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta không thể giữ lại cho
riêng mình niềm hân hoan mình đã cảm nghiệm. Việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô
cách thường xuyên được tăng triển và đào sâu trong Bí tích Thánh Thể khơi lên
trong Giáo Hội và nơi mỗi tín hữu một lời mời gọi khẩn thiết cho việc làm chứng
và rao giảng Tin Mừng” (Gioan Phaolô II, Mane Nobiscum Domine, số 24).
Người Kitô hữu chúng ta không
thể sống khác đi được. Nếu đi ngược lại, chúng ta đánh mất chính mình vì đã mâu
thuẫn nội tại.
Vì thế, mỗi khi tham dự Thánh
Lễ, nhất là rước Mình và Máu Chúa vào trong linh hồn chúng ta, hẳn là hơn bao
giờ hết, chúng ta được mời gọi để trở nên thánh thiện, trong sạch hầu xứng đáng
với Mầu Nhiệm ta đã lãnh nhận.
Thông hiệp vào Mầu Nhiệm Cực
Thánh này, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để đi vào tận sâu thẳm của tình
yêu Thiên Chúa để cảm nghiệm được tình yêu tự hiến nơi Chúa Giêsu, Đấng đã “đến để phục vụ chứ không phải để được phục
vụ”, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, để qua đó, mời gọi chúng ta
noi gương Ngài, phục vụ anh chị em mình với sự khiêm nhường trong lòng mến.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa và siêng năng tham dự Thánh lễ, rước Mình và Máu Chúa cách xứng đáng; đồng thời luôn xác tín Bí tích Thánh Thể chính là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Giáo Hội và nơi mỗi người chúng con. Amen.